Vì sao doanh nghiệp xin thoát khỏi SCIC?

08/03/2013 15:02
Theo Tuổi trẻ
Hiện nay Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) vẫn đang hoàn tất những thủ tục cần thiết để chính thức về với UBND tỉnh An Giang. Điều này có nghĩa 26,12% vốn nhà nước tại AGPPS đang được bàn giao từ SCIC về UBND tỉnh An Giang.

Với những người trong cuộc, đây là việc chuyển giao cần thiết, hợp lý và đúng lúc. Tuy nhiên với giới đầu tư, việc chuyển giao này được xem là bước lùi của mô hình quản lý vốn nhà nước.
Trở về chủ cũ

Ông Huỳnh Văn Thòn, chủ tịch hội đồng quản trị AGPPS, nói cần nhìn nhận việc AGPPS về UBND tỉnh An Giang là một ngoại lệ nhưng cũng may mắn vì những nhiệm vụ mà AGPPS đang thực hiện. “Sau khi chuyển giao về UBND tỉnh An Giang, mà chính xác hơn là về với khu vực ĐBSCL, các chương trình tam nông thực hiện nhận được sự ủng hộ, chỉ đạo kịp thời hơn, gần gũi hơn khi ở với SCIC” - ông Thòn giải thích. Chương trình mà vị chủ tịch hội đồng quản trị AGPPS nói đến chính là chuỗi giá trị lúa gạo hay còn được biết đến với dự án mô hình cánh đồng mẫu lớn.

SCIC đã đầu tư cả ngàn tỉ đồng vào Vinaconex.
SCIC đã đầu tư cả ngàn tỉ đồng vào Vinaconex.

Xuất thân từ Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang, AGPPS được thành lập năm 1993 và được cổ phần hóa vào tháng 9/2004. Sau đó, vốn nhà nước được bàn giao từ UBND An Giang về SCIC. Tháng 9/2010, AGPPS tăng vốn điều lệ từ 270 tỉ đồng lên 310,5 tỉ đồng bằng phương thức phát hành riêng lẻ cho các đối tác lớn và phát hành cho cán bộ nhân viên. Trong đợt phát hành này, cổ đông SCIC không tham gia nên tỉ lệ sở hữu tại AGPPS giảm từ 30% xuống 26,12%.

Cũng bắt đầu từ  năm 2011, SCIC bắt đầu có động thái để thoái vốn dần ra khỏi AGPPS, khi đơn vị này

Một vai gánh nhiều lĩnh vực

Một trong những điển hình về người đại diện của SCIC tham gia hội đồng quản trị ở nhiều lĩnh vực là trường hợp của ông Lê Song Lai, phó tổng giám đốc SCIC. Hiện ông Lai đang làm người đại diện vốn nhà nước và tham gia hội đồng quản trị tại những doanh nghiệp lớn.

Ông Lai là người đại diện của SCIC, nắm giữ khoảng 30% vốn điều lệ của Vinamilk, thành viên hội đồng quản trị Công ty cổ phần FPT, thành viên hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia VN.

bên cạnh dựa vào thế mạnh về thuốc bảo vệ thực vật, giống đã mở rộng sang sản xuất, chế biến và kinh doanh gạo với mô hình cánh đồng mẫu lớn.

Thế nhưng, thiếu sự ủng hộ tích cực của SCIC, AGPPS rơi vào tình thế oái oăm. Nhóm cổ đông lớn ba nhà đầu tư nước ngoài gồm VinaCapital, Vietnam Holding, Duxton đã bỏ phiếu phủ quyết tất cả mọi vấn đề tại đại hội cổ đông thường niên năm 2012 của công ty.  

“Nếu xét về phương diện hiệu quả, cánh đồng mẫu lớn AGPPS đang thực hiện không đem lại lợi nhuận tức thì, chiến lược đó cần được xem là khoản đầu tư lâu dài nhưng điểm cuối cùng là vẫn đảm bảo lợi ích, cổ tức bình quân 30%/năm như thời gian qua” - ông Thòn nói. 

Với một lĩnh vực được cho là “nhạy cảm” ở một quốc gia nông nghiệp như VN và luôn nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư nước ngoài như AGPPS, thì việc SCIC tìm cách thoái vốn trong bối cảnh “ăn nên làm ra” khiến nhiều nhà đầu tư đã đặt câu hỏi phải chăng SCIC không đủ nhân sự, năng lực giám sát để quản lý vốn doanh nghiệp hay không đủ tầm nhìn cho những chiến lược dài hơi?

Trong suốt gần bảy năm tham gia hoạt động quản trị của AGPPS, ban đầu đại diện SCIC cũng có những đóng góp, tư vấn chiến lược phát triển chung. Nhưng càng về sau, vai trò của người đại diện yếu dần khi các quyết định không thể đưa ra ngay trong cuộc họp mà phải theo ý muốn của  SCIC. Cuối cùng, UBND tỉnh An Giang đã làm công văn hỏa tốc xin tiếp nhận lại AGPPS. Vốn nhà nước tại AGPPS trở lại với chủ cũ.

Chỉ là người đưa tin

Trong báo cáo của mình, SCIC cho rằng hầu hết doanh nghiệp sau khi chuyển giao về đều đạt tốc độ tăng trưởng khá. Như Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) lũy kế thu cổ tức về cho cổ đông Nhà nước đến nay đã đạt hơn 2.600 tỉ đồng (gấp hơn ba lần số vốn Nhà nước đầu tư ban đầu), tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) luôn ở mức cao, trung bình đạt hơn 40%/năm trong ba năm qua, hay Công ty cổ phần Dược Hậu Giang  (DHG) từ năm 2007-2010 có mức tăng bình quân đạt 30% về doanh thu và 70% về lợi nhuận. Thực tế, phần lớn những doanh nghiệp đem về nhiều lợi nhuận cho SCIC đã có mức tăng từ nhiều năm trước đó.

Để quản lý phần vốn của Nhà nước trong các công ty, ngoài ủy quyền đại diện cho lãnh đạo công ty, SCIC còn tiến cử người vào ghế hội đồng quản trị hoặc ban kiểm soát. Đây là cơ chế tốt để lãnh đạo công ty điều hành công việc, tuy nhiên một lần nữa vai trò của người đại diện SCIC lại được đặt ra.

Nắm giữ trong tay 45,05% vốn điều lệ của Vinamilk, SCIC hiện đang là đại diện vốn nhà nước với 375 triệu cổ phiếu Vinamilk (mã chứng khoán VNM). Thế nhưng theo vị đại diện Vinamilk, hiện nay cái gì cũng phải xin ý kiến mà trả lời của SCIC lại không nhất quán, làm chậm tiến trình đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Trần Văn Tá, Tổng giám đốc SCIC.
Ông Trần Văn Tá, Tổng giám đốc SCIC.

Hiện nay người đại diện của SCIC chỉ được hiểu vai trò là người đưa tin chứ không quyết định được bất cứ phương án nào mà hội đồng quản trị đưa ra, gây khó khăn cho Vinamilk trong cách làm việc. Do SCIC là cổ đông lớn nên bất cứ vấn đề gì cũng phải có ý kiến đồng ý của họ, nhưng nếu họ không ủng hộ chủ trương, không thống nhất thì Vinamilk cũng không thể làm được. Trong khi đó, vấn đề kinh doanh, đầu tư cần nhanh nhạy và chớp lấy cơ hội. Nếu SCIC quyết định nhanh như những cổ đông lớn khác thì đến nay Vinamilk đã có nhiều lợi thế để cạnh tranh.

“Đáng ra, với vai trò chiếm tới 45,05% vốn điều lệ, SCIC phải cùng tham gia và ủng hộ các chiến lược để phát triển công ty, theo hướng vì quyền lợi chung của Vinamilk và của các cổ đông, trong đó có quyền lợi của SCIC. Tuy nhiên, đại diện vốn nhà nước SCIC đang hành xử với doanh nghiệp không đúng vai trò của mình mà đang còn có sự nhập nhằng mang tính quản lý nhà nước, gây lực cản sự phát triển của doanh nghiệp” - vị đại diện Vinamilk cho hay.

Ngay cả những công ty được coi là làm ăn suôn sẻ và hợp tác khá nhịp nhàng thì vai trò của SCIC cũng chỉ dừng lại mức độ “gợi ý, tư vấn”. SCIC có gần 44% cổ phần tại DHG, đến nay DHG là một trong những công ty đem lại cổ tức nhiều nhất trong các công ty dược mà SCIC đang nắm giữ.

Theo ông Đoàn Đình Duy Khương - thành viên hội đồng quản trị, phó tổng giám đốc DHG - về vai trò đóng góp của SCIC, trong quá trình điều hành, SCIC có cử người tham gia trực tiếp hội đồng quản trị và ban kiểm soát nên có đóng góp thông qua việc cho ý kiến tại các cuộc họp hội đồng quản trị. Các  ý kiến đóng góp chỉ mang tính xây dựng định hướng chiến lược, quản lý tài chính…

Theo ông Nguyễn Xuân Thành - giám đốc chính sách công Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, về nguyên tắc khi SCIC can thiệp nhiều vào quá trình điều hành ở một doanh nghiệp là SCIC đang thể hiện đúng vai trò của mình. Đặc biệt ở những doanh nghiệp SCIC có tỉ lệ sở hữu vốn lớn thì phải tham gia hội đồng quản trị, tham gia quá trình điều hành và ra những quyết sách của công ty. Tuy nhiên, can thiệp như thế nào lại là một câu chuyện khác.

Điều quan trọng là năng lực của người cán bộ được SCIC cử ra làm đại diện cho SCIC tại các doanh nghiệp ra sao. Đáng ra SCIC phải có cơ chế nhân sự, chính sách tuyển dụng, đào tạo mang tính mở của các công ty tư nhân, chứ không phải của công ty nhà nước để tham gia tốt với vai trò là cổ đông lớn, có thành viên nằm trong hội đồng quản trị tại các doanh nghiệp.

* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi
Theo Tuổi trẻ