BIDV tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019

26/04/2019 20:30
An Nhiên
(GDVN) - Ngày 26/4/2019, tại Hà Nội, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019.

Ngày 26/4/2019, tại Hà Nội, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019.

Tham dự Đại hội có 285 đại biểu, đại diện cho 3.277.438.606 cổ phần có quyền biểu quyết, chiếm 95,87% số cổ phần có quyền biểu quyết.

Toàn cảnh đại hội.
Toàn cảnh đại hội.

Đại hội cổ đông thường niên BIDV 2019 thông qua nhiều nội dung quan trọng: Báo cáo kết quả hoạt động của Hội đồng quản trị 2018 và trọng tâm hoạt động 2019; Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2018, kế hoạch kinh doanh năm 2019; Một số nhiệm vụ, trọng tâm, giải pháp để thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2019;

Báo cáo kết quả hoạt động của Ban Kiểm soát năm 2018 và trọng tâm công tác năm 2019; Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 đã được kiểm toán và phương án trích lập các quỹ, phân phối lợi nhuận và chi trả cổ tức năm 2018;

Ngân sách hoạt động, mức thù lao của Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát và Quỹ thưởng Người quản lý BIDV năm 2019, quyết toán Quỹ thưởng Người quản lý BIDV năm 2018; Phương án tăng vốn điều lệ năm 2019; Sửa đổi, bổ sung Điều lệ BIDV; Sửa đổi, bổ sung Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng quản trị BIDV;

Lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán/soát xét báo cáo tài chính và hệ thống kiểm soát nội bộ cho năm tài chính 2020 và 2021; Bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị BIDV nhiệm kỳ 2017 - 2022…

Những kết quả tích cực năm 2018

Với phương châm hoạt động kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả, năm 2018, BIDV đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh, nâng cao chất lượng tài sản, lành mạnh hóa tình hình tài chính, cải cách và phát triển thể chế.

BIDV tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 ảnh 2BIDV tiếp tục là ngân hàng thương mại có quy mô tài sản lớn nhất Việt Nam

Đây là tiền đề vững chắc cho việc hoàn thành phương án tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020, đảm bảo quyền lợi của cổ đông, khách hàng và người lao động, đóng góp tích cực vào Ngân sách Nhà nước.

Cụ thể, tổng tài sản đạt 1.313.038 tỷ đồng, tiếp tục duy trì vị thế là ngân hàng có quy mô lớn nhất trên thị trường; Nguồn vốn huy động đạt 1.226.454 tỷ đồng; Dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1.237.755 tỷ đồng,...

Các chỉ tiêu hiệu quả hoạt động tăng khá so với năm trước và hoàn thành kế hoạch mục tiêu (thu dịch vụ ròng tăng 20%, chênh lệch thu chi tăng 21%, lợi nhuận trước thuế tăng 9% đạt 9.473 tỷ đồng, vượt kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao); ROA đạt 0,6%, ROE đạt 14,6%; quyết liệt xử lý nợ xấu, đến 31/12/2018, tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,8%.

Bên cạnh các chỉ tiêu tài chính, các chỉ số hoạt động khác cũng có tăng trưởng mạnh:

(i) Phát triển tốt nền khách hàng đặc biệt là khách hàng cá nhân được củng cố cả về quy mô và chất lượng, số lượng tăng 13% so với năm 2017, đạt hơn 11 triệu khách hàng, chiếm 12% dân số Việt Nam.

BIDV năm thứ 5 liên tiếp nhận giải thưởng “Ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam” do Tạp chí The Asian Banker trao tặng, lần thứ 3 liên tiếp đạt danh hiệu Ngân hàng bán lẻ tiêu biểu của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

(ii) Chất lượng phục vụ khách hàng được nâng cao qua các kênh phân phối hiện đại, gia tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ trên từng khách hàng “active”, số lượt khách hàng sử dụng kênh ngân hàng điện tử tăng 26%/năm, đạt 9,2 triệu lượt, lượng giao dịch qua kênh ngân hàng điện tử đạt trên 82 triệu giao dịch, tăng 87%/năm.

(iii) Thị giá cổ phiếu BID tăng trưởng 35% so với đầu năm, thanh khoản luôn duy trì ở mức cao, trung bình 2,7 triệu cổ phiếu/phiên, P/E đạt 16 lần cao hơn mức trung bình (11,9 lần) của Top 5 ngân hàng có vốn hóa lớn nhất thị trường, phản ánh kỳ vọng tích cực của nhà đầu tư vào tiềm năng phát triển của BIDV.

Năm 2018 BIDV đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận về chủ trương đối với Phương án chào bán cổ phần và tăng vốn điều lệ thông qua phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài với số lượng hơn 600 triệu cổ phần tương đương tỷ lệ phát hành 17,65%.

BIDV tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 ảnh 3BIDV lần thứ 5 đăng đỉnh “Ngân hàng Bán lẻ tốt nhất Việt Nam”

BIDV cũng đã phát hành thành công 2 đợt trái phiếu: hơn 1.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ và 4.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng đủ điều kiện tính vào vốn tự có cấp 2.

Giữ vững vị thế là ngân hàng ứng dụng Công nghệ thông tin hàng đầu trong hệ thống, năm 2018 là năm BIDV đẩy mạnh triển khai dự án ngân hàng số, được tổ chức định hạng tín nhiệm S&P đánh giá là một trong những ngân hàng tích cực hợp tác với các FinTech để thúc đẩy ứng dụng ngân hàng số đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ.

Các chỉ tiêu và trọng tâm 2019

Năm 2019, nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng bền vững với mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,8%, kiểm soát lạm phát dưới 4%.

Quán triệt chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng nhà nước về hoạt động ngành ngân hàng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ toàn ngành và Chỉ thị số 01/CT-NHNN về các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm ngành ngân hàng năm 2019, Đại hội nhất trí với một số chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2019 của BIDV, cụ thể:

Nguồn vốn huy động: phấn đấu tăng trưởng 11%; Dư nợ tín dụng: phấn đấu tăng trưởng 12%, đảm bảo tuân thủ kế hoạch Ngân hàng nhà nước giao trong từng thời kỳ; Lợi nhuận trước thuế: 10.300 tỷ đồng; Tỷ lệ nợ xấu: <2%; Tỷ lệ chi trả cổ tức: không thấp hơn mức thực hiện năm 2018...

Đại hội cũng thống nhất ủy quyền cho Hội đồng quản trị quyết định điều chỉnh kế hoạch kinh doanh 2019 và tỷ lệ chi trả cổ tức thực hiện theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền và/hoặc khi cần thiết, chỉ đạo thực hiện kế hoạch kinh doanh 2019 đã được Đại hội thông qua.

Với phương châm hành động năm 2019 là “Kỷ cương - Trách nhiệm - Hiệu quả - Bứt phá”, BIDV xác định năm 2019 là năm tạo tiền đề thực hiện thắng lợi phương án tái cơ cấu và tạo dựng nền tảng then chốt cho phát triển bền vững, hội nhập quốc tế, cụ thể:

Duy trì tăng trưởng có chất lượng, củng cố vị trí dẫn đầu trên các phân khúc thị trường chủ đạo, chú trọng khách hàng bán lẻ, khách hàng SME; Triển khai mạnh mẽ chiến lược ngân hàng số, phát triển kênh bán hàng điện tử, đẩy mạnh mô hình kinh doanh đa dịch vụ, nâng cao năng lực quản trị theo các tiêu chuẩn quốc tế.

An Nhiên