Tọa đàm “Tự chủ tài chính các trường đại học, cao đẳng công thương”

14/10/2018 08:11
An Nhiên
(GDVN) - Ngày 12/10/2018, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã tổ chức buổi lễ Tọa đàm “Tự chủ tài chính các trường đại học, cao đẳng công thương".

Ngày 12/10/2018, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi lễ Tọa đàm “Tự chủ tài chính các trường đại học, cao đẳng công thương”. Buổi lễ Tọa đàm được diễn ra tại Trường đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội.

Tới tham dự buổi lễ Tọa đàm, lãnh đạo Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có ông Nguyễn Đăng Khoa - Chánh văn phòng Hiệp hội, ông Đặng Văn Định – Trưởng ban nghiên cứu chính sách, ông Văn Đình Ưng – Trưởng ban thông tin truyền thông.

Lãnh đạo Trường đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội có ông Hoàng Xuân Hiệp – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường; các đồng chí trong ban giám hiệu, đại diện các phòng chức năng, khoa/trung tâm đào tạo của nhà trường và cùng đại diện của các trường đại học, cao đẳng thuộc Câu lạc bộ các trường đại học, cao đẳng Bộ Công thương cùng tới tham dự.

Tọa đàm “Tự chủ tài chính các trường đại học, cao đẳng công thương”.
Tọa đàm “Tự chủ tài chính các trường đại học, cao đẳng công thương”.

Đồng chí Nguyễn Đăng Khoa Chánh văn phòng Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chia sẻ:

“Từ đầu năm 2016, chủ trương thành lập các câu lạc bộ của ban chấp hành hiệp hội đã được triển khai thực hiện và đến nay đã đạt được những kết quả đáng kể.

Ngày 5/10/2018, tại Trường đại học Thăng Long (Hà Nội) Câu lạc bộ khối trường đào tạo điều dưỡng đã tổ chức thành công hội thảo với nội dung “Các giải pháp nâng cao đội ngũ giảng viên điều dưỡng”.

Hầu hết các thành viên của câu lạc bộ đã về tham dự, tham vấn nhằm nâng cao chất lượng của buổi hội thảo.

Chủ trương của câu lạc bộ Hiệp hội thuộc các trường đại học, cao đẳng đã được các hội viên hưởng ứng và tham gia rất nhiệt tình.

Câu lạc bộ đã tạo ra sự phong phú, đa dạng và rất thiết thực, đáp ứng được nhu cầu của các hội viên. Hầu hết đều cho rằng, đây là sân chơi rất bổ ích cần được quan tâm đúng mức”.

Tại sao lại chọn tự chủ tài chính mà không chọn cách khác?

Đổi mới cơ chế tự chủ của cơ sở giáo dục đại học công lập, tiến tới quản trị và tự chủ đại học là yêu cầu cấp thiết trong đổi mới giáo dục đại học công lập Việt Nam.

Trên thế giới, mô hình tự chủ được nhìn nhận là phương thức quản trị đại học tiên tiến nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng đào tạo.

Tự chủ đại học bao gồm 4 nội dung chính: Tự chủ về tổ chức; tự chủ về tài chính; tự chủ về nhân sự; tự chủ về học thuật.

Trong các nội dung này, tự chủ về tổ chức và tự chủ về tài chính được xem là những tiền đề quan trọng có khả năng hoàn thiện toàn bộ các nội dung tự chủ khác.

Tọa đàm “Tự chủ tài chính các trường đại học, cao đẳng công thương”  ảnh 2Việt Nam học được gì từ giáo dục tài chính tại Singapore?

Tự chủ tài chính cho phép các trường huy động nguồn lực tài chính và duy trì nguồn lực tài chính, đảm bảo việc tuyển chọn lực lượng học thuật tốt nhất, từ đó phát triển học thuật theo hướng sáng tạo đổi mới theo chiến lược của từng trường.

Để phát triển giáo dục đại học theo đúng với mục tiêu, sứ mạng, tầm nhìn của nó, cần có được cơ chế tài chính, nguồn lực tài chính phù hợp, theo đó là sự phân bổ hợp lý và sử dụng hiệu quả tài chính.

Tại buổi tọa đàm, ông Hoàng Xuân Hiệp – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường Trường đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội chia sẻ: “Một trong những điểm yếu của tất cả các cơ sở giáo dục là không có đơn vị chuyên làm marketing.

Tôi cho rằng, đó là một điều kiện kiên quyết mà chúng ta cần phải làm được điều đó.

Các trường có nên tự chủ sớm không thì tôi cho rằng, các trường nên có chiến lược kinh doanh, có phân khúc thị trường, có tạo ra được việc làm tốt và thu nhập tốt thì đó là thời điểm mình có thể tự chủ được".

Cũng tại buổi tọa đàm ông Nguyễn Xuân Hoàn – Phó hiệu trưởng Trường đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ:

“Có thể khẳng định rằng, tự chủ là có lợi cho trường và trong 3 năm vừa qua chúng tôi nhận thấy những thành tựu về tự chủ của nhà trường đạt được rất nhiều.

Đối với trường chúng tôi, cơ chế tự chủ rất là thuận lợi. Trước hay sau tự chủ thì nguồn thu vẫn phải khẳng định chủ yếu là học phí.

Tọa đàm “Tự chủ tài chính các trường đại học, cao đẳng công thương”  ảnh 3Bốn vấn đề về tự chủ đại học của thầy Lê Viết Khuyến

Hiện nay, từ 65-70% nguồn thu của nhà trường là từ học phí, còn lại tất cả các nguồn thu khác là từ dịch vụ nghiên cứu khoa học, tư vấn khoa học…

Như vậy, đó là sự cố gắng cực kì lớn từ sau khi tự chủ, dần dần tới đây chúng tôi sẽ kéo mức học phí xuống 50%. Do đó, chúng tôi xin khẳng định rằng, tự chủ tài chính là có lợi.

Ra mắt Ban chủ nhiệm câu lạc bộ các trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ Công thương

Với sự quan tâm của Bộ Công thương, Câu lạc bộ khối trường thuộc Bộ Công thương được thành lập khá sớm, câu lạc bộ khối trường đại học, cao đẳng ngoài công lập cũng như vậy, nhưng do nguyên nhân chủ quan và khách quan chưa thể kiện toàn được nhân sự của Ban chủ nhiệm và cũng vì vậy chưa xây dựng được chương trình hoạt động, triển khai các hoạt động của mình.

Đến nay, Hiệp hội chủ trương kiện toàn tổ chức để bầu Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ các trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ Công thương.

Ban chủ nhiệm câu lạc bộ ra mắt trong buổi tọa đàm.
Ban chủ nhiệm câu lạc bộ ra mắt trong buổi tọa đàm.

Ban chủ nhiệm bầu gồm: 1 Chủ nhiệm Câu lạc bộ các trường đại học, cao đẳng Bộ Công thương sẽ trao cho Hiệu trưởng Trường đại học Điện lực và 4 phó chủ nhiệm là Hiệu trưởng của các trường: Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Công Nghiệp Quảng Ninh, Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội và Cao đẳng Kinh tế Công Nghiệp Hà Nội.

Các thầy cô trong câu lạc bộ các trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ Công thương chụp ảnh lưu niệm sau buổi tọa đàm.
Các thầy cô trong câu lạc bộ các trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ Công thương chụp ảnh lưu niệm sau buổi tọa đàm.
An Nhiên