Chuyện của Les Hà Nội: “Tôi là gay, muốn tìm một les làm vợ" (kỳ 4)

20/05/2011 00:12
(GDVN) - Trước áp lực của gia đình, muốn giấu kín giới tính và tình yêu thật với người đồng giới, les tìm "tấm bình phong" bằng cách quan hệ hôn nhân với gay.

(GDVN) – Quá bức bách với định kiến xã hội, muốn làm vui lòng gia đình và che giấu đi giới tính thật của mình, nhiều les và gay đã quyết định lấy nhau. Tờ hôn thú trở thành “tấm bình phong” che chắn mọi ánh mắt nhìn và nghi ngờ về một người đồng tính thuộc “giới thứ 3”.

{iarelatednews articleid='1891,1880,1790,2071'}

Hôn nhân với người bình thường: Bi kịch không lối thoát

Đã ngoài 30 tuổi, với vẻ ngoài đẹp trai, lịch lãm, xuất thân Hà Nội, lại sinh ra trong gia đình khá giả, ai cũng đặt câu hỏi: “Tại sao tới giờ này Huy vẫn chưa có người yêu”. Làm việc trong lĩnh vực truyền thông, cứ mỗi lần tới cơ quan, mọi người đều gán ghép Huy với những em chân dài, xinh đẹp khác. “Cũng nhiều phụ nữ thích tôi lắm và chủ động tấn công ra mặt, nhưng tôi đều lấy lý do: Xem tuổi không hợp hoặc không thích gái cùng cơ quan để từ chối khéo” – Huy tâm sự.

Huy là một gay sống kín. Với việc hút thuốc, chơi bóng đá, thích thể thao và thường xuyên rượu chè, bia bọt cùng mọi người, không ai trong gia đình, người thân hoặc bạn bè biết được sự thật: Huy là gay. Huy quyết tâm giữ bí mật của mình bằng mọi cách, không mời bất cứ một gay nào về nhà dù thân thiết tới mấy, không tuyển nhân viên nam trẻ - đẹp trai về làm cùng công ty vì Huy sợ phát sinh tình cảm hoặc tiếp xúc nhiều sẽ phát hiện ra giới tính thật của cậu. Trong những mối quan hệ với người đồng tính, Huy chỉ yêu theo kiểu “tình một đêm”, không bao giờ để lại số điện thoại hoặc liên lạc tiếp lần thứ 2, tránh mọi sự ghen tuông và phiền hà có thể phát sinh. Tuy nhiên, khi chạm ngưỡng 30 tuổi, trước sức ép của gia đình, Huy cuống cuồng đi tìm một người vợ.

“Nếu là một người phụ nữ, họ có thể lấy lý do: Không hợp duyên, qua 30 tuổi thì viện vào việc “quá lứa lỡ thì” để tiếp tục ở vậy, không lấy chồng. Còn đàn ông thì rất khó. Tôi luôn phải hứng chịu cặp mắt soi mói của mọi người khi cứ thui thủi đi về và không có một bóng hồng theo gót” – Huy nói.

alt
 
Huy mong muốn tìm kiếm một người les làm vợ.
 

Trong những ngày ra nhập và chơi với thế giới les teen, tôi chứng kiến nhiều trường hợp: Les lấy một người đàn ông bình thường, để rồi sau đó bi kịch xảy ra khi người chồng phát hiện vợ là đồng tính nữ. “Có lẽ, hạnh phúc nếu có chỉ là sự giả tạo. Khi les tìm được một nửa đích thực của mình (cũng là một les khác – pv) thì họ có thể đánh đổi tất cả, vứt bỏ tất cả để chạy theo tình yêu ấy” – Vũ Lan Hoa, một lesbian thành thực chia sẻ. Tuy vậy, khi bị phát hiện, nhiều gia đình nhà chồng vì phong kiến, không cho phép ly dị, les sống khổ sở trong chính ngôi nhà của mình, bị chồng ruồng rẫy, quát mắng và nhất quyết không chịu buông tha, tìm mọi cách chia cắt tình yêu của những lesbian.

“Chồng tôi hận tôi vì đã nói dối anh ấy sự thật về giới tính của mình. Bây giờ, mọi thứ vỡ lở, từng ngày, từng giờ, anh ấy dằn vặt tôi và nói sẽ “trả đũa” bằng mọi giá” – Pin (Tên trong giới của Vũ Thu Hà, 27 tuổi, quê ở Hà Nam) buồn bã nói. Tháng 10/2006, cũng như bao cô gái đến tuổi khác, Pin đã làm đám cưới với một giảng viên đại học 31 tuổi có ngoại hình đẹp, quê gốc Quảng Ninh nhưng 1 năm sau đó, họ đã muốn chia tay. 

Theo Pin thì rất khó để có thể “đóng kịch” suốt cả cuộc đời nếu lấy một người bình thường. “Bởi như bao như cặp vợ chồng bình thường khác, họ sẽ phải lên giường, có quan hệ nam – nữ, trong khi đó, những les hay gay chỉ thực sự có cảm xúc tình dục với những người cùng giới với mình”. Sau cuộc hôn nhân không lối thoát với người chồng bình thường hiện tại, gặp tôi, Pin bảo: “Nếu được quyết định lại, Pin thà không lấy chồng, sống một cuộc sống tự do, đi lại thoải mái với những người cùng giới, còn hơn trói mình với một người mà mình không yêu, để rồi làm khổ mình, khổ cả họ”.

Les lấy gay: Thêm một người bạn, chứ không phải lấy một người vợ.

Một, hai năm gần đây, tại Việt Nam, người ta thấy rộ lên một xu hướng mới của những giới trẻ đồng tính: Les lấy gay.

Guo Xiaofei, giảng viên Trường Đại học Luật, tác giả cuốn Tình dục đồng giới trong tương lai của luật pháp Trung Quốc, nói rằng ở một đất nước khi hôn nhân và quan hệ đồng giới chưa hợp pháp thì hôn nhân giả mạo là một cách đối phó đầy sáng tạo của cộng đồng “gay” trước áp lực phải tuân theo khuôn phép.

Còn nhà xã hội học kiêm chuyên gia về tình dục học Li Yinhe hàng đầu thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nhận định, sự thiếu hiểu biết về tình dục đồng giới và tập tục truyền thống càng buộc những người đồng tính phải kết hôn và thậm chí sinh con.

Lo sợ những phản ứng tiêu cực từ cha mẹ, gia đình mình, bằng ngoại hình nữ tính, Nguyễn Tú Uyên, (25 tuổi, nhân viên kinh doanh của một ngân hàng tại Hà Nội) muốn che giấu tình yêu của mình bằng "bình phong" là người yêu nam giới song song với tình yêu nữ giới.

Uyên cho rằng: Nếu lấy một người đàn ông bình thường, les sẽ vất vả hơn trong cuộc sống thường ngày bởi phải vừa làm vợ, vừa làm mẹ… Rồi phải diễn ngay cả trong phòng ngủ. “Nhưng nếu lấy gay, chúng tôi sẽ tránh khỏi tình trạng đồng sàng dị mộng”.

Trên các diễn đàn, nhiều tin nhắn rao vặt kiểu “Tôi là gay, muốn tìm một em les làm vợ” nhan nhản trên các trang diễn đàn. Một bạn trẻ có nick name Nn đăng đàn xin tư vấn của cộng đồng mạng. Nn viết: “Tôi không đủ can đảm để làm khổ một người con gái bình thường chỉ vì muốn che dấu sự thật rằng tôi là gay? Thế nên tôi đã suy nghĩ nhìu về chuyện lấy 1 người les làm vợ, thỏa thuận với nhau trong cuộc sống. Vợ chồng chỉ trên danh nghĩa, ngoài việc đóng giả trước mặt mọi người, chúng tôi vẫn sống với thế giới riêng của mình. Thêm vào đó, hai chúng tôi đều khác biệt, đều yêu người cùng giới, vì vậy, dễ cảm thông với nhau, giữa chúng tôi không có bí mật, và chúng tôi có thể là bạn thân, cùng nhau chia sẻ những đau thương trong cuộc đời”. Và ý kiến ấy đã được rất nhiều bạn ủng hộ, coi là một giải pháp khá hữu ích.

Ông Nguyễn sơn Minh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ MSM tại Hà Nội cũng đưa ra ý kiến ngầm đồng tình cho việc les lấy gay sau khi chứng kiến quá nhiều đau khổ của giới đồng tính tại Việt Nam. Ông cho rằng: “Đây là cách cởi mở, rất mới cho các bạn đồng tính. Mặc dù, hôn nhân này không mang tính gắn bó về mặt xác thịt nhưng nó là giải pháp tốt về mặt tâm lý vì với tình cảm riêng tư với người cùng giới mà họ đã phải rất khổ sở”. Ông Minh cũng kể: Có những người gay là giáo viên bị gia đình ép lấy vợ, “cố đấm ăn xôi”, vì chán nản với đời sống vợ chồng ép buộc, anh này sinh ra bất cần đời, sống buông thả. Chính vì vậy, khi đi xét nghiệm, anh bàng hoàng khi biết mình bị HIV, mặc dù trước đó anh đã rất cẩn thận.

Bản thân tôi cũng có một anh bạn gay đã lấy les được 2 năm. “Vỏ bọc” vợ chồng của 2 người đã giúp họ che dấu được cha mẹ, làng xóm và toàn xã hội. Trước khi lấy, họ ngồi lại với nhau, bàn về việc thiết kế nhà và phòng riêng của hai người: để mỗi người có sự riêng tư khi dẫn trai (hay gái) về nhà hay hai người phải có 1 phòng chung để ôm ấp nhau "che mắt gia đình".....Họ cũng có những thỏa ước riêng về việc chia sẻ tiền bạc của đời sống chung, việc đóng giả là một cặp vợ chồng hạnh phúc trong những buổi gặp gỡ gia đình và những nguyên tắc chung về chuyện quan hệ tình dục đồng giới trong thế giới riêng tư.

Một tin nhắn tìm les để cưới vợ trên trang web raovat.
Một tin nhắn tìm les để cưới vợ trên trang web raovat.

Cuối năm 2009, Tuấn (gay) và Hoài (les) gặp nhau. Dựa vào những ấn tượng ban đầu và do những sức ép hôn nhân từ cha mẹ của cả Tuấn và Hoài, hai người đã đi đăng kí kết hôn chỉ sau khi quen nhau chưa đầy 5 ngày. Vì cả 2 đều là những người trí thức nên họ tin tưởng rằng: Họ rất hiểu luật, Tuấn nói thẳng thắn với Hoài ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên: “Giữa chúng ta sẽ không thể có một tình yêu và chắc chắn sẽ không có quan hệ nam nữ. Nhưng nếu em làm tốt vai trò của một người vợ, quan tâm lo lắng và chăm sóc gia đình anh thì anh cũng sẽ thương em, chiều chuộng em như một người bạn thân thiết”.

Về tài chính, Tuấn đi làm và hàng tháng vẫn đưa tiền cho vợ. Tuấn cho phép vợ mình được đi chơi với bạn bè đồng giới khác, thậm chí đưa “bạn tình” les về nhà và ngủ lại qua đêm. “Tuy nhiên, tôi cũng có nguyên tắc riêng cho vợ mình: Cô ấy không được đi chơi về quá khuya hoặc bỏ nhà đi qua đêm quá nhiều lần trong tuần, tránh sự dị nghị và xì xào của hàng xóm” – Tuấn tâm sự.

Tuấn cho biết: Hai vợ chồng có cái may mắn là đã ra ở riêng, chính vì vậy, tránh sự va đụng dẫn tới việc bị phát giác từ phía gia đình.

Theo Tuấn, để hôn nhân giữa les và gay thành công, việc quan hệ chừng mực của mình với các bạn đồng giới là điều rất quan trọng. “Để gia đình được yên ấm, tôi không bao giờ yêu tha thiết một gay, tôi sợ sự ghen tuông sẽ khiến mối quan hệ trở nên rùm beng, việc tôi bị gay sẽ bị lộ tẩy” – Tuấn nói.

Ngoài ra, cũng đã có lúc Tuấn và Hoài bàn bạc với nhau về việc sinh con trong ống nghiệm khi gia đình hai bên thắc mắc: “Lấy nhau lâu rồi mà chưa có con bế”. “Vấn đề mà tôi lo lắng là: Liệu chúng tôi có giấu nhẹm chuyện giới tính của bố mẹ với con không hay khi con cái lớn lên và bắt đầu hiểu biết, chúng tôi sẽ chia sẻ “sự thật”? Liệu tôi có thể trở thành một ông bố tốt, cô ấy trở thành một người mẹ tuyệt vời không khi 2 người đều yêu thương “ngoài luồng” với một người khác”.

a
Việc les lấy gay đã không còn quá hiếm ở Việt Nam.
 

Qua câu chuyện, tôi cũng được biết, không chỉ có Tuấn mà còn 4 người đồng tính khác cũng đã lặp lại kịch bản gay lấy les này. “Hầu hết những gay (hoặc les) đã come out (công khai thừa nhận giới tính của mình) thì sẽ không có chuyện họ lấy les (hoặc gay). Họ muốn tự do sống với người mình yêu mà không có bất cứ sự ràng buộc nào cho dù chỉ là về mặt pháp lý, trên giấy tờ, hình thức” – Tân, bạn gay của Tuấn cho biết.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cũng nhận định: Đây là một hình thức “hôn nhân giả”, xảy ra khá phổ biến ở nước ngoài cũng như ở Việt Nam, chỉ khác nhau ở mục đích. Tuy nhiên, ông Thuyết khuyên nhủ: Các bạn les hay gay không nên mạo hiểm có những cuộc “hôn nhân giả” như thế vì nó liên quan đến nhiều vấn đề cá nhân và xã hội.

Cũng đồng tình với quan điểm trên, ông Minh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ MSM cũng nhắc nhở với các bạn trẻ đồng tính: “Les và gay phải suy nghĩ cho kỹ trước khi quyết định lấy nhau, hai người phải đi gặp luật sư hiểu biết về Luật gia đình và làm những thủ tục pháp lý thế nào để tránh những chuyện phiền phức về sau, như tranh tụng quyền nuôi con của mình, quyền chia tài sản giữa những đứa con, quyền hưởng tiền bồi thường của công ty bảo hiểm liên quan đến sức khỏe, nhân thọ, nhà cửa,…; tranh tụng về nghĩa vụ cấp dưỡng (ai phải lo cấp dưỡng nếu một người ra đi )... Ông Minh nhấn mạnh: “Việc không đơn giản nếu hai người không có những con đường phòng thủ chuẫn bị trước”.

Theo điều tra năm 2005 trong số 200 người “gay” do Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh Quảng Đông thực hiện cho thấy 30% trong số họ đã kết hôn. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Guangzhou Daily hồi năm 2006, Li cho biết 90% người đồng tính luyến ái của Trung Quốc, khoảng 39-52 triệu người, đang sống trong các cuộc hôn nhân với người bình thường. Mặc dù tỷ lệ hôn nhân của người gay/lesbian thật khó có con số cụ thể, nhưng “họ là một sự đối phó với các áp lực xã hội”, theo nhìn nhận của giảng viên Guo Xiaofei, Trường Đại học Luật, tác giả cuốn Tình dục đồng giới trong tương lai của luật pháp Trung Quốc.

Tuy nhiên, trên thực tế, sự hợp tác của nhiều cặp đôi đã nhanh chóng chấm dứt, họ cảm thấy quá mệt mỏi khi cứ phải lừa dối cha mẹ và không ít người sau một thời gian ngắn kết hôn đã quyết định công khai sự thật.


Tiểu Phương

(Còn tiếp)