Giang hồ Đất Cảng: 'Võ hiểm' triệt hai đại ca hàng nóng tàn bạo (kỳ2)

09/05/2011 00:16
Lựu đạn nổ, Yên chậm chân chết luôn tại chỗ. Thấy em mình chết thảm, anh của Yên uất quá cũng cùng công an đuổi theo truy kích, bị ném lựu đạn cũng lìa đời.
Lựu đạn nổ, Yên chậm chân chết luôn tại chỗ. Thấy em mình chết thảm, anh của Yên uất quá cũng cùng công an đuổi theo truy kích Tuyến cùng đồng bọn. Tuyến "lợn" tiếp tục tung lựu đạn làm anh của Yên cũng lìa đời.
{iarelatednews articleid='865,749,542,1712,1660,1253,1169'}
Cuối năm 1982, đầu 1983, dân Hải Phòng lại giật mình thon thót khi trên địa bàn thành phố xảy ra liên tiếp nhiều vụ cướp giật trắng trợn. Đối tượng gây án hung hãn, sẵn sàng xiết cò súng để thực hiện hành vi phạm tội. Rà soát lại toàn bộ các vụ việc, các trinh sát nhận định đối tượng gây án rất có thể là những tên tù trốn trại ở Quảng Ninh dạt sang.
Có nhận định ấy bởi thời gian này, theo thông báo của Bộ công an, một số tù nhân nguy hiểm ở Quảng Ninh đã đào tẩu khỏi trại và gây ra rất nhiều vụ cướp, giết ở khắp vùng đất mỏ. Chúng liều lĩnh, manh động đến độ có tên để giải cứu đồng bọn mới bị công an bắt lại đã đem lưu đạn đến cộp ngay trên bàn làm việc của công an phường để “mặc cả” chuyện “thả người”. 
“Mãnh long” quá giang
Đúng như nhận định của các trinh sát, những vụ cướp có sử dụng hàng nóng xảy ra liên tiếp ở Hải Phòng chính là “sản phẩm” của 2 băng cướp, đều là những tên tù trốn trại từ đất Quảng Ninh. Băng thứ nhất do Tuyến “lợn” (Nguyễn Văn Tuyến) và Phương “Tế” (Hoàng Văn Phương) cầm đầu. Băng thứ hai do hai tên Cẩm “Thi” (Phạm Hồng Cẩm) và Hùng “Hề” (Đinh Văn Hùng) thao túng. 
Tuyến “lợn” là người Hải Phòng nhưng theo gia đình chuyển ra Hòn Gai sinh sống từ tấm bé. Tuổi thơ của Tuyến gắn liền với trường giáo dưỡng và trưởng thành thì phiêu bạt khắp các nhà tù. Đầu năm 1982, khi đang nằm trong nhà đá cũng bởi tội cướp giật, Tuyến đã gặp Phương “Tế”, một “hảo hán” có “cảnh ngộ” giống mình. Thời đó, trang thiết bị canh phòng ở các nhà tù rất thô sơ và thiếu thốn, đều khoác trên mình những án tù dài dằng dặc, Tuyến “lợn” đã bàn với Phương “Tế” tìm thời cơ vượt ngục, ra ngoài “dựng nghiệp bá vương”.
Một buổi đi làm, được sự hỗ trợ nhiệt tình của đám đàn em trong trại, cặp mèo mả gà đồng cùng một số tên lưu manh có hạng khác đã vọt ra ngoài một cách nhẹ nhàng. “Ra tù”, súng đạn đã đuề huề, ngay lập tức chúng khiến nhân dân đất mỏ sống phải trong nỗi kinh hoàng tột độ.
Liên tiếp cướp, liên tiếp nổ súng khi cần. Sau này, khi bị bắt trở lại, Tuyến “lợn” đã khai rằng, chỉ trong vài ba tháng ở Quảng Ninh, bọn chúng đã gây ra trên 20 vụ cướp, trong số đó già nửa là phải dùng đến khẩu Col “bát” mà hắn lúc nào cũng dắt bên mình. Về độ “liều” thì Phương “Tế” phải gọi Tuyến “lợn” bằng… thầy.
Còn nhớ, ngày 8/12/1982, sau một “phi vụ” trót lọt, Tuyến cùng Phương đáp về nhà một chiến hữu tên Yên ở gần bến ca nô phường Bạch Đằng tổ chức khao quân. Đang đập phá thì công an ập đến, chẳng nói chẳng rằng Tuyến liệng luôn quả lựu đạn rồi mới vơ súng chạy. Lựu đạn nổ, Yên chậm chân chết luôn tại chỗ. Thấy em mình chết thảm, anh của Yên uất quá cũng cùng công an đuổi theo truy kích Tuyến cùng đồng bọn.
Trong khi Phương “Tế” chạy thục mạng thì Tuyến “lợn” cứ đủng đỉnh. Khi mọi người đuổi gần đến nơi, tiếng súng đã xé tai đoàng đoàng thì bất ngờ y đứng lại. Lại một quả lựu đạn nữa được y thản nhiên ném ra. Và, mạt vận, anh trai Yên cũng lìa bỏ cõi đời. Hôm sau, biết tin hai anh em Yên đều đã chết, mặc kệ Phương “Tế” cùng đám đàn em can ngăn, Tuyến “lợn” một mình ung dung quay lại nhà Yên.
Y bảo, đến thắp cho anh em Yên nén nhang gọi là tạ lỗi. Thời điểm này, được hỗ trợ của Bộ công an, công an Quảng Ninh đã tiến hành những trận đánh lớn. Nhiều băng nhóm nguy hiểm đã sa lưới. Có băng nhóm biết khó thoát khỏi “lưới trời”, đã kéo nhau lên đồi ăn nhậu, rồi dùng lựu đạn tự tử hàng loạt. Đàn em “rơi rụng” hết, biết khó sống ở đất mỏ, Tuyến “lợn” đã bàn với Phương “Tế” tính bài lánh sang đất khác. Và, chẳng còn nơi nào phù hợp hơn là kéo “bạn” về đất Cảng quê mình.
Hùng “Hề” nhà ở Cẩm Phả. Cũng sống nhẵn mặt ở các trường giáo dưỡng và các nhà tù. Năm 1981, đang thụ án tù, Hùng “Hề” trốn trại, ngược lên vùng đồng bào dân tộc ở Bình Liêu, Ba Chẽ kiếm ăn qua ngày bằng nghề xẻ gỗ. Thế nhưng, với bản chất một tên lưu manh chuyên nghiệp, lao động nặng nhọc, hắn thấy không cam. Thế nên, kéo cưa lừa xẻ được vài tháng, Hùng “Hề” quay về Cẩm Phả.
Tại đây, hắn gặp Cẩm “Thi”, một “người hùng” mới nổi. “Duyên phận giang hồ” đã khiến chúng gắn bó với nhau để rồi dân Cẩm Phả phải sống trong nơm nớp hãi hùng. Cũng chỉ vài ba tháng mà chúng đã làm loạn cả vùng than vốn dĩ yên bình. Cướp ở mọi nơi, mọi lúc và cũng sẵn sàng nổ súng khi cần. Hùng “Hề” là kẻ cực kỳ ranh mãnh, khôn ngoan. Chính vậy, nhiều lần công an vây bắt, hắn đều nhanh chân trốn thoát.
Cuộc “đảo tẩu” của Hùng “Hề”, Cẩm “Thi” sang đất Hải Phòng, dưới sự đạo diễn của Hùng, đến giờ, nhiều “cựu binh” hình sự Hải Phòng vẫn còn “ấn tượng”. Bị công an Quảng Ninh vây kín các ngả đường, bọn chúng đã vào nhà một chiến hữu ở Cẩm Phả để mượn xe đạp, và mượn luôn bộ quần áo của vợ tên chiến hữu này. Chỉ một loáng, từ một kẻ thô lỗ, bặm trợn Hùng “Hề” đã biến mình thành một… cô gái duyên dáng, yểu điệu.
Thế là, súng dắt cặp quần, lựu đạn nhồi trong áo lót, “cô gái” ngồi lên xe đạp để “người yêu” (Cẩm “Thi”) đạp một mạch từ Cẩm Phả về đến Hải Phòng, qua mắt hàng chục chốt gác. Khi bị bắt, Hùng “Hề” khai, trên đường chạy trốn, y hãi nhất là qua bến phà Bãi Cháy, bởi y trên phà có rất nhiều công an. Chọn chuyến phà đông nhất mới xuống, nhưng để an toàn hơn, y đã liên tục nhõng nhẽo với “người yêu”: “Anh à, nhanh lên, mẹ em đang chờ cơm đấy! Không nhanh thì tối nay… ứ cho đâu!”. Đôi “uyên ương” cứ thong dong một cách tình tứ trên đường, về đến Quảng Yên, biết là đã thoát, “cô gái” mới “rũ bỏ xiêm y”.
Một viên đạn trúng hai đích ngắm
Về đến Hải Phòng, bọn chúng lao ngay vào những vụ cướp, giết điên cuồng như chẳng có gì phải sợ. Sau này, khi bị bắt, được hỏi : “Khi đi cướp anh có sợ không?”. Tuyến “lợn” đã trả lời: “Cháu không sợ gì cả!”. “Thế khi rút súng bắn người anh có nghĩ gì không?”. “Cháu không nghĩ gì cả, cháu chỉ nghĩ là tiền kia phải vào túi cháu! Không đưa thì cháu bắn!”.
Từ khi chúng xuất hiện, dân Hải Phòng ăn ngủ không yên. Nhiều người, ban ngày ban mặt ra đường có xe đạp mà chẳng dám đi bởi đó là miếng mồi ngon để chúng cướp. Đã nhiều trường hợp phải gánh chịu hậu quả đau lòng cũng bởi chiếc xe đạp, của quý lúc bấy giờ. Cướp bóc xảy ra liên tiếp, dân tình hoang, lo sợ, tình thế đó khiến các chiến sĩ CSHS Hải Phòng như thấy mình ngồi trên chảo lửa.
Nhiều ngày cật lực điều tra, nắm bắt tình hình, bóng dáng của Tuyến “lợn”, Phương “Tế”, Hùng “Hề”, Cẩm “Thi” đã rõ dần trước mắt các trinh sát. Thế nhưng, biết rõ tội ác chúng làm, nhưng chúng thì cứ như những bóng ma, thoắt ẩn, thoắt hiện không theo một quy trình nào, khiến nhiều lần vây bắt các trinh sát đều phải về không. Đang lúc bế tắc thì các trinh sát nhận được tin báo, Hùng “Hề”, Cẩm “Thi” đang ngủ tại nhà người quen của chúng ở một huyện ngoại thành. Nửa đêm hôm đó, mục tiêu được các chiến sĩ hình sự giả trai làng vây kín.
Từ ngoài cổng nhìn vào, các trinh sát thấy rõ Hùng “Hề” và Cẩm “Thi” đang nằm ngủ trên giường. Bất ngờ ập vào, hai tên tội phạm sẽ không thoát dù ai cũng biết súng của chúng đang kè kè dưới gối. Đang định tấn công thì các trinh sát khựng lại bởi một tình huống bất ngờ. Trong nhà có chó. Nếu tiến thêm vài bước nữa thế nào chó cũng sủa như vậy sẽ tức thì bị lộ. Khả năng bất ngờ không còn thì rủi ro sẽ rất lớn bởi đấu súng thì vô cùng nguy hiểm. Trong nhà có cả người già và trẻ nhỏ, súng đạn thì chẳng có mắt bao giờ. Thấy kế hoạch đó không ổn nên “những cậu trai làng” lại phải lặng lẽ rút lui. 
Sớm hôm sau, Hùng “Hề”, Cẩm “Thi” ra quán quen ăn phở như mọi ngày. Và, chúng chẳng thể ngờ rằng sau lưng chúng có một chiếc xe khách lặng lẽ bám theo. Quán phở ở ngay giữa ngã ba đường, và chiếc xe khách đó cũng đỗ lại để “lơ xe” chạy loăng quăng bắt khách. Súng dắt cặp quần, quan sát khắp lượt thấy đã yên tâm, Hùng “Hề”, Cẩm “Thi” yên chí ngồi ăn. Sáng sớm, quán vắng nên khi thấy đã đưa mắt chằm chằm nhìn một thanh niên ăn mặc tuềnh toàng vào gọi liền lúc 6 bát phở.
Thấy chúng nhìn mình như vậy, anh thanh niên ấy lảng mắt, quay sang nói với bà chủ quán: “Gớm, đi làm thuê cả năm, nay chuẩn bị về quê mới dám ăn phở đấy!”. Nói xong, anh thanh niên quanh ra vẫy mấy người đang ngồi lố nhố ở quán nước bên kia đường: “Sang ăn nhanh đi các tướng! Nhanh lên, kẻo nhỡ xe không về kịp với bu nó bây giờ!”. 5 người lũ lượt sang, kéo bàn ngồi sát Hùng, Cẩm rồi luyên thuyên đủ thứ chuyện nhà quê. Nhìn toán người “quê một cục”, hai tên tôi phạm không còn nghi ngại gì nữa mà thở phào tiếp tục cắm cúi ăn. Đang ăn, một “ông nhà quê” kêu phở nhạt đứng dậy quay sang bàn Hùng, Cẩm mượn lọ gia vị và…
Bà chủ quán chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì 6 “ông nhà quê” hai vị khách cũ đã lao vào nhau quần thảo như những người mang thù vạn kiếp. Bàn ghế lật nhào, bát đĩa vỡ loảng xoảng. Và, khi chiếc còng số 8 bập gọn gàng vào tay hai vị khách cũ thì quán phở đã chẳng khác gì một bãi chiến trường, ngổn ngang đổ nát. Cần nói rõ thêm, thời điểm diễn ra vụ “tập kích” kích này thì “miếng võ” bắt tội phạm nguy hiểm, tội phạm có “hàng nóng” đã được các chiến sĩ hình sự Hải Phòng thuộc làu làu và đã từng tác chiến thành công trong rất nhiều phi vụ trước đó.
“Miếng võ” này do chính hình sự Hải Phòng sáng tác ra và đã được hình sự của rất nhiều tỉnh thành học tập. “Miếng võ” này tuy đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả. Bắt một tên tội phạm nguy hiểm phải cần chí ít ba chiến sĩ. Chiêu đầu tiên là một chiến sĩ bất ngờ lao vào ôm chặt lấy nửa người trên của đối tượng, khống chế chặt đôi tay.
Tiếp đó, chiến sĩ thứ hai lao vào khoá chặt đôi chân và chiến sĩ thứ ba nhanh chóng khám người tước ngay vũ khí, đồng thời tra khoá vào tay đối tượng. Thế nhưng, nhớ lại trận bắt Hùng “Hề”, Cẩm “Thi”, những “ông nhà quê” ấy năm ấy bây giờ vẫn còn thấy rùng mình bởi nhiều tình huống suýt làm hỏng việc. Tình huống thứ nhất, vừa vào quán thì một trinh sát bị một đối tượng cũng từng là lưu manh xách cạp lồng vào mua phở nhận ra. Anh này thấy “cố nhân” thì vồ ngay lấy, hỏi thăm rối rít. Hùng “Hề”, Cẩm “Thi” thấy lạ, nên đã buông đũa dỏng tai nghe.
Nhưng rất nhanh, người trinh sát được những lời hỏi thăm… chết người đó đã vội vàng chạy ra, cũng vờ cười cười, nói nói để cướp lời kẻ xuất hiện không đúng lúc kia. Mặt vẫn tươi roi rói, miệng vẫn niềm nở thân tình nhưng bất ngờ khuôn mặt ấy biến sắc, rồi một âm gió phát ra chỉ đủ cho người đối diện nghe: “biến!”. Cũng là kẻ thông minh, nên thấy “người quen” quát vậy, biết “các anh” đang “làm việc” nên đối tượng này đã ấp úng rồi giả vờ quên tiền rồi chuồn thẳng. Khi đối tượng kia đã quay đầu… phắn, để hai “nhân vật chính” trong quán khỏi ngờ vực, trinh sát này đã gọi với theo: “Này, bố mày ơi, về bảo vợ nhốt gà vào nhé! Nếu tí nữa nhỡ xe, bọn tôi sẽ vào uống rượu đấy! Anh em lâu ngày gặp lại phải có cái gì sương sương mới khoái đấy!”. Quay lại trong quán, trinh sát này đã cố tình thông báo lại với mấy ông bạn của mình: “Thằng H, cùng đội xây với tôi năm kia ở miền ngược! Đúng là trái đất tròn, không ngờ hôm nay lại gặp nó ở đây. Ông tướng cứ nài vào nhà chơi mãi!”.
Cú gỡ bí ngoạn mục đó đã hoàn toàn qua mắt Hùng “Hề” và Cẩm “Thi”, chúng lại điềm nhiên xì xụp như chẳng có chuyện gì. Tình huống thứ hai, ấy là “miếng võ” “ba trong một” (ba người bắt một người) đã không suôn sẻ như mong muốn. Nguyên nhân tại các trinh sát quá đói và quá mệt. Một sự thật mà đến giờ nhiều cựu binh hình sự Hải Phòng vẫn sống và chiến đấu trong thời gian đó chẳng thể nào quên. Theo Hùng “Hề”, Cẩm “Thi” từ chiều hôm trước, số tiền công tác phí ít ỏi đã tiêu hết nhẵn.
Đến sáng, đi qua hàng xôi, ai cũng mơ ước có được một nắm xôi nóng dẻo để quên đi cơn đói đang hành hạ đến cồn cào. Sáu bát phở mà một trinh sát vừa gọi, ấy là vì công việc nên làm liều vậy chứ thực ra chẳng còn ai có đủ tiền để trả. Đang định vội vàng ăn để lấy sức nhưng không kịp, phải ra tay ngay bởi bàn bên, hai tên tội phạm đã ăn sắp xong, chuẩn bị đứng dậy đi ra. Là những tên có thể hình lực lưỡng nên dù ba đánh một nhưng phải rất vất vả các trinh sát mới tra được tay hai tên tội phạm vào còng. Trong cuộc vật lộn ấy, một trinh sát mặc ít áo đã bị bỏng ở lưng khi Cẩm “Thi” vùng vẫy đạp đổ nồi nước phở khiến cả nền quán sũng nước, khói bốc nghi ngút.    
Lại nói chuyện Tuyến “lợn”- Phương “Tế”, do gia đình có việc, Tuyến phải tạm chia tay Phương để ngược về Hòn Gai. Thiếu Tuyến, Phương như hổ mất vuốt nanh chẳng dám “làm ăn” gì, cứ ru rú ở khắp các nhà trọ. Bỗng một sáng thức dậy thấy dân tình đồn ầm ĩ việc công an vừa túm được cướp là tù trốn trại từ Quảng Ninh (Hùng “Hề”, Cẩm “Thi”) Phương tưởng Tuyến đã bị bắt nên hoang mang, sợ hãi. Trốn thôi, hắn nghĩ vậy, và vội vã nhảy tàu, định chạy vào Nam tìm “xây dựng vùng kinh tế mới”. Đến Nghệ An, hết tiền, hắn phải xuống tàu và lại vác súng đi cướp.
Có lẽ không biết hắn là Phương “Tế”, tên tội phạm đang nổi như cồn ở Hải Phòng nên nhân dân và công an địa phương đó đã truy đuổi rầm rộ khiến hắn không có đất làm ăn. Trong một lần đi cướp ở Vinh, hắn lại bị công ăn và dân phòng vây bắt. Đường cùng, Phương “Tế” lẻn vào một nhà trẻ, bắt học sinh làm con tin. Có lẽ đây là vụ tội phạm khống chế con tin để tìm cách trốn chạy đầu tiên trong lịch sử hình sự Việt Nam. Kêu gọi mãi mà Phương “Tế” không chịu ra hàng và có lẽ không ý thức được sự nguy hiểm, liều lĩnh của hắn nên một chiến sĩ công an đã dũng cảm lao vào giải cứu con tin. Và, anh đã hy sinh anh dũng. Biết là khó thoát nên hôm đó, Phương “Tế” đã quyết tử thủ đến cùng.
Như thú điên sa bẫy, hắn gào thét, chửi rủa rằng, nếu hắn chết thì chắc chắn sẽ có vài mạng nữa chịu chung số phận. Thế nên, khi thấy anh công an đột nhập vào, hắn đã một tay cầm súng, một tay lăm lăm lựu đạn chờ sẵn. Một tiếng nổ khô khốc vang lên đã lạnh lùng cướp đi tính mạng của anh công an dũng cảm trên. Thấy anh công an ngã xuống, mọi người uất hận ập vào. Có lẽ, trước “thế trận” ngùn ngụt, ào ào đó, Phương “Tế” đã sợ hãi nên không kịp trở tay. Y bị bắt khi trái lựu đạn đã mở chốt an toàn. Tin công an Nghệ An bắt được Phương “Tế” ngay lập tức được chuyển về Hải Phòng. Hai trinh sát đã không quản mưa rét, phóng xe máy vào để áp tải hắn ra.
Khi Phương “Tế” vừa lên tàu chạy trốn thì Tuyến “lợn” cũng từ Hòn Gai về. Cũng lại nghe tin công an Hải Phòng vừa bắt được cướp là tù trốn trại, tưởng Phương đã bị bắt, Tuyến đã đến tận cổng công an phường Cầu Đất để tìm hiểu thực hư. Đến nơi, thấy trước cổng ảnh mình, ảnh Hùng “Hề”, Cẩm “Thi”, Phương “Tế” dán đầy dưới lệnh truy nã, Tuyến cũng bắt đầu thấy nao núng, hoang mang. Tìm kiếm vài ngày mà không thấy tăm hơi Phương đâu, nghĩ chắc chắn “bạn mình” đã nằm yên trong khám, Tuyến đành đi cướp một mình. Vắng trợ thủ, Tuyến không những chẳng chùn tay mà ngược lại, hắn liều lĩnh và tàn bạo hơn. Một lần, về Kiến An, đi ngang qua Đài tưởng niệm, thấy đôi trai gái đang ngồi tâm sự hắn liền tạt vào vỗ vai chàng trai: “Cho xin cái xe đạp!”. Chàng trai chống cự, xô hắn lộn xuống ruộng. Nóng mắt, hắn rút súng bắn luôn. Rất may viên đạn không đi trúng đích.
Thấy tiếng súng nổ, mọi người ập ra, công an kéo đến. Tuyến chẳng chạy mà cứ quần áo lấm lem bình thản đến quán cà phê cách đó chưa đầy 100 mét điềm nhiên uống nước, mặc kệ mọi người bàn tán, công an khám nghiệm hiện trường. Tuy nhiên, cảnh giác, hắn đã ít xuất hiện ở chỗ đông người.
Có lẽ, đến lúc nằm trại chờ ngày “tựa cột”, Tuyến vẫn không thể ngờ mình lại bị bắt bởi mấy anh dân quân tay không tấc sắt. Nhận được tin báo, có người lạ mấy hôm nay cứ ngủ ngoài trạm bơm ở cánh đồng cách thị trấn Kiến An chừng 1 cây số với bộ dạng không minh bạch. Tưởng trộm, ba anh dân quân ở xã gần đó đã ập đến. Lúc đó, Tuyến “lợn” đang thiu thiu ngủ thì một anh lao vào, ghì chặt lấy hắn.
Hắn vùng dậy, dằng co nhưng không thoát nổi vòng tay cứng như gọng kìm ấy, kể cả khi đã vòng súng ra đằng sau bắn xuyên bụng người định bắt mình. Thấy đây không phải là tên tội phạm bình thường, hai anh dân quân còn lại cũng vội vàng tiếp ứng. Súng, lựu đạn… đã thua “chiếc đòn gánh” dũng cảm ở làng.
Nước mắt sau song sắt
Bị bắt, Hùng “Hề”, Cẩm “Thi”, Phương “Tế” đã thành khẩn khai báo các hành vi tội lỗi của mình, nhưng riêng Tuyến “lợn” thì không. Biết công an Hải Phòng bắt được những tên cướp nguy hiểm trên, công an Quảng Ninh đã vội vàng sang để lấy lời khai, làm rõ những vụ trọng án trên địa bàn mình. Nhưng, làm đủ mọi cách mà Tuyến “lợn” vẫn chỉ khăng khăng nhận mình chỉ “làm” 7 vụ, còn các vụ khác dù có nhiều bằng chứng kết tội nhưng y lắc đầu nói mình không phải là thủ phạm. Không cách nào lấy cung được nên công an Quảng Ninh đành chào thua, giao Tuyến “lợn” lại cho công an Hải Phòng.
Tôi có may mắn được gặp người đã trực tiếp tổ chức cuộc vây bắt Tuyến “lợn”, Phương “Tế”, Hùng “Hề”, Cẩm “Thi” cùng đồng bọn đồng thời cũng chính ông được giao việc lấy cung Tuyến “lợn” năm đó. Ông là thượng tá Nguyễn Trọng Lộ, nguyên là Phó phòng Cảnh sát hình sự, Đội trưởng đội đặc nhiệm H.88 huyền thoại Hải Phòng. Ông kể, được giao lấy cung tên tội phạm cứng đầu đó ông cũng lo lắm.
Chính ông đã tổ chức bắt hắn nên ít nhiều gì hắn cũng có những ấn tượng không tốt về ông. Thế nhưng, là một người dày dặn kinh nghiệm, ông vẫn quyết định tiến hành vào trại lấy cung bởi ông biết đã là con người thì dù có tội lỗi, tàn bạo mấy y vẫn có điểm yếu và tấn công vào điểm yếu đó, chắc hẳn kết quả sẽ không tồi. Theo những thông tin từ những cuộc lấy cung không thành khác, ông quyết định sẽ lấy tình người để thu phục tên tội phạm nguy hiểm, “chủ nhân” của những vụ trọng án mà nhiều người gọi là vô nhân tính ấy.
Vào nơi giam giữ Tuyến “lợn” giám thị trại bảo Tuyến “lợn” có vẻ mệt, có lẽ hôm nay không lấy cung được. Ông thấy đây là cơ hội tốt nhất cho mình bởi ý nghĩ có lẽ Tuyến đã ân hận về tội lỗi của mình nên sức khoẻ của y có phần giảm sút. Thế nên, dù giám thị khuyên ông quay về nhưng ông vẫn quyết định vào buồng giam. Thấy ông vào, Tuyến đang nằm trên ghế, chẳng thèm quay mặt ra thủng thẳng nói: “Hôm nay tôi mệt, chẳng thể nói gì được với ông cả!”. “Tôi biết, thế nên hôm nay tôi đã mời bác sĩ vào khám bệnh cho anh. Lấy cung thì hôm nào mà chẳng được!”. Bác sĩ vào, đúng là Tuyến “lợn” ốm thật. Y đang sốt, trán lấm tấm mồ hôi. Sau khi bác sĩ tiêm xong, sực nhớ ra mình có gói trà sâm vừa được cơ quan cho khi sáng, ông vội vàng lấy ra hoà nước cho Tuyến uống. Trà sâm là một loại nước uống rất quý lúc bấy giờ, nên thấy “cán bộ” đã cho mình uống, Tuyến “lợn” cảm động thật sự. Y đã không còn nói ông xưng tôi nữa mà gọi chú xưng cháu rất thân tình. Xong xuôi mọi việc, ông gọi giám thị lấy chiếu, chăn để Tuyến nằm nghỉ.
Dặn dò, động viên hắn vào câu, ông chào ra về. Nhưng khi ông vừa toan cất bước thì Tuyến đã gọi giật ông lại, nước mắt rơm rớm: “Chú ơi, chú cứ ra ngoài chờ cháu! Cháu nghỉ ít phút rồi sẽ khai tất với chú!”. Ông ra ngoài, và đúng như lời Tuyến nói, đúng một giờ sau, hắn đã gọi ông vào. Ngồi đối diện, nhưng Tuyến không dám nhìn thẳng vào mắt người chiến sĩ công an dày dặn kinh nghiệm ấy. Cúi gằm, y bảo: “Cháu biết, khai những lời này chắc chắn cháu sẽ chết, nhưng cháu vẫn khai!”. Cả buổi chiều, hai người ngồi làm việc cởi mở như bạn bè giãi bày tâm sự chuyện đời. Tuyến “lợn” đã liền mạch khai trọn vẹn 32 vụ trọng án mà y cùng đồng bọn đã liều lĩnh gây ra. Ông Lộ bảo, trong đời làm hình sự của mình, chưa một cuộc lấy cung nào mà lại bội thu như vậy. Hết buổi lấy cung, Tuyên “lợn” đã khóc như trẻ nhỏ. Y bảo, nếu trước đây, y may mắn được gặp những chiến sĩ công an hiểu y, tôn trọng y như ông Lộ thì chắc chắn bàn tay y không nhúng sâu vào tội lỗi tày đình như vậy.    
Phương “Tế”, Tuyến “lợn đã phải trả giá cho tội lỗi của mình bằng hai bản án tử hình. Hùng “Hề”, Cẩm “Thi” được đưa về Quảng Ninh xử điểm để “làm gương” cho tội phạm đất mỏ và chúng cũng phải nhận những bản án nghiêm khắc nhất.
Đào Thanh Tuy