Thượng tướng, nguyên Thứ trưởng Quốc phòng bàn về TQ và Biển Đông

29/07/2011 03:36
(GDVN) – “Cuộc hải chiến Trường Sa năm 1988 nhắc lại cho chúng ta thấy tham vọng bá quyền của Trung Quốc đã thể hiện ra bằng hành động xâm phạm chủ quyền"...
(GDVN) – “Cuộc hải chiến Trường Sa năm 1988 với Trung Quốc nhắc lại cho chúng ta thấy tham vọng bá quyền của Trung Quốc đã thể hiện ra bằng hành động xâm phạm chủ quyền chứ không phải chỉ bằng các hành động gây hấn mới đây từ các tàu hải giám của họ”, Thượng tướng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Rinh nói. 
PV báo Giáo dục Việt Nam đã có buổi phỏng vấn Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ quốc phòng hiện đang là Chủ tịch hội nạn nhân chất độc màu da cam/đioxin Việt Nam về vấn đề này.
“Tôi đã nhiều lần ra Trường Sa, đi tất cả các đảo nổi và đảo chìm. Điều tôi băn khoăn nhất khi ra Trường Sa là về vấn đề bảo đảm phòng thủ cho vùng biên cương này của Tổ quốc. Trường Sa ở xa đất liền nên công tác bảo đảm hậu cần rất khó khăn. 
Đó cũng là lý do, công tác nghiên cứu xây dựng kế hoạch phòng thủ, bảo vệ vùng biển - đảo luôn là một nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan tham mưu tác chiến chiến lược”.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh (bên phải ảnh)
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh (bên phải ảnh)
PV: Diễn biến nóng gần đây tại khu vực biển Đông đang khiến nhiều người lo ngại. Ý kiến của Thượng tướng về vấn đề này như thế nào?
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Việc Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam đã được các cơ quan báo chí lên tiếng kịp thời. Có ba điểm rất đáng ngại, không chỉ vi phạm Công ước luật biển năm 1982, vi phạm Tuyên bố ứng xử biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc mà hành động này của phía Trung Quốc còn trái với nhận thức chung của lãnh đạo cao nhất của Việt Nam – Trung Quốc.
Lãnh đạo cấp cao của hai nước đã thỏa thuận là xây dựng quan hệ hữu nghị giữa hai nước theo phương châm 16 chữ trên tinh thần 4 tốt.
Cũng cần phải nhắc lại, chứng cứ của Trung Quốc đưa ra để chứng tỏ chủ quyền của mình tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là không có cơ sở. Bản thân đường lưỡi bò mà họ đưa ra cũng hết sức phi lý  và vi phạm nghiêm trọng công ước luật biển năm 1982.
Nhưng tham vọng bá quyền của Trung Quốc là rất lớn, họ sẽ chẳng chịu bỏ cuộc. 
PV: Vừa qua chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong phát biểu với báo giới ngay sau khi đắc cử đã  nhấn mạnh: “ Chúng ta là nước nhỏ nên phải dựa vào sức mạnh của tập thể, của cộng đồng, của Công ước luật biển 1982 để bảo vệ chủ quyền biển đảo, vùng đặc quyền kinh tế”. Xin thượng tướng cho biết ý kiến riêng của mình về nguồn sức mạnh Việt Nam hiện nay để giữ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa?
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Chủ tịch nước nói như thế là đúng quan điểm của nhà nước ta.
Bảo vệ chủ quyền đất nước là bảo vệ cả đất liền, vùng biển và vùng trời. Còn sức mạnh Việt Nam là sức mạnh tổng hợp. Vì quân đội ta là quân đội nhân dân, sức mạnh quân đội Việt Nam chính là sức mạnh dân tộc. Trong đó lấy việc xây dựng quân đội làm nòng cốt.  
Nói về vũ khí thì chúng ta không hiện đại hơn Trung Quốc nhưng nói về ý chí dân tộc thì các triều đại Trung Quốc đánh mình mấy nghìn năm nhưng họ vẫn phải thua.
Bên cạnh đó, chúng ta phải làm cho nhân dân thế giới và cả nhân dân Trung Quốc am hiểu hơn về Việt Nam. Muốn làm việc đó thì chỉ có tuyên truyền rộng rãi. Đồng thời phải làm sao để nhân dân Việt Nam, nhân dân thế giới kể cả nhân dân Trung Quốc am hiểu hơn về luật pháp quốc tế về biển. 
Ngày trước chiến tranh chống Mỹ cũng thế, chúng ta thắng họ là một phần nhờ vào nhân dân Mỹ hiểu Việt Nam, hiểu được những gì mà nhà cầm quyền Mỹ đang làm ở Việt Nam là phi nghĩa.
Một phần rất lớn nữa chính là sức mạnh thời đại. Hiện nay xu hướng nhân dân các nước trên thế giới đều chống chiến tranh và bảo vệ hòa bình, đoàn kết, cùng phát triển. 
“Liên quan đến sự kiện xảy ra tại Trường Sa vào năm 1988, việc làm của phía Trung Quốc 1988 gây cho Việt Nam những tổn thất đáng kể. Họ bắn tàu của ta khiến cho 64 chiến sỹ bị hy sinh và sau đó trả lại tự do cho 9 người, 31 người hiện vẫn mất tích.
Bộ quốc phòng Việt Nam đã yêu cầu phía Trung Quốc giải quyết vấn đề này, để hải quân của chúng ta đến khu vực đó tìm kiếm hài cốt của các chiến sỹ đưa về đất liền nhưng phía Trung Quốc bao lâu nay vẫn cứ lờ đi.
Tôi nghĩ việc này cần phải được giải quyết vì nó hoàn toàn chính đáng. Sau khi  chiến tranh kháng chiến chống Mỹ kết thúc, phía ta vẫn tỏ thiện chí trong việc cùng với phía Mỹ tìm kiếm hài cốt của các binh sỹ Mỹ”.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh
Ba sức mạnh: sức mạnh dân tộc, sức mạnh dư luận, sức mạnh thời đại làm nên sức mạnh tổng hợp để chúng ta bảo vệ đất nước trong đó có việc bảo vệ các vùng hải đảo thuộc chủ quyền của ta.
Xuyên suốt lịch sử Việt Nam là các cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập chủ quyền. Hơn ai hết, nhân dân ta muốn tránh chiến tranh và muốn duy trì ổn định. Quan điểm nhất quán của chúng ta là mình không đánh trước. 
Việt Nam không bao giờ dùng sức mạnh quân sự đi đánh một nước khác. Nhưng nếu có nước nào xâm phạm chủ quyền quốc gia của Việt Nam thì dân tộc này sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ từng thước đất, thước biển của quê hương.
PV: Đi đôi với phát triển kinh tế là nhiệm vụ tăng cường sức mạnh quân sự, củng cố quốc phòng. Trước tình hình mới, nhiều người dân có nguyện vọng xây dựng quỹ quốc phòng để quân đội trang bị vũ khí hiện đại nhiều hơn. Thượng tướng nghĩ sao về đề nghị này?
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Tôi biết gần đây một số người dân có ý kiến góp tiền để xây dựng quỹ quốc phòng để mua thêm vũ khí và trang thiết bị hiện đại cho quân đội. Đó là nguyện vọng chính đáng của người dân. Hiện nay chúng ta cũng đã có quỹ Vì Trường Sa thân yêu.
Tuy nhiên cũng cần phải thấy rằng tiền của người dân hay tiền của nhà nước thì đều là nguồn tiền từ đất nước. Mà các vũ khí quân sự thì lại rất đắt, một chiếc tàu ngầm đã có giá hàng trăm triệu đô la. 
Thế cho nên, cá nhân tôi mong mỗi người dân hãy đầu tư phát triển kinh tế để xây dựng đất nước. Đó là nhiệm vụ trọng tâm hiện nay. Khi kinh tế mạnh thì sức mạnh quốc phòng sẽ mạnh theo.
Còn mới đây năm 2009, chúng ta có kí hợp đồng mua 6 tàu ngầm lớp kilo 686 chạy dầu diezel-điện thuộc dự án 636 và từ năm 2014, Nga sẽ bắt đầu chuyển giao các tàu ngầm này cho Hải quân Việt Nam. Phải nói rằng đây là các tàu ngầm nếu so với các tàu ngầm trên thế giới hiện nay thì là loại nhỏ và thuộc thế hệ cũ. Loại này chỉ dùng để huấn luyện là chính.
Và con số 6 so với số lượng tàu ngầm của các nước thì vẫn còn quá ít. Mà vùng biển của chúng ta lại rất rộng. Chính vì thế trong thời gian tới chúng ta phải trang bị vũ khí hiện đại hơn cho hải quân, tăng cường các tầu tuần tra trên biển. 
PV: Thượng tướng có thể nói gì về việc hiện đại hóa hải quân của quân ta hiện nay?
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Việc hiện đại hóa hải quân nói riêng và quân đội nói chung đòi hỏi từng bước và phụ thuộc vào khả năng kinh tế của đất nước. Hiện nay chúng ta đang từng ngày tăng cường năng lực tác chiến cho cả hải quân trên biển, lực lượng chi viện trên bờ cho biển và lực lượng trên trên không. 
PV: Theo Thượng tướng, để xây dựng vững chắc lực lượng phòng thủ, bảo vệ biển đảo thì điều cần làm nhất của chúng ta hiện nay là gì?
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Điều quan trọng nhất là mình phải có sức mạnh để giữ. Mà sức mạnh đó là của dân tộc, một sức mạnh tổng hợp. Đồng thời phải bảo đảm cho lực lượng giữ phòng thủ trên các đảo giữ vững chủ quyền các vùng biển đảo của mình. So với ngày trước thì lực lượng của ta đã khá hơn nhiều rồi.
Tôi tin nhà nước ta sẽ bảo đảm được điều đó!
{iarelatednews articleid='8592,8552,8294,8292,8244'}
Tuệ Minh
alt