1.200 bài báo về "vụ Tiên Lãng"

16/03/2012 09:27
Theo Dân Việt
Nếu chính quyền Tiên Lãng thực hiện nghĩa vụ kiểm tra và trả lời với báo chí, thì có lẽ chỉ có 1 bài báo đầu tiên, thay vì có tới 1.200 bài báo sau này.
Đã có khoảng 1.200 bài viết trên báo in và báo điện tử về “vụ Tiên Lãng”, con số này hôm qua đã được một lãnh đạo Cục Báo chí (Bộ Thông tin - Truyền thông) đưa ra tại hội thảo “Nguồn lực đất đai và vai trò của truyền thông” tổ chức ở Hà Nội.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cũng không quên nhắc lại, vụ việc thực ra đã được báo Viet Nam Economic News phát hiện và phản ánh từ năm 2008. “Báo chí chưa thực sự đeo bám vụ việc đến cùng. Chỉ khi có hành vi chống trả của ông Vươn thì báo chí mới vào cuộc. Việc đấu tranh với cái sai, cái tiêu cực với thái độ nửa vời sẽ thể hiện sự thiếu trách nhiệm của cơ quan báo chí, của nhà báo trước xã hội”- ông Phúc nói.

Điều đó là đúng, trong một thị hiếu báo chí mà GS Đặng Hùng Võ sau đó đã mô tả “80% những bài đọc nhiều nhất là chuyện hở hang, thu hút sự tò mò”. Đúng, nhưng chưa đủ, bởi khi báo chí quan tâm, thứ mà họ phải đối diện là sự lẩn tránh, hoặc tệ hơn, là sự “chống trả” của những người có trách nhiệm. Ngay cả khi câu chuyện “hai năm rõ mười” trên mặt báo, thái độ của chính quyền, trong hầu hết các trường hợp là im lặng.

Sau vụ Tiên Lãng, một tờ báo đã tung phóng viên làm một loạt điều tra về thân phận những người nông dân bám biển ở Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa... Kết quả của các cuộc điều tra là “có quá nhiều thân phận Đoàn Văn Vươn”. Quá nhiều bất công. Bảo vệ nguồn lực đất đai cũng chính là bảo vệ nông dân. Nhưng những điều tra của báo chí, trước vụ Tiên Lãng, và từ vụ Tiên Lãng, đã nhận được phản hồi gì? Ngoài sự lẩn tránh và im lặng?

Nếu ngay từ năm 2008, chính quyền Tiên Lãng lắng nghe nông dân, thực hiện nghĩa vụ kiểm tra và trả lời với cơ quan báo chí, thì có lẽ chỉ có 1 bài báo đầu tiên, thay vì có tới 1.200 bài báo sau này. Nhưng báo chí chỉ có thẩm quyền “kêu ca hộ” mà thôi.

Tháng 5.2007, Thủ tướng đã có quyết định ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Nhưng suốt 5 năm qua, tình trạng phổ biến là người phát ngôn thích thì phát ngôn, không thích thì “bận họp”. Còn nghĩa vụ cung cấp thông tin thì đúng nghĩa là “hãy đợi đấy”. GS Đặng Hùng Võ hôm qua đã rất có lý khi nói tới sự cần thiết có một “cơ chế thực hiện những giám sát” để những giám sát, của báo chí, của các cơ quan dân cử- không rơi vào “hố đen của sự im lặng”.
Theo Dân Việt