Giáo viên thiệt thòi khi quy định số giờ dạy thêm không quá 200 giờ dạy/năm

07/10/2018 06:44
Thuận Phương
(GDVN) - Một số đồng nghiệp dạy tại các trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông cho biết, môn của mình thiếu giáo viên nên được phân dạy tăng khá nhiều tiết.

LTS: Trước tình trạng, nhà trường đã phân công thầy cô dạy tăng tiết nhưng chưa có sự đãi ngộ xứng đáng, cô giáo Thuận Phương phản ánh những bất cập cần điều chỉnh hiện nay.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Theo quy định về định mức giờ dạy các cấp học, giáo viên mầm non dạy 2 buổi/ngày là 1.050 giờ dạy/ năm; giáo viên tiểu học là 805 giờ dạy/ năm; giáo viên trung học cơ sở là 703 giờ dạy/ năm; giáo viên trung học phổ thông 629 giờ dạy/ năm; giáo viên trung học phổ thông dạy ở trường phổ thông dân tộc nội trú 555 giờ dạy/ năm…

Hiện nay, nhiều địa phương vẫn xảy ra tình trạng thiếu giáo viên. Thế nên ngoài những tiết dạy theo quy định như trên, nhiều thầy cô vẫn được nhà trường phân công dạy tăng tiết.

Thế nhưng giáo viên chỉ được nhà nước thanh toán số tiết tăng tối đa là 200 giờ/năm. Vượt qua số ấy, xem như dạy công cốc. Điều này không chỉ tạo sự bất công cho giáo viên mà chính học sinh cũng bị thiệt thòi nhiều mặt.

Ảnh minh họa: http://baoquangngai.vn
Ảnh minh họa: http://baoquangngai.vn

Người dạy bạc đầu cũng bằng người chơi thong thả

Một số đồng nghiệp dạy tại các trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông cho biết, môn của mình thiếu giáo viên nên được phân dạy tăng khá nhiều tiết (vượt 200 tiết/năm theo quy định).

Một số môn học khác lại dư giáo viên nên không ít thầy cô dạy chưa đạt chuẩn quy định. Cá biệt có giáo viên một tuần chỉ dạy dưới 10 tiết trong khi tiết chuẩn quy định (Trung học cơ sở là 19, Trung học phổ thông là 17).

Bậc tiểu học, giáo viên dạy đủ môn và có thể dạy đủ các khối. Thế nhưng ở hai bậc học Trung học cơ sở và Trung học phổ thông giáo viên chuyên môn nào chỉ dạy đúng môn ấy mới có chất lượng.

Không ít trường học thừa thiếu giáo viên cục bộ. Một số tổ chuyên môn thừa thầy cô, một số tổ khác lại thiếu trầm trọng. Ví như giáo viên Văn dư nhưng giáo viên Toán thiếu. Hay giáo viên Sử dư nhưng giáo viên Địa lại thiếu.

Giáo viên thiệt thòi khi quy định số giờ dạy thêm không quá 200 giờ dạy/năm ảnh 2Cả nước có 27 tỉnh thiếu giáo viên nhưng không được giao chỉ tiêu tuyển mới

Nhiều trường không thể phân công giáo viên dạy đúng chuyên môn.

Nếu phân đúng, có giáo viên tổ thiếu phải dạy tới 30 – 35 tiết/tuần nhưng vẫn sẽ có những giáo viên tổ chuyên môn đang thừa lại ngồi không.

Và như thế, dù thầy cô dạy nhiều vẫn không được nhận tiền phụ trội.

Đơn giản, khi thanh toán tiền thừa giờ người ta lại lấy tổng số tiết dạy chia cho bình quân trên đầu người từng giáo viên.

Và như thế, nhà trường sẽ không biết lấy đâu ra số tiền lớn để trả cho những giáo viên dạy vượt tiết quy định.

Vì không để vượt 200 tiết/năm nhà trường phải phân dạy tréo ngoe

Vậy nên, phân công được coi là hợp lý nhất với nhà trường nhưng bất lợi nhất cho học sinh là phân dạy chéo ban (nhiều người còn gọi là tréo ngoe).

Ví như giáo viên dạy Sử phân dạy Văn, Công dân, giáo viên dạy Địa lại dạy cả Toán, giáo viên dạy Sinh dạy cả Sử, giáo viên dạy Thể dục dạy luôn Giáo dục công dân…

Kiểu phân chuyên môn dạy trái khoáy như thế, nhà trường đã giải quyết được việc thừa thiếu giáo viên. Nhưng học sinh lại thua thiệt đủ đường.

Bạn nghĩ sao khi một giáo viên chỉ có chuyên môn Địa nhưng lại dạy Toán? Về kiến thức đương nhiên giáo viên ấy sẽ đảm nhiệm tốt. Nhưng về phương pháp và kĩ thuật dạy học sẽ có nhiều vấn đề đáng bàn.

Giáo viên thiệt thòi khi quy định số giờ dạy thêm không quá 200 giờ dạy/năm ảnh 3Vì mục tiêu giảm biên chế, nhiều nơi buộc phải sử dụng giáo viên hợp đồng

Làm sao những thầy cô ấy có được những phương pháp dạy linh hoạt, sáng tạo?

Làm sao họ có cách truyền đạt đến học sinh để các em dễ hiểu như những giáo viên dạy toán thực thụ?

Rồi giáo viên tiếng Anh có khi dạy Sử. Đã có không ít học sinh phải thốt lên rằng cô cho ghi mỏi tay chẳng sót chữ nào trong sách nên học mệt lắm.

Một số trường do thiếu giáo viên nên ngoài những tiết dạy theo tiêu chuẩn, thầy cô nào cũng dạy tăng tiết ngót nghét 200 tiết phụ trội/năm.

Thế là, trong năm học bất ngờ có giáo viên xin nghỉ bệnh đột xuất, nhà có tang gia hay đám hỏi, cưới xin…

Ban giám hiệu rất khó khăn trong việc điều giáo viên đi dạy thay. Lý do, giáo viên có dạy cũng không được thanh toán tăng giờ vì đã dạy vượt số tiết quy định 200 tiết /năm.

Chính nhà trường khi phân công giáo viên dạy chéo ban cũng hiểu được rằng, dù là thầy cô giáo đã có thời gian học về phương pháp dạy học. Nhưng không phải chuyên môn của mình được đào tạo, chắc chắn dạy học cũng không tốt.

Giáo viên bộ môn nào thiếu cần được tuyển dụng, bộ môn nào dư mạnh tay luân chuyển tới nơi thiếu hoặc buộc phải thanh lý hợp đồng. Nếu chưa làm được điều này cũng cần sửa quy định chỉ thanh toán tiền thừa giờ cho giáo viên không quá 200 ngàn đồng/năm như hiện nay.

Thuận Phương