Nếu tăng tuổi nghỉ hưu, còn bao nhiêu giáo viên được nhận lương hưu?

06/05/2019 06:53
BÙI NAM
(GDVN) - Tăng tuổi hưu là cần thiết nhưng tăng tuổi hưu cho giáo viên là một sai lầm, tăng tuổi hưu cho công nhân, lao động trực tiếp là điều không nên.

LTS: Sau đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động, đặt ra câu hỏi "Dự thảo tăng tuổi nghỉ hưu nữ lên 60, nam 62 thì sẽ có giáo viên, công nhân nào lãnh được lương hưu?", tác giả Bùi Nam đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Bộ Lao động – Thương binh và xã hội đang dự thảo bộ Luật Lao động (sửa đổi) với rất nhiều nội dung quan trọng trong đó có đề xuất 2 phương án về tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động nhận được sự quan tâm, băn khoăn và tâm tư của người lao động nhất là giáo viên và người lao động trực tiếp.

Cụ thể 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu được Bộ Lao động – Thương binh và xã hội trình ra như sau:

Phương án 1: Kể từ ngày 01/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với nam và 04 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Phương án 2: Kể từ ngày 01/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 04 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 06 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với nam và 06 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Dự thảo tăng tuổi hưu nữ lên 60, nam 62 (Ảnh minh họa: vov.vn).
Dự thảo tăng tuổi hưu nữ lên 60, nam 62 (Ảnh minh họa: vov.vn).

Sẽ có nhiều giáo viên, công nhân không được hưởng lương hưu?

Như vậy là khác với các phương án đã trình trước đó là có phương án giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện tại (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi) để nhân dân đóng góp ý kiến, để Bộ Lao động -  Thương binh và xã hội trình Chính phủ sau đó Chính phủ trình Quốc hội lấy ý kiến thông qua.

Dự thảo lần này chỉ đưa 2 phương án là nâng tuổi nghỉ hưu cho nữ lên đến 60, nam đến 62 theo lộ trình từ năm 2021.

Tăng tuổi hưu là cần thiết nhưng tăng tuổi hưu cho giáo viên là một sai lầm, tăng tuổi hưu cho công nhân, lao động trực tiếp là điều không nên.

Bộ Lao động - Thương binh và xã hội khi trình phương án tăng tuổi nghỉ hưu đã không nhìn thẳng vào thực tế ngành giáo dục là một ngành đặc thù, ngành lao động trí óc, muốn giáo dục luôn thực hiện tốt thì lực lượng giáo viên phải luôn luôn vận động, sáng tạo,…tăng tuổi nghỉ hưu cho giáo viên là một sai lầm sẽ kéo theo sự trì trệ, chất lượng và hiệu quả sẽ giảm sút.

Giáo viên nữ đến 55 tuổi, nam 60 tuổi đi dạy khoảng trên 30 - 40 năm là mắt đã mờ, chân yếu, tay run,…nhiều người đã phải sống hàng ngày bằng các loại thuốc tiểu đường, tim mạch, cột sống, thần kinh…

Nhiều nhà giáo xin nghỉ hưu trước tuổi

Nếu để giáo viên nữ đến 60 tuổi, nam đến 62 đứng trên bục giảng không thể nào giảng dạy đáp ứng nhu cầu thì làm sao dạy giỏi và có học sinh giỏi được, hãy để cho giáo viên được nghỉ hưu như hiện nay.

Thực tế có rất nhiều giáo viên 55 tuổi khi vừa nghỉ hưu đã mắc bệnh hiểm nghèo và có nhiều giáo viên mất khi chưa được hưởng tuổi hưu, nếu tăng tuổi hưu lên 60 cho giáo viên nữ và 62 cho nam chắc sẽ có nhiều giáo viên “gục ngã” ngay trên bục giảng, khi mà họ chưa được một ngày nghỉ ngơi và chưa được hưởng lương hưu.

Giáo viên mầm non mà nữ tăng đến 60 tuổi thì tôi không biết lúc đó họ đến lớp và dạy như thế nào? Họ hát, múa như thế nào để dạy học sinh?

Bên cạnh đó, thực tế hiện nay, nếu tăng tuổi hưu lên đến 60 đối với nữ, 62 đối với nam thì tôi tin rằng đối với công nhân lao động trực tiếp sẽ không còn ai được hưởng lương hưu.

Hiện nay, khi công nhân làm việc ở lứa tuổi trên dưới 50 là các công ty tìm mọi cách để cho họ nghỉ việc vì khi đó họ làm việc không còn hiệu quả, nên thật sự lực lượng công nhân mà hưởng lương hưu hiện nay là rất ít, nếu tăng tuổi hưu nữ lên đến 60, nam lên 62 tôi tin rằng sẽ không còn công nhân nào được hưởng lương hưu.

Nâng tuổi hưu và nỗi lo sợ từ giáo viên

Tôi tha thiết mong Bộ Lao động - Thương binh và xã hội xem xét lại vấn đề tăng tuổi hưu cho công nhân và lực lượng giáo viên, có thể giảm mức hưởng lương hưu nhưng không nên tăng tuổi hưu.

Tăng tuổi hưu là vấn đề nhạy cảm liên quan đến hàng chục triệu lao động trong cả nước, mong Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Chính phủ nghiên cứu kỹ các tác động của nó đối với xã hội, nếu tăng tuổi hưu thì hệ lụy của nó đối với giáo dục là vô cùng lớn, giáo dục khó mà thay đổi bắt kịp sự tiến bộ, phát triển của thế giới

Theo tôi đối với giáo viên và lao động trực tiếp nên giữ nguyên như hiện nay, nếu giáo viên và công nhân lao động trực tiếp có nguyện vọng tiếp tục công tác thì cho kéo dài thời gian công tác.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng có nhiều điểm mới khi đề xuất mức mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ tăng thêm 100 giờ lên mức tối đa từ 300 – 400 giờ/năm (hiện nay tối đa 200 – 300 giờ/năm) và đề xuất bổ sung một ngày nghỉ là ngày 27/7 (ngày Thương binh, liệt sĩ), do ngày này trùng với thời gian nghỉ hè của giáo viên nên nếu được thông qua thì sẽ bố trí nghỉ vào một ngày khác, đây cũng là điều đáng mừng khi đó giáo viên bận công việc đột xuất có thể bố trí ngày nghỉ còn hiện nay giáo viên không có ngày nghỉ phép.

BÙI NAM