Yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giảng viên đại học

16/05/2015 07:52
TS.LS Vũ Thái Hà
(GDVN) - Giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học là người có nhân thân rõ ràng; có phẩm chất, đạo đức tốt; có sức khỏe; đạt trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ.

Tôi đã tốt nghiệp thạc sỹ ngành kỹ thuật, có nhiều kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn. Hiện tại, tôi có nguyện vong thi tuyển làm giảng viên đại học. Đề nghị Phòng tư vấn pháp luật và Bạn đọc Báo Giáo Dục Việt Nam cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, để được tham gia giảng dạy tại trường đại học thì tôi có phải đi bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm không?

Phan Duy Minh

Theo quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật Giáo dục đại học thì: Giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học là người có nhân thân rõ ràng; có phẩm chất, đạo đức tốt; có sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp; đạt trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ quy định tại điểm e khoản 1 Điều 77 của Luật giáo dục.

Điểm e) khoản 1 Điều 77 Luật Giáo dục quy định trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo như sau: Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với nhà giáo giảng dạy cao đẳng, đại học; có bằng thạc sĩ trở lên đối với nhà giáo giảng dạy chuyên đề, hướng dẫn luận văn thạc sĩ; có bằng tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy chuyên đề, hướng dẫn luận án tiến sĩ.

Mục II Thông tư 12/2013/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học (sau đây gọi là Thông tư 12/2013/TT-BGDĐT) quy định đối tượng bồi dưỡng bao gồm: Người tốt nghiệp đại học trở lên, chưa qua bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và có nguyện vọng trở thành giảng viên giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học.

Khoản 1 Mục III, Mục VI Thông tư 12/2013/TT-BGDĐT quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu trong chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học là 20 tín chỉ, trong đó: Khối lượng kiến thức bắt buộc tối thiểu: 15 tín chỉ; khối lượng kiến thức tự chọn: 5 tín chỉ. Các đối tượng chưa qua đào tạo sư phạm và chưa tham gia giảng dạy trong cơ sở giáo dục đại học phải được học đầy đủ cả hai phần kiến thức bắt buộc và tự chọn của chương trình.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Như vậy, căn cứ các quy định trên, theo thông tin ông đã cung cấp, ông tốt nghiệp thạc sỹ ngành kỹ thuật, có nhiều kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn. Do đó, để được giảng dạy ở trường đại học, ngoài việc đáp ứng các điều kiện về nhân thân, phẩm chất đạo đức, sức khỏe, trình độ chuyên môn, ông phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Để được cấp chứng chỉ, ông phải hoàn thành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm tại các cơ sở giáo dục được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ. Khối lượng kiến thức và việc thực hiện chương trình bồi dưỡng được thực hiện theo quy định đã trích dẫn ở trên.

Lưu ý: Nội dung tư vấn chỉ mang tính tham khảo.

Để được tư vấn và nhận được sự trợ giúp của Phòng Tư vấn pháp luật của Báo Giáo dục Việt Nam, bạn đọc có thể liên lạc qua:

Điện thoại: 043.5569666;  0913559944

Email: phapluat@giaoduc.net.vn; hoặc

Trực tiếp tại trụ sở Báo Giáo Dục Việt Nam (Tầng 6, Tòa nhà 25T1, Khu N05, đường Hoàng Đạo Thúy, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) vào các ngày thứ 3 và thứ 5 hàng tuần (từ 9h đến 11h).

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của Công ty Luật TNHH YouMe.

TS.LS Vũ Thái Hà