Ôn thi Đại học: Bí quyết học khối A của Thủ khoa ĐH Điện lực

23/03/2012 06:00
Đỗ Quyên Quyên
(GDVN) - Thủ khoa Trần Tuấn Hoàng tâm sự, tri thức là chìa khóa bước vào cuộc sống đồng thời tự học là cánh cửa quan trọng bước vào tri thức.

Yêu môn lý vì thích cầu vồng

Hoàng chia sẻ, ngày còn nhỏ em vẫn thường mong mỗi khi trời mưa để được nhìn cầu vồng. Trong đôi mắt của một đứa trẻ, chiếc cầu nối giữa hai đường chân trời đầy màu sắc như một điều kỳ diệu. Tiếp xúc với môn vật lý, biết được cầu vồng là hiện tượng tán sắc của ánh sáng khi mặt trời khúc xạ và phản xạ qua các giọt nước mưa, Hoàng đã thật sự yêu thích môn học này. 

Học một cách say mê, không chỉ giỏi Khoa học tự nhiên Hoàng còn “siêu” môn tiếng Anh. Năm học lớp 9, Hoàng đã từng dự thi HSG tiếng Anh, đoạt giải nhì cấp Tỉnh. Hoàng cho rằng, học tiếng Anh không chỉ là một nhu cầu cần thiết và cấp bách mà còn giúp con người tiếp cận tri thức nhân loại ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Em cũng luôn mong muốn đi du học để có thêm kiến thức, tầm nhìn mở mang về thế giới.

Đối với Hoàng yếu tố để học giỏi môn toán là thông minh và sáng tạo. Môn toán là môn học gắn bó đầu tiên, từ phép cộng trừ nhân chia hằng ngày đến những dạng bài cơ bản, nâng cao. Hoàng cho biết, cần hiểu tường minh mọi vấn đề khi giải toán, nếu chỉ hiểu mơ hồ môn toán không khác gì một mớ kiến thức hỗn độn.

Năm học lớp 12, Hoàng đoạt giải nhì cuộc thi HSG môn vật lý cấp Tỉnh. Hoàng chia sẻ, cần tránh việc “học tủ”, “học gạo”. Bí quyết của em là tự đọc sách để hiểu rõ mọi vấn đề, bồi dưỡng trí nhớ và tư duy. Thầy giáo dạy lý của Hoàng đã giúp đỡ em rất nhiều trong việc học tập bằng cách giảng giải những bài khó và hay.

Hoàng tâm sự: “Đầu năm học lớp 12 em không thích học hóa vì bận ôn thi đội tuyển HSG. Nhưng sang học kỳ II em đã thực sự hứng thú với môn hóa”. Theo Hoàng, để học hóa tốt cần chăm chỉ luyện đề, làm nhiều bài tập. Điều khó nhất trong khi học hóa là phần lý thuyết bao quát chương trình từ năm học lớp 10 đến lớp 12 nên có rất nhiều tên hóa học lạ và khó nhớ. Vì vậy quan trọng nhất vẫn là yếu tố tự học, tự đào sâu kiến thức. Bên cạnh đó phải nắm chắc phương pháp giải nhanh và chú ý đến tên của nhiều hợp chất hữu cơ, tính chất hữu cơ.

Học một cách say mê, không chỉ giỏi Khoa học tự nhiên Hoàng còn “siêu” môn tiếng Anh
Học một cách say mê, không chỉ giỏi Khoa học tự nhiên Hoàng còn “siêu” môn tiếng Anh

Học giỏi vì thấy bố mẹ khổ quá

Là Thủ khoa nhưng Hoàng đã từng có thời gian rất “nghiện” game. Những năm học cấp III, Hoàng thường xuyên làm cho bố mẹ buồn lòng vì ham chơi game. Vốn tính thông minh nên năm học lớp 9, Hoàng vẫn được dự thi HSG môn tiếng Anh. Thời gian ôn thi cũng là thời gian Hoàng “cai nghiện” game. Từ đây, Hoàng luôn là niềm tự hào của bố mẹ.

Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Kim Sơn- Ninh Bình, nơi nổi tiếng với ngành thủ công nghiệp truyền thống sản xuất chiếu cói. Gia đình Hoàng chuyên làm nghề chở thuê cói. Có phải sự vất vả của người dân nơi đây mà cói cũng được gọi tên “cói mặn”, “cói cay”? Công việc lao động chân tay vất vả, mỗi ngày bố mẹ Hoàng phải bốc vác những bó cói nặng gần 50kg. Thấy bố mẹ khổ quá, luôn muốn phụ giúp gia đình nhưng bố mẹ Hoàng chỉ muốn tạo điều kiện cho em có thời gian học tập. Hoàng tâm sự: “Gia đình là quan trọng nhất vì vậy em luôn quyết tâm học cho ngày mai đỡ khổ”.

Năm học lớp 12, Hoàng bắt đầu đi học thêm. Thầy cô giảng dạy hết sức nhiệt tình nhưng vì cách học thêm không hợp nên em cảm thấy mệt mỏi. Chỉ học được hai tháng, Hoàng xin nghỉ dành thời gian tự học ở nhà. Đối với Hoàng, cách học này vừa thoải mái, vừa hiệu quả.

Đạt danh hiệu Thủ khoa nhưng Hoàng vẫn không hài lòng vì kết quả đó bởi sau khi ra khỏi phòng thi Hoàng vẫn thấy tiếc nuối vì những điều bỏ lỡ gây mất điểm khi làm bài. Điều này giúp Hoàng cố gắng hơn nữa trong giảng đường Đại học.

Thủ khoa Trần Tuấn Hoàng tâm sự: “Gia đình là quan trọng nhất vì vậy em luôn quyết tâm học cho ngày mai đỡ khổ”.
Thủ khoa Trần Tuấn Hoàng tâm sự: “Gia đình là quan trọng nhất vì vậy em luôn quyết tâm học cho ngày mai đỡ khổ”.
Đỗ Quyên Quyên