Bộ GD&ĐT giấu kỹ phổ điểm vì 'sợ Quốc hội'?

16/02/2013 08:17
Quyên Quyên
(GDVN) - Trong Hội nghị xây dựng đề án tuyển sinh riêng của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam (Vipua) tổ chức vừa qua, vấn đề điểm sàn kèm theo đó là chuyện Bộ GD&ĐT không công bố phổ điểm được đặc biệt chú trọng.
Các chuyên gia giáo dục, đại diện nhiều trường ngoài công lập dự hội nghị cho rằng, cách ra đề thi của Bộ không chuẩn, điểm sàn Bộ đưa ra không đúng với thực tế kết quả thi của thí sinh, thế nhưng vì Bộ không công bố phổ điểm toàn kỳ thi nên xã hội không có cơ sở giám sát, đánh giá.

Thí sinh nộp hồ sơ dự thi vào một trường ĐH (ảnh minh họa).
Thí sinh nộp hồ sơ dự thi vào một trường ĐH (ảnh minh họa).

Không công bố phổ điểm vì "sợ Quốc hội"?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ ĐH, sau ĐH của Bộ GD&ĐT cho biết: Bộ GD&ĐT lâu nay giấu kỹ phổ điểm chính vì chính sách tuyển sinh của Bộ không công bằng. Chỉ cần nhìn phổ điểm người ta sẽ biết ngay điểm sàn năm đó như thế nào, nhưng Bộ không lại công bố phổ điểm.

TS Lê Viết Khuyến: "Bộ năm nào cũng thế, cứ "phang" ra điểm sàn, tự nói đó là chuẩn".
TS Lê Viết Khuyến: "Bộ năm nào cũng thế, cứ "phang" ra điểm sàn, tự nói đó là chuẩn".

Ông Lê Viết Khuyến khẳng định: "Chúng tôi sẵn sàng đối thoại với Bộ xem những chính sách đưa ra đã đúng chưa? Năm ngoái, tôi có xem được một thống kê chung cho cả 4 khối, theo đó, phổ điểm cao nhất là 7-8 điểm, vậy mà điểm sàn lại lên tới 13-14. Chúng tôi đề nghị Bộ công khai phổ điểm. Bộ năm nào cũng thế, cứ "phang" ra điểm sàn, tự nói đó là chuẩn". Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết: Việc Bộ GD&ĐT không công khai phổ điểm đã thể hiện tính không minh bạch. Từ chuyện không minh bạch đó dẫn đến việc khi Bộ GD&ĐT công khai điểm sàn thì người ta không biết liệu điểm sàn đó có phản ánh đúng chất lượng làm bài của học sinh hay không?
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Việc Bộ GD&ĐT không công khai phổ điểm đã thể hiện tính không minh bạch.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Việc Bộ GD&ĐT không công khai phổ điểm đã thể hiện tính không minh bạch. 
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ chỉ rõ: Một thực tế cho thấy, trong nhiều năm tổng điểm 3 môn thi của phần lớn thí sinh rơi vào khoảng 7-8 điểm (trên tổng số 30), trong khi điểm sàn Bộ GD&ĐT đưa ra lại dao động từ 13-15 điểm. Như vậy, điểm sàn cao so và phản ánh không đúng học lực của học sinh.
Theo bài viết đăng sáng nay (16/2), Báo Thanh Niên dẫn lời TS Phan Ngọc Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, nói:

“Bộ nói xác định điểm sàn dựa trên mức điểm trung bình của thí sinh nhưng không công bố rõ ràng cơ sở xác định này. Tôi nghĩ điểm sàn nên xác định riêng cho từng khối ngành để đảm bảo điều tiết được nhu cầu học của thí sinh, ví dụ chia ra các nhóm kỹ thuật, nông lâm, sư phạm, y dược, kinh tế… Những ngành dư thừa thì xác định điểm sàn cao lên, ngược lại ngành khó tuyển thì thấp đi”.
GS.TSKH Hoàng Xuân Sính, Hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long, chỉ ra rằng: Điều Bộ GD&ĐT rất sợ khi họp Quốc hội đó là vấn đề điểm sàn. Bởi nếu để điểm sàn thấp nghĩa là học sinh học kém đi. Điều này liên quan đến cả một nền giáo dục trong năm đó. Việc Bộ GD&ĐT không công khai công bố phổ điểm trước xã hội dẫn đến câu hỏi, phải chăng việc xác định điểm sàn đã “không trúng” (phổ điểm nói lên điểm sàn có đúng hay không so với thực tế)?
"Ra đề thi không chuẩn
"
Ông Lê Viết Khuyến nhận định, nguyên nhân dẫn đến sự sai lệch giữa phổ điểm (phản ánh kết quả thi thực tế của thí sinh) và điểm sàn (Bộ công bố hàng năm) là do cách ra đề thi của Bộ theo phương pháp chuyên gia, hoàn toàn phụ thuộc vào chủ quan của những người ra đề, gây nên tình trạng đề thi năm dễ, năm khó, không theo chuẩn nào.
Theo ông Lê Viết Khuyến, trong các kỳ thi, người ta chỉ xoay quanh việc có bao nhiêu phao thi, bao nhiêu thí sinh vi phạm mà không đi vào bản chất của vấn đề là đề thi có công bằng hay không? Có tiếp cận hiện đại hay không, Hay vẫn giữ lối tư duy cổ điển? Đề thi của nước ta hiện nay vẫn theo lối mòn xưa cũ. Điều này hoàn toàn đi ngược lại với xu thế của thế giới, không hướng tới đề thi mang tính tiêu chuẩn. Điều này xuất phát từ quan niệm giáo dục chưa đúng đắn, đó là tư duy giáo dục cổ lỗ, quyền uy thuộc về người thầy. Đồng quan điểm, GS Hoàng Xuân Sính cho rằng có những đề thi không khó nhưng lại “đánh đố” bằng mẹo, có những đề thi khó nhưng chỉ cần học chăm chỉ chương trình sách giáo khoa thì sẽ làm được. Như vậy, Bộ GD&ĐT đã không xem xét kỹ đề thi mà Ban đề thi đã làm, để xảy ra tình trạng “điểm sàn” đưa ra cao hơn so với điểm thật của sinh viên.
GS Hoàng Xuân Sính, Hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long: "Không có phổ điểm, đấu tranh đòi công bằng rất khó".
GS Hoàng Xuân Sính, Hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long: "Không có phổ điểm, đấu tranh đòi công bằng rất khó".
Bà phân tích: Sâu xa hơn việc không công khai phổ điểm là việc không tính đến điểm điểm trung bình của sinh viên, điều này dẫn đến tình trạng nhiều trường ĐH, CĐ trong đó có các trường ngoài công lập không tuyển sinh được. Vì vậy, GS Hoàng Xuân Sính cho rằng Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam cần đề nghị Bộ công khai phổ điểm; và trong cuộc thảo luận về điểm sàn diễn ra hàng năm đề nghị Bộ mời Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cùng các chuyên gia tới để tăng tính dân chủ trong vấn đề điểm sàn. “Không có phổ điểm, đấu tranh đòi công bằng rất khó”, bà nói.
Các bài viết quan trọng về vấn đề tự chủ tuyển sinh:
> Hy hữu: Điểm chuẩn 9 cũng chỉ tuyển được... 6 sinh viên
> 'Bộ GD&ĐT có muốn phát triển trường ngoài công lập nữa hay không'?

Sau hội nghị xây dựng phương án tự chủ tuyển sinh trình Bộ phê duyệt, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam đã soạn Công văn gửi Bộ GD&ĐT.

Để rộng đường dư luận, mời bạn đọc quan tâm BẤM VÀO ĐÂY để đọc nội dung công văn và có cơ sở đưa ra ý kiến cho ngành giáo dục.
Quyên Quyên