Chuyên gia truyền thông hiến kế giúp các trường NCL

27/09/2011 06:13
Xuân Trung (thực hiện)
(GDVN) - Định kiến trong suy nghĩ của xã hội về các trường ĐH, CĐ NCL vẫn rất lớn. Để xử lí khủng hoảng và thúc đẩy thay đổi suy nghĩ đó là mục tiêu lâu dài.
Vừa qua, báo Giáo dục Việt Nam đã tổ chức hội thảo PR trong giáo dục. Nhân sự kiện này, thạc sỹ Trần Quang Huy - Phó Trưởng khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo, Học viện Báo chí tuyên truyền đã chia sẻ với các trường ĐH - CĐ ngoài công lập một số kinh nghiệm trong truyền thông giáo dục.
Ảnh minh họa. Xuân Trung
Ảnh minh họa. Xuân Trung
Thưa ông, làm thế nào để thay đổi định kiến của xã hội đối với các trường ĐH - CĐ Ngoài công lập?

Như chúng ta đã biết, vai trò của  truyền thông, của PR là rất quan trọng trong việc khắc phục hay thay đổi những hiểu lầm, định kiến của công chúng đối với tổ chức. Thực tế cũng có những trường tuyển sinh kiểu “treo đầu dê bán thịt chó” hoặc làm ăn không trung thực.

Rõ ràng điều này ảnh hưởng rất tiêu cực đến nhận thức của công chúng nói chung, công chúng ở đây theo tôi, quan trọng là đối tượng phụ huynh và sinh viên.

Vậy, làm thế nào để thay đổi được những nhận thức không tốt như trên? Thực tế, không phải tất cả các trường NCL đều như vậy. Cũng có những con sâu bỏ rầu nồi canh. Muốn thay đổi nhận thức của công chúng thì không phải một sớm một chiều mà có thể thay đổi được. Theo tôi, nó còn là một quá trình truyền thông lâu dài, bài bản, để làm sao cung cấp được thông tin chính xác, kịp thời và đầy đủ nhất hướng đến đối tượng công chúng đó.

Bằng những thông điệp rõ ràng như vậy mới có thể hy vọng dần dần thay đổi được nhận thức. Rõ ràng, các trường trước hết phải khẳng định mình bằng chất lượng đào tạo, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất...

Cung cấp những thông tin như vậy tới công chúng thì mới có thể thay đổi được nhận thức không đúng hay định kiến của họ. Tôi nghĩ, không phải đơn giản để thay đổi được một định kiến, hiểu lầm của xã hội nói chung và đặc biệt là các trường đại học NCL nói riêng.

Vậy theo ông, các trường đại học, cao đẳng, nhất là NCL cần phải làm gì để có thiện cảm của công chúng (phụ huynh, sinh viên…)?
Ông Trần Quang Huy: Muốn xóa bỏ định kiến của xã hội nhìn nhận các trường ĐH, CĐ NCL cần có lộ trình và dần dần. Ảnh Xuân Trung
Ông Trần Quang Huy: Muốn xóa bỏ định kiến của xã hội nhìn nhận các trường ĐH, CĐ NCL cần có lộ trình và dần dần. Ảnh Xuân Trung
Vấn đề ở đây là trách nhiệm xã hội của tổ chức đối với sự phát triển chung của cộng đồng. Các trường có thể thực hiện được mục tiêu này bằng cách là để cho công chúng có được cảm nhận tốt đẹp, vậy thì các trường phải thể hiện bằng những hành động cụ thể thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm đối với sự phát triển của xã hội nói chung.

Một khi công chúng trong xã hội có được sự cảm nhận tốt đẹp về ngôi trường nào đó, họ sẽ có niềm tin vững chắc hơn khi gửi gắm con em mình vào học.

Tôi lấy ví dụ đơn giản như một trường tiếp nhận những sinh viên khuyết tật và tạo điều kiện cho họ học tập tốt như miễn, giảm học phí, tạo điều kiện về kí túc xá, học bổng…

Hay trong quan hệ với đội ngũ giảng viên, đảm bảo môi trường làm việc thuận lợi, bình đẳng, tổ chức các hoạt động từ thiện, gây quỹ vì cộng đồng..., những hoạt động của tổ chức được thông tin đến công chúng chắc chắn sẽ tạo ra được những cảm nhận tích cực đối với công chúng nói chung về trường đại học.

Việc xây dựng một thương hiệu đã khó và gìn giữ nó còn khó hơn đối với các trường đại học, cao đẳng. Ông có chia sẻ gì về tiêu chí này ngoài vấn đề coi trọng chất lượng đào tạo?

Vấn đề xây dựng thương hiệu trường đại học có thể hiểu là việc xây dựng uy tín, danh tiếng của một trường đại học, xây dựng một hình ảnh tốt đẹp về nhà trường trong tâm trí, trong nhận thức của công chúng. Đây là quá trình lâu dài bền bỉ, nỗ lực không ngừng của các trường.

Việc sử dụng PR trong xây dựng thương hiệu tổ chức đóng vai trò rất quan trọng. Tất nhiên, chất lượng đào tạo cần phải được ưu tiên hàng đầu, là cơ sở để tạo tiền đề cho các nỗ lực khác.

Việc tạo ra sự khác biệt, sự nổi bật trong một lĩnh vực nào đó của trường như hình ảnh đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất... có ý nghĩa quan trọng góp phần xây dựng thương hiệu trường đại học về lâu dài. 

Hiện nay một số trường đại học, cao đẳng NCL đưa ra một số hình thức quảng cáo, PR để thu hút thí sinh vào học như tặng học bổng, giảm tiền học phí, tặng quà. Theo ông, những hình thức như vậy có nên làm không?

Tôi nghĩ rằng, những hình thức như vậy trong ngắn hạn thì có thể đạt được hiệu quả. Nhưng về lâu dài, những thông điệp mang tính thương mại sẽ khó được chấp nhận, công chúng thường thường không bị thuyết phục nhất là đối với môi trường giáo dục.

Ở mức nào đó, một khi người ta cảm thấy mình bị lừa dối, các trường không giữ sinh viên bằng chất lượng thực sự thì có thể đó chỉ là điểm dừng chân tạm thời của các bạn sinh viên, họ có thể sang trường khác trong năm sau.

Đã có trường hợp các trường PR, quảng cáo bằng cách đi hẳn ô tô về các vùng quê ở nông thôn để giới thiệu về trường. Ông  có chia sẻ gì về hình thức quảng cáo này, mức độ tin cậy tới đâu?

Theo tôi, đây là cách thức mà các trường tiếp cận trực tiếp đến các đối tượng công chúng để thu hút họ. Nhưng cần phải chọn đúng đối tượng tiếp cận và tìm hiểu nhu cầu và mong muốn của họ, có phù hợp với mục tiêu, ngành nghề đào tạo của nhà trường hay không. Tuy nhiên, cách thức này cũng là cách để các trường đến gần hơn với công chúng.

Về hiệu quả, những gì đến trực tiếp, thuyết phục, mời, chào thì rõ ràng phản ứng đáp lại sẽ nhìn thấy rõ ràng hơn, nhanh hơn. Nhưng về lâu dài thì tôi chưa dám khẳng định.

Nhiều người quan niệm, đối tượng của một trường đại học, cao đẳng là sinh viên. Vậy, theo ông sinh viên có được coi là một “khách hàng” hay không?

Tôi ủng hộ quan niệm coi sinh viên là “khách hàng”. Tuy nhiên, tôi không có ý nói “khách hàng” ở đây là một thượng đế, muốn nói gì, làm gì thì làm, nhất là trong môi trường giáo dục. Tôi chỉ muốn nói tới sự quan tâm của nhà trường đối với sinh viên, tạo điều kiện cho sinh viên từ cơ sở vật chất cho tới việc học tập, thư viện…

Ở trường, sinh viên được đối xử thân thiện, phục vụ chu đáo từ các phòng ban. Tức là sinh viên phải được coi trọng vì nếu không có sinh viên thì có thể ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của trường.

Xin cảm ơn ông!
Xuân Trung (thực hiện)