GS Bảo Châu dùng biệt thự triệu USD thế nào cho Viện Toán?

31/08/2011 16:20
Văn Trinh
(GDVN) - Sau khi hoàn thành thủ tục nhận biệt thự 3 triệu USD cho Viện NCCC về Toán, GS Ngô Bảo Châu đã dành cho Giáo dục Việt Nam buổi trò chuyện.
Khó khăn của Toán học VN là tính cách chi tiêu!

- Thời gian sắp tới Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán sẽ sử dụng biệt thự 3 triệu USD tại Tuần Châu vào mục đích như thế nào?

Biệt thự là quà tặng giá trị mà ông Đào Hồng Tuyển dành cho Viện. Vì vậy, Viện sẽ dùng căn biệt thự phục vụ cho nhu cầu hoạt động của Viện. Cụ thể, sẽ để cho các nhà khoa học trong và ngoài nước về đây làm việc, nghỉ ngơi - đây là cách sử dụng thường xuyên nhất.

GS Ngô Bảo Châu tại bữa tiệc mừng biệt thự triệu USD ở Tuần Châu
GS Ngô Bảo Châu tại bữa tiệc mừng biệt thự triệu USD ở Tuần Châu

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ nghiên cứu thêm việc sử dụng căn biệt thự như  một nơi tổ chức thường xuyên những buổi hội thảo nhỏ về toán học hoặc các ngành khoa học khác nữa. Đó mới chỉ là những dự kiến.

 - Bây giờ, nếu Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán được đầu tư số tiền 3 triệu USD, tương đương với giá trị căn biệt thự, thì theo Giáo sư, số tiền đó liệu giúp được nhiều cho toán học Việt Nam?


Nhà nước cũng đã có chương trình Quốc gia về phát triển toán học với 1 kinh phí tương đối lớn. Dự kiến là 600 tỉ trong vòng 10 năm. Số tiền đó khá nhiều so với hoàn cảnh đất nước hiện tại. Khó khăn mà toán học Việt Nam gặp phải là vấn đề về cách chi tiêu, nhưng hy vọng điều đó sẽ sớm hết.

"Tôi muốn cho hơn là nhận..."

- Cách đây khoảng 1 năm, sau khi Giáo sư giành giải thưởng Fields, ông Đào Hồng Tuyển từng có nhã ý tặng Giáo sư biệt thự triệu đô, nhưng GS đã từ chối. Việc nhận biệt thự lần này có khiến Giáo sư phải suy nghĩ nhiều?

Khi ông Đào Hồng Tuyển có nhã ý tặng biệt thự này cho tôi, tôi đã suy nghĩ rất nhiều và thấy rằng đây là một tấm lòng rất chân thành. Duy có điều, tôi suy nghĩ rằng bản thân đã nhận được rất nhiều thứ rồi, từ điều kiện giáo dục trong gia đình, điều kiện học tập, làm việc nên không muốn nhận thêm bất cứ món quà nào của ai. Cái gì cho được thì cho chứ tôi không muốn nhận lại của mọi người.

Tôi đã được nhận quá nhiều rồi!
Tôi đã được nhận quá nhiều rồi!

Tuy nhiên, khi món quà cá nhân của ông Đào Hồng Tuyển tặng cho Viện nghiên cứu cao cấp về toán lại là việc rất ý nghĩa. Tôi hoàn toàn ủng hộ và cảm ơn ông Đào Hồng Tuyển về món quà ý nghĩa.

- Khi nhận lời làm Giám đốc khoa học của Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán, giáo sư đã xác định mình cần làm những gì?

Viện nghiên cứu cao cấp về toán là một mô hình mới có khả năng làm khởi sắc lại cho toán học Việt Nam, cùng một số ngành khoa học có liên quan. Mô hình này hoạt động khá linh hoạt. Chẳng hạn như nếu Viện nhìn thấy một hướng đi, một đề tài có khả năng thực thi ở VN, chúng tôi sẽ triển khai việc đó dựa trên cơ sở vật chất của Viện, kinh phí nhà nước cấp cho.

Chính vì sự linh hoạt đó, chúng tôi hy vọng tạo ra sự thúc đẩy cho các nhà khoa học đang làm việc trong nước, cũng như thu hút bạn trẻ Việt Nam ở nước ngoài quay trở về nước làm việc, các nhà khoa học nước ngoài sang làm việc ở VN lâu hơn chứ không phải là 1 tuần, 2 tuần mà là 2-3 tháng.

Cương vị của tôi ở Viện là chịu trách nhiệm tổ chức các nhóm nghiên cứu sao cho đúng chuyên môn. Tất nhiên, tôi sẽ phải chịu trách nhiệm chính và được hỗ trợ bởi hội đồng khoa học khoảng 15 người.

- Với cương vị ở Viện, Giáo sư sẽ mất tới vài tháng mỗi năm ở Việt Nam. Điều đó có ảnh hưởng tới công việc, cuộc sống của Giáo sư ở nước ngoài?

3 tháng ở Việt Nam, bên cạnh việc tổ chức hoạt động ở Viện, tôi cũng tham gia vào công tác khoa học, nghiên cứu cùng với cả các cán bộ nghiên cứ Toán học.

Riêng về hoạt động của Viện là quanh năm, nhưng tôi không nhất thiết tôi phải có mặt ở VN thường xuyên. Tôi sẽ tham gia vào các cuộc họp chính để xây dựng kế hoạch công việc cho Viện. Còn việc điều hành của Viện đã có GS Lê Tuấn Hoa.

 Biệt thự là món quà tinh thần hay vật chất?

 - Giáo sư lại chuẩn bị rời VN, GS có “hiến kế” gì cho toán học Việt Nam nói riêng và nền giáo dục Việt Nam nói chung phát triển mạnh hơn?

Tôi suy nghĩ rất nhiều về vấn đề này nhưng sợ rằng nói ngắn gọn trong 2-3 phút không hết ý. Nên có lẽ, chúng ta phải dành một dịp khác nói chuyện nhiều hơn.

GS Ngô Bảo Châu đi thăm quan căn biệt thự triệu USD
GS Ngô Bảo Châu đi thăm quan căn biệt thự triệu USD

- Giải thưởng Fields Giáo sư nhận được thực sự khiến cho không ít người tự hào và “bùng nổ” niềm hy vọng cho toán học Việt Nam. Giáo sư sẽ phát huy tối đa sự ảnh hưởng của mình như thế nào để Việt Nam có thêm nhiều thành tựu khả quan về lĩnh vực Toán học? 

Sự thiếu thốn nhất của toán học nước ta bây giờ có lẽ là niền tin! Niềm tin của con người với nhau và niềm tin của con người với chính bản thân mình. Điều tôi cố gắng làm là dùng uy tín cá nhân có được để củng cố, khơi dậy niềm tin đó. Không có niềm tin, chúng ta sẽ không sống được. 

- Theo quan điểm cá nhân Giáo sư, món quà biệt thự 3 triệu USD dành cho Viện nghiên cứu cao cấp về toán mang ý nghĩa tinh thần hay vật chất nhiều hơn?

Cái này bạn nên hỏi ông Đào Hồng Tuyển sẽ rõ hơn! Riêng cá nhân tôi, quà tặng này có cả ý nghĩa vật chất, tinh thần. Không ai có thể phủ nhận được giá trị vật chất của Căn biệt thự này, còn giá trị tinh thần ở đây là việc thế hệ đi trước-  một người lính như ông Tuyển trao tặng biệt thự làm từ công sức, mồ hôi của ông cho các nhà khoa học. Tôi vô cùng trân trọng điều đó.

Văn Trinh