GS Nguyễn Xuân Hãn: Cần có Hội đồng biên soạn SGK cấp Quốc gia!

21/06/2011 02:59
(GDVN) - Việc thành lập Hội đồng biên soạn SGK QG hay không - đây là việc thuộc thẩm quyền Thủ tướng”. Xoá bỏ độc quyền: Cần có Hội đồng biên soạn SGK cấp QG.

(GDVN) - “Hơn 25 năm qua, nhiều thế hệ học trò của chúng ta đã phải học những chương trình sách giáo khoa (SGK) không chuẩn. Vậy trách nhiệm này thuộc về ai hay thuộc về cơ chế? Việc thành lập Hội đồng biên soạn SGK Quốc gia hay không - đây là việc thuộc thẩm quyền của Thủ tướng”. Xoá bỏ độc quyền SGK: Cần có Hội đồng biên soạn SGK cấp Quốc gia.

{iarelatednews articleid='4749,4968,5150'}

Đó là lời bộc bạch rất tâm huyết của GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn (Trường ĐH Quốc gia Hà Nội) về vấn đề xoá bỏ độc quyền SGK và biên soạn bộ SGK chuẩn quốc gia từng nêu trong báo Tổ Quốc năm 2007.

Hãy chọn cách đứng lên vai người khổng lồ hơn là…

Chúng ta phải có một Hội đồng biên soạn cấp Trung ương, được tham khảo sách của nước ngoài, kế tục những gì tốt trong nước để có bản thảo chuẩn về chương trình – SGK. Nếu để cho nhiều cá nhân, tập thể tác giả khác nhau cùng biên soạn dễ dẫn tới hỗn loạn về học thuật.

Một chương trình, trên thế giới chỉ có thể có vài cách biên soạn SGK khác nhau chứ không phải là vô hạn. Bộ SGK chuẩn phổ thông phải thoả mãn các tiêu chí phổ thông về kiến thức, ngôn ngữ và cách trình bày. Bộ SGK này được coi là sách chuẩn Quốc gia khi còn các kì thi Quốc gia. Các bộ còn lại được coi như sách tham khảo. Điều này khác xa với tư duy thông thường, hai người khác nhau, không hẳn đã viết được hai bộ SGK khác nhau.

Vì đây là học thuật, tri thức khoa học của cả nhân loại, theo văn bản này, nếu mỗi tỉnh, mỗi nơi, mỗi cá nhân một bộ thì loạn hết cả lên, ai muốn viết thì viết. Điều này ai cũng nhớ vào những năm 50 của thế kỷ trước, tại Trung Quốc có phong trào toàn dân đúc thép. Ai cũng đúc thép, nhưng thực tế việc này đòi hỏi kỹ thuật cao, chỉ cần sai một chút là thép thành ra gang rồi và thực tế, thời gian đó toàn có gang, thật ngoài ý định tốt đẹp ban đầu!

Thực tế, tất cả các nước dù là nước phát triển, hay đang phát triển, thậm chí có nước còn lạc hậu cũng đều có chương trình và SGK chuẩn của riêng mình, sau khi tốt nghiệp phổ thông họ vào Nga, Mỹ, và các nước tiên tiến học đại học. Điều này chứng tỏ tồn tại một mặt bằng chuẩn về kiến thức. Các bộ sách mà thế giới đang dùng là rất chuẩn, việc nghiên cứu, và vận dụng sáng tạo vào nước ta không quá khó và mất nhiều thời gian, nếu biết chỉnh sửa một ít về các môn xã hội, văn hoá. Trong lĩnh vực trí thức người ta có thể  “đứng trên vai người khổng lồ”, chứ không nhất thiết phải đập “trí tuệ nhân loại đã ổn định“ rồi làm lại.

Hơn nữa, chúng ta nói “biên soạn” SGK, chứ không ai nói ”sáng tác” SGK. Biên soạn là phải có SGK chuẩn, tham khảo. Các tác giả, nhiều người rất giỏi, nhưng không được cung cấp đầy đủ sách chuẩn, nên SGK mới có quá nhiều sai sót, phải chỉnh sửa liên miên và in lại hàng năm. Cách làm sách của ta, chỉ có thể hiểu được, nếu xuất phát từ góc độ văn hoá tiểu nông, và nó không phải là khoa học.

Cách thẩm định chương trình – SGK cũng sai quy trình khoa học, cũng tư duy theo cách “tiểu nông”. Đáng lý Chương trình - SGK phải làm xong trước, từ lớp 1 đến lớp 12, sau mới tiến hành thẩm định. Việc thẩm định kiểu du kích, “vừa chạy vừa xếp hàng”, biên soạn đến đâu, thẩm định đến đó, và triển khai vào trường học. Không ai kể cả những người có trách nhiệm, hình dung được “tổng thể” chương trình giáo dục. Mọi so sánh có thể khập khiễng, nhưng có thể chọn một hình ảnh, để tiện hình dung ra bản chất vấn đề. Hôm nay, ta thẩm định “cái tay” cô hoa hậu, ngày  mai  đến “cái chân”, còn hình dáng cô hoa hậu cụ thể như thế nào, thì không ai hình dung được!

 

60% giáo viên cũng khó dạy được theo chương trình mới

Chúng ta có nhiều Hội đồng Quốc gia, tại sao lại không có Hội đồng biên soạn SGK Quốc gia cho cả giáo dục phổ thông và Đại học. Tại diễn đàn Quốc hội, bà Nguyễn Thị Bình - nguyên Phó Chủ tịch nước đã đề cập đến Hội đồng này. Liên hiệp Hội Khoa học - kỹ thuật Việt Nam, Hà Nội, các nhà giáo và khoa học đã gửi kiến nghị với Đảng, Quốc Hội và Chính phủ sớm thành lập Hội đồng Quốc gia, làm chương trình-SGK chuẩn theo cách tập trung và triển khai đồng bộ trong toàn hệ thống từ lớp 1 đến lớp 12. Chế tài sử dụng bộ chương trình-SGK chuẩn này do Quốc hội quy định, giống như các nước, ít nhất là 10-12 năm, mới được in lại. Vấn đề còn lại là chờ Thủ tướng quyết định.  Việc phá bỏ độc quyền in ấn SGK, lúc đó không còn là vấn đề..

Theo điều tra, 60% giáo viên cũng khó dạy được theo chương trình mới. Chương trình giáo dục nặng,  ngôn ngữ trình bầy trừu tượng, xa cuộc sống, Gia đình là một kênh giáo dục quan trọng, không ít cha mẹ là kỹ sư, bác sĩ thậm chí GS, TS cũng không thể dạy cho con vì chương trình giáo dục khó hiểu. Điều này cũng đẻ ra việc, học sinh phải học thêm tốn phí hàng trăm triệu USD mỗi năm nữa. Việc có một bộ SGK chuẩn sẽ làm giảm hệ luỵ học thêm, dạy thêm hiện nay.

Đúng như thế, chúng ta là công dân Việt Nam và cũng là công dân thế giới. Trong giáo dục tồn tại một bằng chung về kiến thức, để học sinh nước này có thể chuyển sang nước khác học, sự khác nhau về chương trình nhanh chóng được khắc phục nếu có. Ví dụ, chương trình – SGK của Tú tài Quốc tế, đã được trên 70 nước chấp nhận và vận dụng sáng tạo vào nước mình. Tại Việt Nam, GS Hồ Ngọc Đại đã sử dụng thành công nhiều năm nay cho trường Quốc tế Hà Nội. Rất tiếc nhưng thông tin này còn rất xa với những người có trách nhiệm ở nước ta.

Các quyển sách này đã được đúc kết, đã thành “chuẩn mực quốc tế” rồi, đã được trên 70 nước sử dụng, bằng cấp được Quốc tế thừa nhận. Chẳng lẽ VN ở ngoài cuộc, tiêu tốn hàng tỷ USD, nhưng Chương trình - SGK chuẩn vẫn chưa hề có trong suốt 25 năm qua?

GS Nguyễn Xuân Hãn