Phụ huynh méo mặt lo... quà trung thu cho giáo viên

17/08/2011 00:40
(GDVN) - Các khoản đóng góp tự nguyện của phụ huynh đầu năm học mới vô hình trở thành những khoản "kẽ hở" chính để giáo viên tận thu.

(GDVN) - Mặc dù Sở GD&ĐT Hà Nội có công văn yêu cầu các trường trên địa bàn không được thu 4 khoản phí của phụ huynh là "phục vụ bảo vệ, trông xe, an ninh và vệ sinh”, tuy nhiên, các khoản đóng góp tự nguyện không có trong danh mục quy định lại đang là “kẽ hở” để các trường “lách luật” trong lạm thu.

Phô tô tài liệu hết 2,5 triệu đồng/cháu

Là thời gian đầu của năm học mới, không ít phụ huynh và học sinh lo lắng cho các khoản đóng góp của con em mình những ngày đầu năm này. Thực tế hiện nay, từ các cấp học mầm non cho tới đại học, khoản đóng góp quỹ lớp là không tránh khỏi.

llj
Khoản thu tự nguyện tại các trường THPT khiến nhiều phụ huynh không bằng lòng. Ảnh minh họa Xuân Trung

Chị L.H.C, có con học tại trường PHTH Thăng Long cho biết, năm học trước, ngay tại buổi họp phụ huynh đầu năm, ban phụ huynh lớp con chị hô hào phải đóng quỹ lớp lên tới 1,3 triệu đồng. “Tôi và một phụ huynh nữa phản đối nhưng cũng không được chấp nhận. Ban phụ huynh có giải thích là tiền này phải lo cho nhiều khoản chi. Tôi thấy không thể chấp nhận được với số tiền quỹ quá cao như thế, gia đình họ có tiền chứ chúng tôi là công nhân lấy đâu ra tiền” chị C bức xúc.

Phụ huynh khác tại trường tiểu học Kim Liên thì cho biết, con chị trước khi vào năm học mới cũng “góp” 1,8 triệu đồng cho tiền quỹ vì phải đầu tư cơ sở vật chất cho lớp bán trú như: mua điều hòa, bàn ghế, chăn chiếu…

Thực tế, tại các trường công, các khoản đóng góp xây dựng trường, học phí không đáng bao nhiêu, nhưng phụ huynh lo ngại nhất là vấn đề đóng quỹ lớp phục vụ cho năm học. Phần lớn các loại quỹ được đóng ở mức không nhỏ từ 400.000 – 800.000 đồng/năm. Đây là mức đối với mầm non, tiểu học.

Riêng THCS và THPT có thể lên tới hàng triệu đồng. Số tiền này phục vụ cho các ngày lễ, Tết, ban phụ huynh có nhiệm vụ “chăm sóc” từ bảo vệ trường, lao công, người trông trẻ buổi trưa (đối với mầm non), giáo viên chủ nhiệm, lãnh đạo nhà trường...

Chị Lê Minh Hồng, có con học trường  tiểu học Lê Ngọc Hân cho biết: " Tôi làm trong ban phụ huynh, đôi khi cũng có ý kiến về những khoản thu chi của lớp nhưng cô giáo bắt phải theo ý cô thì chúng tôi cũng đành chịu, ví dụ, tiền photo tài liệu lớp con tôi lên đến 2,5triệu/năm là quá nhiều, cô giáo chủ nhiệm bắt phải chi những khoản vô lý, còn gợi ý ban phụ huynh mua quà trung thu nữa”.

Liệu có nên đưa ra một "mức trần" các khoản đóng tự nguyện?

Đối với các khoản thu tự nguyện giữa giáo viên và phụ huynh ở mức không thể chấp nhận, nhiều phụ huynh còn không biết trách nhiệm của mình trong trường hợp này như thế nào, chỉ biết mang tiền đi đóng quỹ.

gg
Các vùng quê, năm học mới với bao nỗi lo của phụ huynh khi đóng nhiều khoản phí cho con em mình. Ảnh minh họa Xuân Trung

Chị Lê Thanh Hà, có con học trường tiều học Lê Ngọc Hân cho biết, quy định các khoản không thu thêm là vậy, nhưng vẫn không giải quyết được gì vì ít phụ huynh có “can đảm” chống lại cô giáo khi mà con mình còn đang học ở đó. “Tôi nói như quy định cấm dạy thêm, học thêm vừa qua, có cấm nhưng vẫn diễn ra. Cả lớp đi học thêm thì không cớ gì con tôi đứng ngoài cuộc được. Thực ra, bọn trẻ đi học thêm không phải vì kiến thức mà chính là sợ bị cô trù, có phụ huynh chỉ cần đóng tiền cho con học thêm nhưng vẫn không cho con đi học. Trường của con tôi, có những cô giáo mới đến ngày 15/6 - đang trong thời gian nghỉ hè - đã  gọi điện cho từng nhà kêu gọi học sinh đi học thêm. Như vậy, không dám cho con nghỉ học thêm thì làm sao dám chống lại những khoản tự nguyện kia” - chị Hà cho

GS Văn Như Cương cho rằng, khi mà chưa có quy định cấm thu những khoản tự nguyện thì rất khó chống được lạm thu, các trường vẫn được thu và chi theo cách của từng lớp. Theo GS Cương, khi ở mỗi lớp trong một trường còn thu khoản tự nguyện khác nhau thì khó quy định được "mức trần". "Vấn đề  ở chỗ  là các bậc phụ huynh cần giám sát chặt chẽ các khoản đóng góp và thu chi tự nguyện bởi hiện nay, nhiều người chỉ biết đóng tiền còn nhà trường có thực hiện như lời đã nói trước đó hay không thì lại không quan tâm"  GS Cương nói.

Đồng quan điểm, GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, muốn chấm dứt lạm thu phải giải quyết từ gốc, khi mà cuộc sống giáo viên còn thiếu thốn, khó khăn ắt sẽ nảy sinh nhiều vấn đề. “Khi mà  sĩ số một lớp học vẫn còn 60-70 học sinh thì khó mà nâng cao chất lượng dạy học được, đời sống giáo viên còn khó khăn thì cũng khó chấm dứt lạm thu” GS Hạc khẳng định.

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, trước khi vào năm học mới, Sở sẽ giám sát và kiểm tra việc thu tự nguyện của các trường. Đối với trường muốn huy động sự đóng góp của cha mẹ học sinh cần phải nói rõ thu cho mục đích gì. Trong lớp nếu có 4-5 ý kiến không đồng ý thì không được thu.

Xuân Trung

{iarelatednews articleid='10421'}