TS Sử học phân trần về điểm thi ĐH vô cùng bi đát

27/07/2011 23:26
(GDVN) - Bất ngờ năm nay, điểm môn Lịch Sử khối C thấp bất ngờ, nhiều trường tỉ lệ điểm 0 chiếm phần lớn, nguyên nhân do đâu?

(GDVN) - Trong những năm gần đây, chưa năm nào điểm thi tuyển sinh đại học môn Lịch sử lại thấp, “bi đát” như năm 2011. Từ kết quả chấm bài thi môn Lịch sử cho các trường cho thấy, tỉ lệ điểm thi từ 0 đến 1 chiếm gần như tuyệt đối trong số các túi bài thi.

{iarelatednews articleid='8775,8652,8642,8348,8243'}

Điểm Sử kéo điểm chuẩn xuống dốc

Điển hình tại các trường như Đại học Sư phạm Hà Nội, Học viện An ninh Nhân dân, Đại học Công đoàn, Học viện Quản lí giáo dục,…. Không ít túi bài thi (từ 35 đến 40 bài/1 túi) sau khi lên biểu 4 (bảng biểu cuối cùng thống kê tổng số điểm của các thí sinh trong một túi bài thi) chưa tới 5 điểm.

Điểm thi môn Lịch sử của các thí sinh thi vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội hàng năm bao giờ cũng cao hơn rất nhiều so với các trường khác, nhưng kết quả chấm thi năm 2011 cho thấy vô cùng thấp, rất ít bài thi trên điểm trung bình và cũng không hiếm túi bài thi điểm 3 là cao nhất. Các khoa Ngữ Văn, Lịch Sử, Địa Lý của trường Đại học Sư phạm Hà Nội trước đây điểm chuẩn đầu vào từ 22 đến 23 điểm, có lẽ năm 2011 sẽ thấp hơn rất nhiều do điểm môn Lịch sử “kéo xuống”.

Kết thúc thời gian làm bài môn Lịch Sử khối C tại trường ĐH KHXH&NV HN, nhiều thí sinh vẫn chưa định hình được câu trả lời. Ảnh Xuân Trung
Kết thúc thời gian làm bài môn Lịch Sử khối C tại trường ĐH KHXH&NV HN, nhiều thí sinh vẫn chưa định hình được câu trả lời. Ảnh Xuân Trung

Điểm thi tuyển sinh đại học môn Lịch sử năm 2011 quá thấp, dư luận xã hội lại được dịp “xôn xao”, nhiều người đã lên tiếng và chỉ ra các nguyên nhân, như: học sinh lười học, năm 2011 không thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử nên các em không có thời gian ôn luyện, đề thi “mập mờ, có vấn đề”,… trong đó không ít ý kiến “đổ lỗi” cho đội ngũ giáo viên dạy Sử ở các trường phổ thông – điều này thật sai lầm.

Với tư cách là giảng viên tổ Phương pháp dạy học khoa Lịch sử, trường Đại học Sư phạm Hà Nội; đồng thời là giáo viên dạy bộ môn Lịch sử của trường THPT Nguyễn Tất Thành – Hà Nội và là cán bộ chấm thi tuyển sinh đại học, cao đẳng từ năm 2001 đến nay, tôi cho rằng kết quả điểm thi tuyển sinh đại học môn Lịch sử năm nay quá thấp có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, nhưng cơ bản nhất vẫn là khâu ra đề thi.

Đề thi chưa chuẩn về từ ngữ

Cho tình hình được khách quan hơn, tôi xin chia sẻ một số vấn đề liên quan tới 5 câu hỏi trong đề thi tuyển sinh đại học môn Lịch sử, khối C năm 2011. Vì đâu nên nỗi điểm Sử lại thấp như vậy:

Thứ nhất, ở Câu I (3,0 điểm). Phân tích nguyên nhân ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành.

Câu hỏi trên không sai, nhưng cách sử dụng từ ngữ chưa thật chính xác, chưa sát nghĩa với hoàn cảnh phát sinh sự kiện. Thông thường, khi yêu cầu thí sinh lí giải, phân tích “nguyên nhân” xảy ra một sự kiện, hiện tượng lịch sử, người ta phải hỏi về nguyên nhân thất bại, nguyên nhân thắng lợi của một phong trào cách mạng, một cuộc khởi nghĩa, còn việc “ra đi tìm đường cứu nước” là gắn liền với hoàn cảnh, bối cảnh lịch sử. Nếu ra câu hỏi Xuất phát từ hoàn cảnh lịch sử nào mà Nguyễn Tất Thành ra đi tìm con đường cứu nước mới vào năm 1911? thì sẽ chuẩn xác hơn.

Khi chấm thi chúng tôi thấy, rất nhiều thí sinh trả lời do hoàn cảnh gia đình và quê hương của Nguyễn Tất Thành rất nghèo, nên Người muốn ra nước ngoài tìm con đường mưu sinh, do bị thực dân Pháp đuổi học nên muốn sang Pháp,… (vì câu hỏi yêu cầu phân tích nguyên nhân chứ không yêu cầu phân tích bối cảnh lịch sử), nhưng ở phần đáp án của câu hỏi lại là “bối cảnh lịch sử”.

Nhiều thí sinh bị đánh lạc hướng câu hỏi môn Lịch Sử năm nay. Ảnh Xuân Trung
Nhiều thí sinh bị đánh lạc hướng câu hỏi môn Lịch Sử năm nay. Ảnh Xuân Trung

Thứ hai, ở Câu II (2,0 điểm). Luận cương chính trị tháng 10 – 1930 của Đảng Cộng sản Đông Dương có những điểm gì khác so với Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam? Những vấn đề đó được giải quyết như thế nào trong giai đoạn 1939 – 1945?

Câu này hỏi không sai, nhưng đáp án lại không chuẩn (đề bài yêu cầu nêu ra những điểm khác nhau, nhưng đáp án để chấm điểm cho thí sinh lại là lời nhận xét). Vì thế, nhiều thí sinh kẻ bảng so sánh sự khác nhau (giữa Luận cương chính trị tháng 10 – 1930 của Đảng do Trần Phú soạn thảo với Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo) về các mặt xác định kẻ thù, mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng, lực lượng cách mạng,…) đều không được điểm tối đa.

Ở vế sau của câu hỏi Những vấn đề đó được giải quyết như thế nào trong giai đoạn 1939 – 1945? nghĩa là đòi hỏi thí sinh phải nêu cách giải quyết, nhưng đáp án lại đưa ra chủ trương giải quyết của Đảng qua các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 11 – 1939 và tháng 5 - 1941 (nhiều thí sinh đã trình bày từ công tác chuẩn bị của Đảng đến khi Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, nhưng không có điểm).

Câu hỏi làm các thầy tranh luận

Thứ ba, ở Câu III (2,0 điểm). Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước (1954 – 1975), nhân dân Việt Nam đã căn bản hoàn thành nhiệm vụ “đánh cho Mĩ cút” bằng thắng lợi nào? Nêu tác động của thắng lợi đó đối với sự phát triển của cách mạng miền Nam.

Đây là câu hỏi gây nhiều tranh cãi nhất đối với các giảng viên, giáo viên chấm thi tuyển sinh, giáo viên dạy Sử các trường phổ thông và cả thí sinh. Ý tưởng của người ra đề trong câu hỏi là hay (giống như Câu 4a, năm 2010: Chiến dịch chủ động tiến công lớn đầu tiên của bộ đội chủ lực ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954) là chiến dịch nào? Tóm tắt hoàn cảnh lịch sử, chủ trương của ta và ý nghĩa của chiến dịch đó), nhưng từ ngữ lại thiếu chính xác, nhạy cảm, mập mờ và mang tính đánh đố thí sinh.

Khi đọc câu hỏi trên, không riêng gì các thí sinh mà nhiều giáo viên dạy Sử đều cho rằng đáp án đúng phải là thắng lợi trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 (từ tối 18 đến ngày 29 – 12) của nhân dân Việt Nam đã căn bản hoàn thành nhiệm vụ “đánh cho Mĩ cút”, vì với thắng lợi này Mĩ phải tuyên bố ngừng hẳn các hoạt động chống phá miền Bắc và kí Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27 – 1 – 1973). Thế nhưng, đáp án của đề thi lại là: Với việc kí kết Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam (27 – 1 – 1973), nhân dân Việt Nam đã căn bản hoàn thành nhiệm vụ “đánh cho Mĩ cút”.

Trong sách giáo khoa Lịch sử lớp 12 (chương trình Chuẩn – đây là tài liệu cơ bản và chuẩn của cả giáo viên và học sinh) ghi rõ: “Điện Biên Phủ trên không” là trận thắng quyết định của ta, buộc Mĩ phải tuyên bố ngừng hẳn các hoạt động chống phá miền Bắc (15 – 1 – 1973) và kí Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27 – 1 – 1973) (trang 185).

theo phản ánh của nhiều giáo viên, việc ra đề năm nay còn nhiều điều đánh đố thí sinh khiến điểm thấp môn Lịch Sử năm nay cao. Ảnh Xuân Trung
theo phản ánh của nhiều giáo viên, việc ra đề năm nay còn nhiều điều đánh đố thí sinh khiến điểm thấp môn Lịch Sử năm nay cao. Ảnh Xuân Trung

Trang 186 của sách này cũng ghi rõ âm mưu của Mĩ khi mở cuộc tập kích không quân bằng máy bay B52 vào Hà Nội – Hải Phòng trong 12 ngày đêm năm 1972 với ý đồ buộc phía Việt Nam phải kí vào dự thảo Hiệp định Pari do Mĩ đưa ra (Mĩ đòi quân đội miền Bắc cũng phải rút quân khỏi miền Nam thì Mĩ và quân đồng minh của Mĩ mới rút), nhưng cuối cùng Mĩ đã thất bại.

Quân dân ta đã đập tan cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay B52, làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không”, buộc Mĩ phải kí Hiệp định Pari do Việt Nam dưa ra trước đó. Rõ ràng, thắng lợi của nhân dân ta trong việc kí kết Hiệp định Pari ngày 27 – 1 – 1973 có sau thắng lợi ở trận “Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm cuối năm 1972. Nếu chúng ta không có thắng lợi quyết định về mặt quân sự sẽ không thể có thắng lợi trên mặt trận ngoại giao, buộc Mĩ phải kí Hiệp định Pari rồi rút quân về nước.

Khi chấm thi, chúng tôi thấy đại đa số thí sinh trả lời là thắng lợi 12 ngày đêm năm 1972, dẫn đến Mĩ phải kí Hiệp định Pari ngày 27 – 1 – 1973. Nhiều em vừa nêu số liệu máy bay của Mĩ bị bắn rơi (34 máy bay B52 và 5 máy bay F111), vừa trình bày nội dung của Hiệp định Pari: “Hoa Kì phải rút hết quân đội của mình và quân các nước đồng minh, hủy bỏ các căn cứ quân sự, cam kết không tiếp tục dính líu, hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam”,… nhưng không được điểm, vì nếu đã trả lời không đúng (theo đáp án) là thắng lợi nào thì các nội dung sau đó đều 0 điểm.

Ở đây, nếu người ra đề muốn hướng tới đáp án “kí Hiệp định Pari ngày 27 – 1 – 1973” thì câu hỏi cần phải rõ ràng là thắng lợi về quân sự hay ngoại giao, không được mập mờ, đánh đố (đây chính là nguyên tắc cơ bản của người ra đề).

Thứ tư, ở Câu IV.a. Theo chương trình Chuẩn (3,0 điểm). Khái quát quá trình hình thành và phát triển của tổ chức liên kết chính trị - kinh tế lớn nhất hành tinh từ năm 1951 đến năm 2000.

Câu hỏi trên yêu cầu trả lời một đằng nhưng đáp án một kiểu, nhiều thí sinh hiểu nhầm sang tổ chức Liên hợp quốc (nhiều thí sinh nhớ số liệu tính đến năm 2006 tổ chức này có 192 thành viên, còn Liên minh châu Âu tính đến năm 2007 là 27 nước). Để đề thi chặt chẽ hơn, chuẩn hơn và thí sinh không bị hiểu lầm thì phải thêm cụm từ “khu vực” đằng sau cụm từ “kinh tế”.

Đề hỏi “thừa”

Thứ năm, ở Câu IV.b. Theo chương trình Nâng cao (3,0 điểm).  Tóm tắt sự ra đời của các quốc gia độc lập ở Đông Nam Á trong năm 1945.

Câu hỏi trên chưa chuẩn, vì đã “ra đời” rồi sao còn thêm từ “độc lập”, hoặc ngược lại. Cách hỏi sau đây sẽ chặt chẽ hơn: Những nước nào ở Đông Nam Á giành được độc lập năm 1945? Tóm tắt cuộc đấu tranh giành độc lập của những quốc gia đó.

Một cách khái quát, nguyên nhân cơ bản dẫn đến điểm thi tuyển sinh đại học môn Lịch sử khối C, năm 2011 quá thấp có phần ở khâu ra đề thi. Nếu các từ ngữ trong mỗi câu hỏi của đề thi chính xác hơn, chặt chẽ hơn, không mập mờ thì nhiều thí sinh sẽ không bị điểm kém “oan uổng”.

Điều này không chỉ dẫn đến những ức chế, bức xúc của thí sinh và gia đình các em, của giáo viên dạy Sử các trường phổ thông mà còn ảnh hưởng xấu tới dư luận xã hội và các em học sinh tương lai có ý định dự thi khối C,... Vì theo thống kê của nhiều trường đại học, cao đẳng, số lượng thí sinh đăng kí dự thi khối C năm 2011 rất ít, có trường chưa được 3%, nếu không chú ý ở khâu ra đề thi sẽ dẫn tâm lí lo sợ của thí sinh, có thể các em sẽ không dám đăng kí và dự thi khối C nữa.

TS. Nguyễn Mạnh Hưởng (Tổ Phương pháp dạy học - khoa Lịch sử, trường Đại học Sư phạm Hà Nội)
 

alt