Thấp thỏm phận thi nhờ...

05/05/2011 14:49
Những thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào những trường đại học không tổ chức thi sẽ phải thi nhờ trường khác, điều này đã trở thành thông lệ.

Những thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào những trường đại học không tổ chức thi sẽ phải thi nhờ trường khác, điều này đã trở thành thông lệ. Tuy nhiên, năm nay, nhiều trường cho biết không muốn cho thí sinh thi nhờ...

{iarelatednews articleid='1504,1374,1118'}

Vì một chữ “tiền”

Nguyễn Hà My, học sinh lớp 12 trường THPT DL Tống Văn Trân (Ý Yên, Nam Định) muốn đăng ký NV1 vào trường ĐH Nguyễn Trãi. Nhưng trường không tổ chức thi, My có ý định thi nhờ tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Nhưng nghe nói, trường ĐH Bách khoa năm nay không nhận hồ sơ của các trường hợp này, My cũng thấy băn khoăn. Không chỉ riêng My, nhiều thí sinh khác cũng cảm thấy tủi phận vì khi “thi nhờ” tại các trường đại học.

Trước đó, trường ĐH Bách khoa đã tuyên bố không nhận thí sinh thi nhờ. PGS Hoàng Minh Sơn, Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Bách khoa Hà Nội giải thích: Hiện tại, trường cảm thấy không đủ sức để làm tốt công việc này nữa và muốn tập trung vào kỳ thi cho những thí sinh đăng ký vào trường, để đảm bảo chất lượng kỳ thi của trường.
 

 

Theo ông Sơn, các trường  có thí sinh thi nhờ cần “có trách nhiệm hơn” vì nếu cứ như hiện nay sẽ rất không công bằng cho các trường đồng ý cho thí sinh thi nhờ. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã phải ký hợp đồng với các trường để tổ chức cho thí sinh thi cụm thi Quy Nhơn và Vinh, rất tốn kém.

Trường ĐH Công đoàn cũng không muốn nhận thí sinh thi nhờ. Lãnh đạo nhà trường cho hay, trường muốn xin ý kiến Bộ về vấn đề này nhưng Bộ không đồng ý. Vị lãnh đạo này cho biết, năm 2010 có 27.000 thí sinh đăng ký dự thi, trường phải thuê đến trên 500 phòng thi, huy động toàn bộ cán bộ của trường cùng với một số sinh viên của trường để coi thi. Trong số này, có đến gần 6.000 thí sinh đăng ký thi nhờ.

PGS. TS Dương Văn Sao, Hiệu trưởng nhà trường nhẩm tính: Ba đề thi mua hết trên 30.000 đồng, thuê chấm 3 bài thi cũng hết trên 30.000 đồng. Tiền mỗi thí sinh nộp dự thi là 67.000 đồng, như vậy là “vừa xoẳn”. Còn các khoản tiền như: Thuê phòng (220.000 đồng/phòng), thuê bảo vệ và các chi phí khác... vị chi mỗi phòng thi, trường lỗ trên dưới 1 triệu đồng. Với 6.000 thí sinh thi nhờ, trường lỗ khoảng 200 triệu đồng(!).

Quyền lợi của thí sinh thi nhờ phải được đảm bảo

“Liệu quyền lợi của những thí sinh thi nhờ có được “bình đẳng” như các thí sinh khác dự thi vào trường?” – Hà My lo lắng hỏi. Câu trả lời chẳng dễ nhận được nhưng theo ông Nguyễn Kim Sơn, Chánh Văn phòng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội thì các trường nên tạo điều kiện cho thí sinh thi nhờ. Thầy Sơn quan niệm, trong giáo dục, không phải lúc nào cũng có thể tính đến chuyện tiền nong, lỗ lãi.

 

Trao đổi về vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD – ĐT, TS Ngô Kim Khôi cho biết, hiện quy chế của Bộ GD - ĐT không quy định cụ thể là các trường phải cho thí sinh thi nhờ nhưng quy chế đã cho phép thí sinh được thi nhờ để lấy kết quả xét tuyển vào những trường không tổ chức thi. Vì vậy, thí sinh có quyền đăng ký thi nhờ và nhà trường không được phép từ chối quyền đó. Nếu từ chối là vi phạm quy chế tuyển sinh.

Ông Khôi nói vậy nhưng có một thực tế là từ trước tới nay, Bộ GD – ĐT cũng không hề có chế tài để xử lý vấn đề này. Do đó, các trường vẫn có quyền từ chối không nhận thí sinh thi nhờ. Và như thế, những thí sinh này và gia đình lại thêm một nỗi lo khác trước mùa tuyển sinh năm nay.

(Sinh Viên Việt Nam)