Thi cuối cấp nên tổ chức nhẹ nhàng

27/06/2011 00:46
Sau nhiều năm thực hiện chủ trương chống bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử mà Bộ GD-ĐT vẫn gọi là “hai không”, tiêu cực vẫn còn lộ rõ.

Giáo sư Hoàng Tụy khẳng định sau nhiều năm thực hiện chủ trương chống bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử mà Bộ GD-ĐT vẫn gọi là “hai không”, tiêu cực vẫn còn lộ rõ, ngay trong các khâu coi thi rồi chấm thi. Giáo sư cho rằng:

{iarelatednews articleid='5111'}

- Các tỉnh thành chạy đua để có tỉ lệ tốt nghiệp cao, rồi tuyên truyền đó là thành tích của giáo dục, điều này cho thấy “bệnh chạy theo thành tích” chưa giảm mà còn có xu hướng nặng nề hơn.

Việc học và thi ở THPT hiện nay căng thẳng nhất trong hệ thống giáo dục, do hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ gần sát nhau, tổ chức quá tốn kém, lãng phí và không đánh giá được thực chất.

Hơn nữa, thực tế trên chứng tỏ rõ việc thi tốt nghiệp ở bậc phổ thông hiện nay là việc làm lạc hậu, kém hiệu quả nhất, một tàn tích còn sót lại của lối học cũ. Nó hoàn thiện chu trình “học để thi - thi để lấy bằng - lấy bằng để làm quan”.

* Việc cải tiến thi cử ở bậc THPT sẽ phải đi theo hướng nào? Có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT không, thưa ông?

- Trong rất nhiều vấn đề mà tôi cho rằng cần phải làm để cải cách giáo dục, khâu đột phá vẫn là giáo dục phổ thông và thi cử. Cùng với đổi mới thi cử, phải thay đổi chương trình, cách dạy học và đánh giá trong quá trình dạy học ở THPT.

Để khắc phục những bất hợp lý hiện nay, trước hết cần cải cách việc học và thi trên cơ sở tổ chức lại hệ thống giáo dục để sau THCS, có hai nhánh rẽ: trung học nghề hay THPT, học xong nếu không học lên cao hơn thì đều có thể đi ngay vào thị trường lao động. Theo hướng đó, chương trình cũng phải cấu trúc lại theo cách học ở THPT để có nhiều cơ hội lựa chọn, trên cơ sở đảm bảo một mặt bằng văn hóa chung thích hợp, đồng thời đủ mềm dẻo để cho phép điều chỉnh những sự lựa chọn chưa phù hợp.

 

Cùng với cách dạy học đó, thi cử đánh giá phải thay đổi. Mỗi môn học, học phần như một môđun, học xong môn nào, phần nào phải kiểm tra, thi nghiêm túc môn đó, phần đó, giống như việc người ta đã kiểm tra và công nhận các chi tiết của một cỗ máy. Cuối cấp, học sinh chỉ cần làm một tiểu luận hoặc một kỳ thi nhẹ nhàng, với mục đích kiểm tra trình độ văn hóa tổng quát.

Kỳ thi cuối cấp này không nên bắt buộc mà chỉ dành cho những học sinh có nguyện vọng thi vào ĐH, CĐ. Những người không dự thi vẫn được cấp bằng hay chứng nhận hoàn thành chương trình THPT để chọn những lối rẽ khác vào đời, còn những người dự thi có thể sử dụng kết quả thi như một dữ liệu để sơ tuyển vào ĐH, CĐ. Việc tuyển sinh ĐH, CĐ nên trả về cho các trường tự lo, tùy theo yêu cầu của từng trường mà tổ chức các kỳ thi tuyển với hình thức khác nhau.

* Theo ông, không cần có một kỳ thi quốc gia như hiện nay? Kỳ thi “kiểm tra kiến thức tổng quát” đối với học sinh cuối cấp THPT nên tổ chức như thế nào?

- Tôi nghĩ nên bỏ kỳ thi quốc gia như hiện nay. Vì với cách dạy học và kiểm tra, đánh giá ngay trong quá trình học, không cần thiết phải tổ chức một kỳ thi cồng kềnh, tốn kém, mỗi kỳ thi tốn kém đến hàng ngàn tỉ đồng.

Một kỳ kiểm tra cuối cấp nên tổ chức nhẹ nhàng. Kỳ thi này giao cho các tỉnh thành tổ chức là được, Bộ GD-ĐT không nên ôm lấy việc này. Nếu học sinh đã học tốt trong cả một quá trình, việc thi cuối cấp chỉ tổ chức nhẹ nhàng, học sinh cũng không bị áp lực căng thẳng, không phải lo đối phó bằng cách này cách khác.

Tính chất của kỳ thi thay đổi, các địa phương cũng không cần lo đối phó bằng những con số giả tạo. Với kỳ kiểm tra cuối cấp, nên để các địa phương chủ động cả ở việc ra đề thi, tổ chức thi, chấm thi, thậm chí tùy theo từng địa phương, có thể điều chỉnh các môn thi, hình thức thi của từng môn (thi trắc nghiệm, tự luận, vấn đáp).

* Nhưng theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, dù đổi mới thế nào cũng không thể bỏ kỳ thi quốc gia vì lo ngại tiêu cực sẽ nảy sinh nhiều hơn?


- Bộ GD-ĐT quan niệm như vậy tức là bộ tự đặt ra một vấn đề rất khó, rồi tự làm khó mình. Thực tế đã chứng minh với nhiều giải pháp khác nhau để chống tiêu cực nhưng bộ đâu có chống được. Kết quả thi hiện tại chỉ là con số để báo cáo.

GS Nguyễn Minh Thuyết: Không lo thiếu thực chất

Nên để các địa phương lo tất cả mọi khâu của kỳ thi. Có thể mỗi tỉnh thành tổ chức một kỳ thi của địa phương mình, do sở GD-ĐT chịu trách nhiệm. Thời gian, cách thức tổ chức, ra đề thi, coi thi, chấm thi đều nên để các địa phương chủ động.

Việc đánh giá học sinh phải tương thích với điều kiện, hoàn cảnh dạy học, trình độ học sinh của các vùng miền. Với cách này, sẽ không lo kỳ thi thiếu thực chất.

TS Nguyễn Cam (nguyên giám đốc Trung tâm công nghệ dạy học - Viện Nghiên cứu giáo dục - Trường ĐH Sư phạm TP.HCM): Không dám “vung tay quá trán”

Kỳ thi hiện nay quá hình thức và không hiệu quả, một phần do Bộ GD-ĐT ôm đồm quá nhiều việc. Nếu phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương, bộ sẽ tập trung vào việc thanh tra, kiểm tra có hiệu quả hơn.

Khi việc tổ chức thi tốt nghiệp giao cho các địa phương, Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục của Bộ GD-ĐT hãy hoạt động có “chiều sâu” hơn, đưa mẫu kiểm định đem đi thử ở nhiều địa phương khác nhau, nhiều bộ môn khác nhau, vào nhiều thời điểm khác nhau.

Sau đó công bố cho toàn xã hội biết kết quả của mỗi địa phương. Với cách làm này, các địa phương sẽ không dám “vung tay quá trán” như hiện nay, ví dụ kết quả kiểm định chất lượng giáo dục của tỉnh A chỉ đạt 50% nhưng kết quả thi tốt nghiệp đạt 100% làm sao thuyết phục được xã hội?

GS Lâm Quang Thiệp: Bộ chỉ cần đóng vai trò giám sát


Các nhà lãnh đạo giáo dục nên xem xét lại chủ trương tổ chức kỳ thi quốc gia như hiện nay. Luận cứ chính cho chủ trương này có lẽ là muốn có một chuẩn quốc gia thống nhất cho giáo dục phổ thông cả nước để đảm bảo chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, cần quan niệm “chuẩn quốc gia” đó như thế nào?

Theo tôi, một mặt bản thân chương trình giáo dục phổ thông ngoài phần cứng quy định cho toàn quốc nên có một phần mềm phản ánh đặc điểm của địa phương, vì địa phương nào cũng có những yếu tố riêng về lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội mà học sinh cần biết.

Do đó, việc đánh giá tốt nghiệp THPT cũng nên lưu ý đến yếu tố đó của địa phương. Mặt khác, vì trong thực tế có khoảng cách quá lớn về trình độ giáo dục phổ thông giữa các địa phương nên không tránh khỏi một số “điều chỉnh” về chỉ tiêu tốt nghiệp. Sự điều chỉnh này thực tế phần nào đã làm giảm tính “quốc gia” của kỳ thi toàn quốc.

Vì thế tốt hơn hết bộ nên quy định một chuẩn tốt nghiệp phổ thông thống nhất (trong đó có lưu ý một phần nào đó đến đặc điểm địa phương) và một quy chế thống nhất cho cả nước về việc tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, nhưng nên giao cho các tỉnh thành việc thực hiện tổ chức các kỳ thi đó và việc cấp bằng tốt nghiệp phổ thông, bộ chỉ đóng vai trò giám sát.

Trong thực tế kỳ thi tốt nghiệp phổ thông quốc gia thường đạt tỉ lệ đậu rất cao, cho nên việc đầu tư tầm quốc gia cho một kỳ thi mà “hiệu suất” chọn lọc thấp như vậy sẽ không thật sự có ý nghĩa, chi bằng giao việc tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông cho các tỉnh thành.

Hơn nữa, hiện nay tác dụng của bằng tốt nghiệp THPT khi tìm việc làm cũng không lớn lắm, cho nên bằng tốt nghiệp phổ thông do tỉnh cấp, mang sắc thái và dấu ấn của địa phương cũng là một ý tưởng hay. Về năng lực ra đề thi, tổ chức thi... thì cơ quan quản lý thi cử của bộ và các tổ chức nghiên cứu và triển khai đánh giá chuyên nghiệp có thể giúp các tỉnh nâng cao dần dần.

Sau khi giao việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp phổ thông cho các tỉnh thành, Bộ GD-ĐT sẽ “rảnh tay” để chỉ đạo loại thi duy nhất nhằm đánh giá trình độ đã qua bậc giáo dục phổ thông của mọi người muốn được dự tuyển vào mọi trường sau trung học (chuyên nghiệp và đại học).

Loại thi này có tỉ lệ tuyển chọn cao nên cần tổ chức đánh giá chính xác bằng công nghệ đo lường hiện đại trong giáo dục.

GS Văn Như Cương: Đưa kỳ thi tốt nghiệp về địa phương

Ngành GD-ĐT không nên dồn mọi tâm sức để lo một kỳ thi quốc gia nghiêm túc, mà nên thay đổi cách dạy học, đánh giá trong quá trình dạy học ở bậc THPT, tổ chức tốt việc phân luồng, hướng nghiệp để học sinh có định hướng cho mình, từ đó có động lực học thật.

Việc kiểm tra đánh giá nghiêm túc hơn trong quá trình học cũng khiến học sinh phải cố gắng. Như vậy thì đâu cần một kỳ thi cồng kềnh, tốn kém!

Tôi ủng hộ việc đưa kỳ thi tốt nghiệp về địa phương, có thể giao cho sở GD-ĐT, cũng có thể giao trách nhiệm cho hiệu trưởng. Các địa phương sẽ chủ động tất cả từ khâu ra đề, coi thi, chấm thi, xét tốt nghiệp.

Khi kỳ thi không được đặt ở tầm quá quan trọng, gây căng thẳng cho nhiều người, khi trách nhiệm được đặt lên vai các địa phương buộc họ phải tìm cách để nâng chất lượng giáo dục thật sự thì kỳ thi không những không gia tăng tiêu cực mà sẽ giảm tiêu cực. Nếu Bộ GD-ĐT lo ngại tiêu cực thì nên xây dựng một quy chế chung, nên có những giải pháp để giám sát.

Nếu năm tới Bộ GD-ĐT vẫn duy trì kỳ thi quốc gia, tôi đề nghị nên bỏ “thi cụm, chấm chéo”. Vì giải pháp này không có tác dụng.

Theo Tuổi Trẻ