Tiếng Việt đang "sập bẫy thảm họa" của cư dân mạng

12/09/2011 16:22
Theo SGTT
Đã công nghiệp thì bao giờ cũng mang tính đại trà, sản xuất hàng loạt và hời hợt, cạn cợt...

Tiếng Việt ngày càng dở đi, đang trên đà "sập bẫy thảm họa" của cư dân mạng... Xin giới hạn trước nhận định này chỉ ở ngôn ngữ báo chí, mà tiếc thay, đó lại là “cái loa” chính yếu đang “độc chiếm diễn đàn” phát ra những thông điệp của cuộc sống hiện đại.

Công nghiệp hoá

Có hai câu chuyện tiếu lâm vô tình xác định hai xu thế ngược chiều của tiếng Việt. Câu chuyện thứ nhất về một anh Tây học tiếng Việt, phải vò đầu bứt tóc vì sự tinh tế của thứ ngôn ngữ mà những người chủ sở hữu rất tự hào về sự “giàu đẹp, trong sáng” của nó: mắt đen gọi là mắt nhung, tóc đen là tóc huyền, gà đen là gà ác, ngựa đen là ngựa ô, gỗ đen gọi là gỗ mun...

Câu chuyện thứ hai là câu chuyện về tấm bảng hiệu “Ở đây có bán cá tươi”. Người thứ nhất đi qua góp ý: “Không ở đây thì ở đâu?” Thế là mất chữ “Ở đây”. Người thứ hai: “Không bán cá tươi thì bán cá ươn à?” Mất nốt chữ “tươi”. Mà cần gì phải ghi là bán cá, đi từ xa người ta đã nghe mùi cá rồi...

Tiếng Việt đang ngày càng bị (hay được) thu rút dữ dội. Chính những đề nghị công nhận ngôn ngữ “chát chít” và các phụ âm f, w, z, j đang gây tranh cãi mù trời chính là xu hướng “công nghiệp hoá” của tiếng Việt. Nó được cho là “tiết kiệm, nhanh chóng và hiệu quả” theo đúng “chủ nghĩa Taylor” trong công nghiệp. Tiếng Việt ngày trước ra sức chia cắt hiện thực ngày càng tinh tế bao nhiêu thì ngày nay lại bị cố thu gọn lại bấy nhiêu.

Những đỏ lòm, đỏ loét, đỏ chạch, đỏ bầm, đỏ tía... từng là niềm tự hào có phần “ếch ngồi đáy giếng” của không ít người Việt. Bởi vì các dân tộc khác cũng chia cắt hiện thực tinh tế tương tự, tuỳ theo sự thiết thân của hiện thực nào đó đối với mình, chẳng hạn như người Eskimo có đến 200 tên gọi về tuyết, Mông Cổ cũng có ngần ấy tên gọi về ngựa.

Đã công nghiệp thì bao giờ cũng mang tính đại trà, sản xuất hàng loạt và hời hợt, cạn cợt... Rất dễ thấy ngôn ngữ “chát chít” là loại ngôn ngữ khá ngô nghê, ngọng nghịu, loại ngôn ngữ có tính “mật mã” của những nhóm thanh thiếu niên muốn khẳng định một thế giới riêng, thế giới khác mà họ cho là mới.

Ngôn ngữ bikini

Chính từ sự cạnh tranh gay gắt của các phương tiện truyền thông mà tiếng Việt dường như ngày càng luộm thuộm, dễ dãi.

Khẩu ngữ, tiếng lóng… của tiếng Việt đi vào ngôn ngữ chính thống bằng chiếc áo tắm hai mảnh mỏng manh: dấu ngoặc kép. Có thể thấy trên mặt báo đang tràn lan những từ, ngữ có dấu ngoặc kép.

Như văn chương, báo chí có nhiều biện pháp tu từ để sử dụng: ẩn dụ, hoán dụ, phúng dụ, chơi chữ, dùng điển tích... Ngoặc kép cũng là một biện pháp tu từ. Nhưng giờ thì hầu như tất tần tật những phong cách đó được gom về một mối, đó là đầu tiên sử dụng ngoặc kép, lâu, quen dần thì được dùng như là một từ ngữ thông dụng.

“Chân dài” là một từ dung tục. Khởi đi từ tên một bộ phim, “chân dài” trở thành phổ biến và bây giờ đa phần đã không còn được che chắn gì trong ngôn ngữ thông dụng. “Chân dài”, thậm chí là “chân dài tới nách” đã được dùng trong nhiều tờ báo. “Ngực khủng” cũng thế, nay mai sẽ mất dấu ngoặc kép.

Chuyện khoả thân hay trần truồng giờ được sử dụng từ ngoại nhập “nuy”, nghe ra nghệ thuật hẳn. Vú hay ngực, mông, được gọi là “vòng một”, “vòng ba”, cứ như thể phụ nữ nào cũng có thể đi thi hoa hậu hay lên sàn catwalk, nghe ve vuốt và nịnh nọt lắm. Còn “cô bé” và “cậu bé” nữa...

Những “ông vua ở truồng” như trong một truyện cổ đó ngày càng không được gọi đúng tên. Ngôn ngữ đang dần bị “kéo xuống phía dưới” khi quanh đi quẩn lại chỉ là những chuyện “chân dài”, “ngực khủng”, “lộ hàng”, “khoe hàng”, “bỏng mắt”, “không cưỡng lại được”...

Có những lắp ghép mang tính tuỳ tiện. Có “hải tặc”, “không tặc”, “dâm tặc” thì giờ có “đinh tặc”, thậm chí là “nghêu tặc”. Cái gì cũng “phì đại” thành “siêu” và “khủng”: siêu mẫu, siêu xe, siêu thấm, siêu... khủng (cạn hết từ so sánh tối thượng cấp)...

Thông tin, cả tốt lẫn xấu, đang ngày càng tràn ngập như những cơn lũ. Chính từ sự cạnh tranh gay gắt của các phương tiện truyền thông mà tiếng Việt dường như ngày càng luộm thuộm, dễ dãi. Không khéo sẽ đến ngày chúng ta sẽ bị biến thành một bộ lạc như bộ lạc Xì trum của Peyo: nói ra cái gì cũng đều là “xì trum” hết!

Theo SGTT