Văn mẫu ngày khai trường: 'Nhiệt liệt chào mừng'

06/09/2011 15:09
Hồng Liên/ Phụ nữ TP.HCM
Nhưng không hiểu sao ngành GD-ĐT lại cẩn thận đến mức hướng dẫn luôn cả cách treo băng-rôn và cách viết khẩu hiệu trong ngày lễ của thầy và trò.

Lễ khai giảng từ lâu đã trở thành một sự kiện trọng đại của toàn xã hội. Do vậy, cũng dễ hiểu khi vài năm gần đây, đích thân giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM ký văn bản “về chuẩn bị khai giảng năm học mới”, phổ biến chỉ đạo của mình đến hơn một ngàn trường học tại TP.

Lễ khai giảng năm nay được xác định, phần “Lễ” trang trọng dành cho quan khách; phần “Hội” với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian tươi vui, sinh động để các em học sinh (HS) được vui chơi. So với trước kia, HS ngồi ngao ngán nghe quan khách phát biểu đến khi “nắng lên đỉnh đầu” mới xong lễ thì nay, ngày khai trường 5/9 lấy “HS là trung tâm” quả là một bước tiến đáng ghi nhận.



Nhưng không hiểu sao ngành GD-ĐT lại cẩn thận đến mức hướng dẫn luôn cả cách treo băng-rôn và cách viết khẩu hiệu trong ngày lễ của thầy và trò này. “Văn mẫu” mà ngành GD-ĐT TP yêu cầu đó là thủ trưởng các đơn vị phải nghiêm túc thực hiện gồm: băng-rôn ở cổng trường có dòng chữ “Nhiệt liệt chào mừng quý vị đại biểu, quý vị phụ huynh và các em học sinh tham dự lễ khai giảng năm học mới 2011 - 2012” (ảnh);

từ phông sân khấu cho đến bên trái sân khấu là: “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế”, bên phải sân khấu: “Năm học tiếp tục đổi mới toàn diện nhà trường, hoàn thành phổ cập mầm non cho trẻ năm tuổi”. Cuối cùng, ở vị trí đối diện sân khấu phải là: “Tất cả vì một nền giáo dục tiên tiến mang đậm bản sắc dân tộc”.



Có nhất thiết phải “cầm tay chỉ việc” trong khi ngành GD-ĐT đang phát động phong trào tự chủ trong nhà trường, giao quyền cho hiệu trưởng?

Những khẩu hiệu khô khan tuy thể hiện rõ quyết tâm của toàn ngành nhưng rõ ràng chỉ mang lại “hiệu ứng sao y bản chính”.

Tất cả là do cấp lãnh đạo hoặc quá “tham công tiếc việc” hay thiếu sự tin tưởng cấp dưới. Mỗi trường học có lịch sử hình thành, truyền thống riêng, vì sao trong ngày khai trường ngành GD-ĐT không để hiệu trưởng phối hợp với ban đại diện cha mẹ HS tổ chức một buổi lễ gần gũi, đáng nhớ hơn cho các em theo điều kiện và mục tiêu của nhà trường?

Vì sao lãnh đạo ngành hô hào hiệu trưởng nhà trường “tự chủ - tự chịu trách nhiệm”, lại không tạo điều kiện để hiệu trưởng phát huy bản lĩnh, sáng tạo và tránh cảnh ý tưởng “photocopy” vô hồn, cứng nhắc được nhân bản từ thành thị cho đến nông thôn.

Một hiệu trưởng than phiền vì sự lãng phí không đáng có: “Năm trước, nhà trường tốn hơn năm triệu đồng làm băng-rôn theo chủ đề, chủ điểm năm học. Năm nay, sơn chưa phai, bảng chưa bong chữ phải tháo xuống nhường cho những khẩu hiệu khác, kinh phí tăng lên theo số lượng và số chữ. Về mặt hình thức, khẩu hiệu tuyên truyền cần phải ngắn gọn, dễ đọc, dễ hiểu, đằng này…”.

Biết bao giờ ngày khai giảng sẽ thuộc về HS một cách trọn vẹn?
Hồng Liên/ Phụ nữ TP.HCM