Việt Nam: từ chiếc bánh xèo quê đến giải Fields danh giá

02/09/2011 08:55
Theo SGTT
Một biên giới khác của đất nước đang được chính những con người ấy vẽ lại.

 Bản tuyên ngôn độc lập ngày 2.9.1945 và sắc lệnh số 49/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 12.10.1945 đã khai sinh nước Việt Nam trên bản đồ hành chính thế giới. Hai cuộc chiến sau đó đã biến Việt Nam thành cái tên đồng nghĩa với chiến tranh, mảnh đất của những anh hùng, những người lính.

Nhiều thập kỷ đã qua, góp phần làm hình ảnh Việt Nam trong dòng chảy nhân loại đổi thay dần, có công không nhỏ của những “anh hàng phở”, “bà nông dân đổ bánh xèo” hay chủ nhân của giải Fields. Một biên giới khác của đất nước đang được chính những con người ấy vẽ lại.

Việt Nam: từ chiếc bánh xèo quê đến giải Fields danh giá ảnh 1

Lý Quý Trung, giám đốc điều hành hệ thống Nam An và Phở 24: Tự tin cạnh McDonald’s, Lotteria, KFC...

Việt Nam: từ chiếc bánh xèo quê đến giải Fields danh giá ảnh 2

Việc mở rộng thương hiệu Phở 24 cả bên trong và bên ngoài hình chữ S trên bản đồ thế giới là cách của riêng tôi để mang Việt Nam đến với thế giới, và mang thế giới đến với Việt Nam.

Trong thời điểm khó khăn nhất của nền kinh tế thế giới và Việt Nam, để đứng vững, tôi không bao giờ bi quan. Đây cũng là lúc mình có thời gian nghĩ lại, thấy cái gì làm chưa được trong quá khứ, điều chỉnh và tìm thêm thị trường mới, góc cạnh mới để phát triển hơn.

Làm kinh doanh phải năng động, suy nghĩ rộng thoáng hơn, không thể theo lối mòn. Tôi hy vọng Phở 24 sống dài hơn tuổi của mình, nên rất ý thức về việc xây dựng đội ngũ kế thừa, xây dựng tầm nhìn.

Thị trường nước ngoài quá tiềm năng, một tiệm phở ở nước ngoài lợi nhuận lớn hơn nhiều so với trong nước, lại xuất khẩu được gạo, bánh phở, gia vị, trà, càphê kèm theo... Đặc biệt phải nhìn toàn cầu mới an toàn, vì không có thị trường nào là an toàn trong xu thế mới, nếu chỉ nhắm đến một vài nước lớn sẽ rất bất toàn. Nhượng quyền thương mại (franchise) là cơ hội kinh doanh thời khủng hoảng, lựa chọn tối ưu cho nhà đầu tư.

Đó cũng là lý do để Phở 24 ký kết với tập đoàn toàn cầu 7-eleven, hệ thống cửa hàng tiện nghi lớn nhất thế giới, mở rộng hệ thống Phở 24 tại Nhật. Sau năm năm nữa, Phở 24 sẽ phát triển thành 50 cửa hàng khắp nước Nhật theo hình thức franchise.

Khác với các quán phở Việt Nam ở nước ngoài, chuyển giao công nghệ cho những nước văn minh qua một tập đoàn toàn cầu là một vinh dự, một ý nghĩa rất đẹp cho ẩm thực Việt Nam. Ngoài cơ hội phát triển kinh tế, còn là cách để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp trí tuệ, quảng bá ẩm thực, văn hoá độc đáo của Việt Nam

“Để có thể góp vào chuỗi giá trị toàn cầu, phải thật mở để đón nhận những nền văn hoá khác, giao lưu với văn hoá khác. Càng nhiều cơ hội giao lưu càng có cơ hội truyền bá văn hoá Việt Nam”.

Lý Quý Trung

Thách thức đầu tiên là phải cạnh tranh quyết liệt ngay trên sân nhà. Nuôi mộng đối đầu với những thương hiệu toàn cầu, Phở 24 đang định vị thế của mình một cách tự tin bên cạnh McDonald’s, Lotteria, Gloria Jean’s Coffees, Lee’s Sandwiches, Jollibee, KFC…

Hình ảnh 21 quán Phở 24 xuất hiện trên những con phố sang trọng nhất của Sydney (Úc), Thâm Quyến (Trung Quốc), Indonesia, Singapore, Malaysia, Campuchia… và sắp tới là cả trăm cửa hàng, thực sự góp phần giúp cho người nước ngoài có một cái nhìn hoàn toàn khác về Việt Nam.

Để có thể góp vào chuỗi giá trị toàn cầu, phải thật mở để đón nhận những nền văn hoá khác, giao lưu với văn hoá khác. Càng nhiều cơ hội giao lưu càng có cơ hội truyền bá văn hoá Việt Nam. Đem Việt Nam đến với thế giới bằng con đường kinh tế thông qua những sản phẩm mang đậm văn hoá Việt coi vậy chứ đi rất xa, mà không tốn kém nhiều.

Rất nhiều sản phẩm độc đáo của Việt Nam có thể nhân rộng toàn cầu như càphê, áo dài, chuỗi nhà hàng ẩm thực… Tiềm năng chúng ta còn rất nhiều, nhưng liệu doanh nhân mình có nhìn ra được không? Có chuẩn bị cho mình đủ điều kiện để bước ra chưa? Đó vẫn là một câu hỏi lớn.

Nhà vật lý Phạm Văn Thiều: Chất xám Việt nào kém ai

Việt Nam: từ chiếc bánh xèo quê đến giải Fields danh giá ảnh 3

Vào đầu những năm 1980 khi còn học ở nước ngoài và mãi cho tới tận hôm nay, tôi luôn trăn trở về việc thu hút sự đóng góp của các nhà khoa học người Việt sinh sống ở nước ngoài cho sự nghiệp hiện đại hoá đất nước.

Một tấm gương rất rõ về việc sử dụng hiệu quả lực lượng này là Trung Quốc. Họ tiến hành một cách bài bản, mời các nhà khoa học Hoa kiều nổi tiếng về làm việc trong nước và giao nhiều trọng trách.

Nhiều nhà khoa học lớn Hoa kiều được mời làm cố vấn cho chính phủ (như nhà vật lý, giải thưởng Nobel, Dương Chấn Ninh) hoặc làm viện trưởng một số viện khoa học mới thành lập.

Người Việt chúng ta cũng có một đội ngũ đông đảo trình độ cao ở nước ngoài. Đa số họ đều có nhiệt tình muốn đóng góp cho đất nước. Tiếc thay chúng ta chưa có một chiến lược rõ ràng sử dụng lực lượng này. Uỷ ban Người Việt Nam ở nước ngoài chỉ là một tổ chức có tính chất mặt trận, chỉ lo tổ chức các cuộc gặp gỡ nhân dịp lễ tết, chứ không có kế hoạch cụ thể sử dụng lực lượng các nhà khoa học gốc Việt.

Sự đóng góp của họ còn lẻ tẻ và chủ yếu dựa trên quan hệ cá nhân. Điều đáng tiếc là các nhà khoa học Việt kiều thế hệ thứ nhất nay hầu hết đã về hưu. Phần lớn họ sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, vẫn còn nói thạo tiếng Việt và am hiểu văn hoá Việt, và nhất là còn nhiều tình cảm với quê hương đất nước.

Do trăn trở nhiều với sự phát triển của đất nước mà không được trực tiếp đóng góp chất xám cho quê hương đất nước, họ thường có những ý kiến nhiều khi không lọt tai những người có trách nhiệm, nên họ không được tin cậy. Phải biết bao dung lắng nghe những ý kiến của họ, nhưng điều quan trọng nhất là tạo cơ hội cho họ có những đóng góp trực tiếp cho đất nước. Muộn còn hơn không.

Vì mặc dù đã về hưu nhưng họ còn nhiều quan hệ bạn bè, học trò cùng với kiến thức và kinh nghiệm dồi dào họ vẫn còn có thể có những đóng góp to lớn cho đất nước. Điều quan trọng hơn nữa là họ sẽ lôi kéo con em họ, thế hệ thứ hai, về đóng góp cho đất nước.

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: Có một loại bản đồ khác cho đất nước

Việt Nam: từ chiếc bánh xèo quê đến giải Fields danh giá ảnh 4

Những năm 1980, tôi có xem một tấm bản đồ kinh tế thế giới. Trong bản đồ này, nước nào kinh tế mạnh hơn thì diện tích lớn chứ không phụ thuộc vào địa lý cụ thể. Lúc đó Đài Loan, một hòn đảo nhỏ được vẽ to hơn lục địa Trung Hoa.

như vậy, như vậy, các nước Tây Âu và Mỹ to đùng, còn các nước khác bé tẹo, nước ta chỉ là một chấm nhỏ. Thế giới hiện tại đã khác hẳn thời chiến tranh lạnh, trong đó mỗi nước, mỗi dân tộc phải chiếm được một thị phần trong nền kinh tế thị trường toàn cầu và góp vào thế giới nền văn hoá riêng biệt của mình.

Các công ty, các tập đoàn kinh tế còn mạnh hơn cả các quốc gia, mà dân số của nó là khách hàng, đất đai của nó là thị trường.

Ngay trước Đổi mới, hội hoạ Việt Nam đã đi và có tiếng vang nhất định, sau Đổi mới, đó là ngành nghệ thuật duy nhất đại diện cho văn hoá Việt Nam ra nhiều nước Âu Mỹ. Người ta nói rằng, chính những triển lãm hội hoạ Việt Nam đã mở đường cho những quan hệ khác về chính trị và kinh tế.

Nhưng cho đến nay, khi những trao đổi văn hoá đã trở nên bình thường, thì hội hoạ Việt Nam vẫn chẳng có vị thế gì trên trường hội hoạ quốc tế và không có mặt trong các bảo tàng hàng đầu. Bước chân nghệ thuật của chúng ta đã bị bó lại trong phạm vi giới thiệu văn hoá, còn tự thân nó không tạo được, không bước vào được thị trường nghệ thuật.

Người làm ăn chỉ biết lỗ lãi, không nghĩ rằng chính văn hoá nâng tầm của các công ty trong nước lên tầm cao hơn, và trong nền kinh tế thị trường nước ta, thị trường văn hoá nghệ thuật vẫn chưa hình thành, vẫn chờ đợi Nhà nước bao cấp, hoặc tự sống một cách lay lắt.

Hàn Quốc đã thành công khi đưa hàng loạt phim tình vào Việt Nam kéo theo một thị trường đồ điện tử nhẹ và đồ tiêu dùng cám dỗ nhiều thanh niên. Biên giới kinh tế và văn hoá của một đất nước có thể mở ra không hạn chế trong thế giới hiện tại, cũng chính là sức mạnh nội tại của đất nước đó.

Kích cỡ của một quốc gia có thể được mở rộng bằng văn hoá

“Hội nhập là mang mình ra với mọi người chứ không phải là vứt mình đi để thay bằng cái của người. Kích cỡ của một quốc gia chỉ có thể được khẳng định và mở rộng bằng văn hoá.

Có lẽ nhân cái đà khủng hoảng kinh tế toàn cầu này nên giật mình để không chỉ lo phục hồi kinh tế mà cái chính là phải phục hồi văn hoá, đạo đức. Nên coi chỉ số hài lòng, chỉ số hạnh phúc, chỉ số văn hoá là mục đích của phát triển chứ không nên coi phát triển là chỉ phát triển kinh tế”.

Hoạ sĩ Lê Thiết Cương

Việt Nam: từ chiếc bánh xèo quê đến giải Fields danh giá ảnh 5

Nghệ sĩ Bá Phổ: “Xuất khẩu” đàn t’rưng

Khi đất nước mới giải phóng, tôi bắt đầu biết đến cây đàn t’rưng.

Thích quá, tôi dành bảy năm nghiên cứu và hoàn thành cả một công trình khoa học kết hợp các yếu tố khoa học âm nhạc, khoa học chế tạo và vật lý âm học để chứng minh giá trị cây đàn này.

Từ đó tới nay, đàn t’rưng được chơi khắp hang cùng ngõ hẻm ở nước mình rồi cả những quốc gia khác. Hiện nay trên thế giới đã có hai câu lạc bộ đàn t’rưng đều là nguyên mẫu cây đàn tôi cải tiến.

Bốn mươi năm sưu tầm và nghiên cứu, sáu năm xây dựng một nhạc đường, ba công trình nghiên cứu không dưới 150 trang về nhạc cụ dân tộc Việt Nam... nhiều lúc nghĩ cũng tủi, làm được là do hầu bao của vợ tôi nhiều lắm. Nhưng nếu biết mà không làm, không gìn giữ và ghi chép lại giá trị của những di sản ông cha thì mình là người có tội.

Bà Nguyễn Thị Xiềm (Mười Xiềm): Đổ bánh xèo cho người Mỹ phải lòng món ăn Việt

Việt Nam: từ chiếc bánh xèo quê đến giải Fields danh giá ảnh 6

Năm 2007, lần đầu tiên tôi được đến Mỹ tham dự lễ hội đời sống dân gian Smithsonian. Món của tôi là bánh xèo và các món ăn trong bữa cơm truyền thống của người Nam bộ.

Lúc đầu, tôi cứ đinh ninh mình đi Mỹ làm bánh xèo cho người Việt xa quê thưởng thức, nên loại bánh mình làm phải giữ nguyên cái chất của xứ sở quê mình.

Tôi mang theo hầu như tất cả những gì mình có sẵn: cối đá xay bột, chảo, xửng, máy nạo dừa, đến thớt, dao, tô, chén, xoong nồi. Đến nơi rồi tôi mới biết thực khách sẽ thưởng thức món ăn của mình là người ngoại quốc đến từ nhiều nước, hiếm có người Việt Nam.

Lúc tôi làm món bánh xèo nhân tôm và thịt heo, nhiều người Tây đứng xung quanh trố mắt ngạc nhiên, thích thú. Sau khi thưởng thức món bánh tôi làm, họ trầm trồ khen ngợi. Thấy họ xuýt xoa, lòng tôi được thêm chút ít tự tin, an tâm họ đã phải lòng món bánh xèo mình làm.

Sau chuyến đi này, tôi được người ta gọi là “nghệ nhân”, bánh của tôi làm cũng được nhiều thực khách gần xa biết đến. Tôi cũng không biết rằng danh hiệu nghệ nhân đó có quá lớn với một bà nông dân chân đất như mình.

Nhiều khách đến quán ăn bánh, khen ngợi rồi thốt lên với tôi, rằng chuyện tôi đem cối đá qua Mỹ xay bột đổ bánh xèo, đem cái bánh xèo ra tận nước ngoài như vậy khiến nhiều người Việt Nam cảm động, làm cho Việt Nam càng được nhiều người biết đến.

 
Theo SGTT