Bà Tưng, Bà Lắc: Cần phải chặn facebook hay cấm thuốc diệt cỏ?

16/07/2013 09:41
Theo Đào Tuấn/Lao động
Sau khi “Bà Tưng” đại náo mạng xã hội, đã lại xuất hiện một “Bà Lắc” với một video clip “lắc hông đến chóng mặt” gây bão.

Đúng là với màn chổng mông vào khán giả để uống éo và lắc hông cực kỳ chuyên nghiệp và sexy, Bà Lắc đã khiến clip “thả rông nhảy gentlemen” của Bà Tưng quả nhiên “mất điện”. 

Khỏi phải nói về hiệu ứng truyền thông, bao gồm cả truyền thông xã hội và truyền thông chính thống. Kể từ sau khi xuất hiện trên mạng xã hội với clip “Giáo dục sinh lý của em Tưng” xuất hiện hồi giữa tháng 6, facebook của “Bà Tưng” đã có tới hàng ngàn người thích (like). Hàng chục ngàn người “nói về điều này”. Các clip “thả rông nhảy gentlemen”, “nữ y tá hở hang” thực sự là chủ đề được share với tốc độ tên lửa, nhận được hàng ngàn lượt bình luận. Và Bà Tưng nghễu nghện xuất hiện trên báo chí, không đơn giản như một hiện tượng của showbiz mà là một hiện tượng xã hội.

Bà Tưng - Lê Thị Huyền Anh (bên trái) và Bà Lắc.
Bà Tưng - Lê Thị Huyền Anh (bên trái) và Bà Lắc.

Tất nhiên, đối với một hiện tượng, lại liên quan hết hot girl, đến showbiz, điều ra tiếng vào hay chuyện “gạch đá” đương nhiên không thể tránh khỏi. Và cũng tất nhiên, người lên tiếng đầu tiên, những “cục gạch” đầu tiên, là của các hot girl, của giới showbiz.
“Tôi không muốn bày tỏ hay nhắc gì đến cô gái này và hy vọng báo chí cũng ngừng đưa tin về cô ấy trong thời điểm này, không nhắc đến nữa thì mọi chuyện sẽ “chìm xuồng” thôi. Bản thân mình, tôi không thấy cô ấy có gì đặc biệt để phải lên tiếng hay đánh giá”- lời một ca sĩ đã qua thời đỉnh cao. 
“Hành động của Bà Tưng là điên loạn”- lời của một hot girl cho rằng Bà Tưng là một “giá trị không cùng đẳng cấp”. Hành vi của Bà Tưng cấu thành “tội truyền bá văn hoá phẩm đồi truỵ” - một luật sư.
Và, dù rất nhỏ nhẹ, rất khéo léo, báo chí - được cho hoặc tự nhận mình là chính thống - viết về hiện tượng này đều nhắc đến chuyện Bà Tưng đã xuất hiện trên hầu hết các tờ báo… điện tử.
Thế nào là đặc biệt? Thế nào là “đẳng cấp” giữa các hot girl? Chịu. Các clip “giáo dục sinh lý”, những hình ảnh không mặc áo lót ngực có phải là “văn hoá phẩm đồi truỵ” không? Xin lỗi, hơi bị khó. Còn thế nào là báo chính thống và trang tin điện tử? Chẳng phải là đã có cuộc tranh cãi - giữa báo chí - đến giờ còn chưa có hồi kết! 
Không thể trách báo chí bằng hai từ “lá cải” khi họ thông tin đến công chúng một hiện tượng của mạng xã hội đang tạo ra một hiệu ứng tuyệt vời ngoài ý muốn của chúng ta, dù hiện tượng đó là tích cực hay tiêu cực. 
Bởi xét ra, một tờ báo, ừ thì điện tử, nếu đến giờ chưa từng có một bản tin về “hiện tượng Bà Tưng” thì hoặc nó chính thống đến mức không có độc giả, hoặc nó complê, càvạt đến mức bỏ ngoài trang báo những câu chuyện đời sống. Bởi trong khi vô số những điều chúng ta muốn truyên truyền, muốn đưa tới một thông điệp, muốn xây dựng một biểu tượng đang thất bại thì Bà Tưng xứng đáng là một bài học về truyền thông: Không cần nhiều thời gian. Kỹ thuật PR thua xa những gì chúng ta học hỏi được ở môn marketing trong các trường thương mại, cũng chẳng hở hang đến mức vi phạm pháp luật hay quy phạm đạo đức xã hội, nhưng tạo ra hiệu ứng tuyệt vời.
Không khó lắm để có thể thấy rằng sau khi “chổng mông lắc hông”, chỉ ngay “ngày mai”, Bà Lắc sẽ quay mặt lại, với công chúng - để “lắc ngực” chẳng hạn. Bởi sau Bà Tưng, là Bà Lắc. Và sau Bà Lắc nhãn tiền, một “bà” nào đó sẽ nhanh chóng xuất hiện bỏ ngoài ý muốn hay mọi cố gắng… không thích của chúng ta. Và vì thế, tại sao chúng ta không coi đó là một hiện tượng xã hội, có thể hay, có thể dở mà mọi người đều có quyền bày tỏ thái độ chỉ bằng một cú enter?
Còn chuyện ngăn chặn hay cấm Internet từ những hiệu ứng Bà Tưng ư?
Đây là một bản tin được báo chí đăng tải ngày hôm qua: Uất ức vì bị một bạn nam cùng lớp ghép chân dung mình vào ảnh mặc áo cổ rộng rồi đưa lên Facebook làm trò đùa, một nữ sinh 18 tuổi ở Thạch Thất, Hà Nội đã uống thuốc diệt cỏ tự tử. 
Chúng ta sẽ cần phải chặn Facebook hay cấm thuốc diệt cỏ?
Thật khó phải không!
Theo Đào Tuấn/Lao động