Các khoản thu đi đâu mà tỉnh Quảng Ninh phải bán vé vào Yên Tử?

10/03/2018 08:26
ĐỖ HOÀNG
(GDVN) - Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh cho biết nhiều năm qua tiền giọt dầu, tiền công đức giao cho phía nhà chùa thu.

Theo Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, đây chỉ là tái thu theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh vì trước năm 2007, tỉnh này đã thực hiện thu phí tham quan tại đây và mới tạm dừng thu 10 năm nay.

Giảm tải cho ngân sách?

Tỉnh Quảng Ninh cho rằng việc triển khai thu phí tham quan Yên Tử từ năm 2018 nhằm giảm gánh nặng ngân sách cho địa phương trong việc đầu tư vào Yên Tử.

Trong thời gian qua, mặc dù không thu phí nhưng tỉnh Quảng Ninh vẫn phải chi từ ngân sách cho công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, cứu hộ cứu nạn, đảm bảo vệ sinh môi trường, tu bổ, bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ, chi cho hoạt động của Bộ máy Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử.

Tỉnh Quảng Ninh cho rằng việc thu phí tham quan Yên Tử nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách
Tỉnh Quảng Ninh cho rằng việc thu phí tham quan Yên Tử nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách

Tổng số tiền ngân sách đã phải đầu tư đến nay là hơn 651 tỷ đồng, trong đó chi cho xây dựng đường, trùng tu công trình chùa Giải Oan, chùa Hoa Yên, chùa Suối Tắm, xây dựng rừng quốc gia…

Tỉnh Quảng Ninh cho rằng việc thu phí là nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách, đồng thời có thêm và chủ động nguồn vốn cho việc bảo vệ, quản lý di tích, mong người dân, du khách chia sẻ.

Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử cho rằng với những sửa chữa nhỏ thì có thể cân đối từ nguồn ngân sách dành cho ban mỗi năm khoảng 10 tỉ đồng để xử lý. Nhưng khi chi lớn hơn, ban này phải đề xuất xin kinh phí, cũng lại lấy từ ngân sách.

Cụ thể như đề án cứu rừng xích tùng cổ, gần chục năm kêu gọi xã hội hóa nhưng bất thành, khiến rừng xích tùng chết dần. Đến nay, tỉnh phải quyết định trích ngân sách ra thực hiện.

Các khoản thu đi đâu mà tỉnh Quảng Ninh phải bán vé vào Yên Tử? ảnh 2

Sao lại ép dân mua vé vào cửa Phật?

Đường vào Yên Tử, trước đây, tỉnh đã đầu tư 2 lần, năm 2005 đầu tư hơn 11 tỷ đồng làm đường bê tông từ quốc lộ 18 vào Yên Tử, năm 2009 lại tiếp tục đầu tư 55 tỷ đồng nâng cấp mở rộng tuyến đường này.

Từ năm 2015-2017, ngân sách lại phải bỏ ra 259 tỷ đồng đầu tư nâng cấp thành đường nhựa rộng rãi nhằm thuận tiện cho du khách đi lại.

Ngoài ra, từ năm 2018, Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử sẽ phải tự chủ về tài chính, nếu không có nguồn thu từ phí tham quan, ban này không biết sẽ hoạt động như thế nào.

Theo thống kê của Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử, từ 1/1 đến nay đã thu được hơn 10 tỷ đồng tiền phí tham quan. Dự kiến trong năm 2018, tỉnh Quảng Ninh sẽ thu được 50 tỷ đồng để chi cho các hoạt động tại Yên Tử, đồng thời, bù đắp một phần để tiếp tục đầu tư nâng cấp đường.

Các khoản thu đi đâu?

Trước câu hỏi của dư luận cho rằng các khoản thu từ cáp treo và tiền công đức, giọt dầu (tiền đặt lễ) ở Yên Tử là rất lớn tại sao lại còn thu phí tham quan, Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử cho biết các khoản này không phải do tỉnh Quảng Ninh thu.

Tiền dịch vụ cáp treo do Công ty cổ phần Tùng Lâm, chủ đầu tư hệ thống cáp treo thu.

Khoản thu chính là tiền công đức, giọt dầu tại Yên Tử từ nhiều năm nay đều do nhà chùa thu, quản lý, sử dụng.

Ngoài các phí xe điện, cáp treo, người dân hành hương về đất phật Yên Tử còn phải trả phí tham quan.
Ngoài các phí xe điện, cáp treo, người dân hành hương về đất phật Yên Tử còn phải trả phí tham quan.

Cụ thể, từ năm 2007, để đầu tư, tôn tạo chùa Đồng và xây dựng Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông do Ban trị sự giáo hội phật giáo tỉnh Quảng Ninh thực hiện, tỉnh Quảng Ninh đã giao cho nhà chùa được thu, quản lý, sử dụng toàn bộ các khoản tiền công đức, giọt dầu.

Theo Ban quản lý Yên Tử, chỉ riêng phần thu công đức (ghi phiếu tại bộ phận tiếp nhận tiền công đức), trung bình mỗi năm tại Yên Tử đã thu được hơn 20 tỷ đồng. Từ năm 2007-2017, tổng số tiền thu từ công đức đã là hơn 242 tỷ đồng.

Bên cạnh đó còn một khoản thu lớn tiền giọt dầu thì các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh cũng chưa xác định được là bao nhiêu, được sử dụng như thế nào, bởi toàn bộ đều do Ban trị sự giáo hội phật giáo tỉnh Quảng Ninh nắm giữ.

Theo tìm hiểu, cùng với việc xây dựng chùa Đồng, Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông, Ban trị sự giáo hội phật giáo tỉnh Quảng Ninh tiếp tục còn đầu tư xây dựng một số công trình thờ tự khác tại Yên Tử, các công trình này đều có các nhà hảo tâm tài trợ.

Các khoản thu đi đâu mà tỉnh Quảng Ninh phải bán vé vào Yên Tử? ảnh 4

Muốn vào cửa Phật phải có hai chữ T?

Công trình chùa Đồng và Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông đã hoàn thành từ lâu (năm 2012), Ban quản lý đầu tư, tôn tạo thuộc Ban trị sự Ban trị sự giáo hội phật giáo tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành vai trò quản lý, đầu tư, tôn tạo mà tỉnh giao.

Tuy nhiên, đến nay việc thu tiền công đức, tiền giọt dầu phía nhà chùa vẫn tiếp tục thu, quản lý, sử dụng chứ chưa bàn giao lại cho tỉnh Quảng Ninh thu như trước đây.

Trước câu hỏi tại sao tỉnh Quảng Ninh không tái quản lý, sử dụng các khoản công đức, giọt dầu ở Yên Tử để có kinh phí đầu tư, tôn tạo, hoạt động mà lại thu tiền của du khách dưới tên gọi "phí tham quan", một lãnh đạo Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử cho rằng việc này phải hỏi tỉnh chứ ban không thể nắm được.

Tuy nhiên vị cán bộ này thừa nhận nếu tỉnh tái quản lý, sử dụng các khoản tiền công đức, giọt dầu như trước đây, chắc chắn ngân sách sẽ đỡ phải gánh các khoản chi đầu tư, hoạt động, người dân cũng không phải móc hầu bao khi về lễ phật.

ĐỖ HOÀNG