Chú chưa lì xì cho con - câu chuyện buồn ngày Tết

20/02/2018 07:00
Nguyễn Cao
(GDVN) - Bỗng nhiên, giọng một đứa nhóc vang lên khiến cho mọi người chú ý: “Chú chưa lì xì cho con” và lặp lại câu này đến 2 lần.

LTS: Phong tục lì xì là một phong tục không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Tuy nhiên, ngày nay việc này vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề chưa đẹp.

Trong bài viết này, thầy giáo Nguyễn Cao chia sẻ những câu chuyện khó xử về chuyện lì xì đầu năm.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Chuyện lì xì (mừng tuổi) cho người già hay em nhỏ trong những ngày đầu xuân là một nét văn hóa đã có từ lâu đời của người Việt Nam ta.

Những bao lì xì dù ít, dù nhiều tiền thì đó cũng là tấm lòng, là tình cảm của người cho, kẻ nhận.

Tuy nhiên, ngày nay khi cuộc sống khấm khá hơn thì những bao lì xì cũng thường “nặng” hơn ngày trước.

Đôi lúc, có những người quá chú trọng đồng tiền lì xì hoặc chưa có cách uốn nắn, nhắc nhở con mình ứng xử khéo léo đã dẫn đến nhiều chuyện khó xử cho nhiều người trong ngày Tết.

Tục lì xì đầu năm vốn là một phong tục đẹp trong ngày Tết. (Ảnh minh hoạ/ Vtv.vn)
Tục lì xì đầu năm vốn là một phong tục đẹp trong ngày Tết. (Ảnh minh hoạ/ Vtv.vn)

Ngày nay, khi mà điều kiện kinh tế của từng gia đình được nâng lên, đồng tiền làm ra không còn khó khăn như ngày trước thì cũng là lúc mà câu chuyện lì xì ngày Tết đôi lúc lại trở thành gánh nặng cho nhiều người.

Đi chơi một đoàn với nhau, nhìn người khác lì xì nhiều mà mình ít quá thì cũng cảm thấy ngại với mọi người.

Có lẽ ngày nay cũng không còn mấy ai đủ can đảm lì xì cho các em nhỏ 10-20 nghìn đồng nữa.

Nhiều đứa trẻ khi nhận những bao lì xì nhỏ cũng thường tỏ ra hờ hững.

Vì thế, dù quen thân hay không thì khi gặp con cháu bạn bè, người thân cũng phải lì xì cho các bé từ 50 nghìn trở lên mới đỡ cảm thấy ấy náy, ngại ngần.

Cho dù trong túi của mình không phải lúc nào cũng nhiều tiền nhưng nhiều người cũng không thể làm khác được.

Chính vì vậy, chuyện lì xì ngày Tết cho các em nhỏ cũng không hề là chuyện đơn giản của nhiều người khi thăm thú bạn bè, người thân, nhất là những người còn trẻ tuổi, lương bổng còn ít nhưng bạn bè nhiều và dĩ nhiên là ngày Tết họ cũng đi chơi nhiều chỗ hơn.

Chú chưa lì xì cho con - câu chuyện buồn ngày Tết ảnh 2Những phong tục đặc sắc ngày Tết

Tết cổ truyền của chúng ta thường kéo dài, sau 5 ngày “trọng điểm” (từ 30 tháng Chạp đến mồng 4 tháng Giêng) thì Tết vẫn còn lê thê nhiều ngày sau nữa.

Vì thế, như đã là “luật bất thành văn” trong dịp năm mới đến nhà nhau, gặp nhau mà gặp em nhỏ thì mọi người đều phải lì xì để cho các em “mau lớn”.

Trong những ngày Tết thì mọi người thường coi trọng tình gia tộc nên chủ yếu là đến nhà anh em, họ hàng nội ngoại của mình để thăm viếng.

Sau Tết là đến với những cuộc họp: họp lớp, họp đồng hương, họp hội đồng ngũ…với nhau. Sau những cuộc họp như thế bạn bè lại thường mời đến nhà nhau chơi.

Vì thế, phải nói rằng để đủ tiền lì xì cho con, cháu của mình, của bạn bè, chòm xóm cũng phải chuẩn bị một món tiền kha khá.

Nhất là những người được “gán mác” ông nọ, ông kia, công tác, làm việc ở xa về thì những bao lì xì cũng phải “được được” một chút.

Ít quá, cũng khó coi mà thậm chí còn bị chê bai là keo kiệt, hà tiện, không biết chơi…

Dù là ngày Tết, chúng tôi vẫn cùng một số người bạn ngồi nhâm nhi ly cà phê sáng theo thói quen hàng ngày.

Vẫn là những câu chuyện đầu năm của mấy anh em như mọi khi, chỉ khác là những bàn xung quanh chúng tôi có nhiều khách cũng đang ngồi uống cà phê và chuyện trò rôm rả.

Đặc biệt là những đứa trẻ đang lon ton chạy nhảy, vui đùa với nhau tạo nên một không gian vô cùng huyên náo và sống động.

Nhìn các đứa trẻ được mấy người lớn tuổi ở bàn kế bên lì xì thật vui vẻ. Mặt đứa nào đứa nấy thấy ánh lên niềm vui lạ thường.

Bỗng nhiên, giọng một đứa nhóc vang lên khiến cho mọi người chú ý: “Chú chưa lì xì cho con” và lặp lại câu này đến 2 lần.

Chúng tôi ngoái lại nhìn thì thấy một thằng bé chừng 5-6 tuổi đang xấn lại bên một người có thể là bạn bè của cha mẹ thằng bé.

Nhìn người đàn ông gượng cười đưa tay lại túi quần phía sau móc cái bóp (ví) tiền mà nhiều người trong quán ái ngại…

Chú chưa lì xì cho con - câu chuyện buồn ngày Tết ảnh 3Dạy con cách nhận tiền lì xì sao cho đẹp

Chúng tôi quan sát thêm và nhìn thấy mọi người khách đang ngồi ở bàn kế bên cười rôm rã, bình luận về sự “đáo để” của thằng nhóc nhưng tuyệt nhiên không thấy một lời can ngăn nào của cha mẹ đứa bé.

Có lẽ, người đàn ông bị thằng nhóc đòi lì xì cũng ngại ngần về những “thiếu sót” của mình.

Bởi, con nít bây giờ nhiều bé rất “sòng phẳng” trong ngày Tết.

Khi người lớn vào nhà, hoặc gặp người thân của cha mẹ mình ở nơi vui chơi nào đó thường cứ đứng cạnh bên để…chờ quà.

Thành thử, nhiều người lâm vào nhiều tình huống khó xử trong việc đi chơi ngày Tết.

Dạy con ứng xử khéo léo khi nhận tiền lì xì trong ngày Tết là điều vô cùng cần thiết bởi nhiều em nhỏ chưa ý thức được nhiều.

Một phần cũng là thói quen ngày Tết khi có khách khứa đến nhà thường lì xì cho các bé.

Tuy nhiên, trong dịp vui xuân, đôi khi nhiều người đi chơi, thăm thú bạn bè, hay ngồi trong quán cà phê có những người thậm chí không biết nhau.

Nhiều khi đó chỉ là “bạn của bạn” mình nhưng khi vui thì họ gọi đến hoặc tiện thể đi chơi cùng.

Vậy nên, không phải cứ gặp đứa trẻ nào là họ cũng sẵn sàng móc hầu bao của mình ra để lì xì cho các em nhỏ.

Chính vì thế, chuyện người lì xì hay không lì xì trong bàn cà phê mà chúng tôi đã chứng kiến có thể cũng là một trường hợp như thế.

Hành động đòi tiền lì xì như chúng tôi đã chứng kiến chắc không nhiều nhưng có lẽ cũng không hiếm trong xã hội hiện đại.

Nên chăng, những bậc cha mẹ cần có những lời căn dặn con em mình mỗi khi đi chơi đâu đó hay ở nhà mình thì chuyện lì xì cũng cần lịch sự, tế nhị để tránh những điều không mong muốn mà các em nhỏ “buột miệng” nói ra.

Nguyễn Cao