Chuyện tình Trịnh Công Sơn và em gái ruột của Diễm Xưa (P2)

24/03/2012 10:00
Tần Tần
(GDVN) - Năm 2011, kỷ niệm 10 năm ngày mất Trịnh Công Sơn, cuốn sách “Thư tình gửi một người” được xuất bản gây “chấn động” trong cộng đồng yêu nhạc Trịnh. Lúc này, người ta mới biết tới Dao Ánh - người mà Trịnh Công Sơn đã gửi gắm tình yêu qua hàng trăm bức thư cùng nhiều kỉ vật được cô gìn giữ như những vật báu...
Trong ca khúc “Lặng lẽ nơi này” của Trịnh Công Sơn có câu: “Tình yêu mật ngọt, mật ngọt trên môi/ Tình yêu mật đắng, mật đắng trong đời”. Trịnh cũng từng viết: “Có người yêu thì hạnh phúc, có người yêu thì đau khổ. Nhưng dù đau khổ hay hạnh phúc thì con người vẫn muốn yêu… Tôi đã có dịp đứng trên hai mặt của tình yêu và dù sao chăng nữa, tôi vẫn muốn giữ lại trong lòng một ý nghĩa bền vững: Cuộc sống không thể thiếu tình yêu”. Với Trịnh Công Sơn, tình yêu là vậy, dù đắng, dù ngọt vẫn là mật.

Sinh thời Trịnh Công Sơn không có bạn đời, nhưng là một nghệ sĩ nhạy cảm, dễ xúc động, ông có nhiều mối tình. Đó là những người con gái mang vẻ đẹp cả hình thức lẫn tâm hồn, là những người tạo cho Trịnh Công Sơn những xúc cảm đặc biệt, là nguồn cảm hứng để ông viết nên rất nhiều ca khúc. Bên cạnh đó còn là những "chuyện tình" được chính một số người thêu dệt nên mà đến bây giờ mọi người đều biết không phải là thực. Nhưng cuối cùng rồi thì khi cát bụi trở về với cát bụi, chỉ còn lại đó những tình khúc mãi mãi với những NGƯỜI YÊU.

Nhân sắp đến dịp kỷ niệm 11 năm ngày mất Trịnh Công Sơn, trong loạt bài này, Giáo dục Việt Nam điểm lại những "mật ngọt", "mật đắng" trong đời Trịnh và đặc biệt là chia sẻ của những bóng hồng đã đi qua đời, âm nhạc của ông...
Trịnh Công Sơn thời yêu Dao Ánh
Trịnh Công Sơn thời yêu Dao Ánh

Kỳ 2: Mối tình tưởng như siêu thực với Dao Ánh, em gái ruột của Diễm Xưa
(Xem lại: Kỳ 1 - "Diễm" chưa bao giờ "Xưa")

Ngô Vũ Dao Ánh sinh ngày 24/5/1948, là con gái trong một gia đình gia giáo và là em gái ruột của Ngô Vũ Bích Diễm. Khi mối tình Trịnh - Diễm không thành do trắc trở, khi biết chị mình không vượt qua được những ngăn cách và chia tay Trịnh Công Sơn, Dao Ánh đã viết thư nhờ Vĩnh Ngân - em ruột của Trịnh Công Sơn đem về cho ông (Trịnh Công Sơn có 7 người em: Trịnh Xuân Tịnh, Trịnh  Quang Hà, Trịnh Vĩnh Thúy, Trịnh Vĩnh Tâm, Trịnh Vĩnh Ngân, Trịnh Hoàng Diệu và Trịnh Vĩnh Trinh). Bức thư là những lời động viên và tình cảm thân thương của Dao Ánh dành cho chàng trai thất tình. Trịnh Công Sơn viết thư trả lời, và từ đó hai người thường thư qua, tin lại cho nhau. Khi ấy là năm 1963, Trịnh Công Sơn 24 tuổi, còn Dao Ánh mới 15 tuổi.

Duyên chị tình em

Dao Ánh dù sống ở Huế nhưng vẫn nói giọng Bắc, là một cô gái cao, gầy, duyên dáng, sang trọng và tính tình rất đỗi dịu dàng. Dao Ánh không thích ồn ào, không thích đám đông và kín đáo, sống nội tâm. Gia đình Dao Ánh nghiêm khắc, thường kiểm soát sinh hoạt của các cô con gái rất gắt gao. Vì thế, việc gửi thư của Trịnh - Dao Ánh phải nhờ tới những cô em gái của Trịnh, đồng thời là bạn cùng lớp, cùng trường với Dao Ánh.

Trịnh Vĩnh Trinh - một trong những cô em làm “bồ câu đưa thư” đã kể lại: “Ba chị em (Vĩnh Ngân, Vĩnh Thúy, Vĩnh Trinh) thay phiên nhau xin anh Sơn được mang thư qua nhà chị Ánh… Mỗi khi tới nơi, Trinh thường lấp ló ngoài cổng hoặc núp sau gốc cây một lát. Chị Ánh thì đã quen với khoảng thời gian có người đưa thư cuối ngày, khi trời sập tối, nên chị cứ canh giờ ấy là đảo mắt nhìn xem có ai ngoài cửa hay không. Khi biết Trinh hoặc chị Ngân đã tới, thì chị Ánh lẻn ra bằng cửa bên hông để nhận thư và giấu vào người…”. Thư qua thư lại, tình cảm dần nảy sinh giữa Trịnh Công Sơn và Dao Ánh.

Dao Ánh năm 16 tuổi, phía sau là Trịnh Công Sơn
Dao Ánh năm 16 tuổi, phía sau là Trịnh Công Sơn

Hơn 300 bức thư tình gửi một người

Năm 1964, Trịnh Công Sơn 25 tuổi, sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm Quy Nhơn, Trịnh đã tới thị trấn B’lao, Lâm Đồng để dạy học. Những nhớ nhung, tâm sự, tình yêu được trao gửi qua những cánh thư đi về giữa B’lao và Huế. Trong suốt 3 năm 1964-1967, vị nhạc sĩ tài hoa ấy đã viết tới hơn 300 bức thư tình lãng mạn gửi Dao Ánh.

Trịnh âu yếm gọi Dao Ánh với nhiều tên khác nhau, khi thì là tên một loài hoa: dao - ánh - hướng - dương, khi ông gọi tên “Dao Ánh Sương mù”. Ông bày tỏ sự nhớ nhung tới người yêu trong lá thư viết ngày 26.10.1964: “Ánh ơi, bỗng nhiên anh thấy nhớ Ánh mênh mông… Sao con đường không ngắn hơn để anh có thể quay về đó thường xuyên nhìn thấy Ánh. Nhìn Ánh cười, Ánh buồn, Ánh nói, Ánh đi… Giờ này Huế có mưa không. Mùa đông đã về chưa cho bàn tay Ánh lạnh như một đêm mưa nào anh đã giữ bàn tay Ánh và bảo lạnh vô cùng. Ánh ơi anh còn gọi đến bao giờ như thế. Cầu mong Ánh bình an và thản nhiên như núi rừng, mặt trời và toumesol - hoa hướng dương”.

Trịnh Công Sơn viết thư cho Dao Ánh hàng ngày, có ngày viết tới mấy lần, buổi trưa, chiều, và tối. Đi tới 1 vùng khác, ông cũng viết thư cho Dao Ánh. Viết xong một tình khúc, Trịnh lại báo tin cho Ánh: “Anh vừa viết xong một bản nhạc cho Ánh: Ru mãi ngàn năm, Ru em từng ngón xuân nồng” (thư B’lao 26.2.1965).

Từ Huế, Dao Ánh cũng hàng ngày hồi âm bằng những bức thư thấm đầy sáp nến được viết lúc đêm khuya. Dao Ánh ép cả lá long não gửi vào cho Trịnh. Những bức thư từ B’lao là niềm mong đợi nhớ nhung, niềm vui, hạnh phúc của Dao Ánh suốt tuổi 16, qua tuổi 17, sang tuổi 18 của cô. Khi Dao Ánh vào Sài Gòn học, Trịnh Công Sơn mỗi lần về thăm Huế đều ghé Sài Gòn thăm Dao Ánh. Cũng như bao tình yêu khác, mối tình Trịnh- Ánh cũng có những giận hờn, trách móc. Một lần về Huế, hẹn gặp Dao Ánh nhưng vì lỡ hẹn, Trịnh đã viết thư gửi Dao Ánh và trách “Gửi người yêu bạc bẽo nhất cuộc đời anh”, nhưng càng về sau, bức thư càng dâng tràn nỗi nhớ, để rồi hờn giận đã nguôi từ khi nào.

Một bức thư Trịnh Công Sơn viết gửi Dao Ánh
Một bức thư Trịnh Công Sơn viết gửi Dao Ánh

Tình yêu vô thực

Hai người với hai tính cách lãng mạn ấy đã yêu nhau bằng một tình yêu vô cùng trong sáng, lý tưởng. Dao Ánh vốn giỏi tiếng Pháp, từng viết cho Trịnh những câu trong các nhạc phẩm của Pháp do Richard Anthony hát: “Em sẽ đợi giông tố và gió mưa về để khóc. Em mãi yêu anh nhưng anh chẳng màng gì tới nỗi buồn của em. Và em sẽ khóc dưới mưa đây”. Trịnh Công Sơn cùng gửi đáp Dao Ánh bằng một câu trích dẫn trong cuốn “Khung cửa hẹp” của Andre Gide: “Ngày ngày ngọn gió đời vẫn thổi nhưng chưa bao giờ thổi tắt được tình yêu”.

Mối tình lãng mạn tưởng như vô thực của họ cuối cùng kết thúc vào năm 1967. Trịnh Công Sơn viết một bức thư chính thức nói lời chia tay Dao Ánh. Trong thư chia tay, Trịnh viết “Bây giờ đã quá khuya… anh cũng phải quyết định một lần cho Ánh lẫn cho anh…. Anh cam đành là kẻ bội bạc để mở ra cho Ánh sự ngạt thở bấy lâu trong đó người này hay kẻ kia đã cố gắng đóng cho trọn vai trò của mình. Cho đến phút này anh vẫn cảm thấy chỉ riêng mình anh đã sống thật hồn nhiên trong tình yêu đã qua. Chúng mình chấm dứt tình yêu đó ở đây. Hãy xem mọi lầm lỗi đều ở anh cả… Cũng đành vậy thôi. Anh đã nhìn tình yêu ở độ cao nhất của thủy triều. Anh xin cảm ơn bốn năm ròng rã nâng niu tình yêu đó. Cũng xin cảm ơn những buổi đợi chờ thật dịu dàng không bao giờ còn có được…”

Trịnh Vĩnh Trinh, em út của Trịnh Công Sơn kể lại, trong cuộc tình phải chia tay với Dao Ánh, anh Sơn luôn nhận lỗi về mình, bởi lúc đó anh không thể mang lại một cuộc hôn nhân trọn vẹn cho người mình yêu, vì thế anh chưa nghĩ tới việc lập gia đình.

Lá dã quỳ được Trịnh ép khô gửi tặng Dao Ánh, được Dao Ánh giữ gìn cẩn thận
Lá dã quỳ được Trịnh ép khô gửi tặng Dao Ánh, được Dao Ánh giữ gìn cẩn thận

Nặng tình, đa đoan

Dao Ánh sau đó sang Mỹ học và lập gia đình. Cô vẫn giữ liên lạc với gia đình Trịnh Công Sơn, vốn là những người bạn gái học chung trường với cô thuở nào. Tết năm 1993, Dao Ánh về Việt Nam thăm người tình cũ. Trịnh đã viết ca khúc “Xin trả nợ người” tặng Dao Ánh, dưới bản nhạc còn để lại câu thơ nhói lòng: “Nỗi buồn xin lỗi bàn tay/ Tấm thân hiu quạnh ngồi say một mình…”. Dao Ánh đã ly dị chồng sau cuộc tái ngộ đó.

Trịnh Công Sơn và Dao Ánh trong một lần tái ngộ
Trịnh Công Sơn và Dao Ánh trong một lần tái ngộ

Những ngày ốm nặng không thể viết, Trịnh Công Sơn vẫn đọc cho người bạn gõ máy tính gửi email tới Dao Ánh, vẫn những lời lẽ dịu dàng, ân cần. Những ngày cuối đời của Trịnh, Dao Ánh về Việt Nam, ngày nào cũng tới ngồi bên giường của Trịnh từ sáng tới tối, chỉ biết nhìn nhau.

Dao Ánh đã nhiều lần từ chối xuất hiện trong các chương trình tưởng nhớ Trịnh, nhưng rồi cuối cùng bà quyết định công bố hơn 300 bức thư của Trịnh Công Sơn cùng những kỉ vật tình yêu. Bà cho biết, đó không phải là việc làm để công bố đời tư của một người, mà bà muốn mọi người biết tới những trang văn đẹp và những cảm xúc trong sáng của một con người tài hoa. Cuốn sách “Thư tình gửi một người” còn cho in lại cả những chiếc lá, cành hoa mà Trịnh Công Sơn ép gửi tặng Dao Ánh, được Dao Anh gìn giữ cẩn thận, luôn mang theo bên mình.

Mối tình Trịnh Công Sơn - Dao Ánh quá lãng mạn, tới độ tưởng như là vô thực trên đời. Không gắn bó với nhau nhưng họ vẫn tiếp tục giữ tình cảm đẹp về nhau. Để rồi khi gặp gỡ, liên lạc lại, những yêu thương họ dành cho nhau dường như vẫn còn đâu đó, lại tràn về, cùng nỗi buồn, tình yêu của những người đa đoan.

* Còn tiếp...

Tâm điểm showbiz Việt
Bước nhảy Hoàn vũ 2012

Vietnam's Got Talent
Bản tin sao Việt
ĐỘC ĐÁO - chỉ có ở Giaoduc.net.vn
Thi ảnh Gương mặt Nữ sinh trong mơ
Hot Girl showbiz Việt
Có thể bạn yêu thích, hâm mộ
Đàm Vĩnh Hưng
Hồ Ngọc Hà
GS Cù Trọng Xoay Thủy Tiên
Văn Mai Hương Tăng Thanh Hà
Jennifer Phạm Minh Hằng
Mai Phương Thúy Ngọc Trinh
Tần Tần