Con gái cố nhạc sĩ Hoàng Hà: "Cha luôn sợ mẹ tôi phải cô đơn"

04/09/2014 09:35
Thanh Thanh
(GDVN) - "Cha tôi khi đau đớn nhất ông vẫn luôn nghĩ cho mẹ tôi... Cha tôi sợ mẹ phải cô đơn”, chị Hoàng Yến - con gái cố nhạc sĩ Hoàng Hà nghẹn ngào.

Lần cuối cùng tôi nói chuyện với nhạc sĩ Hoàng Hà là một ngày xuân se lạnh đầu năm 2013. Lúc ấy, tôi cần tư liệu và ảnh của nhạc sĩ để viết bài. 7 giờ sáng, nhạc sĩ đúng hẹn điện thoại thông báo đã gửi qua mail cho tôi kịp giờ lên bài. Tôi không ngờ đó cũng là lần cuối tôi được nói chuyện với ông. 8 tháng sau, ngày 4/9/2013, Hà Nội đổ mưa, giọng chị Hoàng Yến - con gái nhạc sĩ nghẹn ngào trong điện thoại khi báo rằng cụ đã mất...

Đến một ngày thu Hà Nội của 1 năm sau, tôi nhận được điện của chị Hoàng Yến: "Cụ bà đang ở Hà Nội, một tuần nữa tớ và cụ bà vào Vũng Tàu làm giỗ đầu cho cụ ông". Lòng tôi như thắt lại, đã 1 năm kể từ ngày nhạc sĩ Hoàng Hà trở về với đất mẹ, mọi thứ thay đổi từng ngày theo vòng tuần hoàn luân chuyển nhưng những ca khúc của người nhạc sĩ số 1 về “Trường Sơn” vẫn giữ vị trí quan trọng trong lòng người Việt Nam.

Cố nhạc sĩ Hoàng Hà, tác giả "Đất nước trọn niềm vui" và vợ.
Cố nhạc sĩ Hoàng Hà, tác giả "Đất nước trọn niềm vui" và vợ.

Và khi tôi viết những dòng này, lời ca khúc “Hoa huệ” của nhạc sĩ Hoàng Hà vang lên nhẹ nhàng...

3 năm trước, tôi gặp nhạc sĩ Hoàng Hà khi ông về thăm Hà Nội. Trên gác hai phòng khách nhà con gái - nhạc sĩ ngồi bên vợ chuyện trò về những chú mèo trắng và mèo tam thể đang nằm cuộn trong lòng vợ chồng ông. Năm đó nhạc sĩ Hoàng Hà 81 tuổi, ông vẫn miệt mài bên bàn làm việc, viết nhạc và viết hồi kí về cuộc đời mình.

Giờ, Hà Nội đã vào thu, tôi trở lại căn nhà nhỏ của chị Hoàng Yến trên phố Tôn Thất Tùng, những chú mèo đang nằm trên chiếc ghế ở phòng khách và chị Hoàng Yến đang làm rau chuẩn bị cho món bún riêu cua đồng. Chị Hoàng Yến là người con gái duy nhất trong số 5 đứa con của nhạc sĩ Hoàng Hà và bà Minh Phúc. Hiện chị làm thẩm phán tại Tòa án nhân dân TP.Hà Nội. Sự thân quen của chúng tôi cũng từ mối quan hệ công việc mà ra. Cũng như cha, chị Hoàng Yến gần gũi và hóm hỉnh, chị hơn tôi 25 tuổi nhưng vẫn xưng tớ tớ, cậu cậu mỗi khi trò chuyện.

Khi nhắc đến mẹ mình, chị Hoàng Yến vừa bào rau muống vừa nói: “Kể từ khi cụ ông mất thì cụ bà cũng yếu đi nhiều. Vì vậy khi cụ ra Hà Nội tớ phải tranh thủ đưa đi châm cứu”.

Chị vừa dứt lời, tôi đã nghe tiếng chân của mẹ chị từ dưới nhà đi về. Tôi nôn nao ngóng đợi tiếng chân của “người cũ”. Cụ đây, dù thời gian có làm thay đổi tất cả nhưng bà vẫn đẹp, sang trọng và nhất là sự dịu dàng thanh tao vẫn in đậm trong lời ăn tiếng nói của người phụ nữ Hà thành. So với lần đầu gặp mặt, cụ chẳng khác nhiều.

Mẹ và “đồng chí”

Đối với nhạc sĩ “Đất nước trọn niềm vui”, dù bản thân ông có nổi tiếng với một gia tài đồ sộ với âm nhạc cách mạng, nhạc thiếu nhi và nhạc bác học nhưng điều quan trọng nhất với ông vẫn là gia đình.

Nhạc sĩ Hoàng Hà là người con vô cùng hiếu thảo và thương vợ con. Còn nhớ khi ông lên 13 tuổi, thương mẹ một mình vất vả với nghề may vá nuôi hai con, cậu bé Hoàng Phi Hồng (tên thật của nhạc sĩ Hoàng Hà) đã quyết định nghỉ học đi làm ở xưởng in để phụ mẹ nuôi em. Sau này, khi Hoàng Phi Hồng viết nhạc thì chính mẹ ông là chỗ dựa vững chắc động viên con trai vững tâm đi theo con đường ông lựa chọn, dù có nhiều chông gai.

Cố nhạc sĩ Hoàng Hà (phải) cùng mẹ và vợ trong ngày cưới.
Cố nhạc sĩ Hoàng Hà (phải) cùng mẹ và vợ trong ngày cưới.

“Mẹ là đấng sinh thành, cũng là đồng chí, khán giả âm nhạc của tôi”, nhạc sĩ Hoàng Hà từng nói.

Khi nhạc sĩ Hoàng Hà chuyển công tác từ Vĩnh Phúc về Đài tiếng nói Việt Nam ở thủ đô, ông mới có nhiều thời gian lo cho gia đình. Gánh nặng gia đình với những đứa con liên tiếp chào đời buộc ông vừa làm nhạc ở Đài vừa phải làm thêm nhiều nghề một lúc như vẽ pano, áp phích thuê. Có giai đoạn, công việc ở Đài của ông không thuận lợi cũng là lúc mẹ của ông bị bệnh nhưng ông vẫn không để mẹ phiền lòng.

Bà Minh Phúc kể rằng, khi mẹ chồng ốm hầu hết đều do chồng bà tự tay chăm sóc. Có lần mẹ nhạc sĩ bị ngã gãy chân phải nằm một chỗ, nhạc sĩ tự mình lo chuyện ăn uống, sinh hoạt cá nhân của mẹ, không phiền hà nhiều tới vợ. Khi mẹ nằm một chỗ, ông thường kể chuyện sáng tác ca khúc mới cho mẹ nghe, rồi kể cho mẹ vui, đọc sách để mẹ có thể vui vẻ, ăn uống nhiều hơn. Sau đó không lâu, nhạc sĩ quyết định vào Vũng Tàu lập nghiệp cũng bởi vì ông muốn đưa mẹ vào trong đó dưỡng bệnh.

Còn nhớ trước khi đi, mẹ nhạc sĩ thương con trai quá nên đã cố gắng ra chợ mua đôi dép mới để con trai lên đường mạnh khỏe, thượng lộ bình an. Nhưng trớ trêu thay khi nhạc sĩ và con trai Hoàng Lương vào Vũng Tàu chưa được bao lâu, công việc chưa đâu vào đâu thì mẹ nhạc sĩ đột ngột qua đời.

“Khi đó tiền trong túi hai cha con gần cạn, xe cộ không tiện lợi như bây giờ, giá vé tàu hỏa tăng lên mấy lần”, nhạc sĩ Hoàng Hà từng kể.

Trong hoàn cảnh bi đát ấy, nhạc sĩ và con trai đành phải chấp nhận cảnh vừa đi vừa du ca để có thêm lộ phí đi về. Đến khi về được tới nhà, ông và con trai không được nhìn thấy mẹ, thấy bà lần cuối. Đó là điều mà nhạc sĩ vẫn luôn cảm thấy day dứt vì thấy mình chưa làm tròn chữ hiếu. Mẹ mất nhiều năm, nhạc sĩ Hoàng Hà vẫn gìn giữ rất nhiều những di vật của mẹ, trong đó có đôi dép cũ năm nào.

Cha sợ mẹ tôi phải cô đơn

Trong những câu chuyện kể về chồng, bà Minh Phúc - phu nhân của nhạc sĩ Hoàng Hà mở lòng về chuyện tình thời trẻ cho tới khi cả hai đã "tóc bạc răng long".

“Chúng tôi bén duyên nhau cũng qua lời mai mối mà nên. Khi đó tôi mới 20 tuổi, người cô họ bên nhà anh Hà nói rằng, dù đi đâu về đâu thì cũng phải lấy con gái gần nhà. Nhà tôi và nhà anh ở Hồ Tây, cách nhau có hơn mười mét và bà cô của anh nhắm tôi cho cháu trai mình. Khi anh Hà đồng ý, anh cũng thử thách tôi lắm. Anh sợ rằng con gái Hà Nội chẳng biết làm gì nên có lần hỏi tôi muốn đi lao động công trường không. Tôi nói có. Thế rồi anh tới nhà xin bố mẹ tôi. Tôi làm ở đó được gần một năm thì đạt lao động tiên tiến. Lúc đó cũng là hết kì thử thách của anh, gia đình anh qua nhà tôi xin đi lại”, bà Minh Phúc nhớ lại.

Cố nhạc sĩ Hoàng Hà và vợ trong ngày cưới.
Cố nhạc sĩ Hoàng Hà và vợ trong ngày cưới.

“Tình cảm của chúng tôi trong sáng và đầy lí tưởng”, nhạc sĩ Hoàng Hà từng nói vậy về cuộc hôn nhân của mình. Và có lẽ trong suốt quãng đời của mình, bà Minh Phúc sẽ chẳng quên được những ca từ ngọt ngào của ca khúc “Hoa huệ” mà chồng bà đã sáng tác, hát tặng vợ trong đúng ngày cưới: “Sương đêm long lanh trên hoa trắng thanh thanh, mặt hồ đầy trăng im biêng biếc xanh xanh, gió cuốn bát ngát nghiêng cành lá rung thành tiếng hát, hoa say mê nghe câu tình ca…”. Ngày đó, ông bà thường chở nhau đi chơi trên chiếc xe đạp cũ dạo quanh Hồ Tây, Hồ Gươm…

Về già, nhac sĩ Hoàng Hà vẫn âu yếm gọi vợ là em hay là em Phúc và đáp lại bà Minh Phúc gọi chồng là anh hay là anh Hà. Mỗi bữa sáng, vợ chồng nhạc sĩ "Đất nước trọn niềm vui" nắm tay nhau ra biển Vũng Tàu, sau đó bà đi chợ, ông theo bà làm “chân” xách đồ. Mỗi khi bà đi khám bệnh,ông đạp xe đạp tới viện lấy số, xong xuôi đâu đấy ông chờ bà làm xong việc nhà, đợi sắp tới lượt ông lại chở bà ra viện.

"Khi cha tôi nằm viện, các con dâu rể thay nhau tới chăm nom và giấu bệnh tật của cha, nhưng được mấy ngày thì y tá báo về ông làm um lên đòi xuất viện vì ngày nào bác sĩ cũng làm đủ các xét nghiệm mà khám không ra bệnh gì. Con cháu thấy lạ vì xưa nay ông vốn là người nền tính chưa cáu gắt người ngoài bao giờ. Nhưng sau này chúng tôi mới hiểu hết được tấm lòng cha mình. Cha tôi thương các con phải bỏ công việc đi mấy chục cây số vào bệnh viện để chăm nom cha. Nhất là 3 đứa con trai ở Vũng Tàu, ông hiểu mấy đứa đó không làm ngày nào là ngày đó không có tiền lo cho cuộc sống.

Lúc cha tôi sắp xuất viện, anh Lương (nhạc sĩ Hoàng Lương) muốn mang đàn chó mèo đi chỗ khác để không ảnh hưởng tới sức khỏe của cha nhưng cha tôi nhất định không cho. Cha tôi nói: “Các con làm gì thì cũng nên nghĩ tới mẹ, đó là niềm vui của mẹ”. Khi đó anh Lương thuyết phục ba không được, có vẻ mất bình tĩnh khi nói: “Cái gì cũng mẹ, còn sức khỏe của bố thì sao”. Vậy là ông cụ giận con trai cả mất hai tuần dù ông chấp nhận lời xin lỗi của con trai.

Cha tôi khi đau đớn nhất ông vẫn luôn nghĩ cho mẹ tôi. Khi tôi biết cha nằm viện, tôi bay vào với ông một tuần nhưng dự định không thành vì cha chỉ cho tôi ở một đêm rồi sau đó tôi phải theo ý của cha là về nhà ở Vũng Tàu để trông nom mẹ. Sống đời vợ chồng, ông rất tâm lí, nhường nhịn vợ và luôn muốn các con phải yêu thương mẹ, nhất là khi cô con gái duy nhất để tâm sự lại ở xa tít. Cha tôi sợ mẹ phải cô đơn”, chị Hoàng Yến nghẹn ngào.

Những điều chưa kể những ngày tháng cuối cùng

Bệnh tật của nhạc sĩ phát hiện ở giai đoạn cuối và phát triển rất nhanh nên thời gian cuối đời của nhạc sĩ Hoàng Hà không nhiều. Mỗi khi nhạc sĩ thấy khỏe hơn, ông lại sai con dâu lấy giấy bút ra viết những ca khúc mà ông còn trăn trở.

“Hồng lâu mộng” là ca khúc bí mật mà tận khi ông sắp mất ông vẫn kì công sửa đi sửa lại nhiều lần dù chỉ thay thế chữ “ai” thành chữ “em”. Ngay sau đó ca khúc được chuyển ra Hà Nội cho nhạc sĩ Hoàng Lương ngày đêm lo thu âm, phối khí và chuyển lại vào Vũng Tàu cho cha mình nghe.

“Có lẽ cuối đời cha tôi đã rất mãn nguyện”, chị Hoàng Yến nói.

Cố nhạc sĩ Hoàng Hà.
Cố nhạc sĩ Hoàng Hà.

Những ngày tháng cuối đời của ông, bác sĩ nói ông vô cùng đau đớn khi phải đấu tranh lại với bệnh tật đã ở giai đoạn cuối.

Lúc cơn đau hành hạ, nhạc sĩ Hoàng Hà cố nén chịu cơn đau, những khi đau quá, hai tay ông chỉ biết bám chặt tay vào hai bên thành giường. Những ngày chiến đấu với bệnh tật, người nhạc sĩ ấy vẫn khao khát sống và chiến đấu với căn bệnh nan y hơn bao giờ hết. Thậm chí chính ông còn nhắc bác sĩ hãy truyền thêm nước biển cho mình. Rồi ông rất muốn được ra biển đi dạo với các con và với vợ như khi ông còn khỏe.

Nhưng cái kết cuộc đời ông vẫn để lại một điều nuối tiếc với người bạn đời. Đến phút lâm chung, khi nhạc sĩ Hoàng Hà nhắm mắt, vợ ông lại không được bên cạnh ông. Bởi chiều hôm đó ông muốn ăn món bánh yêu thích, người phụ nữ của ông tất tả ra chợ mua cho chồng, khi bà về viện thì được tin ông đã đi rồi. Lúc ấy bà như chết đứng, giỏ đựng thức ăn rơi lăn lóc xuống nền nhà… Đó là một ngày Vũng Tàu mưa rả rích.

Chị Hoàng Yến lần giở lại những bức ảnh cũ của gia đình và 4 tập nhật kí mà nhạc sĩ Hoàng Hà để lại cho con gái, kèm theo đó là một tập dày thư mà ông gửi khi ông và gia đình chuyển vào Vũng Tàu.

“Cả gia đình tôi không đứa con nào có được sự nền tính và tài hoa được như cụ. Cái gì cha tôi cũng biết làm, viết nhạc, vẽ tranh, làm kĩ thuật, cơ khí, điện tử, tới cả làm thú y cho chó mèo ba tôi cũng biết hết. Trừ tôi là đi theo con đường luật, còn lại nghề của 4 anh em trai nhà tôi đều do cha tôi dạy hết, anh Lương theo nhạc của cha, 3 cậu anh em trai ở Vũng Tàu thì làm nghề sữa chữa điện tử cũng là từ cha tôi mà ra”, chị Hoàng Yến kể tiếp.

Chính nhờ điều này mà so với các nhạc sĩ cùng thế hệ khác, nhạc sĩ Hoàng Hà là một người năng động và hiện đại tới kinh ngạc. Nhiều người sẽ không khỏi ngạc nhiên khi cách đây 15 năm, người nhạc sĩ già đã dùng thành thạo máy tính, đã sở hữu riêng cho mình một cái laptop cũng như tận dụng gần hết những tính năng của máy vi tính cùng các thiết bị hiện đại khác để viết nhạc và làm nhạc dù ông đã ở cái tuổi 80.

Khi cả gia đình chuyển vào Vũng tàu, chị Hoàng Yến không đi theo được vì đang làm luật sư ở Hà Nội, cha chị tôn trọng không hỏi con gái thêm. Khi con gái tới quá tuổi mới lấy chồng và lại là một anh công an chính hiệu, nhạc sĩ Hoàng Hà dù không vui vì sợ con gái vất vả nhưng vẫn đồng ý vì hiểu tính cách của con gái. Sau này người con rể ấy lại là đứa con mà nhạc sĩ Hoàng Hà khen nhiều nhất.

Tiếng nhạc của ca khúc “Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn” được vang lên, tôi và những người ở trong căn nhà số 5, Tôn Thất Tùng đều yên lặng nhớ về những khoảnh khắc sinh thời của người nhạc sĩ tài hoa Hà Nội – Hoàng Hà.

Nhạc sĩ Hoàng Hà sinh năm 1913, người gốc làng Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội. Lên 9 tuổi, nhạc sĩ đã mất cha.

Ông tên thật là Hoàng Phi Hồng, ngoài bút danh Hoàng Hà, ông còn bút danh khác là Cẩm La. Mẹ ông sau 13 lần sinh nở thì chỉ nuôi được ông và người em trai.

Nhạc sĩ Hoàng Hà biết đến cách mạng và đi theo cách mạng khi mới 16 tuổi – làm công nhân nhà máy in. Không được đào tạo âm nhạc bài bản nhưng âm nhạc thấm đẫm trong tâm hồn ông và giúp ông thử nghiệm những ca khúc đầu tay gửi cho nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Nhưng phải một thời gian dài sau đó nhạc sĩ trẻ họ Hoàng mới nhận được lá thư khích lệ của nhạc sĩ họ Lưu để ông có thêm động lực sáng tác nên những ca khúc như “Căm hờn”, “Dưới mái chùa yên ấm”… Rồi sau đó ông mới bắt đầu được giới nhạc sĩ chú ý tới khi cho ra đời ca khúc “Hoa huệ”, “Buổi sớm trên đồng”, “Ánh đèn trên cầu Việt Trì”.

Thế nhưng mãi tới khi nhạc sĩ sáng tác nên ca khúc “Cùng hành quân giữa mùa xuân”, “Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn”, “Đất nước trọn niềm vui”… thì nhạc sĩ Hoàng Hà mới trở thành nhạc sĩ số 1 viết về Trường Sơn ở Việt Nam.

Khi nhạc sĩ về hưu ông vẫn dành được giải thưởng của Hội nhạc sĩ có giá trị nghệ thuật ấy là giải Đặc biệt giải thưởng hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1999 với “Giao hưởng hợp xướng Côn Đảo”, Giải nhất giải thưởng hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2002 với tác phẩm: “Tiếng rừng dương”. Ông dành được rất nhiều Huân huy chương cao quý vì sự nghiệp cách mạng và âm nhạc Việt Nam.
                                                                       

 
Thanh Thanh