GS.Nguyễn Lân Dũng: Không tin sẽ xách ba-lô lên và lao vào chỗ chết

23/09/2013 11:10
Lực Hoàng
(GDVN) - “Tôi khâm phục Huyền và tin vào những dòng nhật ký đầy xúc động của Huyền Chip và những chuyến đi của Huyền là thực sự” - Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ.
Những ngày qua, sự kiện Huyền Chíp (tên thật là Nguyễn Thị Khánh Huyền) cho ra mắt cuốn sách "Xách ba-lô lên và đi” tập 2 sau khi trở về từ Nam Mỹ lại khiến dân cư mạng đặt ra nhiều câu hỏi nghi ngờ về tính xác thực của câu chuyện Huyền Chip đi 25 nước (Châu Á, Châu Phi và châu Mỹ) chỉ với số tiền ban đầu có 700$ (khoảng gần 15 triệu VNĐ).

Trước đó, Huyền Chíp từng thành công khi cho ra mắt cuốn nhật ký "Xách ba-lô lên và đi” tập 1 mang tên: “Châu Á là nhà. Đừng khóc”. Những trang viết đầy cảm xúc của Huyền Chíp - cô gái dám đi, dám trải nghiệm đã nhận được sự yêu mến đặc biệt của độc giả, đặc biệt là giới trẻ.

GS. Nguyễn Lân Dũng trong buổi ra mắt cuốn sách "Xách ba-lô lên và đi” tập 2 "Đừng chết ở Châu Phi!" của tác giả Huyền Chíp
GS. Nguyễn Lân Dũng trong buổi ra mắt cuốn sách "Xách ba-lô lên và đi” tập 2 "Đừng chết ở Châu Phi!" của tác giả Huyền Chíp
GS. Nguyễn Lân Dũng và Nguyễn Thị Khánh Huyền (Huyền Chip)
GS. Nguyễn Lân Dũng và Nguyễn Thị Khánh Huyền (Huyền Chip)


Được biết, năm nay Nguyễn Thị Khánh Huyền 21 tuổi. Sau khi tốt nghiệp THPT chuyên Toán (ĐH Quốc gia Hà Nội),  cô quyết định đi làm ngay mà không học Đại học. Khi mệt mỏi với công việc tại Malaysia, cô nảy ra ý muốn du lịch một số nước. Với vỏn vẹn 700 USD, năm 2010, Khánh Huyền đã du lịch 25 quốc gia ở châu Á, châu Phi.

Trở lại những nghi vấn của dư luận xã hội liên quan đến độ xác thực của tác giả, liệu Huyền có từng đi qua 25 quốc gia chỉ với 700 USD ban đầu hay không? Đặc biệt là những nghi vấn xoay quanh việc cuốn sách còn có nhiều điểm mơ hồ như chứng minh khả năng tài chính, xin visa, xin việc làm thêm... 
Một độc giả chia sẻ: "Theo tôi biết thì đi nước ngoài, mà ở đây là đi du lịch, thì với nhiều nước, bạn phải chứng minh tài chính của mình không dưới 100 triệu (người ta lo sợ bạn sang bên đấy ở lại lao động lâu dài)”. Chính vì vậy nhiều ý kiến cho rằng Huyền Chíp nếu có thể đưa ra hộ chiếu + Visa + thị thực xuất nhập cảnh của đầy đủ 25 nước thì mới chứng tỏ cô đã đi qua và những dòng trong nhật ký là thật.

Trước những lùm xùm suốt tuần qua về tính xác thực của cuốn "Xách ba-lô lên và đi”, nghi ngờ Huyền Chíp chưa đi qua 25 nước, từng vượt biên, làm ở sòng bạc..., sáng 19/9 tại Hà Nội, Huyền Chip đã có buổi chia sẻ giải đáp nghi vấn của dư luận và lần đầu tiên công khai cuốn hộ chiếu đi qua 25 nước.

Trong buổi chia sẻ này, Nguyễn Thị Khánh Huyền đã công bố hộ chiếu đi qua 25 nước và một trong những vị khách mời đặc biệt là GS.Nguyễn Lân Dũng đã giúp Huyền Chíp đưa ra những hộ chiếu visa “bằng xương bằng thịt”. Theo Huyền Chíp, cô luôn sống thật với chính mình và cô không phải chứng minh mình nói thật hay không.

Là người được Nguyễn Thị Khánh Huyền gửi gắm chia sẻ nhiều sau những chuyến đi đồng thời là người “mục sở thị” những tấm visa hộ chiếu của cô gái đặc biệt này, GS. Nguyễn Lân Dũng đã có cuộc trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xung quanh những nghi vấn của dư luận.

Chia sẻ với Báo Giáo dục Việt Nam, GS. Nguyễn Lân Dũng cho biết: “Tôi khâm phục Huyền và tin vào những dòng nhật ký đầy xúc động của Huyền Chip và những chuyến đi của cháu là thực sự”.

GS. Nguyễn Lân Dũng nói, Nguyễn Thị Khánh Huyền đã từng chia sẻ với ông: “Chuyến đi thăm ba nước Nam Mỹ xa xôi là Chi Lê, Argentina và Bolivia cũng thật ly kỳ và cháu sẽ kể trong tập 3 của bộ sách best-seller này. Cháu đi đúng vào mùa đông của nam bán cầu nên nước da trắng hẳn ra và thêm duyên dáng của tuổi 23 mạnh mẽ và rất thông minh”.

Theo lời GS. Nguyễn Lân Dũng, Nguyễn Thị Khánh Huyền buồn vì những dòng nhật ký của mình không hư cấu, không thêm thắt bất kỳ gì. Nhưng trên mạng vẫn có những người “ném đá” cho rằng bịa đặt và xui dại lớp trẻ phiêu lưu một cách liều lĩnh. 

Về ý kiến này, GS. Nguyễn Lân Dũng cho biết: “Tôi không tin là đọc xong sách của Huyền Chíp, các bạn trẻ sẽ xách ba lô lên đi hết và lao đầu vào chỗ chết. Tôi đã đi qua khá nhiều nước nhưng chưa có một quốc gia nào, tôi có được cảm xúc mạnh mẽ mà Huyền có được ở những nơi cháu đã qua – cảm xúc của một thanh niên mới lớn, giàu nghị lực. Các bạn trẻ muốn đi phải cân nhắc năng lực. Nếu tiếng Anh tốt, có khả năng làm được nhiều loại công việc khác nhau để kiếm sống, có nghị lực, thì lên đường”.

“Tôi từng an ủi Huyền, sách tái bản liên tiếp, người đọc truyền tay nhau đủ thấy sức sống của tác giả. Chuyến đi của cháu là rất thực, rất đáng khâm phục, rất đáng là một tấm gương sáng về tài năng và nghị lực mà thế hệ bác khó hình dung nổi. Quan tâm gì đến những ý kiến vô trách nhiệm của những bộ óc lười biếng và nhút nhát. Cháu có xui ai đi như cháu đâu và dễ gì có nhiều người tài giỏi và dũng cảm được như cháu." – GS. Nguyễn Lân Dũng chia sẻ.

Cũng theo GS. Nguyễn Lân Dũng, Huyền Chíp đã bật mí kế hoạch sắp tới sẽ đi du học bằng cách xin học bổng.

Trước đó, Huyền Chíp đã có câu trả lời cực kỳ rõ ràng như số lượng visa cụ thể cô có được – bằng “màn” xuất trình visa ấn tượng với sự giúp đỡ của GS Nguyễn Lân Dũng. Giải thích cho việc nhận được visa Israel mà không phải qua “cửa” chứng minh tài chính, Huyền thừa nhận: “Tôi không thể giải thích tại sao lại như thế vì mình không phải là người lập nên chính sách ngoại giao”. Với câu hỏi của nhiều người về tổng chi phí cho chuyến đi, Huyền cho biết: “700 USD chỉ là số tiền bắt đầu chứ không phải tất cả”, còn con số cụ thể tôi không tính.

Bức ảnh Huyền Chíp ghi lại trong chuyến đi tại Châu Phi của mình:



Huyền Chíp trong một đám cưới tại Châu Phi
Huyền Chíp trong một đám cưới tại Châu Phi
Sản phẩm thủ công mà Huyền Chíp học làm rồi bán ngay trên vỉa hè với giá 10 USD/cái để tăng kinh phí cho hành trình khám phá Châu Phi
Sản phẩm thủ công mà Huyền Chíp học làm rồi bán ngay trên vỉa hè với giá 10 USD/cái để tăng kinh phí cho hành trình khám phá Châu Phi

(Xem thêm những bài viết về tập sách Xách ba-lô lên và đi của Huyền Chíp tại đây)
Lực Hoàng