Khó xử lý chuyện cúng sao giải hạn ở chùa Phúc Khánh?

20/02/2019 06:00
Đỗ Thơm
(GDVN) - Bà Trần Thị Vân Anh cho rằng, cần có sự truyền thông tới người dân, đặc biệt là về cách thực hiện nghi lễ cầu an.

Ngày 19/2, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức họp giao ban báo chí đầu năm với sự có mặt của đại diện nhiều sở, ban, ngành thành phố.

Tại cuộc họp, các đơn vị liên quan đã tập trung báo cáo kết quả hoạt động phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Theo đánh giá chung, người dân Hà Nội đón Xuân mới vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Bà Trần Thị Vân Anh - Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch trả lời các câu hỏi tại buổi giao ban báo chí. Ảnh: Vương Trần.
Bà Trần Thị Vân Anh - Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch trả lời các câu hỏi tại buổi giao ban báo chí. Ảnh: Vương Trần.

Ông Phạm Quí Tiên – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội cho biết, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đầu năm mới diễn ra thuần túy tôn giáo, đúng pháp luật.

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã diễn ra trên 300 lễ hội ở khắp 30 quận, huyện, thị xã. Đặc biệt, một số lễ hội lớn như: Chùa Hương, Đền Sóc, Gò Đống Đa… đã có sự phối hợp vào cuộc khẩn trương, đồng bộ để các lễ hội được diễn ra an toàn, văn minh, tiết kiệm.

Tại cuộc giao ban báo chí, các phóng viên đã đặt câu hỏi về tình trạng “thương mại hóa” lễ dâng sao giải hạn tại chùa Phúc Khánh – Hà Nội những năm qua.

Trả lời vấn đề này, bà Trần Thị Vân Anh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết: “Hà Nội sẽ làm việc với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Thành phố Hà Nội, cũng như các các ngành, chính quyền địa phương để thực hiện tuyên truyền nắm bắt và hạn chế, khắc phục những mặt tiêu cực trong mùa lễ hội.

Tuy nhiên, việc này không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Cần có sự truyền thông tới người dân, đặc biệt là truyền thông về cách thực hiện nghi lễ cầu an tại các khu di tích”.

Về việc gài tiền lẻ vào cửa các khu di tích trong những ngày đầu năm mới, lãnh đạo Sở cũng cho biết tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay.

Trong dịp Tết Kỷ Hợi, hiện tượng này đã giảm nhưng vẫn còn tồn tại ở các khu đền, chùa tại Hà Nội và nhiều địa phương khác.

Cơ quan quản lý các khu di tích đã cố gắng khắc phục bằng cách thành lập bộ phận chuyên đi gom các tờ tiền lẻ được gài xung quanh chùa để bỏ vào hòm công đức.

Tuy nhiên, việc này chỉ giúp đảm bảo mỹ quan di tích, chứ không thể giải quyết triệt để tình trạng này.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao khẳng định, trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp cùng các cơ quan quản lý, đặc biệt là Giáo Hội Phật giáo Việt Nam để truyền thông đến người dân các nội dung liên quan đến thực hiện nghi lễ tại các điểm di tích, đền, đình, chùa.

Đỗ Thơm