NXB Thời đại: Bán giấy phép và sự lay lắt của ngành xuất bản

29/09/2014 14:49
Quốc Khánh
(GDVN) - Sai phạm của Nhà xuất bản Thời đại đòi hỏi các cơ quan quản lý cần có những biện pháp hữu hiệu để các nhà xuất bản có đủ sức đứng vững trên đôi chân của mình.

Những sai phạm liên tiếp và có tính hệ thống của Nhà xuất bản Thời đại khiến nhiều người giật mình. Bởi nó phản ánh thực trạng lay lắt và những hậu quả của việc “lụy tiền” mà hầu hết các nhà xuất bản ở nước ta đang gặp phải.

Ngành xuất bản: lay lắt tìm lối thoát

Trong báo cáo của Cục xuất bản, in và phát hành, năm 2013 chỉ có 4 nhà xuất bản làm ăn có lãi và thực hiện nghĩa vụ thuế, một số ít nhà xuất bản tự “ổn định” còn đa số còn lại sống lay lắt hoặc đứng trước nguy cơ “phá sản”. Đây là thực trạng đáng buồn của ngành xuất bản nước nhà.

Việc 7 nhà xuất bản cùng ký vào lá đơn “kêu cứu” đến Cục xuất bản cuối năm 2013 là một trong những dấu hiệu cho thấy sự kiệt quệ của các nhà xuất bản nước ta hiện nay.

6 tháng đầu năm 2014, tình hình xuất bản còn ảm đạm hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (Ảnh: Đài phát thanh thanh và truyền hình Quảng Bình)
6 tháng đầu năm 2014, tình hình xuất bản còn ảm đạm hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (Ảnh: Đài phát thanh thanh và truyền hình Quảng Bình)

Bước sang năm 2014, thị trường xuất bản còn trở nên ảm đạm hơn nhiều so với năm 2013. Theo báo cáo Cục xuất bản, in và phát hành – Bộ Thông tin và Truyền thông, tại Hội nghị giao ban toàn quốc công tác xuất bản 6 tháng đầu năm 2014, các nhà xuất bản hiện nay tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn ngày càng gay gắt ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất bản, kinh doanh. Theo đó, số sách nộp lưu chiểu giảm 12%; số lượng đầu sách đăng ký xuất bản giảm 44% so với cùng kỳ năm 2013.

Điều này cho thấy, những khó khăn mà các nhà xuất bản gặp phải vẫn không có dấu hiệu được khắc phục một cách triệt để.

Việc Nhà xuất bản Thời đại bị thanh tra toàn diện công tác xuất bản là một sự kiện buồn của ngành xuất bản. Nó làm cho bức tranh vốn đã ảm đạm của ngành xuất bản càng trở nên u ám.

Vì đâu nên nỗi?

Cho đến nay, việc xác định các nhà xuất bản là doanh nghiệp hay đơn vị sự nghiệp có thu vẫn chưa được định hình một cách rõ ràng. Thêm vào đó, các nhà xuất bản vừa phải thực hiện nhiệm vụ chính trị vừa phải thực hiện nhiệm vụ kinh doanh. Việc dung hòa hai nhiệm vụ này là điều vô cùng khó khăn.

Sách lậu, sách bị thu hồi vẫn được bán tràn lan (ảnh minh họa)
Sách lậu, sách bị thu hồi vẫn được bán tràn lan (ảnh minh họa)

Thêm vào đó, sự bùng nổ của công nghệ thông tin với các thiết bị trực tuyến hiện đại khiến cho loại sách truyền thống trở nên “lỗi thời” so với bạn đọc trẻ. Các sản phẩm sách điện tử ra đời cạnh tranh quyết liệt với sách giấy khiến cho ngành xuất bản đã khó khăn lại càng trở nên ảm đạm.

Không chỉ thế, các ấn phẩm của nhà xuất bản còn phải “cạnh tranh” trực tiếp với hiện tượng in lậu. In sách lậu có thể coi là một căn bệnh ung thư khiến cho ngành xuất bản ngày càng gặp nhiều khó khăn.

Nhiều nhà xuất bản tìm lối thoát bằng cách liên kết xuất bản với các nhà sách tư nhân, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực in ấn xuất bản khác. Việc bán giấy phép cho tư nhân để kiếm lợi nhuận từ việc in sách đã làm cho các lỗi sai ngớ ngẩn, các cuốn sách có nội dung thiếu tích cực ngày một nhiều.

Không chỉ có Nhà xuất bản Thời đại mắc những lỗi sai ngớ ngẩn và cẩu thả như vậy
Không chỉ có Nhà xuất bản Thời đại mắc những lỗi sai ngớ ngẩn và cẩu thả như vậy

Chẳng hạn những cuốn sách như: "Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ" (Công ty Văn hóa Hương Thủy và NXB Dân Trí), "Bé làm quen với chữ cái" (Hành trang cho bé chuẩn bị vào lớp 1, Công ty Cổ phần Dịch vụ Văn hóa Sư phạm  và NXB Đại học Sư phạm) "10 phút trước giờ cho bé đi ngủ" (tập 2: Bồi dưỡng tình cảm), "Trắc nghiệm trí tuệ toàn diện cho trẻ" (Công ty Đinh Tỵ và NXB Mỹ thuật)… có in hình cờ Trung Quốc trong phần minh họa.

Sự việc sai phạm của nhà xuất bản Thời đại chỉ là một trong rất nhiều những lỗi sai mà các nhà xuất bản đã từng gặp phải. Đó là bài học cho những người làm công tác xuất bản. Song, đó cũng là hồi chuông cảnh báo, đòi hỏi các cơ quan quản lý cần có những biện pháp hữu hiệu để các nhà xuất bản có đủ sức đứng vững trên đôi chân của mình.

Quốc Khánh