Ngày 8/3 nghĩ về những hi sinh, thua thiệt và sự vĩ đại của phụ nữ Việt Nam

08/03/2017 06:53
Khánh Văn
(GDVN) - Trải qua hàng ngàn năm phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam, có lẽ người phụ nữ luôn là người thiệt thòi và chịu hi sinh nhiều nhất.

LTS: Nhân ngày quốc tế phụ nữ (8/3), tác giả Khánh Văn chia sẻ đôi điều suy nghĩ về những hi sinh, vất vả và cả những thua thiệt mà phụ nữ Việt Nam phải chịu đựng.

Qua đó, tác giả cũng nêu bật lên sự vĩ đại của những người phụ nữ Việt Nam hết lòng vì gia đình vì đất nước.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết và kính chúc các bà, các mẹ và các độc giả nữ những điều tốt đẹp nhất.

Trải qua hàng ngàn năm phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam, có lẽ người phụ nữ luôn là người thiệt thòi và chịu hi sinh nhiều nhất.

Ta thấy sự hi sinh không chỉ là trong những áng thơ văn, trong các cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc mà trong cuộc sống thường nhật thì người phụ nữ luôn chịu nhiều thua thiệt, bởi họ là chỗ dựa tinh thần cho gia đình và gánh một thiên chức vô cùng lớn.

Song, hiểu, đánh giá đúng và thương yêu người phụ nữ không phải người đàn ông nào cũng có sự sẻ chia, cảm thông với những lo toan vất vả của người phụ nữ.

Sau năm 1945, nước nhà được độc lập, người dân được bình quyền nhưng đất nước phải trải qua những cuộc trường chinh dài đằng đẳng.

Hàng triệu con người ra trận và lại là sự vò võ chờ đợi và cả những đau đớn của biết bao nhiêu người mẹ khi các con không về.

Nước mắt hoen dài theo thương nhớ: “Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ…”.

Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam đã đi vào trong nhiều tác phẩm văn chương và thi ca. (Ảnh minh họa trên vtv.vn)
Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam đã đi vào trong nhiều tác phẩm văn chương và thi ca. (Ảnh minh họa trên vtv.vn)

Những nỗi đau có thật, những người mẹ không còn nước mắt để khóc con, khóc chồng như mẹ Nguyễn Thị Thứ - Bà mẹ Việt Nam anh hung, đã có tới 11 lần “khóc thầm lặng lẽ” khi mà chồng, con, cháu mẹ “không về”. 

Sự chịu đựng của những người mẹ quả là một sự phi thường, vĩ đại khi hiến dâng những người thân yêu nhất của mình cho quê hương, đất nước.

Hình ảnh người vợ chờ chồng như những pho tượng Vọng Phu muôn đời bởi tháng năm như hóa đá:

Chị đợi chờ quay mặt vào đêm/ Hai mươi năm mong trời chóng tối/ Hai mươi năm cơm phần để nguội/ Thôi tết đừng về nữa chị tôi buồn” để rồi “Một mình một mâm cơm/ Ngồi bên nào cũng lệch/ Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền" ("Đường tới thành phố" - Hữu Thỉnh).

Vâng, hai mươi năm đất nước chia cắt, những người vợ đã chịu đựng nỗi cô đơn, hụt hẫng, những thiếu vắng không dễ gì bù đắp được. Và, điều này cũng được thể hiện rõ trong bài thơ "Đêm sao sáng" của Nguyễn Bính.

Bài thơ lấy lại hình sông Ngân - câu chuyện tình cảm động và trái ngang của Ngưu Lang- Chức Nữ.

Và, có lẽ như nó đang hợp với nỗi lòng với hoàn cảnh của gia đình Nguyễn Bính và bao nhiêu những người con miền Nam khác, bởi những cảm động và xót xa.

Ngày 8/3 nghĩ về những hi sinh, thua thiệt và sự vĩ đại của phụ nữ Việt Nam ảnh 2

Tại sao có ngày 8/3 và những suy ngẫm hôm nay

Đất nước bị chia cắt làm hai miền, được phân định cũng là một dòng sông.

Hình ảnh: “Sông Ngân đã tỏ đôi bờ lạnh” như nỗi niềm mong nhớ của  hai người, của hai miền đất nước.

Hình ảnh người vợ ngày nào cứ diết da trong nỗi nhớ thương vời vời: “Sao hôm như mắt em ngày ấy, rớm lệ nhìn tôi bước xuống tàu”.

Cảnh chia tay người đi kẻ ở mấy ai không luyến lưu, không cảm động, không rớt rơi những giọt nước mắt khi tiễn đưa. Và, hình ảnh người vợ trẻ “rớm lệ” ngày nào cứ như đang ám ảnh trong lòng thi nhân.

Tác giả như mường tượng ở bên kia bờ vĩ tuyến, ở bên kia dòng sông ấy vợ con mình cũng đang ngóng trông, đang thao thức đợi chờ từng ngày, từng ngày: “Em ở bên kia bờ vĩ tuyến/  Nhìn sao thao thức mất năm rồi…”.

Đất nước cắt chia, dân tộc ta hết đánh Pháp rồi đánh Mĩ, những lời hẹn ước của tình yêu lứa đôi đành gác lại.

Bởi “Tiếng em thì thầm ngày đêm vẫn nhắc/ Khi tổ quốc cần, chúng mình biết hi sinh” ("Hoa chanh" - Nguyễn Bao).

Thời của các anh chị, đời chỉ đẹp trên trận đánh thắng kẻ thù, cái hạnh phúc được quan niệm cũng giản đơn nhưng sao rất đỗi hào hùng:

Hạnh phúc là gì/ Bao lần ta lúng túng/ Hỏi nhau hoài mà nghĩ mãi cũng chưa ra/ Cho đến ngày cất bước đi xa/ Miền nam gọi hai chúng mình có mặt” (Bài ca hạnh phúc- Bế Kiến Quốc).

Chữ “hạnh phúc” của thế hệ các anh các chị thật đẹp và vĩ đại bởi tấm lòng kiên trung và cả sự trong sáng trong  nỗi niềm chờ đợi cho đến lúc hi sinh: “Mấy năm cô ấy làm du kích/ Không hiểu vì sao chẳng lấy chồng?” (Núi Đôi - Vũ Cao).

Hãy, “Tưởng suốt đời anh kéo vĩ cầm em hát/ Nhưng chiến tranh em biết làm sao khác/ Anh không về và nằm lại cao nguyên” (Nhức nhối cỏ mấy- Diệp Minh Tuyền)…

Ngày 8/3 nghĩ về những hi sinh, thua thiệt và sự vĩ đại của phụ nữ Việt Nam ảnh 3

Phụ nữ Việt Nam - những cái nhất và đầu tiên

Biết bao nhiêu sự hi sinh trong văn chương và cả trong đời thực như 10 cô gái trên ngã ba Đồng Lộc, như bác sĩ Đặng Thùy Trâm nơi tuyến lửa miền Trung…

Tất cả đã làm nên một bức tượng đài phụ nữ đẹp nhất của thế kỉ XX.

Quay lại với người xưa ta thấy người phụ nữ Việt Nam ta khổ quá. Cái khổ không phải là bổn phận gia đình mà ngay quyền hành trong mọi công việc cũng không được quyết định.

Xã hội phong kiến luôn hà khắc, định kiến với người phụ nữ, cho dù người phụ nữ không phải lúc nào cũng “kém” và “có lỗi”.

Tư tưởng trọng nam khinh nữ không phải đối với người xưa mà nó còn dai dẳng đến tận bây giờ.

Cho dù y học ngày nay đã chứng minh, sinh trai hay gái không phải là do người phụ nữ, nhưng người phụ nữ xưa khi sinh con một bề thì thường bị gia đình rẻ rúng, các ông chồng lại thường “léng phéng” bên ngoài để tìm người nối dõi tông đường.

Những câu nói: "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” hay: “Một trăm con gái không bằng cái (…) con trai” đã đi sâu vào tiềm thức của bao con người, bao gia đình.

Nhiều cặp vợ chồng lấy nhau không có con thì xã hội lại nói bằng câu nói thật cay độc: “Cây khô không trái, gái độc không con”.

Ngoài ra, trong nghĩa vợ chồng người đàn ông cho mình cái quyền: “Trai năm thê, bảy thiếp/ Gái chính chuyên chỉ lấy một chồng”.

Trong mối quan hệ gia đình thì ngoài tình vợ chồng, ta còn thấy xã hội thường có vẻ để tiếng “ác” cho người phụ nữ “Bịt được miệng chĩnh, miệng vò/ Chứ ai bịt được miệng o (cô), miệng dì”…

Ngày 8/3 nghĩ về những hi sinh, thua thiệt và sự vĩ đại của phụ nữ Việt Nam ảnh 4

10 lời chúc ý nghĩa tặng vợ nhân ngày 8/3

Trong những tác phẩm văn học thì ta vẫn thấy người phụ nữ luôn là nạn nhân trong xã hội phong kiến.

Một nàng Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, tài sắc vẹn toàn nhưng phải mười lăm năm truân chuyên, lận đận, phải “Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”.

Trong "Cung oán ngâm" của Nguyễn Gia Thiều có hàng ngàn người cung nữ được đưa vào cung cấm nhưng tuổi xuân đi qua vẫn chưa một lần được gặp mặt “Rồng” và khi về già họ vẫn hi vọng, để rồi những người cung nữ đó phải “Dốc bình phấn mốc mà nhồi má nheo”.

Và, biết bao nhiêu hình ảnh người chinh phụ như trong "Chinh phụ ngâm" của Đặng Trần Côn, hàng đêm đơn côi, lẻ loi, vò võ đợi chồng…

Sau này, khi Ngô Tất Tố viêt "Tắt đèn" ta thấy được nhân vật chị Dậu sống trong tận cùng nỗi đau.

Chị phải bán con - đứa con mà chị đã đứt ruột đẻ ra, vậy mà còn bị nhiều người suy luận tại sao không bán thân, hay để chồng bị trói mà lại bán con, bán chó, bán khoai để… chuộc chồng về?

Người phụ nữ - xét đến cùng luôn là người bị thua thiệt và đau khổ dù trong bất kì thời đại nào. Song, sự vĩ đại của họ là đức tính hi sinh và chịu đựng.

Lúc nào ta cũng thấy toát lên những đức tính cao đẹp ở cả tài năng và đức hạnh của người phụ nữ.

Vì thế, yêu thương và tôn vinh phụ nữ một ngày (8/3) là điều cần thiết của nam giới đối với những người thân yêu nhất của mình.

Khánh Văn