Những “bông hồng thép” trên đèo Phu La Nhích

16/05/2019 15:19
Tùng Dương
(GDVN) - Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm Trung đội đã thốt lên: “Các cô không phải là người thường. Ở nơi như thế này chỉ có gang thép mới trụ được”.

“Ngày mưa nước lớn, ngoài việc lấp những hố bom ở trên đường, trực barie, chúng tôi còn chuẩn bị đá để khi nước rút là lấp vào những hố bom dưới ngầm Tà Lê.

Toàn tuyến đơn vị bảo vệ dài khoảng 8 km lúc nào cũng phải đảm bảo thông suốt trong mọi tình huống. Nơi đây là tọa độ lửa địch bắn phá rất ác liệt nên Ngầm phải làm đi làm lại nhiều lần.

Tháng 3/2917, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm Trung đội đã thốt lên: “ Các cô không phải là người thường. Ở nơi như thế này chỉ có gang thép mới trụ được” và Đại tướng đặt tên cho B3 là “Trung đội nữ Công binh thép”, bà Dương Thị Trình - Trung đội Trưởng B3 Đoàn 559 kể lại.

Những nữ chiến sĩ trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân vì độc lập tự do của dân tộc. Nhiều người trong số họ đã anh dũng hy sinh giữa đại ngàn Trường Sơn. Ảnh: Tùng Dương.
Những nữ chiến sĩ trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân vì độc lập tự do của dân tộc. Nhiều người trong số họ đã anh dũng hy sinh giữa đại ngàn Trường Sơn. Ảnh: Tùng Dương.

Và còn rất nhiều câu chuyện xúc động đã được tái hiện tại Triển lãm “Kiêu hãnh Trường Sơn” khai mạc tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam sáng 16/5/2019 nhân kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn và 10 năm thành lập Hội nữ chiến sĩ Trường Sơn.

Ngay trong lễ khai mạc triển lãm đã có hơn 300 nữ thanh niên xung phong trên cả nước tham dự.

Triển lãm như một thước phim tua lại đến đúng khoảng rừng, con suối, trên những chiếc xe, những hố bom, những mùa khô thiếu nước hay có những thời điểm phải ngụp lặn trong mưa cả tháng trời, khi ngủ cũng chỉ có quần áo ướt.

Con đường Trường Sơn huyền thoại đã ghi dấu nhiều tấm gương về những nữ chiến sĩ sẵn sàng hy sinh thân mình vì dân tộc, đó là 10 cô gái Thanh niên xung phong Ngã 3 Đồng Lộc; Tiểu đoàn nữ chiến sĩ Trưng Trắc của tỉnh Hà Tây; Tiểu đoàn vận tải 232 thuộc Cục Hậu cần Quân khu V; Hay những cái tên bất tử như Hồ Kan Lịch, La Thị Tám, Nguyễn Thị Huấn, Hồ Thị Thu Hiền, Đinh Thị Thu Hiệp…

Đội nữ lái xe mang tên người anh hùng quân giải phóng Miền Nam Nguyễn Thị Hạnh được thành lập 12/1967, gồm 40 cô gái có nhiệm vụ vận chuyển khí tài, đạn dược trên tuyến đường dài hơn 100km từ Khe Tang (Hà Tĩnh) theo đường 15 vào Đá Đẽo (Quảng Bình) và từ Khe Vo (Quảng Bình) theo đường 12 qua Cổng Trời, Cha Lo.

Cung đường dài hơn 60 km cheo leo hiểm trở bị địch đánh phá ngày đêm. Nhưng một điều kì diệu là không một nữ lái xe nào hi sinh trong chiến trường.

Triển lãm như một thước phim tua lại đến đúng khoảng rừng, con suối, trên những chiếc xe, những hố bom...Ảnh: Tùng Dương.
Triển lãm như một thước phim tua lại đến đúng khoảng rừng, con suối, trên những chiếc xe, những hố bom...Ảnh: Tùng Dương.

Cô Thanh niên xung phong Nguyễn Thị Huấn kể lại: “Tôi ở C2, Tiểu đoàn 232, Cục Hậu cần, Quân khu V, mỗi năm tôi gùi khoảng 20 tấn hàng, gấp 3 lần khối lượng của đồng đội nên lúc đó tôi mới 17 tuổi đã được phong danh hiệu kiện tướng “Chân đồng vai sắt”

Năm 1969, có khẩu pháo nặng gần 100 kg, cả 4 Đại đội không ái dám nhận vì nó cồng kềnh. Tôi xung phong đảm nhận và ngày đêm suy nghĩ cách cận chuyển.

Tôi lấy một tấm ván làm mặt phẳng cột khẩu pháo vào và nhờ đồng đội khiêng lên vai. Có 2 đồng đội đi cùng để phát quang rừng, làm chỗ vịn cho tôi leo dốc và khi nghỉ.

Trong 4 ngày ròng rã gùi pháo tôi ăn, nghỉ ở tư thế đứng vì nếu ngồi sẽ phải tháo hàng ra và sẽ rất khó để nâng lên vai”.

Bà Nguyễn Thị Bích Liên - Đoàn văn công “Tiếng hát át tiếng bom”, hồi tưởng lại: “ Mỗi khi biểu diễn, son phấn không có nên chúng tôi đã lấy nhọ nồi kẻ lông mày, dùng giấy đỏ tô má hồng và thay son môi.

Vào những tháng mùa mưa thì chúng tôi dùng bếp hoàng cầm hong khô quần áo. Mùa khô thiếu nước nên ai cũng bị ghẻ lở và rụng hết tóc”.

Những “bông hồng thép” trên đèo Phu La Nhích ảnh 3Chuyện về cô bé "Diệp sóc" trên cung đường Trường Sơn huyền thoại

Sáng kiến phá bom của cô Thanh niên xung phong Nguyễn Thị Vân Liệu: “Từ sáng kiến dùng mìn để phá bom nổ chậm tôi đã suy nghĩ và cải tiến bằng cách đào xung quanh thân bom, rồi đặt kíp mìn trên chóp phễu làm bằng miếng các - tông pháo sáng.

Sau đó áp 1kg thuốc nổ bên dưới thân bom, lấp đất kỹ rồi dòng dây cháy chậm để kích nổ.

Sau 2 tiếng nổ vang lên, trên mặt đường chỉ còn lại một lỗ nhỏ bằng chiếc chảo con nên các đoàn xe nhanh chóng đi qua mà không phải đợi chờ san lấp mặt đường. Sáng kiến đó đã thành phong trào phá bom cải tiến cho cả binh trạm 14”.

Dựa trên lời kể cùng chân dung của 60 cựu nữ Thanh niên xung phong, cuộc sống nơi chiến trường Trường Sơn được tái hiện lại mang đậm mầu lính nhưng cũng rất nữ tính. Họ là những người anh hùng nhưng họ cũng là những người con gái.

Trở về từ cung đường huyền thoại, những cô gái Thanh niên xung phong vẫn tiếp tục đóng góp cho công cuộc xây dựng đất nước nhưng cũng không quên những nghĩa cử cao đẹp, tri ân tới các đồng đội đã ngã xuống.

Cho đến hôm nay và mãi mãi sau này, những người con gái Thanh niên xung phong ấy trong họ vẫn tỏa sáng một niềm kiêu hãnh của những nữ chiến sĩ Trường Sơn.

Tùng Dương