Những kẻ bất chấp thủ đoạn đang làm ô uế nơi thanh tịnh

29/03/2019 06:39
NGUYỄN HUY VIỆN
(GDVN) - Hành động đem lại hạnh phúc cho con người là lành thiện và hành động gây khổ đau cho con người là xấu ác.

Tôn chỉ của Phật giáo là không làm các việc xấu ác, thực hiện các việc lành thiện, giữ tâm cho trong sạch.

Có thể hiểu lành thiện và xấu ác trong giáo lý nhà Phật là hai yếu tố tạo nên hạnh phúc và khổ đau cho con người. 

Hành động đem lại hạnh phúc cho con người là lành thiện và hành động gây khổ đau cho con người là xấu ác. 

Việc làm nào cùng mang lại lợi ích cho mình và cho người là lành thiện. Trái lại, nếu chỉ đem lại hạnh phúc cho cá nhân mình mà gây khổ đau cho người khác là xấu ác.

Bởi vậy từ xa xưa, các ngôi chùa của Phật giáo luôn được người đời xem là chốn vừa thanh tịnh vừa linh thiêng; là nơi răn dạy con người tu dưỡng đạo đức theo tôn chỉ “không làm các việc xấu ác, thực hiện các việc lành thiện, giữ tâm cho trong sạch”.

Ấy vậy mà ngày nay, không ít kẻ có tâm xấu lợi dụng chốn thanh tịnh, linh thiêng của đình chùa để trục lợi, làm vẩn đục triết lý từ bi, thanh tịnh của Phật giáo.

Tôn chỉ của Phật giáo là không làm các việc xấu ác, thực hiện các việc lành thiện, giữ tâm cho trong sạch. Ảnh minh họa: Giacngo.vn
Tôn chỉ của Phật giáo là không làm các việc xấu ác, thực hiện các việc lành thiện, giữ tâm cho trong sạch. Ảnh minh họa: Giacngo.vn

Hạnh phúc của những kẻ trục lợi là kiếm được thật nhiều tiền, bất chấp thủ đoạn, kể cả biến nhà chùa thành “chợ buôn thần bán thần thánh”.

Họ làm giàu bằng cách lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để lòe bịp, hù dọa người dân mà chủ yếu là với những người hoặc là lâm vào cảnh phiền não, bệnh tật bị khủng hoảng về tinh thần, vật chất…; hoặc là những người mê muội, bị tâm lý đám đông lôi cuốn.  

Hiện trạng này rõ nhất là sau các dịp Tết cổ truyền dân tộc, ở nhiều ngôi chùa tổ chức “dâng sao giải hạn” (không hề có trong Phật pháp) để thu tiền của những người bị “sao chiếu mệnh”.

Đơn cử, sau Tết Kỷ Hợi vừa qua, hàng ngày có hàng nghìn người đổ về chùa Phúc Khánh (Đống Đa, Hà Nội) để “dâng sao giải hạn”, dòng người kéo dài hàng trăm mét, từ sân chùa ra cầu vượt Ngã Tư Sở [1]. 

Trong lúc tình trạng trên đây chưa lắng xuống thì những ngày qua, dư luận lại bị sốc khi phát hiện các hoạt động thỉnh vong, lễ oan gia trái chủ ở chùa Ba Vàng (còn gọi là Bảo Quang Tự), thuộc địa phận Thành phố Uông Bí, Quảng Ninh.

Những kẻ bất chấp thủ đoạn đang làm ô uế nơi thanh tịnh ảnh 2“Đạo của ta chỉ có một vị…”

Theo những người tổ chức hình thức hoạt đông này ở chùa Ba Vàng, mọi bệnh tật và xui xẻo trong cuộc sống đều được lý giải là bởi oán hồn gây ra.

Để minh chứng cho lý lẽ này, Phạm Thị Yến pháp danh Tâm Chiếu Hoàn Quán, Phật tử chùa Ba Vàng, ráo hoảnh lý giải về việc nữ sinh ở Điện Biên bị bọn ác thú sát hại: “... nguyên nhân chính không phải là đi ship hàng mà khiến bị hiếp như vậy. Mà nguyên nhân chính phải do các ác nghiệp của bạn ấy trong tiền kiếp…

Bạn ấy trong tiền kiếp có 2 loại tội, tội thứ nhất là sát hại chúng sinh dã man, tội thứ 2 là về mặt thân thể trinh tiết của người khác bạn ấy xâm phạm. Nên bạn ấy bị quả báo”. [2]

Cách lý giải này thể hiện sự vô tâm nếu không muốn nói độc ác, khi nỗi đau của bố mẹ nữ sinh ở Điện Biên bị bọn ác thú sát hại chưa nguôi ngoai.

Nếu theo lý lẽ của Phạm Thị Yến thì những vụ tai nạn giao thông làm hàng chục, thậm chí hàng trăm người thiệt mạng; những vụ động đất, sóng thần làm hàng nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn người bị thiệt mạng cùng một lúc đều là do quả báo chăng?

Còn với chiêu trò thỉnh vong, khi vong nhập vào các phật tử (đều là “môn đệ” của bà Yến), đều đòi nợ những người bị vong ám, và khẳng định muốn thoát nạn phải “trả nợ” kiếp trước cho vong bằng cách công đức vào nhà chùa.

Với các hình thức trả tiền mặt hoặc trả qua tài khoản, nếu không có tiền thì làm không công cho nhà chùa.

“Theo thống kê sơ bộ, mỗi tháng, "dịch vụ" thỉnh vong giải nghiệp tại chùa Ba Vàng thu hút từ 4.000 - 5.000 người tham dự. Do mỗi lần chỉ được trình bày đúng một vấn đề nên không ít người chọn phương án đi lại nhiều lần.

Thực tế ghi nhận, lượng người bị vong "đòi nợ" ít hơn 5 triệu đồng là không nhiều trong khi những người bị đòi từ 7 đến 15 triệu đồng lại khá phổ biến” [3]

Trong khi đó, theo giáo lý đạo Phật, nhà chùa, tăng ni làm việc thiện hoàn toàn không có việc ra giá thu tiền, mà là do phật tử phát tâm.

Chiều 21/3/2019, trả lời báo chí về việc chùa Ba Vàng tổ chức Lễ "oan gia trái chủ", Thượng tọa Thích Đức Thiện Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định: “… đây là một việc làm không đúng với giáo lý Phật giáo, không đúng với chủ trương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam".

Những kẻ bất chấp thủ đoạn đang làm ô uế nơi thanh tịnh ảnh 3“Ta chỉ cho ngọn lửa, chúng sinh thắp đuốc mà đi”

“Phật giáo hướng con người làm việc thiện, tu nhân tích đức. Việc thỉnh “vong” để hóa giải nghiệp oan gia là không đúng. Mỗi người phải tự làm việc tốt, việc thiện để hóa giải nghiệp cho mình, chứ không phải thỉnh “vong”. Nếu phật tử dẫn dắt con người đi vào con đường đó là không đúng theo chính pháp Phật giáo.” [4]

Trên Cổng thông tin điện tử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày 21/3/2019, Thượng tọa Thích Đức Thiện tiếp tục khẳng định: "Chỉ có con người mới làm chủ việc chuyển hóa nghiệp, tu là chuyển nghiệp và giải nghiệp, không hề có chuyện thỉnh, nhờ ai đó giải nghiệp. Giải nghiệp chỉ có thể nhờ vào tu thân, tích đức." [5]

Thượng tọa Thích Đức Thiện cũng cho rằng: “… việc phật tử Phạm Thị Yến đem chuyện nữ sinh ở tỉnh Điện Biên bị sát hại và nhiều vụ việc khác để giải nghĩa cho việc “oan giá trái chủ” là hoàn toàn không đúng với tôn chỉ của giáo lý đức Phật, không đúng với chủ trương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như đạo đức xã hội.” [6]

Những sự việc trên đây chỉ là những đơn cử của tình trạng lộn xộn, bát nháo, thực dụng, dung tục… trong hoạt động đời sống tâm linh và lễ hội dân gian ở Việt Nam trong những năm vừa qua.

Đó là tình trạng hòm công đức đặt nhan nhản ở hầu hết các đền chùa;  cúng tiến tùy tiện nhét tiền vào tay, vào miệng tượng phật rất phản cảm; thắp hương, khấn vái sụp lạy bất cứ chỗ nào …

Những kẻ bất chấp thủ đoạn đang làm ô uế nơi thanh tịnh ảnh 4Truyền bá vong báo oán vào xã hội là làm ngu dân

Đó là trong các lễ hội dân gian, hàng nghìn người giẫm đạp lên nhau, tranh giành, giằng xé những vật được cho là “lộc” mang lại may mắn cho bản thân và gia đình. Dần dà, người ta quen với hình ảnh "cướp lộc", "cướp hoa tre", "cướp phết" quá xô bồ... trong các lễ hội đầu Xuân.

Những hình ảnh đó làm cho các ý niệm trong sáng về lễ hội dân gian trở nên dung tục. Mặt khác, thể hiện sự rối loạn về mặt nhận thức của người dân trong các vấn đề liên quan đến đức tin và văn hoá.

Nhưng có lẽ nổi bật nhất là tình trạng đua nhau xây dựng những ngôi chùa lớn, trước đây nhiều người đã nói đến chùa Bái Đính (Ninh Bình) và nay lại giật mình trước độ hoành tráng của chùa Ba Vàng (Quảng Ninh).

Những ngôi chùa trên đây có còn mang đặc trưng khiêm tốn, khoan thai, thanh tịnh, hoà hợp với thiên nhiên của chùa Việt truyền thống?

Thực tiễn cuộc sống cho thấy một thực tế đáng buồn, là những đền chùa, nhà thờ càng ngày càng nhiều, càng đồ sộ; du khách vãn chùa càng ngày càng nườm nượp nhưng những giá trị văn hoá cốt lõi thì lại có xu hướng ít đi.

Sở dĩ có tình trạng này là do lợi ích kinh tế đã làm cho một số cơ sở thờ tự ở Việt Nam bị méo mó, xa rời những ý niệm, mục đích truyền thống tốt đẹp; tôn chỉ thanh tịnh, từ bi của Phật giáo.

Đây là những vấn đề đang có xu hướng càng ngày càng trở nên trầm trọng.

Để khắc phục tình trạng trên đây, các cấp các ngành, trước hết là các ngành chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực Văn hóa, tôn giáo cần phải vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân tình trạng xô bồ, rối loạn về đời sống tâm linh; tình trạng khủng hoảng niềm tin của người dân đến mức họ phải bấu víu một cách mù quáng vào niềm tin thần thánh.

Từ đó định hướng, điều chỉnh hoạt động tâm linh, tín ngưỡng đúng giáo lý, pháp luật và phù hợp với đạo đức xã hội, truyền thống dân tộc.

Không thể để đời sống xã hội, trong đó có đời sống tâm linh, tín ngưỡng vận hành theo kiểu “hiệu ứng con lắc”.

Tài liệu tham khảo:

[1].https://vnexpress.net/thoi-su/hang-nghin-nguoi-dang-sao-giai-han-o-chua-phuc-khanh-3880308.html

[2],[3],[4].https://laodong.vn/xa-hoi/truyen-ba-chuyen-vong-bao-oan-chua-ba-vang-moi-nam-thu-tram-ti-663505.ldo

[5].https://phatgiao.org.vn/thuong-truc-hoi-dong-tri-su-giao-hoi-phat-giao-viet-nam-se-hop-xem-xet-vu-chua-ba-vang-d34339.html

[6]. http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Van-hoa/929944/giao-hoi-phat-giao-viet-nam-se-kiem-diem-tru-tri-chua-ba-vang

NGUYỄN HUY VIỆN