Những người giữ lửa văn hóa Việt ở trời Tây

20/02/2018 06:56
NGUYỄN THỨC TUẤN (viết từ Ba Lan)
(GDVN) - Các doanh nhân ở Châu Âu luôn theo sát tình hình phát triển của quê hương, trăn trở nhiều về vấn nạn tham nhũng và tiêu cực đang di hại lan tràn cho Đất nước.

Mỗi “tấc đất” bên ngoài biên ải được giao cho người Việt sở hữu, lãnh thổ Việt Nam lại như được mở rộng thêm ra.

Và thường thì đó như những “chiếc nôi” để các cộng đồng người Việt ở Châu Âu hình thành quanh nơi ấy, nhất là khi nó được bồi đắp bởi tâm huyết của các doanh nhân có trách nhiệm.  

Với số lượng kiều bào ở nước ngoài đông đảo, rải khắp trên thế giới, mảng kinh tế ở ngoài lãnh thổ của Việt Nam là một thế mạnh to lớn.

Đó là điều có phần đáng tự hào.

Tại các nước Châu Âu như Nga, Đức, Cộng hòa Séc, Ba Lan, Hungary,… hiện có rất nhiều bất động sản do người Việt sở hữu.

Trong đó, đáng kể nhất là những trung tâm thương mại, các khách sạn, nhà hàng,... Có thể kể đến một số trung tâm thương mại lớn thuộc người Việt sở hữu tại EU như: Trung tâm Đồng Xuân (có diện tích 18 ha) và Trung tâm ITC Thái Bình Dương (5,1 ha) ở Berlin, Đức; Trung tâm thương mại Sa Pa (35 ha) tại Praha, Cộng hòa Séc; Các trung tâm ASG (10 ha), ASEAN EU (3,5 ha), Polskie (6 ha), ASEAN PL (3 ha) tại Vác-sa-va, Ba Lan…

Trung tâm thương mại ITC Thái Bình Dương, Berlin (Ảnh: tác giả cung cấp).
Trung tâm thương mại ITC Thái Bình Dương, Berlin (Ảnh: tác giả cung cấp).
Trung tâm thương mại Polskie (Chợ đêm) của người Việt tại Vác-sa-va (Ảnh: tác giả cung cấp).
Trung tâm thương mại Polskie (Chợ đêm) của người Việt tại Vác-sa-va (Ảnh: tác giả cung cấp).

Người Việt Nam vốn có truyền thống cố kết trong tình cảm thân thuộc, họ hàng, làng xóm, đồng hương,… Càng đi xa thì tình quê càng thắm lại. Cho nên trên đất khách, hầu như, cứ ở đâu có những cơ sở sản xuất, kinh doanh của người Việt mọc lên, nhất là các trung tâm thương mại, thì kiều bào ta sẽ dần dà quần tụ.

Nơi đó sẽ từng bước trở thành một “cái nôi” phát triển của cộng đồng người Việt xa xứ với đầy đủ các yếu tố như kinh tế, văn hóa, tín ngưỡng,…

Nhưng để có được sự phát triển ổn định và bền vững trong những cộng đồng ấy thì vai trò và tâm huyết của những “cánh chim đầu đàn”, nhất là các doanh nhân, là hết sức quan trọng.

Bà Trịnh Thị Mùi, Chủ sở hữu Trung tâm ITC Thái Bình Dương tại quận Lichtenberg, Berlin, cho biết:

“Ngay từ đầu khi xây dựng Trung tâm Thái Bình Dương, chúng tôi đã trăn trở về tính bền vững của cộng đồng, về việc duy trì văn hóa dân tộc Việt Nam.

Cho nên, chúng tôi đã cùng với bà con xây dựng Chùa Phổ Đà, lập ra Trung tâm văn hóa Việt Nam, rồi Trường dạy tiếng Việt Sao Mai, để kiều bào ổn định cuộc sống, có chỗ dựa tinh thần lành mạnh, có nơi gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ cùng nhau, nhất là để “thắp lửa” cho các thế hệ con em kiều bào về tình yêu quê hương, Đất nước”.

Vợ chồng bà Trịnh Thị Mùi (bên trái) thay mặt Trung tâm thương mại Thái Bình Dương tặng hoa cho Đại sứ Đoàn Xuân Hưng tại Berlin (Ảnh: tác giả cung cấp).
Vợ chồng bà Trịnh Thị Mùi (bên trái) thay mặt Trung tâm thương mại Thái Bình Dương tặng hoa cho Đại sứ Đoàn Xuân Hưng tại Berlin (Ảnh: tác giả cung cấp).

Tâm huyết và tình cảm với quê hương, cùng với tình đồng hương, cũng là những sợi dây kết nối kiều bào xích lại gần nhau, và trong nhiều trường hợp, nó đã trở thành nền tảng cho định hướng hoạt động và ý chí phấn đấu của người Việt xa xứ.

Ông Vũ Công Tô, Chủ tịch Công ty TDS - Công ty sỡ hữu khách sạn Golden Tulip tại Vác-sa-va, trải lòng về nỗ lực của bản thân cũng như các đồng sự của mình:

Ông Vũ Công Tô, Chủ tịch công ty TDS - chủ sở hữu khách sạn Golden Tulip tại Vác Sa Va (Ảnh: tác giả cung cấp).
Ông Vũ Công Tô, Chủ tịch công ty TDS - chủ sở hữu khách sạn Golden Tulip tại Vác Sa Va (Ảnh: tác giả cung cấp).

“Từ lúc sang Ba Lan, tôi tập trung vào hướng đưa hàng hóa từ Việt Nam sang đây, vừa là hoạt động kinh doanh của mình, nhưng cũng hy vọng góp phần nhỏ bé cho việc “kích cầu” nền sản xuất trong nước.

Khách sạn Golden Tulip cũng là tâm huyết chung của nhóm cổ đông Việt Nam, muốn tạo dựng nên một thương hiệu Việt trên quê hương thứ hai này”.

Khách sạn 4 sao Golden Tulip của người Việt vừa khánh thành hôm 10.08.2017, tại Vác-sa-va, Ba Lan (Ảnh: tác giả cung cấp).
Khách sạn 4 sao Golden Tulip của người Việt vừa khánh thành hôm 10.08.2017, tại Vác-sa-va, Ba Lan (Ảnh: tác giả cung cấp).

Được biết, Golden Tulip là khách sạn cao cấp (4 sao) đầu tiên do người Việt xây dựng từ đầu tại Ba Lan, được khởi công từ năm 2008 nhưng mới khánh thành hồi tháng 7/2017.

Thời gian xây dựng bị kéo dài, mức đầu tư phụ trội lên rất nhiều do các nhà đầu tư còn thiếu kinh nghiệm về một lĩnh vực khá mới mẻ, và ở giai đoạn đầu, cơ chế kinh tế thị trường của Ba Lan cũng còn nhiều điều bất cập.

Đã có lúc rất khó khăn, các nhà đầu tư tưởng chừng không thể vượt qua được, nhưng nhờ tâm huyết chung nên cuối cùng họ cũng đã về đích tốt đẹp. Golden Tulip hiện là một trong những niềm tự hào của người Việt tại Ba Lan.

Cùng với sự thành công, khi tầm ảnh hưởng và uy tín được nâng cao thì hầu hết các doanh nhân ở nước ngoài cũng thường gánh trên vai trách nhiệm lớn hơn đối với cộng đồng mình, cũng như  đối với quê hương, đất nước. Mặc dù mang tính tự nguyện, nhưng đó cũng là một yêu cầu có tính khách quan.

Ông Hoàng Hữu Bình, Phó chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam tại Ba Lan, Chủ tịch Trung tâm thương mại ASEAN EU tại Vác-sa-va, chia sẻ tâm tư và nhận định rằng:

“Nếu chỉ làm việc vì bản thân và gia đình, không đặt ra các mục tiêu cao hơn thì các doanh nhân khó lòng chiến thắng được bản thân mình, sẽ khó mà vươn tới những đỉnh cao thực sự.

Đến một lúc nào đó, hầu hết các doanh nhân trước khi ra những quyết định lớn đều phải xem xét một cách thấu đáo, trên nhiều mặt, như sự tác động đến tương lai của con em kiều bào, về khía cạnh hội nhập, về lòng tự tôn dân tộc…”.

Ông Hoàng Hữu Bình, Phó chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan, Chủ tịch Công ty ASEAN EU tại Vác-sa-va (Ảnh: tác giả cung cấp).
Ông Hoàng Hữu Bình, Phó chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan, Chủ tịch Công ty ASEAN EU tại Vác-sa-va (Ảnh: tác giả cung cấp).

Đồng quan điểm với ông Hoàng Hữu Bình, ông Nguyễn Hoàng Tuyển, Chủ tịch Công ty Vinatapol - chủ sở hữu Trung tâm thương mại Polskie (Chợ đêm) tại Vác-sa-va cũng cho rằng:

Một người có trách nhiệm thì khi bước chân tới đất nước khác cần phải xem mình như một sứ giả. Bạn sinh sống, làm ăn, ứng xử,…, ra sao thì người ta sẽ nhìn vào đó để đánh giá về mình và đất nước mình.

Và, chúng ta sẽ gặp bất lợi trên đất khách khi người bản xứ thiếu thiện cảm với con người và đất nước mình”.

Nhìn chung, các doanh nhân ở Châu Âu đều rất giàu tâm huyết và trách nhiệm với cộng đồng, với đất nước Việt Nam. Họ cũng luôn theo sát tình hình phát triển của quê hương, trăn trở nhiều về vấn nạn tham nhũng và tiêu cực đang di hại lan tràn cho Đất nước.

Gần đây, công cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm” mà Đảng chủ trì đã có được những kết quả rất đáng ghi nhận. Mong rằng, nó sẽ tiếp tục được tiến hành triệt để.

Song song đó, việc cải cách thể chế và cơ chế quản lý nhà nước cũng sẽ đạt được những bước tiến lớn nhằm thúc đẩy sự phát triển, đồng thời cổ vũ cho sĩ khí, tinh thần và niềm tin của nhân dân trong nước cũng như kiều bào khắp năm châu để cùng chung tay xây dựng nên một Tổ quốc tươi đẹp. 

NGUYỄN THỨC TUẤN (viết từ Ba Lan)