Thảm họa Nàng Luyện lỡ bước: Họ chẳng xúc cảm, ơn huệ gì đâu

19/09/2011 08:01
Ngọc Khánh thực hiện
(GDVN) - Tiến sĩ xã hội học Trịnh Hòa Bình, người rất tâm huyết với việc nghiên cứu để phân tích và định hướng hành vi cho giới trẻ hiện nay, khẳng định như vậy.
Sau cuộc trò chuyện với TS Khuất Thu Hồng, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục nhận được thêm rất nhiều câu hỏi từ phía độc giả với mong muốn làm rõ thêm về mặt xã hội học bản chất, động cơ của hành vi tạo ra, thể hiện và tán thưởng clip này trong một bộ phận giới trẻ.

Liệu clip này có chút ý nghĩa gì trong việc khuyên người khác đừng "lỡ bước như Luyện" - giống như lời người quản lý nhóm HKT đã nói? Cần làm gì để xã hội không còn những "đại thảm họa" như vậy nữa? Sau đây là nội dung buổi trò chuyện của chúng tôi.
Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình đã chỉ ra nhiều vấn đề bản chất liên quan đến clip "Nàng Luyện lỡ bước".
Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình đã chỉ ra nhiều vấn đề bản chất liên quan đến clip "Nàng Luyện lỡ bước".
- Thưa tiến sĩ, cảm nhận của ông khi xem xong clip “Nàng Luyện lỡ bước” là như thế nào? 

Điều đó cho thấy đời sống xã hội mình cũng ít trò quá. Cái nhóm đặc thù này dựa vào những câu chuyện có thật rồi chế biến và ca hát, làm thế này làm thế kia để cốt gây sự chú ý, trở thành một nội dung sinh hoạt của nhóm đặc thù đó thôi. Nói rằng họ tự nhấm nháp, tự quảng cáo cho mình thì không hẳn đúng nhưng làm cho cả xã hội chú ý vào nội dung sinh hoạt của nhóm này thì là điều chắc chắn.

Nói thẳng ra thì nó cũng là vô công rồi nghề thôi. Đây là cái bệnh của giới trẻ, khi có lợi thế về các phương tiện truyền thông, muốn chơi nổi, muốn thiên hạ chú ý đến mình nên mới có clip như thế. Còn tác dụng giáo dục thì không có, xung quanh việc giáo dục lý tưởng sống ở đời thì clip này không có.

- Vậy theo ông, việc chế lời từ 1 vụ án kinh hoàng, từ nỗi đau của con người như thế có ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của xã hội?

Nếu như nói một cách thấu đáo thì đây không chỉ là nỗi đau một gia đình mất tới 3 mạng người mà tiếp theo là nỗi đau của chính gia đình hung thủ, phải trả giá bằng những lời đay nghiệt từ búa rìu dư luận. Tuy nhiên việc lợi dụng vụ án này với những tình tiết ly kỳ, rùng rợn là để giật gân câu khách. Và nhóm này sử dụng chiêu thức đó một cách vô cảm trước những nỗi đau của rất nhiều các đối tượng. Việc họ hát không gây xúc động, không thể hiện tình cảm yêu thương hoặc phẫn nộ gì cả mà nó đều đều, cốt là để người ta nghe. Bài hát này phát đi có tính chất thờ ơ, cho nên đây có thể xem là một khuynh hướng lệch lạc xã hội.

Nếu như Luyện cải tạo tốt thì vẫn có khả năng quay trở về với đời sống, làm lại cuộc đời thì những chuyện bị hối thúc của tội ác chỉ còn là quá khứ. Thế nên việc nhấm nháp, chế tác bài hát từ hiện tượng đấy không hay ho gì, mất tính nhân văn. Cho dù nêu lên tội ác nhưng bằng cái giọng điệu ấy thì cũng không nhân đạo,vô cùng nhảm nhí.

- Ấy vậy mà người quản lý của nhóm HKT còn cho rằng đó là sự sáng tạo?

Ai cũng có quyền khẳng định mình, nhưng thử hỏi sự sáng tạo ở đâu trong cái clip này khi cái nhịp phách là dựa theo nhịp điệu của “nàng Kiều lỡ bước”. Nhịp điêu, tiết tấu không sáng tạo mới. Cái xúc cảm được khảm vào đấy cũng không có ý nghĩa, vô cảm. Nó không đau trước nỗi đau của gia đình nạn nhân và gia đình hung thủ đang phải chịu rất nhiều búa rìu dư luận. Nhưng nó vẫn được “sân khấu” hóa hoạt động ấy và những người chủ chốt trong đám tang cũng được phân vai trong cái sân khấu ấy - nếu có thể gọi cuộc chơi ấy như một sân khấu. Nhóm nhạc này chỉ cần biết người ta đặc biệt chú ý đến vụ án rồi lợi dụng để lăng xê “tác phẩm” của mình, đằng sau sự ăn theo đó chắc chắn nhóm này cũng muốn kiếm lời.

- Trong clip có câu “2 singer Mr T.A và Lynk bee xin cảm ơn Công an tỉnh Bắc Giang, em Lê Văn Luyện và nhóm HKT phối hợp thực hiện clip này”, lời cám ơn vô thực này phải chăng xuất phát từ trào lưu “chém gió” của một bộ phận giới trẻ hiện nay?

Thực ra nhóm này cám ơn đấy nhưng đó là lời cám ơn không thực lòng, chân tình và cởi mở đâu. Nhóm này vơ tất cả vào biến thành chuyện nhảm nhí thôi, chẳng ơn huệ gì cả đâu. Điều đó cho thấy vai trò của công an Bắc Giang trong chuyên án này nhưng đối với họ cũng là giỡn chơi thôi, bởi họ không có tư cách gì để cám ơn một cơ quan công quyền, chẳng có cơ quan Nhà nước nào hợp tác làm cái trò vô bổ đó.

- Không chỉ có vậy, nhiều bạn trẻ sau khi xem xong clip này còn có những lời bình luận khiếm nhã, thậm chí tán thưởng, ca tụng cho tác giả của clip, nhấn nút “like” (yêu thích) clip. Liệu rằng, đây là sự a dua hay bản chất là một sự thiếu chín chắn trong việc phát ngôn của các bạn trẻ?

Như chúng ta thấy, các bạn trẻ thường rất chú ý đến cái mới lạ, hay tìm cách bộc lộ mình. Thực ra câu chuyện này đưa vào bản nhạc là một trò đùa quá trớn, cốt là đơm đặt sự kiện quan trọng như này để cho ra đời cái gọi là hiện tượng âm nhạc. Đây là hiện tượng lợi dụng âm nhạc để chèo kéo, đưa đẩy các thành viên của cộng đồng tham gia cùng với mình. Thực ra việc ấy rất vô hướng, cổ súy chung chung cho cái không chuẩn mực, nghiêm túc.

- Nếu nói như vậy thì khẳng định rằng việc phát ngôn của một bộ phận các bạn trẻ thiếu tính định hướng?

Các bạn trẻ trong trường hợp này có thể là hài hước quá, không cần suy tính. Điều đó thể hiện sự thiếu chín chắn, nhưng có lẽ còn cao hơn sự thiếu chín chắn ấy là sự khoái chí, khiêu khích xã hội, cho thấy mọi cái đều trở thành chuyện đùa hết. Lẽ ra, những người quản lý nhóm nhạc phải rút kinh nghiệm trong quá trình điều hành hoạt động nhưng thực tế không có chuyện này xảy ra. Người ta chỉ lợi dụng chuyện này như một cơ hội, cơ may để có nội dung để sử dụng.

- Liệu rằng có cần xây dựng một văn hóa “nói lời xin lỗi” ở đây?

Thực ra họ xin lỗi để làm gì và nếu xin lỗi xong rồi lại đâu vào đấy thì lời xin lỗi ở đây là vô nghĩa. Tôi nghĩ rằng chẳng ai cần phải tạo áp lực cho họ để họ phải xin lỗi. Riêng việc sử dụng các câu chuyện nóng như thế để chuyển tải cái nhí nhố đã là một hành vi lệch chuẩn. Lợi dụng những cái lệch chuẩn để chế biến ra những cái lệch chuẩn mới cho thấy một bộ phận bạn trẻ không có sự rèn luyện kỹ năng sống, xác định lý tưởng của giá trị sống. Ở đây không có sự tâm phục một hình mẫu nào đó. Như vậy vấn đề ở đây hoàn toàn ảnh hưởng dây chuyền với nhau.

- Không chỉ riêng clip này, trên mạng internet hiện nay không khó để bắt gặp những lời bình luận, phát ngôn “có vấn đề” của nhiều bạn trẻ. Về mặt xã hội cần nhìn nhận điều này dưới góc độ nào?

Việc a dua phát biểu thể hiện cái đa văn hóa trong cuộc sống khá lớn, tiếc thay trong môi trường đa văn hóa như vậy, nhiều thể loại như vậy, thì thể loại tính cách buông thả, hời hợt lại ngày càng nhiều hơn. Cái đó là điều không hay ho gì cho giới chức có trách nhiệm, người quản lý cộng đồng và xã hội ở nước ta hiện nay. Rõ ràng vấn đề là cần phải có những chính sách để kết nối các nhóm xã hội, các tổ chức chính thức và không chính thức.

- Khi clip này tung lên mạng, một số diễn đàn đã phát sốt, ví dụ blog Youme còn ngăn chặn clip độc hại này xuất hiện trong hệ thống của mình. Liệu ngoài cách này ra chúng ta còn có những cách nào để tẩy chay thứ "thảm họa” kiểu này không?

Ở đây cần áp lực của cộng đồng, cần tiếng nói của dư luận. Chúng ta thấy tỉ lệ những tiếng nói mạnh mẽ, đúng đắn còn rất ít. Dường như những người như vậy thấy không thể tham gia vào những trò vô bổ mất thì giờ. Những người có trách nhiệm giáo dục thế hệ trẻ phải rèn luyện kỹ năng sống cho vị thành niên quan tâm tới xu hướng này trong đời sống giới trẻ. Có thể thấy đời sống âm nhạc của giới trẻ còn tồn tại rất nhiều điều không hay.

Một câu chuyện đặt tên có vẻ xuôi chiều đó nhưng động cơ thì có vấn đề, lại thêm những lời bình luận nhảm của giới trẻ vào nữa thì lại cho thấy nó không thực hiện nhiệm vụ phản biện xã hội mà lấy cái tiểu văn hóa của mình để chống lại văn hóa chung của cộng đồng, đó là bệnh muôn thủa ở xã hội ta.

- Như vậy qua đây cho thấy các bạn trẻ không cần biết tới tính cộng đồng mà chỉ cần quan tâm mình đang cần gì và làm như thế nào để đạt được mục đích?

Họ nghĩ rằng khi họ thể hiện thì họ tồn tại, không hề nghĩ rằng làm điều đó vì mục đích gì, tính thẩm mỹ cũng không có.

- Vai trò của các cơ quan đoàn thể, mà trong số đó là nhà trường, các nhà quản lý xã hội trong việc định hướng tư tưởng cho các bạn trẻ là gì?

Việc định hướng cho các bạn trẻ không phải tập hợp lại rồi mở hội nghị để tuyên truyền mà phải thông qua phong trào thanh niên, tác động thông qua các nhóm không chính thức, các nhóm theo sở thích, nhu cầu của vị thành niên. Muốn vậy thì chúng ta phải có những nhân viên làm công tác xã hội.

- Điều này phải chăng cho thấy chúng ta đang còn thiếu sự nhiệt tình với việc đào tạo nghiên cứu về các ngành khoa học xã hội - nhân văn?

Như bạn biết đó, trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ vừa qua hầu như không có điểm trung bình, rất nhiều điểm 0. Những môn khoa học xã hội và nhân văn gắn liền với chiến lược đào tạo con người, bồi dưỡng nguồn nhân lực của đất nước. Từ đó nó đặt ra hiểm họa rất lớn, thanh niên đang khủng hoảng lệch chủ, không có nhóm đứng đầu. Vai trò đứng đầu của Đoàn thanh niên thực chất khá nặng tính hành chính, còn một bộ phận khác cho dù là thưa thớt nhưng cộng dồn lại rất là lớn đang nằm ngoài vòng tất cả các câu chuyện giáo dục, trang bị kỹ năng sống.

- Tất cả những yếu tố đấy cộng lại có thể cho thấy một xã hội đang xuống cấp về mặt đạo đức, văn hóa?

Chúng ta không nên dùng từ xuống cấp, nhưng rõ ràng xã hội hiện nay nó rất nhiều cung bậc, khúc tức, có tính chất phức tạp, dích dắc và giá trị sống đang bị đảo lộn rất lớn.

- Trước những vấn đề đặt ra như vậy, là một người hoạt động trong lĩnh vực xã hội, ông có định hướng như thế nào để các bạn trẻ phát triển đúng hướng?

Chúng ta phải có những nghiên cứu về những xu hướng như thế trong đời sống cộng đồng. Các cơ quan có trách nhiệm định hướng những chủ nhân của đất nước, cái này được làm thường xuyên. Trong trường hợp này tôi nghĩ là việc các tổ chức chính thức phải biết khơi dậy tiềm năng từ các tổ chức phi chính thức. Giáo dục, điều chỉnh thậm chí tổ chức lại các lớp thanh niên, đoàn viên.

- Xin cám ơn ông!
Ngọc Khánh thực hiện