Trao giải cuộc thi viết “Song hành vì bình đẳng giới”

13/01/2017 07:04
Thùy Linh
(GDVN) - Ngày 12/1 tại Hà Nội, Đại sứ quán New Zealand tổ chức Lễ trao giải và Hội thảo tổng kết cuộc thi tìm kiếm sản phẩm truyền thông “Song hành vì bình đẳng giới".

Cuộc thi viết “Song hành vì Bình đẳng giới” được phát động từ ngày 7 đến 31/12/2016 bởi Đại sứ quán New Zealand, Cơ quan Phụ nữ Liên hợp quốc (UN Women) và Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA). 

Cuộc thi nằm trong khuôn khổ Chiến dịch Quốc gia 16 ngày Hành động xóa bỏ mọi hình thức bạo lực và kỳ thị với phụ nữ và trẻ em gái. 

Trên toàn thế giới, theo công bố của UN Women, một phần ba số phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực giới. Và tại Việt Nam, theo con số của Tổng Cục thống kê năm 2010, 58% phụ nữ đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực gia đình.

Ngoài ra, 87% phụ nữ ở TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội từng bị quấy rối tình dục nơi công cộng. Nguyên nhân sâu xa của thực trạng này là do bất bình đẳng giới và những quan niệm mang nặng định kiến về vai trò, vị trí của nam giới và phụ nữ trong xã hội.

Trong bối cảnh đó, truyền thông chính là phương thức hiệu quả trong ngăn chặn và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ, xóa bỏ định kiến giới.

Các cơ quan báo chí, truyền thông, các diễn đàn mạng xã hội của cộng đồng luôn đóng vai trò quan trọng với sự bền bỉ và những nỗ lực không ngừng.

Nhận thấy những điều đó, và khuyến khích các nhà báo, cộng đồng tích cực viết bài xóa bỏ những định kiến về giới đẩy lùi bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, cuộc thi viết “Song hành vì Bình đẳng giới” được ra đời.

Qua gần một tháng phát động cuộc thi, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 250 tác phẩm dự thi thuộc các thể loại khác nhau gồm các thể loại phóng sự, ký sự, chương trình truyền hình, phát thanh, các bài post trên blog và facebook. 

Các tác phẩm đều tập trung vào thực trạng sự bất bình đẳng giữa nam và nữ trong gia đình và ngoài xã hội, các định kiến giới, chuẩn mực giới, bạo lực gia đình, bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái để xã hội bình đẳng, nhân ái và văn minh hơn. 

Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc CSAGA, đại diện Ban Tổ chức cuộc thi cho biết, bạo lực trên cơ sở giới với phụ nữ là vấn đề xã hội nghiêm trọng tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới.

Đồng thời là hình thức cao nhất của bất bình đẳng giới, xâm hại nghiêm trọng đến quyền, tính mạng, sức khỏe và sự thịnh vượng của người phụ nữ và gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế quốc gia.

Nguyên nhân sâu xa của thực trạng này là do bất bình đẳng giới và những quan niệm mang nặng định kiến về vai trò, vị trí của nam giới và và phụ nữ trong xã hội. 

Vấn đề này sẽ trở nên trầm trọng hơn nếu không có sự giúp sức từ xã hội, và một phương thức hiệu quả trong ngăn chặn và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ là truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề bình đẳng giới và bạo lực giới.

Trao giải cuộc thi viết “Song hành vì bình đẳng giới” ảnh 1
Đại sứ New Zealand tại Việt Nam, bà Wendy Matthews cùng Giám đốc trung tâm CSAGA, bà Nguyễn Vân Anh (bên phải) trao giải nhất cuộc thi ở hạng mục Sản phẩm truyền thông trên báo chí cho tác giả Hoàng Xuân (bên trái).

Cũng tại lễ trao giải, bà Wendy Matthews - Đại sứ New Zealand tại Việt Nam cho biết, cách đây hai ngày, bà đã trình quốc thư lên Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Hội thảo lần này là sự kiện ra mắt đầu tiên của bà với đông đảo người dân Việt Nam. 

Bà Wendy nêu tầm quan trọng của cuộc thi trong việc nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, bà khẳng định bất bình đẳng và bạo lực với phụ nữ là hiện tượng toàn cầu, chính vì thế bà luôn sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam để giải quyết vấn đề nghiêm trọng đó.

Tại buổi lễ, Ban Tổ chức đã trao 9 giải thưởng cho các tác phẩm của các cá nhân và nhóm tác giả đoạt giải. 

Ở hạng mục Sản phẩm truyền thông trên báo chí, loạt bài 7 kỳ về xâm hại tình dục trẻ em của nhà báo Hoàng Xuân mang tên “Những đứa trẻ bị xâm hại” đăng trên Trí thức trẻ (aFamily.vn) đã được trao giải Nhất. 

Ở hạng mục Sản phẩm truyền thông trên mạng xã hội, tác giả - nhà văn Hoàng Anh Tú giành giải Nhất với loạt bài viết trên trang facebook của mình về vấn đề bình đẳng giới.

Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng trao một giải đặc biệt Cây bút tích cực vì bình đẳng giới cho nhà báo Phạm Trung Tuyến - Phó Giám đốc kênh VOV Giao thông Quốc gia, Đài Tiếng nói Việt Nam.

Thùy Linh