Truyền bá vong báo oán vào xã hội là làm ngu dân

22/03/2019 06:50
Hưng Long
(GDVN) - Thầy Minh, cô Yến gieo rắc nỗi sợ hãi bằng những lý thuyết do mình tự bịa ra để làm cho người ta sợ hãi, khủng hoảng rồi thế này, thế nọ không chấp nhận được.

Đạo Phật không có thuyết “thỉnh oan gia trái chủ”

Ngày 20/3/2019, Báo Lao Động có bài "Truyền bá chuyện vong báo oán, chùa Ba Vàng mỗi năm thu trăm tỉ" [1] thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Trong đoạn clip phóng sự mà Báo Lao Động đăng tải, nổi bật lên vai trò của bà Phạm Thị Yến, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cúc vàng - Tu tập lục hòa chùa Ba Vàng, Uông Bí, Quảng Ninh rao giảng những câu chuyện hoang đường và hướng dẫn những người đến "thỉnh vong giải nghiệp" bỏ ra hàng triệu đồng công đức để được giải nghiệp.

Thượng tọa Thích Nhật Từ. (Ảnh: H.L)
Thượng tọa Thích Nhật Từ. (Ảnh: H.L)

Trao đổi với Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Thượng tọa Thích Nhật Từ - Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định,Phật pháp không có thuyết “thỉnh oan gia trái chủ”.

Thượng tọa Thích Nhật Từ phân tích, “thỉnh oan gia trái chủ” do thầy Minh và bà Yến chủ trương và thực hành, có thể khẳng định rằng trong 38.000 bài kinh của Phật để lại không có quan điểm đó.

Ngược lại, Đức Phật có nói rõ trong Kinh, có 3 quan điểm học thuyết nguy hại cho đạo Phật. Một trong 3 quan điểm học thuyết nguy hại là thuyết định mệnh luận (hay còn gọi là thuyết cho rằng số phận con người do nghiệp quá khứ quyết định).

Thuyết định mệnh luận cho rằng, tất cả những gì mà con người ở hiện tại đang gánh vác và chịu đựng đều có gốc rễ 100% từ quá khứ, cho nên tạo ra số phận an bày.

Đó là thuyết mà Đức Phật cực kỳ lên án vì như thế con người sẽ không nỗ lực rèn luyện đạo đức trong cuộc sống và ở tương lai.

Rất tiếc, thầy Minh và cô Yến ở chùa Ba Vàng lại bám vào học thuyết bị Đức Phật lên án để tạo nỗi sợ hãi, gặp ai cũng phán như đinh đóng cột, như thần…

Truyền bá vong báo oán vào xã hội là làm ngu dân  ảnh 2

"Thỉnh oan gia trái chủ" chùa Ba Vàng là chủ trương của Đại đức trụ trì 

Rằng, người A thì như thế này, người B thì như thế kia, do kiếp trước thì thế này, thế nọ, trong khi họ chỉ là những người phàm chứ không phải là những người biết được về quá khứ.

Việc phán như vậy là sai về hoàn toàn về Phật học và gây ra phản cảm, ngộ nhận về Phật giáo.

Tức là, mình thích thì mình tu. Một vị tu sĩ, một vị phật tử đã làm cho người ta hiểu sai nhiều điều về Phật học thì rất đáng là tội nghiệp.

Quan điểm của Thượng tọa Thích Nhật Từ, xét về góc độ Phật giáo "thỉnh oan gia trái chủ" chùa Ba Vàng là trật, đi ngược lại chủ trương của đạo Phật. Đây là điều rất đáng tiếc.

Cấy vào phật tử nỗi sợ hãi là làm ngu dân

Dưới góc độ Giáo pháp, mối quan hệ nhân quả là rất phức tạp, liên hệ đến 3 chiều thời gian: Quá khứ, hiện tại và tương lai; có những nỗi khổ niềm đau mà phần lớn là nhân hiện tại và hậu quả hiện tại.

Không nên viện dẫn về quá khứ để làm đau lòng nạn nhân ở hiện tại như trường hợp cô gái đi giao gà bị giết, bị hại cho đến chết. Đó là nỗi đau mà có thể chúng ta phải rơi nước mắt, chia buồn với thân chủ của người còn sống.

Không thể nói như bà Yến do một việc gì đó phát sinh trong quá khứ, đó là cuồng tính, mê tín, phản cảm, phản văn hóa, thiếu hiểu biết mà nhân danh Phật tử thì làm sai về góc độ Phật giáo.

Chùa Ba Vàng nhìn từ trên cao. (Ảnh: Quốc Trí)
Chùa Ba Vàng nhìn từ trên cao. (Ảnh: Quốc Trí)

Về phương diện giáo pháp là không phù hợp, điều đó là định mệnh luận.

Về phương diện luật pháp, Thượng tọa Thích Nhật Từ cũng có xem clip liên quan đến chùa Ba Vàng,

Thượng tọa Thích Nhật Từ đánh giá, nếu clip đó không dàn dựng mà được quay thật thì đang có dấu hiệu vi phạm luật pháp. Chùa Ba Vàng đang lừa đảo bằng tiền bạc từ những niềm tin mê tín do chính họ tạo ra.

Gieo rắc niềm tin để tạo nỗi sợ hãi, từ nỗi sợ hãi để yêu cầu người ta làm công quả cho chùa, cúng tiền cho chùa là hoàn toàn trái với chủ trương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trái với ý của Đức Phật, trái với quy định của luật pháp.

Còn việc của Phật tử đến với chùa, phát tâm làm công quả cho chùa thì quá tốt. Họ bỏ công sức ra để làm công quả cho chùa, cho xã hội thì rất được tán dương.

Đừng cấy tạo vào họ nỗi sợ hãi để theo đó, vì sợ hãi quá mà buộc họ phải làm, điều này là phản cảm, là truyền bá mê tín và làm ngu dân.

Truyền bá vong báo oán vào xã hội là làm ngu dân  ảnh 4

Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ xử lý nghiêm nếu chùa Ba Vàng có sai phạm 

Thượng tọa Thích Nhật Từ cho rằng, về phương diện xã hội, học thuyết tất cả những gì con người đang sống ở hiện tại đều vấp phải là do quá khứ thì đó là dấu hiệu lừa đảo xã hội.

Hành vi này làm cho người ta hoang mang, lo lắng, bất an, khủng hoảng tinh thần, khủng hoảng tâm lý, khủng hoảng gia đình, gây những hậu quả nghiêm trọng khác…

Thượng tọa Thích Nhật Từ nhấn mạnh, hành động đó đi ngược lại với chủ trương trị liệu “nỗi khổ niềm đau” của Đạo Phật.

Về phương diện đạo lý, Phật dạy, ai có “nỗi khổ niềm đau” thì điều đầu tiên phải tìm ra nguyên nhân giúp cho người khổ đau giải tỏa được nguyên nhân.

Đạo Phật giúp cho người có nỗi khổ niềm đau giải tỏa tâm lý như tâm tham, tâm sân, tâm si, tâm chấp trước, cho đến tìm những động cơ xã hội, bối cảnh cuộc sống, yếu tố thuận duyên, nghịch duyên…

Xác định được nguyên nhân mới đưa ra giải pháp. Giải pháp Đức Phật dạy là áp dụng vào trí tuệ để có tầm nhìn đúng.

Điều quan trọng nhất là việc điều chỉnh hành vi, lời nói, hành vi kham khổ và sự nỗ lực đúng phương pháp.

Thầy Minh và cô Yến gieo rắc nỗi sợ hãi bằng những lý thuyết do mình tự bịa ra để làm cho người ta sợ hãi, khủng hoảng rồi thế này, thế nọ thì không chấp nhận được.

Về kinh điển, Đức Phật cấm các vị tu sĩ không được truyền bá các hình thái mê tín dị đoan như xem sao, đoán tướng, bói quẻ, tìm ngày tốt – xấu, sân – si.

Tâm bất an tìm đến nơi gieo rắc thêm khủng hoảng thì rất nguy hại

"Phật giáo dạy chúng sinh phân tích nguyên nhân khổ đau và nguyên nhân hạnh phúc. Nguyên nhân hạnh phúc là tạo ra con đường mình thích, nguyên nhân khổ đau cần phải khoanh vùng, chuyển nghiệp để vượt qua chứ không chấp nhận số phận an bày.

Phật giáo cũng không truyền bá định mệnh, không định nghiệp và mọi thứ đều có thể chuyển hóa được.

Còn những người đến chỗ đó (chùa Ba Vàng – PV) để giải quyết khủng hoảng thì họ lại rơi vào nỗi sợ hãi nặng, khủng hoảng nặng, hoang mang, bất an thì rất nguy hại.

Phía trước chùa Ba Vàng. (Ảnh: Quốc Trí)
Phía trước chùa Ba Vàng. (Ảnh: Quốc Trí)

Từ góc độ Phật giáo, tôi cho rằng, hành động đó đã làm dơ uế tinh thần nhân sinh của đạo Phật, rất đáng lên bị án.

Cần phải nhanh chóng bị loại, chứ không để nhân danh Phật giáo về sự nghiệp nhân sinh. Nhân sinh bị ô uế bởi một hai cá nhân lợi dụng đạo Phật.

Thượng tọa Thích Nhật Từ chưa dám đánh giá thực hư của câu chuyện ở chùa Ba Vàng. Báo chí đưa tin đó là dữ liệu của báo chí và phải chờ kết luận của Ban thanh tra do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh phối hợp thực hiện.

Nếu có những dấu hiệu lừa đảo dựa vào dấu hiệu niềm mê tín của con người để trục lợi thì chúng ta phải có những giải pháp nghiêm khắc để nghiêm trị.

Truyền bá vong báo oán vào xã hội là làm ngu dân  ảnh 6

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào cuộc vụ việc ở chùa Ba Vàng 

Không để những hành vi đó tiếp tục lan tỏa. Dựa trên kết quả thanh tra này thì nếu những lời nói như: Kiếp trước thế này thế nọ, kiếp này thế này thế kia thì đó là thuộc loại nói láo.

Bất cứ ai cũng đều phán, kiếp trước phạm tội này, kiếp này phạm tội kia… Trong khi họ là người phàm, không có trí tuệ về quá khứ mà phán như thế là tội vọng ngữ.

Phạm tội vọng ngữ như thế thì rất nguy hại. Để xác định đâu là một người vọng ngữ và đâu là người giáo dục về nhân quả để một người sợ điều xấu – ác mà không dám làm điều xấu nữa.

Phải làm cho người ta thấy nhân quả có thể chuyển nghiệp được chứ không phải là một định mệnh.     

Phán như đinh đóng cột, như trường hợp của bà Yến về cô gái giao hàng bị hãm hiếp là do kiếp trước phát sinh ra thì đó là vọng ngữ, đại vọng ngữ.

Đây là một hình thái tự xưng mình là thánh mà trong khi chỉ là người phàm. Không thể chấp nhận được từ giới luật về tội vọng ngữ."

Thượng tọa Thích Nhật Từ khuyên răn, các tu sĩ  cần phải lấy chân lý Đức Phật làm thầy, lấy giới luật Phật chế làm thầy.

Trong quá trình hành đạo, đừng nên mong cầu mình có thần thông trong quần chúng để làm điều mê tín.

“Hãy truyền bá chánh đạo để cho mọi người thấy được giá trị trị liệu của Đức Phật để cho mọi người vượt qua từ “nỗi khổ niềm đau” đến hạnh  phúc, từ bế tắc đến hanh thông chứ đừng vì xét đến mục đích riêng tư để làm lợi ích cho cá nhân, với chùa của mình mà làm trái với lời Phật dạy thì rất là đáng tiếc”, Thượng tọa Thích Nhật Từ lập luận.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://laodong.vn/xa-hoi/truyen-ba-chuyen-vong-bao-oan-chua-ba-vang-moi-nam-thu-tram-ti-663505.ldo

Hưng Long