Tư tưởng của Hồ Chí Minh về “tìm người tài đức”

19/05/2019 06:45
NHẬT DUY
(GDVN) - Cái hay của Chủ tịch Hồ Chí Minh là không chỉ trọng dụng mà còn “đặt” những hiền tài của đất nước vào đúng vị trí sở trường để họ phát huy tài năng.

Gần 50 năm trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của chúng ta đi vào cõi vĩnh hằng nhưng những bài học, những giá trị tư tưởng và di sản của Người để lại cho dân tộc luôn là một khối tài sản vô cùng quý giá.

Đọc lại những bài viết, những bài nói chuyện hay Di chúc của Người, chúng ta thấy một ngôn phong rất giản dị nhưng dù là câu chuyện nhỏ nhất cũng để lại cho chúng ta hôm nay một bài học rất sâu sắc.

Trong bài viết này, chúng tôi muốn đề cập đến bài viết "Tìm người tài đức" của Bác đăng trên Báo Cứu quốc ngày 20/11/1946 để thấy được một tư tưởng lớn của một bậc vĩ nhân.

Việc coi trọng người hiền tài của Bác đã quy tụ được nhiều danh sĩ, trí thức ngay từ những ngày đầu nước nhà giành độc lập. Ảnh tư liệu

Việc coi trọng người hiền tài của Bác đã quy tụ được nhiều danh sĩ, trí thức ngay từ những ngày đầu nước nhà giành độc lập. Ảnh tư liệu

Như chúng ta đã biết, ngay sau khi nước nhà giành được độc lập và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời vào ngày 2/9/1945 thì đất nước ta phải đối mặt với muôn vàn khó khăn.

Đó là tình trạng thù trong, giặc ngoài, vận mệnh dân tộc mong manh trong thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Thế nhưng, từng bước, từng bước, Bác đã cùng với Chính phủ tháo gỡ và xoay vận nước đi từ thắng lợi này cho đến thắng lợi khác.

Chúng ta không chỉ diệt được giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm mà từng bước khẳng định vị thế Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Để có được những thành công như vậy, tất nhiên là sự chung tay của toàn dân tộc, của mọi tầng lớp nhân dân. Song, cái mà hậu thế chúng ta luôn ngưỡng vọng là tầm nhìn và nhãn quan chiến lược của Bác.

Một dân tộc yêu nước, một dân tộc muốn phát triển ắt phải rất cần đến những người hiền tài dẫn dắt, chèo lái. Vì thế, ngay từ những ngày đầu độc lập, Bác đã tập hợp một Chính phủ với đầy đủ các thành phần, tôn giáo trong xã hội.

Ngày 20/ 11/1946, trên Báo Cứu quốc đã có bài viết "Tìm người tài đức"của Bác, bài viết này như "chiếu cầu hiền" gửi đến quốc dân đồng bào.

Nội dung bài viết như sau: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức.

E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận.

Nay muốn sửa đổi điều đó và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết.

Tư tưởng của Hồ Chí Minh về “tìm người tài đức” ảnh 2Tìm chọn hiền tài và những bài học đau xót về công tác cán bộ

Báo cáo phải nói rõ: Tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó.

Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ”.

Chính việc coi trọng người tài, thực lòng muốn tìm kiếm và sử dụng người tài của Bác nên chỉ sau một thời gian ngắn đã có nhiều người hiền tài trong nước, những người đang làm việc ở nước ngoài cũng trở về chung tay gánh vác việc nước.

Chúng ta thấy từ những vị quan lại triều Nguyễn như: Nguyễn Văn Tố, Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại, Phạm Khắc Hòe...Những danh nho đương thời như các cụ: Huỳnh Thúc Kháng, Võ Liêm Sơn ...

Rồi, những trí thức trí thức tài năng như: Phan Anh, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Minh Giám, Trần Đại Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng...đã cùng chung tay góp sức để xây dựng một nhà nước non trẻ lúc bấy giờ.

Cái hay của Chủ tịch Hồ Chí Minh là Người không chỉ trọng dụng mà biết “đặt” những người tài của đất nước vào đúng từng vị trí sở trường để họ phát huy tài năng của mình.

Chẳng hạn như: Giáo sư Nguyễn Văn Huyên đã trở thành người đứng đầu ngành giáo dục, Giáo sư Trần Đại Nghĩa trở thành một người đứng đầu ngành quân khí suốt mấy chục năm trời và họ đã để lại những dấu ấn đặc biệt cho đất nước.

Tên tuổi của những danh nho, những trí thức ấy không chỉ được khẳng định lúc bấy giờ mà hậu thế hôm nay vẫn luôn nhớ về họ bằng một sự ngưỡng vọng và tôn kính.

Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta luôn kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta đang học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người. Chúng ta cũng chú trọng tìm người hiền tài nhưng có lẽ chủ yếu cũng chỉ mới dừng lại ở Trung ương.

Tư tưởng của Hồ Chí Minh về “tìm người tài đức” ảnh 3Sáng mãi tên Người

Còn ở các tỉnh, huyện thì không phải địa phương nào cũng thực tâm trọng dụng người tài.

Có nhiều vị lãnh đạo địa phương khi đã yên vị tại một vị trí cao nào đó là nghĩ đến việc đưa con em, dòng họ của mình vào theo.

Những người được đào tạo bài bản thì không được trọng dụng hoặc bổ nhiệm vào đúng năng lực, sở trường của họ mà lại đưa những người có bằng cấp lôm côm, con ông nọ, cháu ông kia vào những vị trí đầu ngành.

Vì thế, trong một cơ quan thì người đứng đầu nhiều khi lại là những người yếu chuyên môn, người có tư tưởng hẹp hòi, lôi kéo phe phái. Mọi chủ trương, kế hoạch của đơn vị đưa ra không phù hợp, cấp dưới phản biện, góp ý kiến lại thì bị quy vào tội chống đối, làm mất nội bộ.

Từ đó, dẫn đến những người có tài năng, đức độ chán nản mà tự co cụm lại, cô đơn trong công việc của mình.

Chúng ta cứ nhìn vào sự việc 3 địa phương Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình trong kỳ thi Trung  học phổ thông quốc gia năm 2018 sẽ thấy rõ bản chất của vấn đề.

Những thí sinh là con của một số lãnh đạo cao cấp của địa phương thì được can thiệp điểm trắng trợn để được vào các trường đại học danh giá.

Rõ ràng, ở đây không phải là việc chọn người tài mà là chọn người nhà, chọn những thành phần con ông cháu cha để chuẩn bị cho các thí sinh này trở thành “hiền tài” trong tương lai nhằm “gánh vác” việc nước!

Chúng ta cứ nhìn hàng loạt cán bộ, lãnh đạo địa phương bị các cơ quan chức năng kỷ luật, bị báo chí đề cập sẽ hiểu công tác tìm kiếm người tài hiện nay của một số địa phương như thế nào.

Chúng ta cứ nhìn hàng loạt cán bộ, công chức mua bằng, dùng bằng giả để thăng tiến trong thời gian qua đã bị phát hiện sẽ hiểu hơn một số nơi chưa thực tâm muốn tìm kiếm người tài giỏi.

Vì vậy, khi đọc lại bài viết "Tìm người tài đức" của Bác, chúng ta càng cảm thấy thấm thía hơn. Dù bài viết đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cách đây hơn 70 năm rồi nhưng nó vẫn vẹn nguyên giá trị đối với đất nước trong hôm nay.

NHẬT DUY