Văn hóa điện thoại!

11/09/2017 06:09
Đỗ Văn Thông
(GDVN) - "Chuyện biết rồi khổ lắm nói mãi" nhưng đây đó hàng ngày vẫn xảy ra khiến không ít người bức xúc trước thái độ thiếu lịch sự, kém văn hóa.

LTS: Trong cuộc sống hiện đại, chiếc điện thoại là đồ vật gắn bó thân thiết với con người giúp mọi người liên lạc với nhau một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, liệu mọi người đều đã biết cách ứng xử có văn hóa khi sử dụng điện thoại hay chưa lại là điều đáng bàn.

Bạn đọc Đỗ Văn Thông, một cán bộ hưu trí chia sẻ bài viết của mình về câu chuyện văn hóa điện thoại.

Tòa soạn trân trọng mời độc giả theo dõi.

Tôi bước vào quầy giao dịch Ngân Hàng X quận Bình Thạnh Thành phố Hồ Chí Minh để lĩnh tiền lãi gửi tiết kiệm.

Chiều nay là ngày cuối tháng nên lượng khách đến giao dịch khá đông, mọi người chờ ngồi kín hàng ghế.

Phía bên trong các nhân viên làm việc thao tác nghiệp vụ giải quyết cho khách hàng, tiếng máy đếm tiền xè xè, tiếng quạt từ chiếc máy lạnh, tiếng gõ bàn phím máy vi tính nghe đều đều.

Bỗng chiếc chuông điện thoại reo vang từ phía khách hàng người thanh niên rút chiếc điện thoại từ túi quần cầm lên để sát vào tai nghe:

Alố! Alo! Tao đây. Chưa được, chờ nửa tiếng đồng hồ rồi… Bực quá! Làm ăn kiểu gì, kỳ cục quá!”.

Ngày nay nhiều bạn trẻ quên mất văn hoá khi sử dụng điện thoại nơi công cộng. (Ảnh minh hoạ: Lê Duy/ Báo Ấp Bắc)
Ngày nay nhiều bạn trẻ quên mất văn hoá khi sử dụng điện thoại nơi công cộng. (Ảnh minh hoạ: Lê Duy/ Báo Ấp Bắc)

Vừa dứt cuộc đối thoại,người khách nói to vào trong quầy: “Này! Sao lâu thế, chậm như rùa ở nhà người ta bao nhiêu là công việc”.

 Một nhân viên ngân hàng nói: “Xin anh vui lòng chờ chút xíu. Sắp tới lượt chứng từ của anh rồi”…

Thôi lượt với liếc gì giải quyết thế này chịu sao nổi?”, người thanh niên vừa dứt lời, chuông điện thoại lại reo lên từng hồi...

Alô! Alô! Vẫn chưa được bực quá, xạc một hồi cho đã. Mọi việc giải quyết hãy chờ tao về…”.

Mọi người có mặt hôm đó nhìn đổ dồn vào phía người thanh niên đang nói chuyện điện thoại, đi đi lại lại gót giày nện xuống nền cồm cộp, tay cầm điện thoại, tay chống nạnh, vừa nói vừa đi tự nhiên oang oang như nhà riêng của mình...

Văn hóa điện thoại! ảnh 2

Giải cứu “Văn hóa”

Những người chung quanh tỏ thái độ bất bình trước thái độ giao dịch của anh.

Ở hàng ghế ngồi chờ một bác đã lớn tuổi nói với anh một cách nhẹ nhàng: “Nói điện thoại nên mang ra phía ngoài, đừng để ảnh hưởng tới mọi người”.

Ngay lập tức, ông nhận được một cái “nguýt” kèm theo một câu nói khiêu khích: “Không có điện thoại mà còn bày đặt”.

Có lần tôi đang dự cuộc họp ở phường, chủ tọa ở trên đang phát biểu, cái không khí nghiêm túc ấy bị phá vỡ bởi ở dưới điện thoại của ai đó đổ chuông kêu rất to, người nghe và nói thản nhiên như đang ở nhà vậy.

Phòng họp hay những nơi sinh hoạt cộng đồng rất cần sự yên tĩnh và tập trung, do đó đòi hỏi mỗi người phải có ý thức về những quy tắc ứng xử chung tôn trọng người xung quanh.

Vẫn biết rằng điện thoại di động là một phương tiện liên lạc cần thiết trong cuộc sống.

Tuy nhiên sử dụng và cách ứng xử giao dịch ở phòng họp, nơi công cộng đòi hỏi mỗi người cần có ý thức quy tắc ứng xử có văn hóa.

"Chuyện biết rồi khổ lắm nói mãi" nhưng đây đó hàng ngày vẫn xảy ra.

Không ít người bức xúc trước thái độ thiếu lịch sự, kém văn hóa của những người tự cho mình là có văn hóa, mà lại không văn hóa một chút nào.

Đỗ Văn Thông