Vu khống, xúc phạm trên mạng xã hội và những cái chết thương tâm

31/03/2018 07:58
KIM NHUNG
(GDVN) - Đã có những nữ sinh tự tử vì bị làm nhục trên mạng xã hội.

Mạng xã hội lên ngôi và những cái chết ở ngưỡng cửa cuộc đời

Với mục đích kết nối mọi người lại với nhau, mạng xã hội ra đời và ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là đối với giới trẻ.

Thế nhưng, không biết từ bao giờ, người ta lại dần biến mạng xã hội thành “lưỡi hái tử thần” với sự xâm phạm đời tư, những trò đùa ác ý cùng những bình luận tiêu cực.

Mới đây, ngày 11/3, vụ việc nữ sinh H.T.L (học sinh lớp 11, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Đức Mậu, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) tự tử tại ao nước gần nhà đã gây xôn xao dư luận.

Theo điều tra, nguyên nhân dẫn đến cái chết đau lòng của L. là bởi clip ghi lại cảnh L. và một bạn trai trong lớp đang hôn nhau bị lan truyền trên mạng xã hội.

Đặc biệt là việc trang thông tin điện tử Songlamplus.vn đã đăng tải clip của L. không che mặt kèm theo lời bình phẩm mang tính “nhạy cảm” đối với một học sinh lớp 11.

Tiếp đó là vô vàn những lời bình luận ác ý, chế giễu hướng về phía H.T.L.

Trước làn sóng dư luận, L. đã nghĩ quẩn và tìm đến cái chết ở tuổi 16, lứa tuổi đẹp nhất của đời người.

Vào mục tìm kiếm trên Google gõ dòng chữ “tự tử vì mạng xã hội”, trong 0,34 giây cho ra tới 11.700.000 kết quả. (Ảnh: Kim Nhung)
Vào mục tìm kiếm trên Google gõ dòng chữ “tự tử vì mạng xã hội”, trong 0,34 giây cho ra tới 11.700.000 kết quả. (Ảnh: Kim Nhung)

Ngày 25/9/2016, em Bùi Q.H (học sinh lớp 8, Trường Trung học cơ sở U Lâu, Yên Bái) treo cổ tự tử do quá xấu hổ và hoảng sợ khi clip mình bị đánh, bắt quỳ xin lỗi bị đăng tải trên mạng xã hội.

Ngày 22/6/2015, nữ sinh T. (sinh năm 2000 ở Đồng Nai) đã tự tử bằng thuốc diệt cỏ do bị bạn trai tung clip “nóng” lên mạng xã hội.

Kèm theo đó là những lời bình luận, làm nhục khiến T. rất xấu hổ, không dám ra đường gặp ai. Cuối cùng, do không thể chịu được sức ép dư luận, T. tìm đến cái chết để giải thoát.

Vào tháng 6/2013, nữ sinh N.T.C.L (sinh năm 1995, mới tốt nghiệp lớp 12 ở Thạch Thất, Hà Nội) bị các bạn trong lớp học thêm ghép mặt của mình vào tấm hình của một cô gái khác ăn mặc hở hang và đăng lên mạng xã hội.

Mặc dù nạn nhân có đe dọa sẽ tự tử nếu các bạn không gỡ những hình ảnh đó xuống nhưng lại nhận lại được những thách thức, bình luận trêu đùa. Vì quá phẫn uất, nữ sinh này đã uống thuốc diệt cỏ để tự tử.

Vu khống, xúc phạm trên mạng xã hội và những cái chết thương tâm ảnh 2Một thầy giáo bị kiểm điểm, giải trình vì thông tin sai lệch trên facebook

Gia đình có phát hiện và đưa em đi cấp cứu nhưng do lượng thuốc quá nhiều khiến nữ sinh tử vong ngay sau đó.

Cũng vào tháng 6/2013, nữ sinh P.U.N (lớp 12, Đà Nẵng) uống thuốc an thần tự tử.

Được biết, N. tìm đến cái chết vì bị một trang fanpage đăng tải bài viết vu khống, xúc phạm danh dự của N.

Không chỉ vậy, cư dân mạng còn liên tiếp có những bình luận khiếm nhã, a dua theo đám đông mà không cần biết đúng hay sai.

Những vụ việc trên chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm. Trên thực tế, mạng xã hội đang hàng ngày, hàng giờ đưa con người ta đến bờ vực cuộc sống.

Đừng tự cho mình quyền làm “người phán xử”

“Lỗi là tại mạng xã hội”. Đó là lời chống chế của mọi người mỗi khi có những người tự sát do bị nhục mạ, châm biếm trên mạng xã hội.

“Sống thế thì sống làm gì? Thà chết đi còn hơn!”, “Bố mẹ vất vả kiếm tiền nuôi ăn học mà lại yêu đương nhắng nhít như thế thì sống làm gì nữa”, “Xấu như thế mà cũng chụp ảnh đăng hả?”,…

Những bình luận đả kích, “chặt chém”, “ném đá” này xuất hiện nhan nhản trên các trang mạng xã hội hiện nay.

Thậm chí có rất nhiều bình luận với những lời lẽ thiếu văn hóa, văng tục, chửi bậy đã không còn xa lạ đối với người dùng mạng xã hội.

Bởi họ nghĩ rằng, họ có quyền bình luận, có quyền “phán xét” miễn sao không vi phạm pháp luật. Nhưng những bình luận vô tình, thậm chí là ác ý có thể khiến một người nào đó vào con đường cùng.

Vì những phát xét lạnh lùng, cay nghiệt mà có người đã phải tìm đến cái chết. (Ảnh minh họa: nepalireporter.com)
Vì những phát xét lạnh lùng, cay nghiệt mà có người đã phải tìm đến cái chết. (Ảnh minh họa: nepalireporter.com)

Một cuộc điều tra gần đây trên Internet cho thấy, cứ 10 người thì có 4 người từng bị xúc phạm trên mạng.

Thậm chí, có những người không hiểu sao mình lại là nạn nhân của làn sóng dư luận. Và những người bình luận thì không quan tâm nhiều đến việc đúng sai.

Nguyễn Thị Thùy Trang (sinh năm 1995, sinh viên một trường cao đẳng tại Thành phố Hồ Chí minh) bị chê bai nặng nề khi đăng một tấm hình ăn uống lên Facebook.

Họ nói tôi không có trách nhiệm với xã hội, ác độc, trong lúc người dân miền Trung bị lũ lụt thì lại đi ăn uống xa xỉ. Lúc đó, tôi vừa giận vừa tức.

Tôi từng tham gia mùa hè xanh, các câu lạc bộ, đội nhóm tình nguyện, không hề vô cảm, dửng dưng như những gì mà họ quy kết, lên án” - Trang ấm ức. [1]

Tháng 3/2016, trên đường đi làm về, chị Đào Thị Ánh (ngụ đường Nguyễn Duy Dương, quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh) nhìn thấy phía trước xảy ra vụ tai nạn giữa xe máy và xe đạp.

Do đang ở giữa đường, chị cố gắng chạy tới phía trước, tấp vào lề rồi sau đó quay sang giúp đỡ.

Thế nhưng, không biết ai chụp lại khoảnh khắc chị vượt qua vụ tai nạn rồi đăng tải lên diễn đàn mạng với nội dung “Hàng chục con người vô cảm”. Bỗng chốc chị bị nhiều người xúm vào chửi bới. [1]

Việc xúc phạm, chỉ trích nhau trên mạng xã hội khiến cho người trong cuộc dù đúng hay sai đều bị tổn thương.

Vu khống, xúc phạm trên mạng xã hội và những cái chết thương tâm ảnh 4Bổ sung điều kiện quản lý nội dung thông tin mạng xã hội

Chuyên gia tâm lý Trương Thị Thúy Hằng, Trung tâm tư vấn tâm lý Việt Sơn, kể lại rằng có những cuộc gọi lúc nửa đêm, nghe giọng cô gái khóc tức tưởi trong điện thoại, trải lòng rằng không còn muốn sống, chỉ muốn chết ngay mà thôi, vì bị xỉ vả, xúc phạm đủ điều trên Facebook. [2]

Thực chất thì mạng xã hội nào có lỗi, lỗi là tại người dùng đã biến nó thành con dao hai lưỡi, đẩy người khác đến “bước đường cùng” và cũng tự biến chính mình thành “kẻ ngộ sát”.

Với những ai đã và đang là nạn nhân của việc “ném đá” trên mạng xã hội, chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Duy, Trung tâm đào tạo và chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt khuyên rằng:

Thái độ cần có là bình tĩnh và chia sẻ. Bình tĩnh để không hành động dại dột, chia sẻ để tìm thêm nguồn động lực nâng đỡ lúc yếu thế.

Hãy chia sẻ với những người thân mà mình tin tưởng. Sau đó cần nhìn nhận xem việc ném đá đúng sai thế nào.

Nếu sai thì sửa, nếu đúng thì không cần bận tâm đến những bình luận của những người trên mạng, những người mà có khi cả đời mình không gặp”. [2]

Ai cũng có quyền tự do ngôn luận. Nhưng hãy biết lắng nghe và bình tâm suy ngẫm trước khi đưa ra nhận xét, bình phẩm về bất cứ ai, bất cứ việc gì, bởi hành động ấy có thể gián tiếp huỷ hoại một con người.

Tài liệu tham khảo:

1. https://nld.com.vn/ban-doc/nem-da-tren-mang-xa-hoi-con-dao-vo-hinh-20170101222013399.htm

2. https://thanhnien.vn/thoi-su/tu-tu-vi-mang-xa-hoi-628434.html

KIM NHUNG