Xây dựng Hội An thành thành phố văn hóa du lịch tầm cỡ quốc tế

28/03/2018 07:07
Như hải
(GDVN) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng trước sự thay đổi hàng ngày của đô thị cổ, thành phố du lịch nổi tiếng Hội An.

Ngày 24/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự cuộc gặp mặt nhân kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam (24/3/1975-24/3/2018) và dự lễ kỷ niệm 10 năm thành lập thành phố Hội An.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập thành phố Hội An, tối 24/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng trước sự thay đổi hàng ngày của đô thị cổ, thành phố du lịch nổi tiếng Hội An và bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu to lớn mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hội An đạt được trong 10 năm qua.

Năm 2017, hơn 3,2 triệu lượt du khách đến Hội An, tăng gần 200% so với 10 năm trước và ngành du lịch - dịch vụ - thương mại chiếm tỷ trọng 70% tổng giá trị sản xuất của thành phố.

Thủ tướng nhấn mạnh cần xây dựng Hội An phát triển bền vững và lấy văn hóa, con người làm nhân tố trung tâm quyết định trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội (ảnh: VGP/Quang Hiếu).
Thủ tướng nhấn mạnh cần xây dựng Hội An phát triển bền vững và lấy văn hóa, con người làm nhân tố trung tâm quyết định trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội (ảnh: VGP/Quang Hiếu).

Hội An tiếp tục được bè bạn gần xa yêu mến, thương hiệu du lịch Hội An ngày càng được khẳng định trên bản đồ du lịch thế giới.

Với tình cảm dành cho Hội An, Thủ tướng tặng nhân dân Hội An hai câu thơ ứng khẩu:

“Hôm nay về lại Hội An/Tình người, tình đất ngập tràn trong tim”. Nhân dịp này, Thủ tướng chia sẻ tầm nhìn về phát triển Hội An.

Đó là Hội An phải phấn đấu trở thành đô thị cổ du lịch hàng đầu trong khu vực và thế giới.

Với tiềm năng, lợi thế và uy tín, thương hiệu Hội An, một điểm đến hấp dẫn trong tam giác di sản văn hóa thế giới Huế-Hội An-Mỹ Sơn, với sự thuận lợi về giao thông, cả đường bộ, đường sông, đường biển;

Cùng với truyền thống mở cửa và khả năng chủ  động hội nhập sâu rộng được tích lũy, được kế thừa suốt chiều dài lịch sử, Hội An hoàn toàn có thể nắm bắt những cơ hội để bứt phá vươn lên mạnh mẽ hơn.

Xây dựng Hội An thành thành phố văn hóa du lịch tầm cỡ quốc tế ảnh 2Thủ tướng: "Không để tháng Giêng đủng đỉnh ăn chơi”

Thủ tướng cho rằng một yêu cầu đặt ra cho Hội An là vừa kế thừa có chọn lọc những tinh hoa, tri thức, tinh thần cách mạng, kinh nghiệm, thành quả của các thế hệ đi trước, đồng thời phải nắm được lợi thế, thời cơ, đề ra những phương hướng nhiệm vụ phát triển, xác định nguồn lực để thúc đẩy Hội An trở thành một đô thị sinh thái, văn hóa, du lịch, năng động, giàu bản sắc, hiện đại và bền vững trong thời kỳ mới.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu Hội An giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với gìn giữ bảo vệ môi trường, giữa phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa, giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội.

Trong cơ cấu kinh tế của Hội An, nhóm ngành du lịch dịch vụ, thương mại giữ vai trò chủ lực.

Phát triển mạnh mẽ các loại hình du lịch, khai thác lợi thế các làng nghề, di tích phố cổ, sinh thái và cộng đồng để mọi người dân đều được hưởng lợi từ sự tăng trưởng này.

Xây dựng văn hóa kinh doanh, dịch vụ trong mỗi gia đình, mỗi cá nhân, từng doanh nghiệp, vì sự phát triển bền vững, góp phần bảo vệ và vinh danh thương hiệu, uy tín Hội An trong cả nước và quốc tế.

Hội An cần chú trọng thế mạnh, tiềm lực của mối quan hệ liên vùng của toàn khu vực miền Trung để phát triển;

Phải tăng cường liên kết, hợp tác với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, nhất là khai thác tối đa lợi thế tam giác di sản văn hóa Huế-Hội An-Mỹ Sơn.

Xây dựng Hội An thành thành phố văn hóa du lịch tầm cỡ quốc tế ảnh 3Bộ Ngoại giao cần khắc phục tình trạng trên nóng dưới lạnh

Quyết tâm xây dựng Hội An thành thành phố sinh thái, văn hóa du lịch tầm cỡ quốc tế.

“Tôi đề nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, các bộ, ngành của Trung ương, quan tâm hỗ trợ Hội An xây dựng và trình duyệt quy hoạch chung về phát triển Hội An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Đề án về cơ chế chính sách đặc thù, bảo tồn phát triển, phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An, tạo cơ sở và động lực thúc đẩy cho thành phố phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian đến”, Thủ tướng nói.

Xây dựng Hội An phát triển bền vững và lấy văn hóa, con người làm nhân tố trung tâm quyết định trong quá trình phát triển kinh tế xã hội.

Một thành công lớn của Hội An trong những năm qua là đặt con người vào vị trí trung tâm trong quá trình phát triển, xác lập vai trò chủ thể của người dân trong sáng tạo, tự nguyện tham gia và được hưởng lợi từ các hoạt động văn hóa du lịch mang lại.

Chúng ta cần tiếp tục ưu tiên phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao hơn nữa lợi ích, trách nhiệm của người dân và xem đây là yếu tố hàng đầu trong phát triển bền vững của du lịch Hội An.

Trước mắt cũng như lâu dài, phải đặc biệt chú trọng, gìn giữ phát huy những bản sắc tốt đẹp của con người Hội An, xứng đáng là chủ nhân của di sản văn hóa thế giới, của thành phố anh hùng.

Phố cổ thực sự chỉ có hồn, Hội An thực sự là điểm đến hấp dẫn khi chủ nhân của nó, những con người Hội An thực sự là con người văn hóa.

Điều này thể hiện trước hết trong nhận thức và hành vi ứng xử tốt đẹp đối với Di sản văn hóa mà ông cha tạo dựng, đối với tài nguyên sinh thái nhân văn, đối với cộng đồng xã hội, đối với du khách và đối với bản thân mình.

Mặt khác phải tạo môi trường thuận tiện, nuôi dưỡng và khích lệ, khai phóng tư duy, nâng tầm trí tuệ, khơi dậy tiềm năng của mỗi cá nhân, mỗi tập thể lao động và của cả cộng đồng.

Thủ tướng bày tỏ vui mừng được biết, hiện nay Hội An là địa phương đi đầu trong tỉnh Quảng Nam cơ bản xóa hết được hộ nghèo.

Thành phố có nhiều cố gắng thu hẹp khoảng cách giữa vùng đô thị và nông thôn, hải đảo, tạo điều kiện công bằng cho mọi thành viên trong cộng đồng được hưởng lợi từ du lịch.

Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý rằng, trong thực tế, vẫn còn những phận đời bất hạnh, những hoàn cảnh khó khăn những gia đình cận nghèo và có nguy cơ tái nghèo, những hộ đang sống bằng bảo trợ xã hội cần được quan tâm, chung tay giúp đỡ.

Trước đó, chiều 24/3, tại TP. Tam Kỳ, dự cuộc gặp mặt nhân kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam (24/3/1975-24/3/2018), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết thông tin phấn khởi là quý I/2018, tăng trưởng GDP có thể đạt 7,41% và với đà này, nếu “vững vàng tay lái” và không có sự cố lớn thì khả năng tăng trưởng cả năm có thể đạt 6,7% trở lên.

Thủ tướng cho biết Chính phủ không chỉ lo phát triển kinh tế mà lo cả vấn đề xã hội, lo an sinh xã hội, văn hóa… để đất nước phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng triển khai quyết liệt phòng chống tham nhũng, tiêu cực với việc xử lý một số cán bộ cấp cao thời gian qua, kể cả đã nghỉ hưu, để lấy lại niềm tin cho nhân dân.

Nhắc lại lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Chính phủ với địa phương vào cuối năm 2017 là “không ngủ quên trên vòng nguyệt quế”, Thủ tướng cho rằng đây mới là kết quả bước đầu bởi đất nước còn khó khăn, khả năng chống chịu của nền kinh tế trước biến động của thế giới còn yếu.

Do đó, không thể chủ quan.

Đối với Quảng Nam, Thủ tướng nhìn nhận tỉnh có bước phát triển toàn diện, vượt bậc. Năm 2017, Quảng Nam là tỉnh thứ 14 có đóng góp ngân sách cho Trung ương.

Tỉnh đã tìm được trụ cột của sự phát triển và đã quyết tâm phát huy các lợi thế so sánh của mình như về công nghiệp cơ khí, du lịch, dịch vụ…

Gợi mở về tầm nhìn cho Quảng Nam đến năm 2025, Thủ tướng cho rằng tỉnh cần phấn đấu tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế trong vòng 5 năm tới, trở thành tỉnh khá giả về thu nhập vào năm 2025, cùng với tỉnh Quảng Ngãi, thành phố Đà Nẵng tạo nên một cực tăng trưởng có sức lan tỏa về công nghiệp hiện đại, nông nghiệp thông minh, du lịch phát triển.

Ba lĩnh vực này đóng vai trò dẫn dắt xu hướng phát triển có tính chất bao trùm, bền vững của khu vực.

“Chúng ta đặt vấn đề một cực tăng trưởng mới với 3 địa phương có đủ điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hòa:

Có đường cao tốc, có đường ven biển, có cảng biển, có khu vực kinh tế, khu công nghiệp, có sân bay, bến cảng, con người cần cù”, Thủ tướng nói và cho rằng sự kết hợp giữa 3 địa phương tương đối tốt, đồng bộ.

Thủ tướng cũng cho rằng Quảng Nam cần xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh; giữ vững đường lối cách mạng, giữ vững lập trường giai cấp, không để chệch hướng, chạy theo đồng tiền;

Chống các nguy cơ tụt hậu, diễn biến hòa bình, tham nhũng, nguy cơ mất niềm tin, nhất là trong lớp trẻ.

Tỉnh cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn nữa, giải phóng sức sản xuất; tập trung vào các khâu đột phá về hạ tầng, nguồn nhân lực, thể chế chính sách, “cứ bình bình, không có gì mới mẻ thì khó phát triển”, Thủ tướng lưu ý.

“Cuối cùng, tôi muốn nói về đoàn kết, thống nhất trên tinh thần khát vọng phát triển. Anh làm cán bộ, lãnh đạo, dù là bí thư huyện ủy hay giám đốc sở thì phải có khát vọng đưa huyện anh, sở anh, thành phố của anh phát triển.

Sáng cắp ô đi, tối cắp về, chẳng có gì thay đổi cả thì làm sao có thể phát triển tỉnh nhà”, Thủ tướng nhấn mạnh và mong muốn cấp ủy, chính quyền tỉnh Quảng Nam phải gần dân, luôn hướng về người dân.

Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm hỏi, tặng quà bà mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Tặng và ông Huỳnh Hoặc, đảng viên 55 tuổi đảng ở xã Cẩm Thanh, TP. Hội An, Quảng Nam.

Như hải