Xuân về, xem đám cưới của người Dao Đỏ

19/01/2019 08:32
Tùng Dương
(GDVN) - Người Dao Đỏ theo tục lệ từ xưa là cha mẹ tự tìm cho con trai của mình một người con gái Dao Đỏ làm vợ. Cả cô dâu và chú rể hoàn toàn không biết mặt nhau.

Lên Sa Pa vào dịp trước và sau Tết âm lịch, bạn nên vào xã Tả Phìn và nếu may mắn có thể được dự một đám cưới của người dân tộc Dao Đỏ.

Tôi đã may mắn được dự đám cưới trong 3 ngày của chú rể tên là Lý Quẩy Phú và cô dâu là Chảo Mẩy Khé hơn chú rể 1 tuổi. Nhà chú rể ở bản Tả Phìn, còn cô dâu ở bản Khoang cách xa gần 20 km.

Người Dao Đỏ theo tục lệ từ xưa là cha mẹ tự tìm cho con trai của mình một người con gái Dao Đỏ làm vợ.

Nếu thấy cô gái Dao Đỏ nào xinh xắn, cha mẹ bên nhà trai sẽ tìm hiểu về người con gái đó, xem có hợp với con trai của họ không.

Sau khi thấy cô gái đó hợp với con trai họ và được sự nhất trí của bố mẹ bên cô gái, hai nhà sẽ làm lễ ăn hỏi và thường là lễ ăn hỏi diễn ra trước đám cưới một năm.

Lúc này, cô gái và chàng trai hoàn toàn không biết mặt nhau vì họ ở cách xa nhau cả ngày đi bộ. Chỉ những gia đình nào ở cùng bản thì chàng trai và cô gái mới biết mặt nhau.

Cô dâu người dân tộc Dao Đỏ Chảo Mẩy Khé cùng hai bạn phù dâu trong đám cưới. Ảnh: Tùng Dương.
Cô dâu người dân tộc Dao Đỏ Chảo Mẩy Khé cùng hai bạn phù dâu trong đám cưới. Ảnh: Tùng Dương.

Nhưng trong vòng một năm trước khi làm đám cưới, hai người không được đi chơi hay nói chuyện với nhau vì tục lệ không cho phép.

Nếu trước khi làm đám cưới mà hai người hay đi chơi cùng nhau thì sẽ bị dân bản đánh giá đạo đức không tốt.

Để chuẩn bị cho đám cưới, bên nhà trai phải nuôi khoảng 10 con lợn, vài chục con gà, nấu sẵn hàng trăm lít rượu và thóc gạo để làm cỗ.

Người Dao Đỏ thường coi công việc của một gia đình trong bản như việc của chính gia đình mình.

Nếu một nhà nào trong bản có việc, mọi người tự đem gà, rượu, lợn, thóc lúa đến giúp, nhà có việc sẽ ghi lại và sau nhà đó có việc họ lại đem lại đúng những thứ mà nhà kia đã giúp họ lúc trước.

Về phía nhà gái, sau đám ăn hỏi thì cô gái sẽ không phải làm bất cứ một công việc gì trong gia đình, công việc duy nhất trong lúc này là ở nhà chăm chỉ dệt vải, thêu quần áo để chuẩn bị cho ngày cưới.

Đoàn đưa cô dâu về nhà chồng trong ngày cưới. Ảnh: Tùng Dương.
Đoàn đưa cô dâu về nhà chồng trong ngày cưới. Ảnh: Tùng Dương.

Quần quần áo của cô dâu Dao Đỏ mặc trong ngày cưới rất đẹp và cầu kì, do cô dâu tự tay làm, vì thế phải vài tháng mới xong.

Đến ngày cưới, nhà gái sẽ thịt lợn làm cỗ mời họ hàng, bạn bè đến ăn cơm từ buổi sáng. Cỗ bên nhà gái thường đơn giản và chỉ khoảng chục mâm.

Cỗ nhà trai thì ngược lại, như đám cưới này bố chú rể cho biết: “Nhà tôi thịt 7 con lợn mỗi con nặng 200 kg, gần 100 con gà mỗi con 2 kg, 200 lít rượu thóc, khoảng gần 100 kg gạo và vót 800 đôi đũa nhuộm màu đỏ.

Cỗ cưới phải dùng đũa màu đỏ, tổng cộng khoảng gần 100 mâm cỗ, họ nhà trai ăn trước một ngày.

Ngày đón dâu, nhà trai cử hai người đến nhà gái để đón cô dâu về. Hai người đi đón dâu ăn mặc bình thường và có nhiệm vụ duy nhất là dẫn đường cho nhà gái đến nhà trai.

Đoàn nhà gái khoảng 30 người gồm bố mẹ cô dâu, anh em, bạn bè sẽ cùng đưa cô dâu về nhà chồng.

Nhạc công của đoàn nhà gái đưa cô dâu về nhà chồng. Ảnh: Tùng Dương.
Nhạc công của đoàn nhà gái đưa cô dâu về nhà chồng. Ảnh: Tùng Dương.

Đoàn đưa dâu ăn mặc bình thường và đi trong im lặng nên người ngoài nhìn vào sẽ không biết đó là đám đưa dâu. Khi nhà gái đến cách nhà chú rể khoảng 1 km thì cả đoàn dừng lại bên đường để thay quần áo đẹp.

Lúc này cô dâu mới thay trang phục cưới là bộ quần áo truyền thống của người Dao Đỏ, đeo vòng và thắt lưng bằng bạc trắng.

Cô dâu cầm một chiếc ô có quấn vải đỏ. Nhạc công duy nhất của nhà gái quấn một băng vải đỏ trước ngực và thổi kèn.

Cả đoàn đi trong tiếng kèn tiến về nhà trai. Bố mẹ cô dâu  vào nhà trai trước cả đoàn, uống rượu, ăn cỗ cùng bố mẹ chú rể.

Đến gần cổng nhà trai khoảng 100m, đoàn nhà gái dừng lại làm lễ, cô dâu sẽ ngồi xuống để họ nhà gái phủ vải, khăn và những đồ mà cô dâu may trong một năm qua lên người, tất cả mọi thứ được chùm kín lên đầu.

Lúc này nhà trai cử một đoàn khoảng mười người từ trong nhà ra đón nhà gái. Người quấn băng đỏ trước ngực hay còn gọi là chủ hôn cùng một người đánh trống, một người thổi kèn đồng và một người cầm thanh la bằng đồng.

Trong lúc nhà gái làm lễ phủ vải đỏ thì những nhạc công kia đi vòng quanh để đánh trống, thổi kèn, người nào mệt thì ra uống rượu, hút thuốc lào và có người khác vào thay ngay.

Sau khoảng 2 giờ đồng hồ thì kết thúc lễ phủ khăn, lúc này cả đoàn cùng cô dâu tiến vào nhà chú rể trong tiếng kèn trống rộn ràng.

Theo quan niệm của người Dao Đỏ, cô dâu chỉ được phép vào nhà từ lúc mặt trời mọc cho đến trưa, buổi chiều tuyệt đối không được vào nhà.

Hầu hết các đám đón dâu đều đi bộ đường núi, đường rừng nên nếu ở xa thì cô dâu phải đi từ lúc 2h sáng để kịp đến nhà chú rể vào lúc mặt trời mọc.

Trong đám cưới này, cô dâu sau khi đã vào đến sân nhà trai nhưng vẫn chưa được bước qua cửa để vào nhà.

Nhà trai đã chuẩn bị một chiếc giường được quây bạt kín để cô dâu và phù dâu ở qua đêm ngoài sân trong khi hai họ ăn cỗ uống rượu.

Đến 2 giờ sáng, sau khi thầy Mo làm lễ cúng thì cô dâu mới được vào trong nhà. Đến lúc này, cô dâu và chú rể mới biết mặt nhau.

Ngày hôm sau, nhà trai mời tất cả đoàn nhà gái ở lại ăn cỗ thêm một ngày nữa rồi mới cho về, trước khi về, mỗi người trong đoàn nhà gái sẽ được bố chú rể tặng cho 1kg thịt lợn.

Đích thân chú rể phải tự tay đan hai chiếc rọ bằng tre để tặng bố mẹ vợ mang thịt về.

Ông Lý Phù Siệu, bố của chú rể nói: “Ngày xưa hồi tôi cưới vợ cũng thế, bố mẹ gả vợ chứ có tìm hiểu gì đâu. Sau khi đám cưới tan, nhà gái về hết, lúc đó tôi thấy một cô gái cứ ngồi ở ghế mà không về, ra hỏi thì mới biết cô gái đó là vợ mình”.

Những hình ảnh độc đáo trong đám cưới của người Dao Đỏ:

Gà luộc hàng trăm con để bày cỗ cưới bên nhà chú rể. Ảnh: Tùng Dương.
Gà luộc hàng trăm con để bày cỗ cưới bên nhà chú rể. Ảnh: Tùng Dương.
Những bức chướng có dán thêm tiền và viết lời chúc phúc cho cô dâu chú rể treo trên vách nhà chú rể. Ảnh: Tùng Dương.
Những bức chướng có dán thêm tiền và viết lời chúc phúc cho cô dâu chú rể treo trên vách nhà chú rể. Ảnh: Tùng Dương.
Những người phụ nữ Dao Đỏ đang dự cỗ cưới bên nhà chú rể. Ảnh: Tùng Dương.
Những người phụ nữ Dao Đỏ đang dự cỗ cưới bên nhà chú rể. Ảnh: Tùng Dương.
Thịt lợn và rượu đã chuẩn bị sẵn để làm cỗ bên nhà chú rể. Ảnh: Tùng Dương.
Thịt lợn và rượu đã chuẩn bị sẵn để làm cỗ bên nhà chú rể. Ảnh: Tùng Dương.
Cô dâu đang làm lễ phủ khăn bên ngoài cổng nhà chú rể. Ảnh: Tùng Dương.
Cô dâu đang làm lễ phủ khăn bên ngoài cổng nhà chú rể. Ảnh: Tùng Dương.
Họ nhà chú rể ra mời rượu đoàn nhà cô dâu trong lúc đợi lễ phủ khăn. Ảnh: Tùng Dương.
Họ nhà chú rể ra mời rượu đoàn nhà cô dâu trong lúc đợi lễ phủ khăn. Ảnh: Tùng Dương.
Đoàn đưa cô dâu tiến vào nhà chú rể sau khi được phép của thầy Mo. Ảnh: Tùng Dương
Đoàn đưa cô dâu tiến vào nhà chú rể sau khi được phép của thầy Mo. Ảnh: Tùng Dương
Nhà chú rể cử một đoàn ra tận cổng đón cô dâu vào nhà. Ảnh: Tùng Dương.
Nhà chú rể cử một đoàn ra tận cổng đón cô dâu vào nhà. Ảnh: Tùng Dương.
Anh trai cô dâu làm lễ bỏ khăn choàng đầu khi cô dâu đã vào đến nhà chú rể. Ảnh: Tùng Dương.
Anh trai cô dâu làm lễ bỏ khăn choàng đầu khi cô dâu đã vào đến nhà chú rể. Ảnh: Tùng Dương.
Bố mẹ chú rể (bên trái) Bố mẹ cô dâu (bên phải) cùng chú rể Lý Quẩy Phú và cô dâu là Chảo Mẩy Khé. Ảnh: Tùng Dương.
Bố mẹ chú rể (bên trái) Bố mẹ cô dâu (bên phải) cùng chú rể Lý Quẩy Phú và cô dâu là Chảo Mẩy Khé. Ảnh: Tùng Dương.

Thông tin cần biết:

1.  Bản Tả Phìn ở SaPa có hơn 250 hộ với 2600 nhân khẩu trong đó chiếm 1/3 dân số trong bản là người Dao Đỏ.

2.  Theo tục lệ cũ thì đám cưới thường diễn ra trong 7 ngày, nay theo phong tục mới nên diễn ra trong 3 ngày.

3.  Tục lệ của người Dao Đỏ là trong ngày cưới cô dâu tự đến nhà chồng chứ chú rể không đi đón.

4.  Từ trung tâm thị trấn SaPa đến bản Tả Phìn khoảng 20 km.

Tùng Dương