3 câu hỏi chất vấn GS Nguyễn Lân Dũng khiến độc giả "mất ăn, mất ngủ"

18/05/2013 07:19
Ngô Khởi
(GDVN) - Tại sao: Xã hội vẫn còn đầy rẫy những xấu xa, tiêu cực như thế?! Đạo đức ngày càng suy đồi tới mức báo động như thế?! Còn chúng ta: Sao lại bất lực đến thế?! - Độc giả Ngô Khởi trăn trở đến "mất ăn, mất ngủ" sau khi đọc bài viết "Rất nhiều người Việt ham tiền, vô cảm, hèn nhát" của GS Nguyễn Lân Dũng.
LTS:Những bài viết của các vị Giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa... phân tích về sức mạnh và điểm yếu của người Việt đăng tải trên chuyên mục "Vì khát vọng Việt" tiếp tục nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ độc giả. Báo điện tử Giáo dục Việt Nam xin trích đăng nguyên văn bài viết "Người Việt xấu ở đâu ra?" của độc giả Ngô Khởi (Hà Nội), xung quanh chủ đề này:

Dù đang còn phải mải mê trong cái guồng quay của cơm – áo – gạo – tiền… nhưng cũng như GS Nguyễn Lân Dũng, rất nhiều người dân Việt Nam không thể không đau xót trước thực trạng đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, tới mức báo động như hiện nay.

Việc GS khẳng khái, không e dè kiêng nể, lớn tiếng phê phán những thói hư tật xấu đang lũng đoạn xã hội thật đáng được dư luận trân trọng và cảm phục. Mong sao có thêm nhiều hơn nữa tiếng nói của những con người quả cảm, cùng nhau gióng lên hồi chuông giận dữ, làm cho cái xấu phải chùn bước. Để đến một ngày kia không xa chúng sẽ buộc phải nhường chỗ hoàn toàn cho văn minh, tiến bộ và phát triển.

Tuy nhiên, có lẽ cũng cần bàn thêm một chút về những gì được gọi là thói xấu. Và đặc biệt: Đâu là nguyên nhân của những thói xấu đó?

Theo GS, có 5 thói xấu tiêu biểu của không ít người Việt: ham tiền; hiếu danh; coi thường danh dự; vô cảm và hèn nhát; coi nhẹ ý nghĩa “đồng bào”.

Hãy tạm gác sang bên vấn đề tiêu biểu. Hai thói xấu đầu tiên là ham tiền, hiếu danh có vẻ chưa thật thuyết phục.

Thiết nghĩ: con người ta sinh ra, tồn tại trên đời chẳng qua cũng chỉ vì hai chữ Danh -Lợi. Nếu chẳng phấn đấu vì Danh (hiếu danh) sao có những người xả thân vì nghĩa, cứu giúp, dẫn dắt nhân loại tới ngày tươi sáng, để lại tiếng thơm muôn thủa? Nếu chẳng phấn đấu vì Lợi (ham tiền) hỏi còn có ai quyết chí làm giàu, làm ra thật nhiều của cải vật chất, mang lại ấm no, hạnh phúc cho bản thân, gia đình và toàn xã hội?

Cái Công cuộc tìm kiếm Danh - Lợi phải chăng chính là sự Vươn lên khẳng định bản thân của mỗi cá nhân con người trước cộng đồng xã hội. Đó là những công cuộc Cao quý, là những chiếc đòn bẩy Vô giá thúc đẩy sự tiến lên không ngừng của loài người.

Gia đình nhà giáo Nguyễn Lân (trong đó có GS Lân Dũng) chẳng phải là một tấm gương sáng về sự phấn đấu làm vang danh cho cả một dòng họ?

Khát khao Danh - Lợi mang lại vinh quang, giàu có và hạnh phúc. Ngược lại, đó cũng chính là nỗi bất hạnh, niềm đau khổ khôn nguôi của nhân loại: Nào là sự tàn sát đẫm máu của biết bao cuộc chinh chiến; nào là giả dối, lừa lọc; nào là tàn bạo, độc ác đến mất hết nhân tính… Tất cả cũng chỉ vì tranh đoạt Danh - Lợi.

Thế nên có thể nói: Con người ta cần tự rèn luyện, phấn đấu để làm nên danh tiếng (chính danh) chứ không phải mua danh, cướp danh (hư danh); cần làm ra tiền bạc một cách chân chính chứ không phải tham nhũng, trộm cướp, lừa đảo.

Đáng thương thay: Ngày nay, cái Danh phần nhiều là hư danh, cái Lợi phần nhiều là lợi bất chính!

Về nguyên nhân của thói xấu, GS thống kê 5 lý do: Ảnh hưởng xấu của kinh tế thị trường; thiếu dân chủ; cha mẹ coi nặng tiền bạc hơn giáo dục con cái; quan lại thiếu gương mẫu; Không trọng dụng người tài.

Rất hay!

Nhưng đã trúng chưa?

Theo tôi, hình như vẫn chưa thì phải.

Vẫn chỉ là những biểu hiện bề ngoài, những hậu quả tất yếu mà thôi.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Vậy: Căn nguyên ở đâu mà ra?

Thứ nhất:

Một Quốc gia, suy cho cùng cũng chỉ là hình ảnh lớn hơn của một huyện, một xã, một công ty… thậm chí một gia đình. Con cái có ngoan không, đa phần là ở cha mẹ. Doanh nghiệp muốn phát triển nhanh chóng và bền vững thì trước hết chủ doanh nghiệp đó phải là người tài giỏi, đức độ.

Huống hồ là một nước!

Cha mẹ nuôi dạy con bằng Gia phong là để kỳ vọng chúng trưởng thành, để sau này mở mày, mở mặt với đời.

Cũng như vậy: Quốc pháp không chỉ đơn thuần, và càng không bao giờ chỉ để trị dân (theo nghĩa trừng phạt). Cái gốc của Quốc pháp là để nuôi dân, cũng là cái Cốt yếu Số một của bất kỳ một Quốc gia nào mong muốn tồn tại và phát triển.

Nuôi dân là thế nào?

Nuôi không có nghĩa chỉ cho miếng cơm, manh áo hàng ngày.

Nuôi dân là tạo ra trên cả nước một môi trường sống thuận lợi, lành mạnh, tiến bộ… Được đảm bảo bằng Pháp luật (Quốc pháp). Để toàn dân được bình đẳng trước Pháp luật, được tự do phát triển và mưu cầu hạnh phúc cá nhân với đầy đủ các nghĩa vụ và quyền lợi chính đáng về chính trị, kinh tế, văn hóa… Để con người được sống đoàn kết, thân ái với nhau, được cùng nhau xây dựng một xã hội thực sự dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Còn nhớ ở Thủ đô cách đây chừng hai chục năm, khi mà hệ thống thoát nước hầu hết là những cống rãnh nổi, toàn dân đều «đi ị» ở những hố xí công cộng, lộ thiên. Thì eo ôi: Mùi ơi là mùi! Và đặc biệt: gián chuột, ruồi muỗi nhiều vô kể! Giờ nghĩ lại vẫn còn kinh!

Chính nhờ hệ thống cống ngầm chắc chắn, kín kẽ; những WC tự hoại sạch sẽ, thơm tho đã khiến ruồi muỗi, gián chuột không thể sinh sôi, nảy nở, không còn cơ hội để gây tội ác.

Ngày nay thói xấu còn nhiều hơn cả ruồi muỗi, gián chuột cách đây 20 năm. Nó đang tung hoành khắp mọi nơi: Từ miền xuôi lên miền ngược, từ nông thôn ra thành thị, từ bệnh viện tới trường học, từ trung ương đến địa phương…

Nó không từ một nơi nào!

Nào nạn tham nhũng đã đến cực điểm; nào quan lại ăn chơi sa đọa, đè nén, áp bức dân lành; nào CSGT ăn tiền mãi lộ; nào y bác sỹ đánh mất lương tâm; nào mua quan bán chức, mua bán bằng cấp ; nào mại dâm, ma túy, trộm cướp; nào vị thành niên – sát thủ máu lạnh; nào hàng giả hàng nhái, thực phẩm thiu thối đầu độc cộng đồng; nào buôn gian bán lận, giả dối, lươn lẹo, lừa lọc; nào tàn phá tài nguyên, môi trường…

Chao ôi! Thói xấu đang làm ta đau đớn ê trề! Khiến ta ghê sợ hơn cả dịch hạch, dịch tả, dịch sốt xuất huyết!

Nó đang cười nhạo trên mũi ta, tè lên Đầu ta!

Nó đang đắc ý!

Dường như Nó đang muốn ăn tươi nuốt sống, muốn hủy hoại cả một Dân tộc!

Thế là tại làm sao?

Xin thưa : QUỐC PHÁP đấy ạ!

Sao ta chẳng có những Cơ chế làm sạch môi trường để tiêu diệt thói hư, tật xấu như đã từng làm với lũ ruồi muỗi, gián chuột nhỉ?!

Xưa kia, thời Chiếm hữu nô lệ, thời Phong kiến, Luật pháp là công cụ chủ yếu để bảo vệ quyền lợi cho giai cấp thống trị và đàn áp nhân dân.

Ngày nay ta vẫn nói, Luật pháp của chúng ta dựa trên những Tiêu chí tối thượng: CỦA DÂN, DO DÂN, VÌ DÂN.

Nhưng những người thực thi Pháp luật đã thực sự làm được như vậy chưa?

Nếu rồi, thì tại sao:

Xã hội vẫn còn đầy rẫy những  xấu xa, tiêu cực như thế?!

Đạo đức ngày càng suy đồi tới mức báo động như thế?!

Còn chúng ta: Sao lại bất lực đến thế?!

Xin GS Lân Dũng và tất cả mọi người, chúng ta hãy cùng suy ngẫm.

* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi
Ngô Khởi