Ca sĩ Vũ Thắng Lợi: “Có trân trọng, yêu quý nhau mới tặng sách”

23/09/2015 07:11
Mai Anh
(GDVN) - “Mỗi khi nhận được một quyển sách với lời đề tặng cho chính mình, tôi rất xúc động vì biết người tặng đang mong muốn, kỳ vọng và gửi gắm gì ở mình..."

Sinh ra trong một gia đình nghèo tại dải đất miền Trung, cả nhà không ai hoạt động nghệ thuật nhưng với niềm đam mê và nỗ lực rèn luyện không ngừng, Vũ Thắng Lợi - Á quân phong cách nhạc thính phòng Sao Mai 2011 đã gặt hái được những thành công mà bất cứ ca sĩ nào cũng mong muốn.

Tuy nhiên Vũ Thắng Lợi xác định, danh hiệu chỉ là bước khởi đầu. Điều chàng ca sĩ này mong muốn là mang hơi thở mới vào những ca khúc nhạc đỏ, nhạc cách mạng để thu hút nhiều hơn sự yêu mến quan tâm của khán giả, nhất là khán giả trẻ.

Á quân dòng nhạc thính phòng Sao Mai 2011 chia sẻ, danh hiệu chỉ là bước khởi đầu trong cả chặng đường nghệ thuật anh đang theo đuổi.
Á quân dòng nhạc thính phòng Sao Mai 2011 chia sẻ, danh hiệu chỉ là bước khởi đầu trong cả chặng đường nghệ thuật anh đang theo đuổi.

Đam mê làm nên nghệ thuật cho người ca sĩ

- Xuất phát điểm trong một gia đình không ai làm nghệ thuật, vì sao Thắng Lợi lại chọn con đường ca hát?

Ca sĩ Thắng Lợi: Tôi có niềm đam mê âm nhạc từ bé, đặc biệt là nhạc cách mạng. Ước mơ duy nhất của tôi ngày bé là được đứng trên sân khấu và tỏa sáng. 

- Làm thế nào để anh có thể nuôi dưỡng đam mê của mình cho đến ngày nay?

Ca sĩ Thắng Lợi: Ngày ấy, mỗi khi có dịp nghe các ca khúc cách mạng truyền thống từ băng, đĩa nhạc hay nghe qua loa phát thanh từ đầu làng, tôi phải tìm bằng được đĩa nhạc, bản nhạcđó để hát theo từng tiết tấu, giai điệu. 

Sau đó, tôi đăng ký tham gia các cuộc thi từ nhà trường cho tới cấp thành phố, thậm chí ra tới Hà Nội tham gia các cuộc thi giọng hát trẻ… 

Vũ Thắng Lợi cho biết anh đam mê ca hát từ nhỏ đặc biệt nhạc cách mạng.
Vũ Thắng Lợi cho biết anh đam mê ca hát từ nhỏ đặc biệt nhạc cách mạng.

Ba mẹ không có điều kiện cho tôi theo học thanh nhạc, gần như một mình tôi tự tìm đường đi cho mình... nhưng tôi lại được nhiều người yêu quý và giúp đỡ, như thầy Gia Khánh, NSƯT Dương Minh Đức, nghệ sĩ Thanh Hoa, nhạc sĩ Xuân Thủy... và bạn bè. Với tôi đó là một may mắn rất lớn.

Ca sĩ Vũ Thắng Lợi sinh năm 1985 tại TP.Vinh (Nghệ An). Các giải thưởng: Giải nhất liên hoan Giọng hát hay Hà Nội T5/2008; Giải ba cuộc thi Tiếng hát mùa thu và Giải Người thể hiện hay nhất ca khúc về Hà Nội T8/2008; Giải nhì dòng nhạc Thính phòng Sao mai 2011.

Các thầy cô đã chỉ dẫn tôi rất nhiệt tình và tâm huyết trong cả sự nghiệp lẫn cuộc sống. Những tình cảm yêu thương ấy không có gì báo đáp được nên tôi luôn tự nhủ, tôi sẽ luôn cố gắng, luôn phấn đấu để không phụ công mọi người. 

- Nhưng sao anh lại lựa chọn dòng nhạc thính phòng – trữ tình, một thể loại âm nhạc không những khó về mặt kỹ thuật mà còn kén người nghe?

Ca sĩ Thắng Lợi: Đơn giản đó là niềm đam mê và con đường tôi đã chọn ngay từ khi bước vào nghệ thuật. Ai cũng có tính cách riêng, trong âm nhạc tính cách quyết định lựa chọn dòng nhạc phù hợp. Cá tính của tôi phù hợp với dòng nhạc này.

Với thính phòng – trữ tình, tôi nghĩ để hát được và thành công đòi hỏi rất nhiều yếu tố, trong đó người hát phải được đào tạo qua trường lớp, phải thể hiện được cung bậc cảm xúc, thể hiện sự chững chạc, cần sự trải nghiệm của cuộc sống…

- Nhiều bạn bè anh đã rất nổi tiếng khi chọn theo dòng nhạc dễ dàng hơn, như dòng nhạc thị trường, anh có thấy con đường mình đi khó khăn quá không?

Ca sĩ Thắng Lợi: Dòng nhạc nào cũng có thị trường của riêng nó, cũng giống như một bữa tiệc sẽ có rất nhiều món ăn khác nhau, khán giả có thể lựa chọn những món mà họ yêu thích. 

Thắng Lợi nghĩ, khi xác định được con đường đi của mình, bản thân mỗi người đều phải có một đam mê. Đam mê làm nên nghệ thuật của người nghệ sĩ. 

Theo ca sỹ Vũ Thắng Lợi, đam mê làm nên chất nghệ thuật ở người nghệ sĩ.
Theo ca sỹ Vũ Thắng Lợi, đam mê làm nên chất nghệ thuật ở người nghệ sĩ.

Khi mình hát hết mình, hát bằng tâm hồn mình, tức là mình luôn dành nhiều tình cảm và sự đầu tư tới tác phẩm của mình, đau đáu với nó, chắc chắn khán giả sẽ hiểu được và cảm nhận được điều đó. 

Thổi hơi thở đương đại vào nhạc đỏ, nhạc thính phòng

- Trước Thắng Lợi, đã có không ít “cây đại thụ” thành công với dòng nhạc đỏ, nhạc thính phòng như NSND Quang Thọ, NSƯT Tạ Minh Tâm… Vũ Thắng Lợi đang làm gì để khẳng định vị trí của mình?

Ca sĩ Thắng Lợi: Tôi cho rằng, ảnh hưởng của những nghệ sĩ gạo cội đi trước là không thể tránh khỏi bởi những bài hát tôi thể hiện vẫn là bài hát từ xưa, không có tác phẩm mới. Mặt khác, khi nghệ thuật đạt đến đỉnh cao nhất định thì khó có thể thay đổi được. 

Tôi cũng không ngại khi tác phẩm mình thể hiện được khán giả so sánh với nghệ sĩ đi trước nhưng quan trọng nhất mỗi tác phẩm mình hát phải thể hiện được cái tôi của mình. 

Với giọng ca của Vũ Thắng Lợi, những ca khúc đã mang hơi thở thời đại mới, thời đại xây dựng đất nước hòa bình ấm no, hạnh phúc.
Với giọng ca của Vũ Thắng Lợi, những ca khúc đã mang  hơi thở thời đại mới, thời đại xây dựng đất nước hòa bình ấm no, hạnh phúc.

So với các nghệ sĩ bậc cha, chú trong dòng nhạc cách mạng, họ được sống và hòa mình trong không khí lịch sử, nên cách thể hiện cảm xúc sẽ khác so với ca sĩ trẻ hiện nay. 

Tuy nhiên, Thắng Lợi cũng sẽ khẳng định được thế mạnh của mình là mang hơi thở của cuộc sống ngày hôm nay vào những ca khúc mà mình thể hiện, đó là tâm thế người trẻ, của thế hệ thanh niên giàu lòng yêu nước và cống hiến. 

- Khi thử nghiệm cái mới, anh có sợ thất bại?

Ca sĩ Thắng Lợi: Tôi không sợ. Với tôi, thử cái mới là để thoát ra lối mòn cũ, tìm hướng đi riêng. 

Với âm nhạc, quan trọng nhất vẫn là cảm xúc, mình đang sống cuộc sống mới thì không có gì phải hoảng sợ, tại sao không thử một cái mới để đạt thành công mới. Điều này dĩ nhiên sẽ khó hơn nhưng cánh cửa thành công sẽ mở rộng hơn là cứ đi theo đường mòn, mà cuối đường lại có những tượng đài sừng sững.

“Có trân trọng, yêu quý nhau mới tặng sách”

- Có một thực tế là không ít các bạn trẻ theo học dòng nhạc chính thống, mặc dù tốt nghiệp đạt loại khá, giỏi nhưng lại khá chật vật tìm chỗ đứng trong thị trường âm nhạc khi ra trường, anh nghĩ đâu là nguyên nhân?

Vũ Thắng Lợi: Tôi nghĩ rằng đó là tình hình chung. Cái thiếu ở đây là “thực hành”, như người ta nói “học đi đôi với hành”. Nhà trường chỉ dạy kiến thức cơ bản, sự trải nghiệm cuộc sống mới là quan trọng nhất. 
Các bạn trẻ ngày nay còn thiếu kinh nghiệm thực tế, thiếu trải nghiệm cuộc sống.

Vũ Thắng Lợi khẳng định, nhiều bạn trẻ ngày nay còn thiếu kinh nghiệm thực tế, thiếu trải nghiệm cuộc sống.
Vũ Thắng Lợi khẳng định, nhiều bạn trẻ ngày nay còn thiếu kinh nghiệm thực tế, thiếu trải nghiệm cuộc sống.

Nếu chỉ theo lối mòn theo kiểu học xong chờ bố mẹ xin việc cho thì không thể thành công được. 

Riêng trong lĩnh vực âm nhạc, với kiến thức học ở trường rất bài bản, nếu anh theo con đường học viện thì anh có thể vẫn trung thành với lối học thuật trong trường. Nhưng khi đi hát, phải biết khán giả thích nghe cái gì và mình phải đáp ứng được điều đó. Mình không thể khô cứng áp dụng những kỹ thuật “đao to búa lớn” trong trường ra để thể hiện. 

Thay vào đó mình phải sáng tạo ra cái mới, khán giả không biết kỹ thuật âm nhạc mà họ chỉ biết anh hát như thế nào, có hay không. Anh gửi đến cảm xúc gì và người nghe cảm nhận từ trái tim người nghe. Mình phải nắm bắt được điều đó để vận dụng và phục vụ khán giả. Phải liên tục thay đổi, tìm tòi cái mới mới có thể trụ được với nghề. 

- Trên thực tế, vẫn còn rất nhiều bạn trẻ thiếu các kỹ năng mềm, kiến thức xã hội, theo anh phải chăng kiến thức trong nhà trường chưa đủ?

Vũ Thắng Lợi: Tôi không nghĩ thế. Khi có đam mê, bạn sẽ biết mình phải làm gì. Kiến thức trong nhà trường rất quan trọng, đó là nền tảng cơ bản. Còn để ứng dụng các kiến thức ấy như thế nào, đó chính là kỹ năng mềm của các bạn. Có lẽ do các bạn trẻ chưa hài hòa được giữa kiến thức sách vở nhà trường với nguồn kiến thức khác. 

Thắng Lợi nghĩ rằng kiến thức thì không bao giờ là đủ, có người học cả đời. Vấn đề là phải xác định mình học gì, học để làm gì.

"Người ta chỉ tặng sách khi yêu quý tôn trọng nhau".
"Người ta chỉ tặng sách khi yêu quý tôn trọng nhau".

Bản thân Thắng Lợi cũng thế, mỗi ngày đều dành thời gian nhất định để luyện thanh nhạc và đọc sách để trau dồi thêm kiến thức về âm nhạc của mình. Mỗi ca khúc là một câu chuyện, nếu hiểu rõ câu chuyện ấy, chắc chắn mình sẽ truyền tải được cảm xúc chân thật nhất đến người nghe. 

- Nhân nói về sách, anh nghĩ sao về chương trình tặng 100 triệu cuốn sách cho bạn trẻ của một doanh nghiệp Việt trong thời gian gần đây?

Ca sĩ Thắng Lợi: Tặng sách? Đó là ý tưởng tuyệt vời và văn minh. Người ta chỉ tặng sách cho nhau khi thật sự yêu quý, tôn trọng nhau. Bản thân tôi, mỗi khi nhận được một quyển sách với lời đề tặng cho chính mình, tôi rất xúc động vì biết người tặng đang mong muốn, kỳ vọng và gửi gắm gì ở mình. Đó như một cách thay lời muốn nói và tôi rất trân trọng điều đó. 

Tôi nghĩ, nếu 100 triệu quyển sách ấy được 100 triệu bạn đọc trân trọng đón nhận, thấu hiểu được sự mong mỏi, kỳ vọng của người tặng sách chắc chắn sẽ có sự thay đổi lớn trong nhận thức. 

Tôi hy vọng không chỉ doanh nghiệp ấy mà nên có thêm nhiều tổ chức nữa cùng tham gia, nhân rộng chương trình này.

- Cảm ơn ca sĩ Thắng Lợi.

Một trong những hoạt động cộng đồng nổi bật mà ca sĩ Vũ Thắng Lới đã tham gia trong thời gian qua là chương trình “100 triệu cuốn sách”, trao tặng “Những cuốn sách đổi đời” đến thanh niên Việt Nam. Đến nay, hành trình đã trao tặng hơn 1 triệu cuốn sách, với 5 đầu sách gồm “Nghĩ giàu làm giàu”, “Quốc gia khởi nghiệp”, “Khuyến học”, “Đắc nhân tâm”, “Không có gì là thất bại – Tất cả chỉ là thử thách”...
Mai Anh