Khi thất bại, người Việt hay đổ lỗi cho… số phận

24/06/2013 10:08
Bùi Trí Lâm (HV Báo chí-Tuyên truyền)
(GDVN) - Khi đi xe không chú ý an toàn, vi phạm giao thông đến lúc tai nạn cũng đổ cho số phận. Khi thất bại trong cuộc sống vẫn vỗ ngực mình không kém cỏi mà do số phận long đong, không may mắn như người ta… Tóm lại, số phận đã như thế thì... không thể tránh khỏi.

LTS: Gửi bài viết đến chuyên mục Vì khát vọng Việt, độc giả Bùi Trí Lâm (Học viện Báo chí - Tuyên truyền) đã thẳng thắn vạch trần một trong những điểm yếu nhất của nhiều người Việt hiện nay là không dám thừa nhận thất bại. Chỉ với một nguyên nhân quá quen thuộc và mơ hồ: Tôi thất bại do.. số phận, nhiều người mặc định lấy đó làm tấm bình phong để che giấu sự kém cỏi, yếu đuối của mình.

Báo Giáo dục Việt Nam xin trích đăng nguyên văn bài viết của độc giả Bùi Trí Lâm dưới đây:

Đổ lỗi cho số phận phần đông là những người thất bại
Tín ngưỡng tâm linh vốn đã hình thành lâu đời trong nếp nghĩ và đời sống của người Việt nói riêng và người Phương Đông nói chung. Niềm tin vào thế lực tinh thần đã trở thành chỗ dựa sức mạnh ý chí cho con người bao đời nay. Thế nhưng, đôi lúc niềm tin ấy bị lợi dụng, vô tình biến thành nguồn cơn cho những thất bại, là nơi đổ lỗi mọi sai lầm của con người. Theo đó, ngày càng nhiều người Việt ngày đổ lỗi cho số phận về những thất bại có nguyên nhân chủ quan. Đây là biểu hiện của tinh thần thiếu trách nhiệm với chính mình, là việc không dám nhìn thẳng vào thất bại. Không thẳng thắn với chính mình trong thất bại thì chỉ mãi mãi thất bại.
Phần đông những người hay đổ lỗi cho số phận là những người thất bại. Ảnh minh họa: Internet.
Phần đông những người hay đổ lỗi cho số phận là những người thất bại. Ảnh minh họa: Internet.
Quan niệm về số phận, tâm linh là một phần tất yếu trong cuộc sống. Đây là tín ngưỡng của hầu hết các tôn giáo trên thế giới. Nhưng chính trong giáo lí của mình, quy luật nhân – quả rất được đề cao. Đó không chỉ là vấn đề gắn bó và tương ứng giữa hành động với hậu quả nhận được, suy rộng ra , điều đó có nghĩa là tất cả quá trình làm việc là biểu hiện của thành quả đạt được. Vì lẽ đó, tất nhiênsự thất bại có mối quan hệ biện chứng với quá trình thực hiện. Nguyên nhân chính vẫn xuất phát từ chủ quan mỗi người. Thành công và con đường đời không ai giống ai, đó là tấm gương phản chiếu quá trình phấn đấu. Tất
nhiên có người được nhiều thuận lợi từ bàn đạp khởi nghiệp ban đầu, nhưng nếu không cố gắng thì cũng chỉ về con số không. Mỗi bước đi chỉ có dấu vết của mồ hôi, nỗ lực chứ không hề có cái gọi là số phận- thứ mà nhiều người vẫn lấy ra che đậy cho thất bại của mình. Phần đông những người hay đổ lỗi cho số phận là những người thất bại. Thất bại là gì? Hiểu nôm na là việc không hoàn thành được mục tiêu đề ra, dù việc nhỏ hay lớn. Không ai chịu nhận trách nhiệm đồng nghĩa với việc né tránh nhìn nhận bản chất sự việc. Nếu như thế thì không thể tìm ra được nguyên nhân và con đường giải quyết vấn đề. Trái ngược hoàn toàn với họ là những người dám tự nhìn nhận, tự chịu trách nhiệm về thất bại của mình. Lỗi lầm không phải do số phận, khi đã ý thức được điều đó họ sẽ cố gắng phát huy năng lực và lại gặt hái thành công. Không hiếm những tình huống biểu hiện của thói xấu đổ lỗi cho tâm linh của con người. Thờ cúng là tập tục rất hay, rất nhân văn và giàu tính đạo nghĩa truyền thống nhưng không ít người biến nó thành công cụ cầu tài. Xì xụp khấn vái xin đủ thứ từ nhà lầu xe hơi đến tai ương hoạn nạn và cả con lô, số đề. Khi đi xe không chú ý an toàn, vi phạm giao thông đến lúc tai nạn cũng đổ cho số phận. Khi thất bại trong cuộc sống vẫn vỗ ngực mình không kém cỏi mà do số phận long đong, không may mắn như người ta… Tóm lại, số phận đã như thế thì... không thể tránh khỏi.
Số phận do chính mình tạo ra
Nguyên nhân chỉ là do ý thức, ý chí và cách nhìn nhận, đối diện vấn đề của mỗi người. Cùng trong hoàn cảnh có người vượt lên, có người thất bại, có người đổ lỗi cho chính mình, có người lại đổ lỗi cho người khác, hoặc số phận. Nguyên nhân chủ quan là yếu tố tác động chính, bởi nếu lâm vào hoàn cảnh khó khăn có ý chí vươn lên và cách nhìn tích cực thì cũng  nhanh chóng vượt qua. Nền tảng triết học duy vật không phải tất cả đều hiểu, nhưng triết lí của nó đúng với những ý thức khoa học nhất trong tính cách. Gạt bỏ mê tín dị đoan ra ngoài ý thức hệ của con người, hướng con người đến cuộc sống thực tế nhưng nhân văn, một thực tại hiện hữu với nền tảng khoa học. Điểm chung chính là việc dám sống thật, dám chịu trách nhiêm trước việc làm và thẳng thắn nhìn nhận thất bại của mình. Không ai là không khao khát thành công, nhưng cứ mang nặng tư tưởng như “lụy thần” như vậy thì không thể đi lên được. Có chăng chỉ một chút may mắn nhất thời, và thường những người ấy, khi thành công thì luôn nhận thành tích về mình, còn khi thất bại thì đổ nguyên nhân cho số phận.
Giá như họ dám nhìn thẳng vào bản thân mình, phân tích kĩ lưỡng nguyên nhân và nuôi dưỡng cho mình thêm một ý chí kiên trì, nghị lực thì họ chắc chắn thành công. Thay vì làm điều đó thì họ than thân trách phận, rồi mang tư tưởng đó đến cả thế hệ sau. Tâm linh quá lớn sẽ chuyển dần sang mê tín dị đoan, khi đó rất dễ bị lợi dụng. Vấn đề lòng tin đặt nhầm chỗ thì bao giờ cũng tai hại. Tất nhiên tín ngưỡng tâm linh mang tính hai mặt, luôn luôn song hành tồn tại trong cùng một vấn đề. Tâm linh khác hoàn toàn với thói ném phăng trách nhiệm đang hiện hữu ngày càng nhiều ngày nay. Đôi lúc đó là lời động viên, là chỗ dựa tinh thần đề vươn lên sau khi ngã chứ không phải là sa ngã vào đó. Ý chí không vượt qua được ranh giới chắc chắn sẽ chìm nghỉm dưới thất bại. Tôi tin có số phận, có cơ hội và may mắn nữa. Nhưng, số phận ở tương lai được hình thành do tính cách và hành động của con người trong hiện tại thôi. Một câu nói rất nổi tiếng rằng “Gieo suy nghĩ ta gặt hành động, gieo hành động ta gặt thói quen, gieo thói quen ta gặt tính cách, gieo tính cách ta gặt số phận”. Số phận ở trong tay mình, không thể đổ lỗi cho ai, hay cho yếu tố tâm linh được.
Bùi Trí Lâm (HV Báo chí-Tuyên truyền)