“Kỳ nhân” nông nghiệp đất Hà Thành: Sáng tạo thì không có tuổi...

21/06/2013 13:34
Trần Toản
(GDVN) - Ông được xem là lão “kỹ sư nông dân” với hàng loạt những phát minh sáng chế về nông nghiệp, góp phần tạo công ăn việc làm cho những thanh niên trong làng và đưa những sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp ra thế giới với giải thưởng VIFOTEC tại triển lãm nông nghiệp quốc tế Việt Nam AgroViet 2007.
Ông là Nguyễn Hữu Tùy (70 tuổi), trú tại khu phố Nguyễn Thượng Hiền, thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, TP.Hà Nội.
Sáng tạo thì không có tuổi... Trong cái nắng gay gắt của tiết trời mùa hè, chúng tôi vượt một chặng đường đường dài về thị trấn Vân Đình để “tận mục sở thị” người nông dân được gắn với danh hiệu “kỹ sư nông dân”, “kỹ sư chân đất” Nguyễn Hữu Tùy. Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là vóc dáng chắc nịch, mái tóc điểm bạc và cả phong thái nhanh nhẹn của một người đàn ông năm nay đã 70. Vừa ngồi nhâm nhi ly trà, lão nông Nguyễn Hữu Tùy vừa kể về cuộc đời cũng con đường bén duyên vào nghề (nghề chế tạo máy) của mình. Năm 1972, sau khi học hết lớp 12, ông Tùy đi thi đại học và trúng tuyển vào khoa cơ khí chế tạo, trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội trong niềm vui hân hoan khôn xiết của gia đình, bạn bè và bà con chòm xóm. Sau 6 năm học tập miệt mài, ông Tùy cuối cùng cũng lấy được tấm bằng loại ưu trên tay. Ra trường, ông được nhận vào làm việc tại một công ty cơ khí cơ khí trên phố ở Hà Tây (nay là Hà Nội).
“Kỹ sư nông dân”, “kỹ sư chân đất” Nguyễn Hữu Tùy.
“Kỹ sư nông dân”, “kỹ sư chân đất” Nguyễn Hữu Tùy.
Bước vào nghề cơ khí gần 40 năm, với những kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn tích lũy được, đến năm 2002, ông Tùy quyết định thành lập doanh nghiệp tư nhân cơ khí nông nghiệp mang tên ông với số vốn ban đầu lên đến hơn 1 tỷ đồng.
Nói về xuất phát ý tưởng thành lập xưởng cơ khí của mình, ông Tùy chia sẻ: “Khi còn công tác, trong những ngày cuối tuần về thăm nhà, tôi đi trên con đường làng và bắt gặp cảnh bà con nông dân cấy gặt, gieo trồng cây vụ đông theo phương pháp hoàn toàn thủ công bằng chân tay là chính, tốn kém rất nhiều về các chi phí như thời gian, nhân công mà năng suất lại rất thấp. Vì vậy, về nhà nhiều đêm, tôi trăn trởvà đi đến quyết định mở xưởng cơ khí chuyên sản xuất các máy phục vụ nông nghiệp tại quê nhà". Trải qua thời gian, bằng sự cần cù, thông minh, sáng tạo và quyết tâm của mình, ông Tùy đã thành công bước đầu với chiếc máy gieo trồng đậu tương 8HD2L. “Sau nhiều đêm trường suy nghĩ, cuối cùng tôi cũng vẽ ra được hình thù cỗ máy. Nhưng tự mình thì không thể chế tạo được. Ngày đó, kinh tế còn khó khăn, tôi năn nỉ với vợ bán ba chỉ vàng đi để thuê thợ về làm. Sau cả tháng trời làm việc không biết mệt mỏi, chiếc máy đầu tiên cũng được ra đời. Tuy nhiên, ban đầu nó khá cồng kềnh. Đến khi mang ra đồng đất gieo thử lần đầu tiên thì hạt bị vỡ, không đều, không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Sau lần thử nghiệm thất bại, hết sạch tiền mua vật liệu, gia đình lại túng quá, tôi bàn với vợ đưa “sổ đỏ” lên ngân hàng thế chấp, lấy tiền nghiên cứu tiếp. Cầm quyển sổ chứng nhận quyền sử dụng đất trên tay ra ngân hàng mà lòng tôi rối bời”, ông Tùy nhớ lại. Khi đã có tiền trong tay, ông cùng mấy người thợ lại tháo máy ra nghiên cứu và làm lại. Cứ thế, trong vòng nửa tháng trời tháo ra làm lại không dưới 7 lần, cuối cùng chiếc máy 8HD2L hoàn chỉnh cũng ra đời. Theo ông Tùy cho biết, chiếc máy 8HD2L thực hiện gieo hạt đậu tương trên đất hai lúa (đất canh tác hai vụ lúa và một vụ mùa). Máy có thể thực hiện liên hoàn trong một công đoạn: gieo hạt, phạt rạ, phủ hạt giữ độ ẩm cho hạt nảy mầm. Năng suất của chiếc máy gieo hạt đậu tương này khá cao đến 3,5ha (tương đương khoảng 10 mẫu Bắc Bộ) trong một ngày lao động. Chiếc máy gieo hạt đậu tương của ông đã được trao giải thưởng VIFOTEC, tham gia triển lãm nông nghiệp quốc tế Việt Nam AgroViet 2007. Anh Nguyễn Văn Hoàng, một người khách quê ở huyện Phú Xuyên (Hà Nội) hồ hởi cho biết: “Sau khi nghe thông tin từ phương tiện truyền thông đại chúng và sự giới thiệu của người quen đã từng mua máy tại cơ sở ông Tùy nên đã mách địa chỉ cho tôi, nên gia đình tôi đã bàn bạc với mấy anh em trong nhà gom góp tiền mua chung một chiếc máy về để phục vụ cho gia đình và người dân trong vùng đợt gieo trồng cây vụ đông sắp tới".
Xưởng sản xuất của lão nông Nguyễn Hữu Tùy.
Xưởng sản xuất của lão nông Nguyễn Hữu Tùy.
Thành công không dừng lại ở đó, bên cạnh chiếc máy gieo hạt đậu tương 8HD2L, lão “Kỹ sư nông dân” còn cải tiến hàng loạt những cỗ máy dùng trong sản xuất nông nghiệp như: cày 4 lưỡi CT4 × 25 làm việc liên hợp với các loại máy kéo bốn bánh công suất từ 22 đến 30 HP (mã lực), cày 6 lưỡi CT6 × 25 làm việc liên hợp với các máy kéo bốn bánh có công suất từ 50 đến 80 HP giúp cày, lồng nhanh, nhừ ruộng; máy xạ lúa 12 ống làm việc liên hợp với máy kéo tay D8 có thể gieo vãi lúa với công suất 1 ha (tương đương với khoảng 3 mẫu Bắc Bộ) một giờ, bằng năng suất của 5 nhân công. Ông Tùy cũng cải tiến máy gieo hạt 8HD2L thành chiếc máy gieo rạch hàng 8RĐK có bánh đè cho phép máy có thể gieo hạt trên các chân ruông khô hoặc trên các địa hình tương đối dốc ở các xã, huyện cao nguyên và trung du.
Chữ tín cao hơn núi
Nói về xưởng cơ khí của mình, ông Tùy tâm sự: “Thời gian đầu, xưởng cơ khí của gia đình ông hoạt động vô cùng khó khăn do thiếu thốn đủ bề như thiếu vốn, nhân công, kỹ thuật… Nhưng với sự nỗ lực và đồng lòng của mọi người từ gia đình đến thợ nên liên tục trong nhiều năm xưởng cơ khí của ông hoạt động tạo công ăn việc làm ổn định cho gần 20 thợ với mức lương ổn định từ 2,5 – 3 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu năm sau luôn cao hơn năm trước. Đặc biệt có những dịp cao điểm với nhiều đơn đặt hàng, xưởng của ông hoạt động từ sáng sớm đến tận gần 10 giờ đêm với số lượng nhân công lên tới gần 40 người. Sản phẩm của ông đã được đông đảo người dân khắp nơi chấp nhận. Có nhiều khách hàng ở các huyện lân cận như Phú Xuyên, Thạch Thất, Thường Tín, Ba Vì….; thậm chí có những khách hàng ở tận các tỉnh như Phú Thọ, Ninh Bình, Nam Định, Hải Dương…. lặn lội tìm đến tận nơi xưởng của ông để đặt sản phẩm.  Ông luôn quan niệm “chữ tín  còn cao hơn núi".
Trong nhiều năm xưởng cơ khí của ông hoạt động tạo công ăn việc làm ổn định cho gần 20 thợ với mức lương ổn định từ 2,5 – 3 triệu đồng/người/tháng.
Trong nhiều năm xưởng cơ khí của ông hoạt động tạo công ăn việc làm ổn định cho gần 20 thợ với mức lương ổn định từ 2,5 – 3 triệu đồng/người/tháng.
Anh Trần Văn Chung (22 tuổi ), thợ cơ khí tại xưởng ông Tùy tâm sự: “Sau khi học hết lớp 12, tôi đi thi đại học nhưng không đỗ đạt nên đành về quê. Đang trong lúc chán nản vì không có công việc làm thì cha mẹ tôi nghe hàng xóm mách nhà kỹ sư Tùy có xưởng cơ khí đang tuyển lao động nên cha mẹ tôi đưa tôi đến xin việc. Hiện nay tôi đã làm việc tại xưởng với thời gian đã 3 năm với mức lương 2,9 triệu đồng/tháng. Tôi rất cảm ơn ông Tùy đã giúp tôi có công việc ổn định như ngày hôm nay”. Với ông Tùy, mỗi cỗ máy như một đứa con sáng tạo, ông luôn dày công nghiên cứu, chế tạo để nó đi vào thực tiễn sản xuất một cách hiệu quả nhất: “Nghề cơ khí là cơ bản, nền tảng giúp tạo ra các sản phẩm mới. Nhưng sự sáng tạo mới là điều quan trọng. Tất cả, nó ăn sâu vào máu rồi. Mỗi lần có ý tưởng gì mới là lao vào làm. Nhiều lần vợ con cứ cản nhưng tôi vẫn cứ quyết chỉ làm bằng được. Cuối cùng cũng đạt được thành quả”. Với những đóng góp của mình, hiện nay ông Nguyễn Hữu Tùy đã được trao tặng nhiều giải thưởng cao quý của các cấp bộ ngành: Bằng khen của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trung ương Nội Nông dân Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Bằng khen Hội cơ khí nông nghiệp Việt Nam,…. Hàng xóm với ông Tùy cũng thấy hãnh diện và tự hào vì làng có một người kỹ sư giỏi và có tâm như ông. Ông Lê Văn An (62 tuổi), hàng xóm với ông Tùy, cho biết: “Xưởng của ông Tùy luôn nhận được những đơn đặt hàng từ các nơi, tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều thanh niên trong vùng. Ông Tùy cũng chính là tấm gương sáng tạo không ngừng cho thế hệ trẻ địa phương. Tôi hy vọng từ việc làm ăn phát đạt của xưởng chế tạo nhà ông Tùy mà sẽ khích lệ và nhân rộng cho các hộ dân khác trong địa phương đang ấp ủ giấc mơ làm giàu".
- Một số thông số kỹ thuật của máy gieo hạt đậu tương 8HD2L: Rộng 2,1m; Năng suất gieo 0,4 ha/giờ; chi phí nhiên liệu 2,5 lit Diezel/ha; Mật độ gieo 2,8 đến 5Kg/ sào Bắc Bộ; Máy làm việc liên hoàn trong một công đoạn  gieo hạt, phạt rạ, phủ hạt và giữ độ ẩm cho hạt nảy mầm.
 
- Một số thông số kỹ thuật của máy gieo hạt rạch  hàng 4RĐK: Bề rộng làm việc: 1,15m; 4 hàng gieo, hàng cách hàng 0,28m. Năng suất gieo: 0,12 ha/giờ. Chi phí nhiên liệu: 5,2 lit Diezel/ha. Mật độ gieo: 2,8 đến 5 kg/1 sào Bắc Bộ. Điều chỉnh mật độ gieo của từng loại giống theo từng mùa vụ. Máy làm việc gieo trên đất khô ở đồng bằng, cao nguyên và trung du có độ dốc cho phép. Máy làm việc liên hoàn một công đoạn: Rạch hàng, gieo hạt, phay đất phủ hạt giữ độ ẩm cho hạt nảy mầm
Trần Toản