Nhà nghiên cứu văn hóa nổi tiếng bàn về lòng tham của người Việt

22/05/2013 06:39
Thu Hòe
(GDVN) - Đã có 1 thì muốn có 2, có 2 thì muốn có 20, khi có 20 thì muốn có 200… Lòng tham ấy, đam mê ấy như 1 thứ ma túy. Thứ ma túy ấy vượt lên trên cái đạo đức, trên cả đồng loại để con người đứng sang một chiến tuyến khác đối lập với nhân dân, dùng nhân dân làm vật nuôi cho chính lòng tham của mình…
Hành vi của những người trong loạt phóng sự thực tế “Tính xấu của người Việt” khiến nhiều người đặt câu hỏi, liệu sự tham lam có phải tính cách căn cốt của người Việt? Nó có từ bao giờ, do đâu mà có, sẽ để lại những hậu quả như thế nào với xã hội… và sẽ hạn chế sự phát triển của đất nước ra sao? Tiếp tục đi tìm lời giải đáp cho những câu hỏi trên, Báo Giáo dục Việt Nam đã nhận được những chia sẻ thú vị và sắc sảo của GS. TS, Nhà Nghiên cứu Văn hóa Trần Lâm Biền về vấn đề này.
GS. TS, nhà Nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền (Ảnh Thu Hòe)
GS. TS, nhà Nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền (Ảnh Thu Hòe)
Không phải người Việt nào cũng có một căn tính tốt đẹp… “Tôi nhớ một câu chuyện kể xảy đến vào thời Pháp thuộc khi chưa có chiến tranh. Có một vị thần xuất hiện, đi xe kéo nhưng lại không có tiền trả cho phu xe. Vị thần đó mới hẹn người phu kéo xe hôm sau, đúng giờ này đến đúng điểm hẹn để nhận tiền công. Ngày hôm sau, người phu kéo xe đến điểm hẹn đúng giờ nhưng chờ mãi không thấy vị thần xuất hiện. Đúng lúc đó, người phu kéo xe nhìn thấy 1 người Tây đánh rơi tiền trên đường. Người phu xe nhặt đồng tiền đánh rơi ấy và coi đó là tiền thần linh trả công cho mình… Hiện tượng nhặt được của rơi không trả lại bấy lâu nay đã được ẩn núp dưới góc độ tâm linh ít nhiều và được lí giải khác nhau, thậm chí còn được coi là sự phân phối lại của xã hội. Trả lại của rơi là văn minh của phương Tây và cũng là một đức tính tốt đẹp của người Việt Nam. Tuy nhiên, không phải người Việt nào cũng có cái căn tính tốt đẹp ấy…”, GS. TS, Nhà Nghiên cứu Văn hóa Trần Lâm Biền mở đầu những chia sẻ của mình. Theo GS. Nguyễn Lâm Biền, quan điểm sự phân phối lại được đưa ra nhằm giải thích và ngụy biện cho một mặt nào đó về tính tham của con người. Với những người giàu có, khá giả hoặc tương đối khá giả nhặt được của rơi không trả lại thì lòng tham được quy kết nặng nề hơn rất nhiều. Với những người lao động nghèo khổ, họ lại mặc nhiên nghĩ những người đánh rơi ví, đánh rơi tiền là những người giàu có hơn họ. Hiện tượng trả lại chỉ là hãn hữu.
Lí giải vì sao có sự hãn hữu này, GS. Trần Lâm Biền nói: “Sự “đôi co” trong tâm hồn con người thời nay ít lắm! Đầu óc của con người thời nay toàn lao lên trên phía trước để kiếm tiền. Họ không còn có đủ sức để tĩnh tâm mà suy ngẫm về lẽ đạo, lẽ đời. Có chăng, họ có chút “đôi co” nhưng không phải là sự đấu tranh, sự dằn vặt về tâm linh cũng càng không phải là sự đôi co dằn vặt bởi một giá trị đạo đức, quan điểm sống, truyền thống nào đó. Những lúc tĩnh tâm, họ sẽ suy nghĩ đến nhưng cái nhận thức về sức mạnh đồng tiền mạnh hơn là suy nghĩ về đạo đức.”Lòng tham của người Việt bắt nguồn trong lịch sử Theo GS. TS, Nhà nghiên cứu Văn hóa Trần Lâm Biền, lòng tham của người Việt có căn nguyên sâu xa và được bắt nguồn từ chính trong trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm nay của dân tộc. Ông phân tích: “Ở thời Lý và thời Trần nhất là dưới những triều đại sau đó, nền kinh tế lúc trồi lúc sụt. Cuối thời Trần, xã hội đầy rẫy sự nhiễu nhương. Sự nhiễu nhương ấy bắt nguồn từ điều kiện sống, lệ thuộc vào năng suất của lúa gạo. Chẳng hạn, lúa gạo làm ra đủ nuôi thừa thãi số lượng người thì tự nhiên xã hội bình ổn và ngược lại. Sự bất ổn đỉnh cao ấy diễn ra vào thời Lê sơ, tức cuối thế kỉ XV. Số đinh toàn quốc chưa đến 5 triệu song vẫn cứ đói. Năng suất lúa trung bình 1 tấn/ha. Nạn bùng nổ dân số xuất hiện. Bùng nổ dân số ở ta có đặc điểm: Tiến lên phía Bắc thì vướng tay đế quốc khổng lồ Hàn; đi sang phía tây thì vướng dãy Trường Sơn không mở được ruộng đất; đi ra biển xa thì gặp giặc Trà Và; đi vào phía Nam thì gặp đất đai cằn cỗi… Người Việt lúc bấy giờ “lúng búng” ở Châu thổ Bắc bộ dẫn đến tình trạng vừa liên minh đoàn kết với nhau kèm theo đó là sự đấu tranh để sinh tồn. Từ nền kinh tế tiểu nông “chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa” cộng với cái hoàn cảnh đã làm nảy sinh cái tính “tự kỉ trung tâm”, lấy mình làm nhân chứng sống, lo cho mình nhiều hơn lo cho người. Đó là cái bệ đỡ cho bao tính nông dân hiện nay vẫn còn ảnh hướng đến chúng ta. Và có lẽ nó còn ảnh hưởng đến rất nhiều người dù không chịu nhận mình là nông dân. Đó là “ghen ăn tức ở, nói xấu sau lưng, thọc gậy bánh xe, ném đá giấu tay… và lòng tham” GS Biền cũng nhấn mạnh rằng: “Tính tham là bản chất của con người, không chừa một ai nhưng tính tham được nâng lên hay không và được duy trì, ngấm ngầm bảo hộ hay không lại phụ thuộc vào điều kiện sống của con người. Chính cái điều kiện sống từ thế kỉ XV khi ruộng đất có hạn nhưng con người ngày càng đông đã xuất hiện “tính vị kỉ” rất nặng. Đó là cái bệ đỡ làm cho sự vị kỉ tồn tại cho đến ngày nay. Và chính hiện tượng “cơi nới” ăn sâu vào người nông dân Việt Nam từ ngàn đời nay, luôn thích ruộng đất của mình được mở rộng, ngày càng nhiều là nguyên nhân của lòng tham…” Cũng theo quan điểm của GS. Trần Lâm Biền, người Việt Nam biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Chúng ta luôn có những kêu gọi yêu thương “lá lành đùm lá rách”, kêu gọi đoàn kết... Thế nhưng, sự kêu gọi thương yêu, đoàn kết ấy đang bị một số bộ phận ngay cả những người tu hành xem nhẹ, quên trách nhiệm với đời. Ở thời chống Pháp, chống Mỹ, con người khổ cực, ăn đói mặc rách, chịu đựng sinh li tử biệt…, nhưng vẫn đoàn kết, yêu thương nhau. Thời bao cấp hàng tuần vẫn họp khu phố nhưng thời nay hàng năm, mấy năm có bao giờ họp khu phố để giáo dục đạo đức quần chúng nhân dân? Đã để cho con người có sự tự do quá mức về tư tưởng và không giáo dục thì những tật xấu còn xảy ra dài dài…
Hình ảnh người lái xe ôm ở bến xe Mỹ Đình nhặt được 30 nghìn đồng, ngay lập tức đi mua nước ngọt và nhất quyết không trả lại người đánh rơi tiền khi họ quay lại hỏi.
Hình ảnh người lái xe ôm ở bến xe Mỹ Đình nhặt được 30 nghìn đồng, ngay lập tức đi mua nước ngọt và nhất quyết không trả lại người đánh rơi tiền khi họ quay lại hỏi.
Cần phải mở lại đạo đức giáo khoa thư để dạy cho trẻ con GS. Trần Lâm Biền khẳng định, lòng tham là bản tính của con người nhưng có thể trung hòa và khắc chế được. Để khắc chế lòng tham của con người phải xem trọng giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường và tiến hành giáo dục xã hội. “Giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường vẫn là chưa đủ. Bây giờ là phải giáo dục xã hội. Chúng ta có thể hy sinh một vài thế hệ nhưng nhất định phải giáo dục trẻ con. Phải bảo cho nó biết thương người như thế thương thân. Người đầu tiên nó phải thương kính là bố mẹ. Không có tình thương, con người sẽ không có đạo đức. Trong thời chiến, con người tự nguyện đoàn kết, hội tâm để thoát kiếp nô lệ. Trong xã hội ngày nay, con người đấu tranh vì quyền lợi. Đấu tranh đòi quyền lợi mà không có nền tảng đạo đức thì con người sẽ đi đến chỗ tha hóa. Đó là quy luật chung. Trong sự tha hóa đó, đừng nhìn những cái vặt vãnh thấy của rơi không trả lại để đánh giá. Đó chỉ là một hiện tượng, một cái biểu hiện rất nhỏ để nói về một vấn đề rất lớn đằng sau. Cần phải mở lại đạo đức giáo khoa thư để dạy cho trẻ con. Nếu không có giáo dục đạo đức một cách bình thường, gắn với truyền thống thì con người cuối cùng mang những tính xấu của một thứ xúc vật cao cấp mà thôi. Thương người, yêu quý từ bố mẹ trở đi tổ tiên đều dạy cả rồi. Nay ta không dạy trẻ thì trẻ không biết, không biết thì không thể hiện…”, GS Trần Lâm Biền nói.Lòng tham giống như… ma túy Trước câu hỏi, lòng tham gắn với bộ phận quan chức sẽ để lại những hậu quả khôn lường như thế nào cho xã hội, GS. TS, Nhà nghiên cứ Văn học Trần Lâm Biền cho biết: “Hạnh phúc là con người biết cho nhiều hơn là hưởng. Hưởng và cho phải biết cân đối. Nay con người chỉ biết hưởng sẽ rơi vào vòng bẫy của cá nhân chủ nghĩa. Đã có 1 thì muốn có 2, có 2 thì muốn có 20, khi có 20 thì muốn có 200… Đam mê ấy như một thứ ma túy. Thứ ma túy ấy vượt lên trên đạo đức, trên cả đồng loại để con người đứng sang một khía cạnh khác, một chiến tuyến khác đối lập với nhân dân, dùng nhân dân làm vật nuôi cho chính lòng tham của mình. Lòng tham ấy vượt ra ngoài đạo đức. Tham nhũng không chỉ là đỉnh cao của lòng tham mà còn là tội lỗi. Tội lỗi ấy phải bị trừng trị. Lòng tham đến một giới hạn còn có thể chấp nhận được nhưng khi lòng tham vượt qua ngưỡng cho phép, đi đến tham nhũng, tàn bạo, giết người... Tôi gọi họ là những con người phản động.” “Bất cứ con đường nào cũng nảy sinh những khủng hoảng phát triển. Khi kinh tế ở một mức nhất định, kéo theo dân trí cao hơn để đi đến “phú quý sinh lễ nghĩa” chứ không phải “no cơm ấm cật, giậm giật chân tay” như hiện nay. Đến lúc sinh lễ nghĩa, lễ nghĩa sẽ chi phối tâm hồn con người song chúng ta phải chấp nhận cái khủng hoảng phát triển trong cái thời kì đang đi lên. Đó là cái tất yếu…”, GS. Trần Lâm Biền nhấn mạnh thêm.
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Thu Hòe