5 sự kiện nóng nhất trong tuần

12/07/2015 12:49
Diệu Linh (Tổng hợp)
(GDVN) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Obama; Vụ thảm sát kinh hoàng tại Bình Phước; Một phụ nữ gãy xương vai vì va trạm với máy xúc...

Cuộc hội đàm lịch sử giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Obama

Nhận lời mời của Chính phủ Hoa Kỳ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm chính thức nước này từ ngày 6 – 10/7. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc hội đàm lịch sử với Tổng thống Obama tại Phòng Bầu Dục của Nhà Trắng, nơi chỉ dành để đón tiếp các nguyên thủ quốc gia cấp cao nhất.

Điều khá thú vị là cuộc hội đàm dự kiến diễn ra 45 phút, nhưng đã kéo dài tới 90 phút, trong không khí rất cởi mở của đôi bên. Tổng thống Obama nói rõ rằng, Hoa Kỳ luôn coi trọng sự hợp tác với Việt Nam và đánh giá cao vai trò của Việt Nam tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào sáng 7/7 theo giờ địa phương (tức tối 7/7 giờ Việt Nam), tại phòng Bầu dục ở Nhà Trắng. ảnh: Trí Dũng/TTXVN.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào sáng 7/7 theo giờ địa phương (tức tối 7/7 giờ Việt Nam), tại phòng Bầu dục ở Nhà Trắng. ảnh: Trí Dũng/TTXVN.

Sau cuộc hội đàm, hai nước đã ra tuyên bố chung, trong đó khẳng định tiếp tục thúc đẩy hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực như: Kinh tế, Giáo dục, xử lý hậu quả của chiến tranh (bao gồm cả tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh, tẩy rửa chất độc điôxin, rà phá vật liệu nổ)…

Việt Nam và Hoa Kỳ cũng tái khẳng định tiếp tục hợp tác song phương trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, như đã được đề cập trong Tuyên bố Tầm nhìn chung về Quan hệ Quốc phòng Việt Nam-Hoa Kỳ.

Hai nước nhấn mạnh cam kết phối hợp trong nhiều lĩnh vực, trong đó có việc xử lý các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, hợp tác an ninh hàng hải, nhận thức trong lĩnh vực hàng hải, thương mại quốc phòng và chia sẻ thông tin, tìm kiếm và cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa và trao đổi công nghệ quốc phòng.

Vụ giết người tàn độc trong đêm tại Bình Phước

Đêm ngày 6/7, tại xã Tân Hưng, huyện Chơn Thành, Tỉnh Bình Phước xảy ra vụ giết người tàn độc. 6 người giết chết ngay tại chỗ gồm có: Ông Lê Văn Mỹ, Nguyễn Lê Thị Ánh Nga (SN 1973, vợ ông Mỹ), Lê Quốc Anh (SN 2000, con ông Mỹ), Dư Ngọc Tố Như (SN 1997, cháu của ông Mỹ), Lê Ánh Linh và Dư Minh Vỹ (cháu ông Mỹ).

Sau khi vụ việc xảy ra, Bộ trưởng Bộ Công an – Đại tướng Trần Đại Quang đã lập tức xuống hiện trường, động viên gia đình và chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ tập trung nhanh chóng phá án. Đến ngày 10/7 lực lượng công an đã bắt giữ Nguyễn Hải Dương (24 tuổi) và Vũ Văn Tiến (24 tuổi).

Dương bị bắt khi đang có mặt tại đám tang của các thành viên trong gia đình của ông Lê Văn Mỹ, còn Vũ Văn Tiến bị bắt khi đang ở trong phòng trọ số 5 thuộc xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TP.HCM lúc 18h cùng ngày.

Kẻ mất nhân tính Nguyễn Hải Dương đã ra tay tàn độc với gia đình ông Lê Văn Mỹ.
Kẻ mất nhân tính Nguyễn Hải Dương đã ra tay tàn độc với gia đình ông Lê Văn Mỹ.

Qua thông tin khai thác ban đầu, Nguyễn Hải Dương là kẻ đã ra tay sát hại 6 mạng người trong gia đình ông Mỹ, còn Vũ Văn Tiến đóng vai trò là kẻ giúp sức.

Nguyễn Hải Dương và Lê Thị Ánh Linh (con gái của ông Mỹ) đã có mối quan hệ tình cảm từ nhiều năm nay, tuy nhiên gần đây do gia đình phản đối nên Linh chủ động chia tay với Dương.

Từ tháng 4/2015, Dương đã nảy sinh ý định sẽ giết Linh và cả gia đình ông Mỹ để trả thù, cướp tài sản vì biết gia đình của ông Mỹ rất giàu. Dương đã mua 2 khẩu súng, 1 dao Thái Lan và 1 sim điện thoại rác, 1 dao bấm, găng tay, khẩu trang…

Ngày 6/7, Dương hẹn Vũ Văn Tiến đi uống café để bàn ý định cướp của giết người tại nhà ông Mỹ. Để đột nhập được vào nhà ông Mỹ, Dương đã gọi cháu Dư Minh Vỹ (cháu ông Mỹ) xuống mở cửa và hứa sẽ có quà, tặng tiền cho Vỹ.

Khi Vỹ vừa mở cửa xong, Dương và Tiến đã khống chế, trói cháu Vỹ lại, rồi giết ngay tại chỗ. Sau đó, hai đối tượng đi lên lầu, đi từng phòng, trói và giết toàn bộ các thành viên còn lại trong gia đình ông Mỹ (5 người).

Giết xong toàn bộ số người trong gia đình ông Mỹ, Dương và Tiến đã cướp đi 4 triệu đồng, 5 cái điện thoại di động, 1 máy tính bảng rồi ra về.

Căn cứ hiện trường để lại, công an khẳng định năm người bị chết do đối tượng Dương dùng vật sắc nhọn đâm. Riêng bà Nga là do đối tượng Tiến dùng dao Thái Lan đâm. Dương dùng vật sắc nhọn đâm vào cổ các nạn nhân, chứ không cắt cổ. Trước đó, Tiến dùng dây siết cổ nạn nhân.

Về bé Gia Linh (18 tháng), Thượng tướng Lê Quý Vương – Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: “Trước khi đối tượng Dương và đối tượng Tiến đột nhập vào nhà, trong gia đình đang có bảy người. Cháu bé 18 tháng tuổi đang ngủ rất say. Khi gây án xong, xuống tầng 1 thì Dương, Tiến mới phát hiện cháu bé khóc. Có lẽ đối tượng có lòng trắc ẩn. Dương còn dỗ bé không khóc nữa. Có lẽ vì thương cháu bé nên Dương tha cho bé. Khi lấy lời khai, Dương cũng nói rất ăn năn hối hận và nói không nỡ lòng giết cháu bé”.

Hai kẻ thủ ác đã bị truy tố tội giết người, cướp tài sản. Dư luận đang chờ đợi cơ quan tố tụng sớm hoàn tất hồ sơ đưa ra xét xử nghiêm minh Dương và Tiến.

1 phụ nữ nhập viện vì va trạm với máy xúc

Ngày 10/7 trong lúc xe máy xúc từ cổng Khu Công nghiệp Cẩm Điền – Lương Điền (thuộc huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) tiến vào khu tập kết máy móc thì bị hơn 100 người dân vây quanh phản đối.

Theo tin của Công an huyện Cẩm Giàng, trong lúc xô xát, bà Lê Thị Châm (SN 1962) bị gầu máy xúc va vào người, làm gãy xương vai, được đưa vào điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương.

Hình ảnh một người dân nằm dưới xe ủi được đưa trên clip là cắt ghép?
Hình ảnh một người dân nằm dưới xe ủi được đưa trên clip là cắt ghép?

Người công nhân lái máy xúc cũng bị đánh trọng thương và được đưa vào điều trị tại Viện quân y 7 tại tỉnh Hải Dương.

Thời điểm này, trên mạng internet phát tán clip “Máy xúc cán chết người ở Cẩm Giàng – Hải Dương”, trong đó có cảnh một người phụ nữ mặc áo tối màu bị chiếc xe xúc chèn qua nửa người. Tuy nhiên, Công an huyện Cẩm Giàng đã bác bỏ thông tin này và cho rằng qua khám nghiệm hiện trường thì bà Châm không bị xe xúc cán lên người, vì nếu bị cán thì bà Châm không thể sống được.

Ngày 11/7 trên mạng internet tiếp tục tung tin bà Lê Thị Châm đã chết. Tuy nhiên, qua trao đổi với Báo Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Hồng Khiêm – Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giảng cho biết, đây là thông tin bịa đặt. Bà Châm chỉ bị gãy xương vai, nhưng do bị bệnh tiểu đường nên gia đình có nguyện vọng xin chuyển lên tuyến trên điều trị. Toàn bộ chi phí ban đầu do chủ đầu tư Khu công nghiệp Cẩm Điền – Lương Điền hỗ trợ.

Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương – ông Nguyễn Mạnh Hiển cũng đã chỉ đạo Công an tỉnh Hải Dương khẩn trương điều tra, nếu xét thấy cần thiết phải khởi tố vụ án, xử lý theo quy định của pháp luật.

Sập giàn giáo, 3 người chết, 4 người bị thương

Khoảng 6h30 ngày 10/7, giàn giáo công trình xây dựng khu phức hợp tòa nhà văn phòng Nam Sài Gòn (17 tầng) tại số 1058 đường Nguyễn Văn Linh (Phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM) bị  sập khiến 3 người tử vong. Theo thông tin từ cảnh sát phòng cháy chữa cháy, đã có hai người chết trong vụ sập giàn giáo này. Hai nạn nhân là Dương Văn Nghĩa và Nguyễn Cao Kỳ (sinh năm 1962), Đặng Văn Hai (59 tuổi).

Vụ sập giàn giáo tòa nhà văn phòng Nam Sài Gòn khiến 3 người chết. ảnh: Báo Lao động.
Vụ sập giàn giáo tòa nhà văn phòng Nam Sài Gòn khiến 3 người chết. ảnh: Báo Lao động.

Ngoài ra có thêm 4 người bị thương được đưa đi cấp cứu gồm: Lê Ngọc Mai, Đoàn Hồng Công, Nguyễn Thị Thúy, Lê Văn Nhựt. Trong số 4 trường hợp nói trên, ông Lê Ngọc Mai bị nặng nhất, vì khi ngã xuống bị một cây sắt xuyên qua bụng. Ông Mao đã được làm phẫu thuật và đang trong thời gian theo dõi đặc biệt.

Ngày 11/7, UBND phường Tân Phong đã ra quyết định đình chỉ thi công công trình tòa nhà; các cơ quan chức năng đang điều tra, kiểm định để xác định nguyên nhân của vụ sập giàn giáo tại công trình.

Một số giả thuyết đã được đưa ra như: Tại thời điểm giàn giáo đổ, bêtông tươi mới vừa đổ lên chưa đông cứng, chưa đạt cường độ chịu lực nên toàn bộ trọng lực của công trình sẽ do giàn giáo đảm nhận. Lúc này giàn giáo không đảm bảo, gây sập công trình. Như vậy, có thể đây là lỗi của đơn vị thi công chứ không phải do thiết kế. Giàn giáo này được dựng từ đêm hôm trước và đã hứng chịu một trận mưa rất lớn.

Sau vụ tai nạn, UBND quận 7 và các đoàn thể đã đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ mỗi gia đình người bị thương 5 triệu đồng/người, mỗi gia đình có người mất 10 triệu đồng/người.

Đơn vị thi công công trình là Công ty CP Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình hỗ trợ mỗi nạn nhân bị thương nhẹ 10 triệu đồng, bị thương nặng 20 triệu đồng/người và lo toàn bộ chi phí mai táng cho các nạn nhân bị tử vong.

Một phụ nữ mất mạng vì tai nạn tàu hỏa

Sáng sớm ngày 12/7, trên tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua địa bàn quận Thủ Đức, TPHCM xảy ra vụ tai nạn đường sắt khiến một phụ nữ chết tại chỗ.

Vụ tai nạn khiến bà Phạm Thị Hòe chết tại chỗ. ảnh: Dân trí.
Vụ tai nạn khiến bà Phạm Thị Hòe chết tại chỗ. ảnh: Dân trí.

Theo thông tin ban đầu khoảng hơn 5h sáng cùng ngày, bà Phạm Thị Hoè (61 tuổi, quê tỉnh Hải Dương, ở trọ trên địa bàn phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) ra khu vực ao nước sát đường tàu lửa Bắc - Nam (đoạn thuộc Km7415+700, khu vực gian Sóng Thần đến Bình Triệu, phường Hiệp Bình Chánh) để cắt rau muống đem ra chợ Hiệp Bình bán.

Do ngồi sát đường ray, bà Hòe bị đoàn tàu từ Hà Nội vào ga Sài Gòn hất văng ra xa khiến bà này chết tại chỗ. Ngay khi xảy ra tai nạn, lái tàu đã dừng lại để lập biên bản sự việc rồi bàn giao lại cho công an địa phương xử lý và tiếp tục đưa hành khách về ga Sài Gòn.

Diệu Linh (Tổng hợp)