5 tiêu chuẩn quan trọng để lựa chọn Đại biểu Quốc hội

19/05/2016 07:11
Ngọc Quang
(GDVN) - Ông Vũ Mão – nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội mách nước chọn đại biểu xứng đáng với niềm tin của nhân dân.

Còn 3 ngày nữa, nhân dân cả nước sẽ bước vào ngày hội non sông – bầu Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Vậy cử tri làm thế nào để chọn được đại biểu thực sự xứng đáng để trao gửi niềm tin?

Ông Vũ Mão – nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chia sẻ Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Mão chia sẻ, trong thực tiễn cử tri tham gia bầu cử Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp thường đòi hỏi những tiêu chuẩn và tiêu chí rất cụ thể của các ứng cử viên.

Do đó, ở các cuộc tiếp xúc với cử tri nhiều ứng cử viên cũng phân tích rõ những ý kiến về tiêu chuẩn và cụ thể là họ trình bày tương đối rõ ràng trong các chương trình hành động.

Tuy nhiên, phải có những tiêu chuẩn rất cụ thể của đại biểu thì cử tri mới dễ dàng nhận biết và từ đó bầu ra những người xứng đáng đại diện cho mình ở các cơ quan quyền lực nhà nước.

Theo ông Vũ Mão, cử tri có thể lấy 5 tiêu chí sau đây để đánh giá, bầu Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp:

Thứ nhất là trung thành với Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa, trung thành với Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vẫn còn chung chung. Vì thế nên cần phải cụ thể hóa cho rõ ràng hơn.

Thứ hai, có phẩm chất đạo đức tốt thì cần nêu rõ hơn đạo đức tốt là như thế nào? Ví dụ như không tham nhũng, luôn luôn rèn luyện bản thân đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực.

Thứ ba là phải có năng lực để thực hiện nhiệm vụ của đại biểu cũng cần được làm rõ năng lực là như thế nào? Lâu nay có xu hướng chạy theo bằng cấp, học hàm học vị. Thực ra bằng cấp cũng cần phải có ở mức độ nhất định, nhưng nếu nhấn mạnh quá thì sẽ trở thành hình thức, không thực chất.

Ông Vũ Mão nhận định, gần dân, sát dân là một trong những tiêu chí vô cùng quan trọng. ảnh: Ngọc Quang.
Ông Vũ Mão nhận định, gần dân, sát dân là một trong những tiêu chí vô cùng quan trọng. ảnh: Ngọc Quang.

Thứ 4 là có liên hệ mật thiết với quần chúng, lắng nghe ý kiến của nhân dân, kịp thời phản ánh với các cấp có thẩm quyền để giải quyết kiến nghị của nhân dân.

Tiêu chuẩn này cũng còn chung chung nên rất khó đánh giá, tôi đề nghị cần nêu rõ một Đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân trong một năm phải tiếp xúc với cử tri ở cơ sở bao nhiêu lần? Thời lượng tiếp xúc là bao nhiêu? Quy trình giải quyết kiến nghị của cử tri như thế nào?

Lâu nay, việc giải quyết những kiến nghị của cử tri còn rất hạn chế, không đi đến cùng cho nên cử tri không thỏa mãn, rồi đại biểu cũng ngại tiếp xúc với cử tri ở lần sau. Vì thế, tôi đề nghị phải có những quy định rất cụ thể về vấn đề này.

Thứ năm là đại biểu phải có điều kiện để tham gia hoạt động ở Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Cần phải làm rõ điều kiện đây là thế nào? Trên thực tế các đại biểu còn thiếu rất nhiều điều kiện để làm tròn trách nhiệm của mình.

Do vậy, phải quy định rõ Đại biểu Quốc hội phải nỗ lực làm tròn trách nhiệm đại biểu, nhưng đồng thời các cơ quan hữu quan cũng phải có cơ chế để giúp cho đại biểu làm tròn trách nhiệm của mình.

Nếu làm được như vậy thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cử tri chọn được người xứng đáng nhất để bầu vào các cơ quan quyền lực nhất.

Bài học từ cuộc Tổng tuyển cử 1946

Có một vấn đề đặt ra là làm thế nào để người dân trực tiếp thực hiện quyền bầu cử, không thờ ơ, không còn tình trạng bầu thay?

Ông Vũ Mão cho rằng, đây là vấn đề cần phải có tổng kết, phân tích một các sâu sắc để tìm ra nguyên nhân và giải pháp để khắc phục.

“Cuộc Tổng tuyển cử năm 1946, nhân dân hồ hởi đi bầu và không có hiện tượng bầu hộ, bầu thay, sở dĩ như vậy là vì nhân dân thấy rõ quyền lợi của mình được sống trong một nước độc lập tự do.

5 tiêu chuẩn quan trọng để lựa chọn Đại biểu Quốc hội ảnh 2

Ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác bầu cử

Đi bầu là khẳng định lòng yêu nước, là khẳng định sự ủng hộ đối với nền độc lập của dân tộc, ủng hộ đối với chính thể mới Việt Nam dân chủ cộng hòa, là ủng hộ vị lãnh tụ kính yêu Hồ Chí Minh.

Công tác chỉ đạo, tuyên truyền bầu cử rất tốt, những lời kêu gọi thống thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi vào lòng người.

Cuộc tổng tuyển cử đã động viên được nhân dân đi bầu và động viên được nhiều người có tài, có đức ra ứng cử.

Tôi nhớ lại khi đó tôi mới có 7 tuổi tham gia đội nhi đồng Mai Hắc Đế ở khu Lò Đúc, Hà Nội, đội của chúng tôi trong suốt 1 tuần lễ chuẩn bị bầu cử đã đi cổ động với đội Trống ếch của mình và hát vang những bài ca cách mạng.

Việc làm ấy làm sôi động cả đường phố và người dân rất chăm chu theo dõi và hưởng ứng.

Nhưng hiện nay cũng có hạn chế nhất định, các phương tiện thông tin tuyên tuyền rất nhiều nhưng hoạt động còn chưa sâu. Đặc biệt hình thức các tuyên truyền viên đến tận từng nhà dân để tuyên truyền là rất ít, hoạt động của thanh niên, của phụ nữ, của các thiếu nhi để cổ động cho ngày bầu cử cũng chưa thật đầy đủ”, ông Mão chia sẻ.

Trước thực tế này, cần làm gì để tạo động lực cho cử tri tham gia bầu cử đầy đủ, thể hiện đúng trách nhiệm với đất nước?

Từ kinh nghiệm nhiều năm công tác tại Hội đồng bầu cử quốc gia, Quốc hội, ông Vũ Mão nêu ba vấn đề quan trọng tạo động lực để cử tri tham gia bầu cử đầy đủ:

Một là, cơ quan quyền lực phải thực sự làm đúng trách nhiệm của mình như Hiến pháp và các văn bản pháp luật quy định.

Vừa qua, Hội đồng nhân dân đã bộc lộ nhiều hạn chế, và cần có những quy định mới rất cụ thể quyền hạn và điều kiện hoạt động, hướng đến mục tiêu cuối cùng là phải thực sự vì quyền lợi của dân, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Hai là, các đại biểu dân cử phải là những người gương mẫu, trong sáng nhất và dám thẳng thắn nói lên những nguyện vọng của nhân dân

Phải nghiên cứu để tìm ra những nguyên nhân của những sai phạm mà cử tri kiến nghị để phản ánh, đòi hỏi các cơ quan có trách nhiệm giải quyết. Đại biểu của dân phải đi đến cùng trong những công việc này.

Ba là, đại biểu của dân thì phải gần dân, thường xuyên đến với dân để lắng nghe những tâm tư, thắc mắc và nguyện vọng của dân.

Ngọc Quang