90-90-90: Mục tiêu đầy tham vọng!

23/12/2015 14:17
THỤY MIÊN
(GDVN) - Việt Nam đang nỗ lực hướng tới mục tiêu 90-90-90. Đây là mục tiêu đầy tham vọng, nhưng chúng ta có thể thực hiện được.

LTS: PGS.TS Bùi Đức Dương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã khẳng định những nỗ lực để có thể đạt được mục tiêu 90-90-90 trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, khi trao đổi với phóng viên về việc thực hiện mục tiêu Việt Nam đã cam kết với Liên Hợp Quốc.

Xin Phó Cục trưởng cho biết tầm quan trọng của mục tiêu 90-90-90 đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam?

PGS.TS Bùi Đức Dương: Việt Nam đã trở thành quốc gia đầu tiên ở khu vực châu Á cam kết hưởng ứng mục tiêu 90-90-90 do Liên Hợp Quốc phát động nhằm hướng tới việc kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Theo đó, đến năm 2020 Việt Nam phấn đấu 90% số người biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV liên tục và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp và ổn định.

Đối với Việt Nam, đây là những mục tiêu hết sức quan trọng. Khi chúng ta đạt được mục tiêu 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình thì có nghĩa là công tác giám sát và xét nghiệm đã được làm rất tốt. Từ kết quả này, những người phát hiện nhiễm HIV sẽ được tiếp cận với quản các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị.

Về mục tiêu 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục, mục tiêu này không những giúp chúng ta làm tốt công tác điều trị sớm, chăm sóc sức khỏe cho người nhiễm HIV mà còn giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho cộng đồng và giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Trường hợp 90% người điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp và ổn định có nghĩa là tải lượng virus HIV ở mức thấp dưới ngưỡng phát hiện. Đây là chỉ báo quan trọng đánh giá chất lượng điều trị cũng như sự tuân thủ điều trị tốt của bệnh nhân.

Vậy nếu chúng ta đạt được mục tiêu 90 - 90 - 90 thì chúng ta có thể phát hiện được hầu hết những người nhiễm HIV trong cộng đồng; điều trị được hầu hết những người nhiễm HIV với kết quả điều trị tốt, giảm tối đa khả năng lây nhiễm HIV cho người khác, giúp người nhiễm HIV có cuộc sống khỏe mạnh và tiến tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.

Thưa Phó Cục trưởng, hiện chúng ta đang gặp những khó khăn gì khi thực hiện cam kết 90-90-90?

PGS.TS Bùi Đức Dương: Các chỉ tiêu hiện tại còn khá xa so với mục tiêu đã cam kết. Với mục tiêu 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV thì chúng ta đã đạt được khoảng 78%. Vì dịchHIV/AIDS ở nước ta chủ yếu nằm trong nhóm nguy cơ cao, do đó làm thế nào để phát hiện được 90% những người nhiễm HIV trong quần thể này là một bài toán, trong khi ước tính của quần thể này là khoảng 500.000 người.

Bên cạnh đó, đối tượng nguy cơ cao phân bổ không đồng đều ở các tỉnh, thành, vùng miền và các khu việc địa lý. Trong thời gian tới, chúng ta chú trọng vào 3 đối tượng nguy cơ cao nhất là người nghiện chích ma túy, gái mại dâm và nam tình dục đồng giới.

Theo số liệu thống kê, người nghiện chích ma túy ở thời điểm hiện tại là 172.000 người, phụ nữ bán dâm hiện là 27.000 người, tuy nhiên con số thực có thể còn cao hơn nhiều so với con số được thống kê. Tỷ lệ nam tình dục đồng giới phát hiện nhiễm HIV hiện cao hơn so với số phụ nữ bán dâm được phát hiện. Nhiều người trong 3 nhóm đối tượng nguy cơ cao trên do sợ bị phân biệt đối xử, kỳ thị nên đã không dám tiết lộ giới tính thật của mình. Vì vậy, để có thể tiếp cận được hết các đối tượng nguy cơ cao là thách thức không nhỏ đối với mục tiêu này.

Đối với mục tiêu 90% người nhiễm HIV được điều trị ARV thì chúng ta mới chỉ đạt khoảng 45%. Hiện nay khoảng 227.000 người nhiễm HIV được phát hiện trên toàn quốc, như vậy còn rất nhiều người nhiễm HIV đang cần được chăm sóc, điều trị. Do đó, bên cạnh việc can thiệp, chúng ta phải làm sao để có thể kết nối điều trị và tiến hành điều trị càng sớm càng tốt cho những người nhiễm.

Về mục tiêu 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp và ổn định, chúng ta chưa có điều kiện tổ chức xét nghiệm được tải lượng virus một cách thường quy trong thời gian qua nên chưa có số liệu chính xác. Điều này đòi hỏi cần sự cam kết, nỗ lực và mạnh mẽ hơn nữa của cộng đồng trong việc nâng cao nhận thức về phòng, chống HIV/AIDS và cần phải có những điều chỉnh thích hợp với tình hình mới.

Theo ông cần phải thực hiện những giải pháp gì để giải quyết những khó khăn trên?

PGS.TS Bùi Đức Dương: Để tiến tới đạt được các mục tiêu đã cam kết, Cục phòng, chống HIV/AIDS đã phối hợp lựa chọn 5 tỉnh triển khai thí điểm kế hoạch 90-90-90 từ năm 2015 đến 2017. 5 tỉnh bao gồm: Điện Biên, Sơn La, Nghệ An, Thanh Hóa và TP.HCM. Sau khi có kết quả tốt từ 5 tỉnh, kế hoạch sẽ được nhân rộng ra các tỉnh khác. Bên cạnh việc triển khai kế hoạch, các tỉnh vẫn cần tiếp tục triển khai các hoạt động khác như truyền thông, can thiệp… để phòng chống HIV/AIDS có hiệu quả.

Đối với các UBND, HĐND, cấp ủy Đảng các tuyến không triển khai thí điểm mục tiêu 90-90-90 cần ban hành các quyết định, văn bản hướng dẫn, chỉ thị nhằm: Đưa việc thực hiện kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS hướng đến đạt mục tiêu 90-90-90 vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tại địa phương; tăng cường sự phối hợp giữa ngành y tế với các liên ngành quan trọng trong việc triển khai các can thiệp nhằm hướng tới mục tiêu; lập kế hoạch bố trí nguồn tài chính địa phương trong việc tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống HIV/AIDS các tuyến.

Các Sở Y tế đầu mối cần phối hợp thực hiện việc kiện toàn hệ thống phòng, chống HIV/AIDS các tuyến để tăng cường việc tiếp cận với quần thể nguy cơ cao nhiễm HIV và người nhiễm. Đồng thời, mở rộng lồng/ghép hệ thống cung cấp dịch vụ xét nghiệm, điều trị và dự phòng nhiễm HIV vào mạng lưới y tế cơ sở để tiếp cận được với bảo hiểm y tế…

PGS.TS Bùi Đức Dương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS.
PGS.TS Bùi Đức Dương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS.

Bên cạnh đó, các địa phương cần xác định tập trung can thiệp và chỉ tiêu mỗi “90” cho từng huyện; xác định biện pháp cần làm để đạt được các chỉ tiêu 90-90-90 như cách thức thực hiện, kết nối điều trị như thế nào, làm sao để bệnh nhân duy trì điều trị và theo dõi chặt chẽ các chỉ tiêu của mỗi mục tiêu “90”.

Ngoài ra, cần đổi mới công tác truyền thông thay đổi hành vi bằng cách thực hiện các hình thức truyền thông trực tiếp, truyền thông nhóm nhỏ; kết hợp các hoạt động truyền thông trong khi cung cấp dịch vụ, tập trung vào lợi ích của các biện pháp can thiệp dự phòng, lợi ích của việc xét nghiệm HIV và điều trị sớm ARV. Đặc biệt, nhấn mạnh thông điệp điều trị ARV kết hợp với các biện pháp dự phòng khác như Methadone, bơm kim tiêm, bao cao su là biện pháp dự phòng hiệu quả nhất.

Đối với biện pháp can thiệp, cần tập trung vào 3 đối tượng đích chính, người nghiện chích ma túy, mại dâm và nam quan hệ đồng giới. Tổ chức xét nghiệm HIV định kỳ cho 3 đối tượng trên, 2 lần/năm đối với người nghiện chích ma túy và 1 lần/năm đối với nam có quan hệ đồng giới và phụ nữ mại dâm.

Chúng ta không nhất thiết sử dụng mô hình cố định mà nên xét nghiệm theo nhiều mô hình khác nhau để có thể phát hiện được những người nhiễm HIV trong nhóm nguy cơ cao. Chẳng hạn như các biện pháp xét nghiệm nên tổ chức tại các cơ sở y tế, tụ điểm tập trung và tại các câu lạc bộ nam quan hệ đồng tính…

Các biện pháp xét nghiệm cũng cần phải được lựa chọn, sử dụng test nhanh, sàng lọc… để giảm tải những đầu tư không đáng có. Đồng thời, phải nhanh chóng có kết quả sớm để có thể giúp người bệnh được tiếp cận điều trị nhanh nhất có thể.

Trong năm 2016, Cục phòng, chống HIV/AIDS sẽ thí điểm phương pháp tự xét nghiệm, lấy mẫu máu ở ngón tay để tự xét nghiệm, từng bước sử dụng những biện pháp tự xét nghiệm cho người bệnh.

Để tăng cường bệnh nhân được điều trị ARV, chúng ta phải tăng cường thu nhận bệnh nhân. Ưu tiên điều trị càng nhiều càng tốt và càng sớm càng tốt. Tăng số lượng bệnh nhân điều trị mới. Giảm lượng thuốc uống trong ngày, chuyển sang công thức 1viên/ngày để bệnh nhân dễ dung nạp, dễ sử dụng, giảm khả năng kháng thuốc và bỏ điều trị.

Điều trị cho những đối tượng được ưu tiên như: điều trị ngay cho những trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm HIV, trường hợp người nhiễm HIV ở khu vực vùng sâu vùng xa, những người lây nhiễm rủi ro do nghề nghiệp…để tránh nguy cơ lây nhiễm HIV ra cộng đồng. Tuy nhiên, chúng ta cần bảo đảm chất lượng, giá thành hợp lý đối với chăm sóc và điều trị vì nếu chúng ta chỉ quan tâm đến việc tăng tốc mà không bảo đảm chất lượng thì vô cùng nguy hiểm.

Đối với mục tiêu 3, chúng ta cần phấn đấu 100% bệnh nhân điều trị được theo dõi để có thể bảo đảm đạt được mục tiêu này.

Để có thể thực hiện được, cần kiện toàn hệ thống y tế, tích cực truyền thông bảo hiểm y tế, thông qua hệ thống này để quản lý người bệnh; phối hợp chặt chẽ với các hệ thống tư nhân và các tổ chức dân sự xã hội để dễ dàng quản lý, tiếp cận với những người nhiễm HIV và nguy cơ cao lây nhiễm.Tuy nhiên, bệnh nhân cũng cần phải tuân thủ quy trình điều trị, tái khám định kỳ đúng hẹn.

Cuối cùng, cần tăng cường sự chỉ đạo của nhà nước và đầu tư trong nước. Mục tiêu 90-90-90 không chỉ là con số chúng ta cần đạt được mà còn mang tính kinh tế, đạo đức, nhân văn.

Trong thời gian qua, đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, chúng ta đã cứu 400.000 không bị nhiễm HIV, 150.000 người không bị chết do bệnh AIDS. Vì vậy, đạt được mục tiêu 90-90-90 có nghĩa là chúng ta đạt được kết quả kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030. Đây cũng là hiệu quả về kinh tế và sẽ là gia sản để lại cho thế hệ sau.

Trân trọng cảm ơn Phó Cục trưởng!

THỤY MIÊN